Sau 8 tháng bị đình chỉ chức vụ vì bị cho là liên quan đến thương vụ mua 3.000 bộ linh kiện ô tô trị giá khoảng 1.600 tỷ đồng, mới đây ông Trần Ngọc Hà đã chính thức bị HĐQT VEAM ra quyết định bãi nhiệm Tổng giám đốc. Dù vậy, ông Hà vẫn khẳng định đủ căn cứ chứng minh không sai phạm mà chỉ mắc “thiếu sót về thủ tục hành chính”, thậm chí là còn làm lợi tới 66 tỷ đồng cho VEAM.
Ngày 1/4/2019, Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam – CTCP (VEAM Corp – mã VEA) công bố thông tin trên Cổng thông tin điện tử của Uỷ ban chứng khoán Nhà nước cho hay, Hội đồng quản trị VEAM đã chính thức ban hành nghị quyết ngày 29/3/2019 về việc bãi nhiệm chức danh Tổng giám đốc đối với ông Trần Ngọc Hà.
Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh VEAM đang bị rơi vào trường hợp rất hi hữu là cùng lúc có 2 tổng giám đốc sau khi ông Trần Ngọc Hà bị đình chỉ chức danh Tổng giám đốc VEAM để tập trung vào công tác thu hồi công nợ và công tác bán hành với lô hàng sản xuất từ lô 3.000 bộ linh kiện Hyundai.
Quyết định bãi chức Tổng giám đốc VEAM đối với ông Trần Ngọc Hà không nêu lý do cụ thể (Trong ảnh: Nhà máy VEAM tại Thanh Hóa). |
Ông Trần Ngọc Hà sinh năm 1964 và gắn bó với VEAM trong 30 năm từ những vị trí kỹ sư, chuyên viên phòng thị trường và trải qua nhiều chức vụ từ trưởng phòng thị trường kinh doanh đến Phó Tổng giám đốc rồi Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐTV, Bí thư Đảng uỷ cơ quan, Thành viên HĐQT, Tổng giám đốc…
Hồi tháng 8 năm ngoái, ông này bị đình chỉ chức danh Tổng giám đốc VEAM do liên quan tới việc cuối năm 2017 đã tự quyết định và giao Giám đốc Nhà máy ô tô VEAM mua 3.000 bộ linh kiện ô tô trị giá khoảng 1.600 tỷ đồng mà không thông qua HĐQT. Mặc dù trong thông báo chính thức của VEAM cũng như nội dung nghị quyết không nêu lý do ông Trần Ngọc Hà bị bãi chức, nhưng khả năng lớn có liên quan tới sự việc này.
Tuy nhiên, cho đến nay, ông Hà vẫn đấu tranh, cho biết có đủ căn cứ chứng minh không mắc những sai phạm mà Bộ Công Thương đã đánh giá trước đó. Cụ thể, vào thời điểm ký hợp đồng năm 2017, tổng tài sản của VEAM là trên 17.000 tỷ đồng, căn cứ vào Luật doanh nghiệp và Điều lệ VEAM, Tổng giám đốc được ký các hợp đồng liên quan đến việc sản xuất kinh doanh hàng ngày của Tổng công ty ở dưới mức 25% x 17.000 tỷ = 4.250 tỷ đồng không cần phải có quyết định của Hội đồng quản trị.
Do đó, việc ông Hà lúc đó với cương vị Tổng giám đốc đã đồng ý để Nhà máy ô tô VEAM ký hợp đồng mua 3.000 bộ linh kiện Hyundai có trị giá 1.600 tỷ đồng dưới mức 4.250 tỷ đồng là hoàn “toàn thuộc thẩm quyền” của Tổng giám đốc. Mặt khác việc mua lô hàng chỉ phải đặt cọc 5% còn 95% là mua nợ trả dần theo kế hoạch bán hàng trong năm 2018 nên chủ yếu không dùng vốn của tổng công ty này và khả năng mang lại lợi nhuận cao.
Thực tế, đến đầu năm nay VEAM đã hoàn thành toàn bộ việc tiêu thụ lô 3.000 xe Hyundai và lợi ích kinh tế khá lớn. Cụ thể, giá vốn của 3.000 xe này là 1.544,3 tỷ đồng song đã bán thu được 1.762,6 tỷ đồng, lợi nhuận thuần tạm tính mang về cho VEAM xấp xỉ 66 tỷ đồng.
Ông Hà chỉ thừa nhận là “có thiếu sót về thủ tục hành chính” khi ký hợp đồng lô hàng nói trên đã không thể hiện ý kiến hay ủy quyền bằng văn bản và theo đó chỉ “xin được nghiêm túc rút kinh nghiệm”.
Báo cáo của ông Trần Ngọc Hà gửi Ban cán sự đảng Bộ Công Thương sau 4 tháng bị tạm đình chỉ chức vụ Tổng Giám đốc để tập trung vào công tác được giao cũng cho thấy, từ 8/8-31/12/2018 đã thu hồi được trên 116,9 tỷ đồng công nợ cho VEAM.
Tuy nhiên, nhiệm vụ này không tránh khỏi nhiều thách thức, nhất là với một số khoản công nợ lớn: khoản nợ 327,6 tỷ đồng của Công ty Matexim phát sinh từ năm 2011 trở về trước; khoảng nợ 215,8 tỷ đồng của Công ty Matexim Hải Phòng phát sinh từ 2010 trở về trước và khoản nợ 219,6 tỷ đồng của Công ty Vetranco phát sinh từ 2013 trở về trước. Đây đều là những khoản nợ phát sinh trước thời điểm ông Trần Ngọc Hà làm Tổng giám đốc VEAM (năm 2015).
Chỉ 1 ngày trước khi bị bãi nhiệm chức danh Tổng Giám đốc (28/3), ông Trần Ngọc Hà trên cương vị Bí thư đã ký báo cáo của Đảng uỷ cơ quan gửi Ban cán sự đảng Bộ Công Thương phản ánh, tại VEAM đang có những vấn đề “không thống nhất”, đặc biệt là khi giữa Chủ tịch HĐQT và những người đại diện khác tại doanh nghiệp chưa nhận được ý kiến chỉ đạo thống nhất mà vẫn đưa ra trong HĐQT để thông qua các nghị quyết là vi phạm quyết định 4676 của Bộ Công Thương.
Báo cáo này cũng trình bày rằng, kể từ khi ông Hà bị tạm dừng điều hành thì các nghị quyết, quyết định về công tác tổ chức, cán bộ do HĐQT và Quyền Tổng giám đốc ban hành đều không lấy ý kiến của Đảng uỷ cơ quan. Điều này là vi phạm công tác Đảng trong doanh nghiệp có vốn Nhà nước chi phối. Hiện ở VEAM, Bộ Công Thương đại diện cổ đông Nhà nước đang sở hữu 88,47% vốn.
Sau khi bị bãi nhiệm chức vụ Tổng giám đốc, ông Trần Ngọc Hà vẫn là Thành viên HĐQT, Bí thư đảng uỷ cơ quan của VEAM.
(Tiêu đề do Pháp luật Plus đặt lại)
Mai Chi - Theo Dân trí