Tôi xây dựng công ty triệu đô trong 7 năm

06/05/2020 23:47

Tôi khởi nghiệp kinh doanh với 25 triệu đồng, chỉ đủ mua một chiếc máy tính và làm thủ tục doanh nghiệp, không văn phòng, không máy fax.

Đây là câu chuyện thật mà tôi muốn chia sẻ cho các bạn trẻ từng mở công ty thất bại, hoặc là chưa thành công. Tôi không phải nhà đào tạo, không phải viết bài để khoe, mà tôi thấy nhiều bạn trẻ khởi nghiệp kinh doanh riêng thất bại trong vòng 5 năm đầu tiên. Thật sự là điều đáng tiếc vì mất đi thời gian, chi phí cơ hội, vốn liếng và cả động lực.

Tôi sinh ra ở Bắc Ninh, nhưng đến năm học cấp hai tôi theo cha vào Đồng Nai làm kinh tế mới đầu thập niên 1990. Cả 4 năm cấp hai tôi toàn thi lại và lớp 9 thì rớt, tôi học "giỏi" như vậy đó. Ba năm cấp 3 tôi đã thay đổi, tôi đều là học sinh tiên tiến, nhưng thi vào Đại học An ninh lại trượt. Năm sau tôi thi lại và đỗ khoa môi trường của ĐH Bách khoa TP HCM.

Điều tôi muốn chia sẻ ở đây là không phải ai khi ngồi trên ghế nhà trường học giỏi sau này đều thành công về tài chính. Quan điểm này rất không đúng, cũng chỉ có 20% là thành công, số còn lại thì không như họ muốn. Do đó, nếu bạn học không giỏi, không có nghĩa bạn sẽ nghèo và chấp nhận số phận, việc của bạn là phải thay đổi bản thân mình.

Tôi học Khoa Môi trường, với ngành quản lý môi trường, không liên quan tới kỹ thuật, tất cả là quản lý rừng, biển, nước thải, chất thải... Ấy vậy mà khi ra trường tôi làm được có 8 tháng, sau đó xin qua làm nhân viên kinh doanh mảng điện tự động hóa và thiết bị quan trắc tự động.

Một thằng học quản lý biết gì về điện đâu. Sau hai tháng thử việc, người khách hàng tôi gặp đầu tiên đuổi cổ tôi về do hỏi gì tôi cũng không biết, vì anh ấy là dân điện tự động xịn. Sau đó, tôi quyết tâm học, đọc, tìm hiểu và đi cùng các anh chị đi trước để học từng bước một, không hiếu thắng, không vội vàng. Và tất nhiên, tôi không từ bỏ và làm nhân viên kinh doanh mảng này được hai năm.

Bài học ở đây cho các bạn trẻ là nếu yêu nghề kinh doanh thì không được từ bỏ, không quan trọng bạn bán cái gì? Mà bạn bán chính mình, bán thứ khách hàng cần, nếu vậy bạn phải thật giỏi và trở thành chuyên gia trong lĩnh vực bạn đang làm.

Sau khi tôi nghỉ việc ở công ty thiết bị tự động hóa và ra làm công ty riêng. Lúc đó vào 10/2010, trong tay có 25 triệu đồng, tôi mua máy tính và số tiền còn lại để làm thủ tục làm doanh nghiệp.

Bắt đầu cuộc hành trình mới. Tôi không có tiền thuê văn phòng, cũng chẳng có tiền mua máy fax, cũng chả có ai làm chung với tôi cả. Hai tháng đầu tiên vật vờ, bơ vơ, mệt mỏi...vì không có đơn hàng nào cả. Cũng thật may mắn sau đó tôi có đơn hàng nhỏ lẻ từ từ. Đủ nuôi cái miệng và trả tiền trọ. Mọi thứ liên quan tới in báo giá, hợp đồng, fax tôi đều nhờ người yêu và giờ là bà xã của tôi.

Sản phẩm lúc này vẫn là sản phẩm thiết bị ngày xưa lúc tôi còn làm nhân viên kinh doanh. Tôi lấy và bán lại. Nhưng thực sự rất cạnh tranh và mình không giỏi kỹ thuật, nếu đấu về giá thì tôi sẽ có lợi nhuận thấp, rất thấp... Tôi mất ngủ nhiều tháng, suy nghĩ rất nhiều về công ty, sau 6 tháng vẫn một mình.

Rồi tôi nghĩ nếu đấu về giá, đối thủ không có lợi, mình cũng không lợi... Như vậy là mình đi phá thị trường, cách làm này không ổn.

Khi không có gì đừng sĩ diện, đừng dao to búa lớn. Có nghĩa là đừng có hoành tráng như đi vay tiền để mua cơ sơ vật chất ban đầu như: Thuê văn phòng xịn hàng mấy chục triệu mỗi tháng.

Đừng thuê nhân viên khi bản thân chưa bán được sản phẩm/ dịch vụ cho ai cả, cũng đừng đầu tư bàn ghế mới, hãy mua bàn ghế cũ còn xài tốt để tiết kiệm chi phí đầu tư ban đầu... Giai đoạn này là giai đoạn sinh tồn, là giai đoạn trồng cây, chớ nên hút máu mình ra uống.

Mặt khác, không nên làm sản phẩm giống như công ty cũ làm, nếu có làm chọn một thị trường ngách khác để làm. Chớ có đối đầu, lấy khách hàng của công ty cũ. Như vậy mất tình, mất nhiều hơn được và các bạn nếu không giỏi lĩnh vực đó thì càng không nên kinh doanh, bản thân tôi không giỏi nên tôi rút lui sau 6-7 tháng.

Sau 3 tháng tôi tìm một sản phẩm mới, một lĩnh vực mới, một thị trường mới và một đối tượng khách hàng mới... Cuối cùng ông trời không phụ công người. Sản phẩm này đã theo tôi và tôi theo nó cho tới tận bây giờ, gần 10 năm gắn bó và nó đã cho tôi tự do tài chính. Tôi rất biết ơn và hạnh phúc.

Cuối năm 2011, tôi thấy nhiều nhà máy quan tâm tới việc tiết kiêm năng lượng. Tôi kiếm tất cả các sản phẩm và dịch vụ liên quan để phân tích. Cuối cùng tôi đã chọn sản phẩm đèn chiếu sáng T5 (không phải đèn led, lúc đó đèn led chưa phổ biến vì giá cao). Tất nhiên 2 năm đầu chỉ trồng cây thôi, chủ yếu marketing và đi gặp khách hàng, chứ chưa bán buôn gì mấy. Nhưng đỉnh điểm năm 2014-2016 công ty đem về doanh thu trên dưới 25 tỷ.

Bài học ở đây là quyết tâm tìm sản phẩm mà thị trường đang thiếu, tức là tìm ra nhu cầu của thị trường, họ đang cần gì? Và khách hàng mục tiêu của sản phẩm mình kinh doanh là ai? Ai sẽ là người mình phải tiếp cận? Khách hàng được lợi gì khi dùng sản phẩm của mình.

Các bạn phải thật sự ngồi phân tích rất rất là kỹ... Nói thật lúc đó tôi chưa có bài bản gì đâu, cũng gà vịt lắm. Tìm hiểu không bài bản, nhưng được cái khá kỹ, vì mất mấy tháng mới chính thức triển khai.

Và cuối cùng tôi cứ tiếp tục con đường kinh doanh chiếu sáng và giờ tôi trở thành chuyên gia, vừa bán hàng vừa quản lý công ty cùng bà xã, nhân sự công ty tôi không nhiều, nhưng hiệu suất khá cao. Nếu lấy doanh thu/ số nhân sự toàn công ty thì khoảng 2-3 tỷ /người.

Sau hơn 12 năm kinh doanh và hơn 10 năm kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp, tôi thấy rất nhiều bạn trẻ khao khát khởi nghiệp. Phần lớn các bạn trẻ đều lập nghiệp từ hai bàn tay trắng và vay mượn cha mẹ, anh em bạn bè một số tiền để kinh doanh, với tinh thần rất mạnh mẽ, khao khát và mong muốn mình trở nên giàu có và thành công.

Tuy nhiên, hầu hết các bạn trẻ thất bại tới 95% trong vòng 1-2 năm đầu tiên và tiếp tục phá sản trong 3 năm tiếp theo với số lượng rất lớn.

Câu hỏi đặt ra là tại sao mình lại thất bại, tại sao mình lại không giúp được công ty tồn tại? Tại sao mình kinh doanh không có lãi, tại sao mình không có khách hàng? Tại sao khách hàng bỏ mình đi và đến chỗ khác? Tại sao bạn mình thành công mà mình thất bại? Chẳng lẽ nó gặp may hơn mình? Và có rất nhiều câu hỏi khác nhau cứ nảy ra trong đầu của các bạn.

Rồi các bạn lại làm lại và lại thất bại...rồi các bạn nghi ngờ năng lực của mình sau đó từ bỏ quay về con đường làm thuê, chỉ một ít số bạn sẽ quay lại tiếp tục mở công ty kinh doanh. Điều đó thật là đáng tiếc phải không?

Để thành công trên con đường kinh doanh bằng cách mở doanh nghiệp không phải là con đường dễ dàng. Nếu bạn kinh doanh bằng chính thực lực, bằng chính chất xám, bằng chính sự nỗ lực không ngừng học hỏi, mà không phải là cha mẹ để lại hoặc bằng mối quan hệ "con ông cháu cha" thì con đường này có khó khăn hơn nhiều.

Kết câu chuyện này, tôi chỉ mong muốn chia sẻ lại kinh nghiệm bản thân tôi, tôi muốn các bạn: kiên trì, học hỏi liên tục, thay đổi và hãy sống tốt theo các quy luật (nhân quả, cho nhận, luôn biết ơn và biết yêu thương, dục tốc bất đạt, không làm bất chấp vi phạm pháp luật và đạo đức để có được đồng tiền).

Nguyễn Xuân Dũng

Theo Vnexpress

Bạn đang đọc bài viết "Tôi xây dựng công ty triệu đô trong 7 năm" tại chuyên mục Chuyện thương trường.