Ông Trump vừa chia sẻ trên trang Twitter cá nhân: “Kim Jong Un và tôi sẽ rất cố gắng để đạt được phi hạt nhân hóa và sau đó đưa Triều Tiên thành một thế lực kinh tế. Tôi tin rằng Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ rất hữu ích!”.
Đây không phải là lần đầu tiên Tổng thống Trump bày tỏ tham vọng này.
Không lâu trước khi thông báo sắp lên đường tới Hà Nội dự Hội nghị thượng đỉnh với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un, ông chủ Nhà Trắng cũng từng dành những lời có cánh cho phía Triều Tiên về tiềm năng phát triển một nền kinh tế lớn mạnh.
Ông Trump từng bày tỏ niềm tin rằng: "Triều Tiên dưới sự lãnh đạo của ông Kim Jong Un sẽ phát triển kinh tế mạnh mẽ". Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh: "Chủ tịch Kim sẽ biết rõ hơn ai hết và sự thật là đất nước của ông ấy có lẽ đã sớm trở thành một nền kinh tế lớn trên thế giới, nếu không vì vũ khí hạt nhân".
Trong bài phát biểu vào ngày 15/2 tại Nhà Trắng, ông Trump nói: "Chúng tôi tin rằng ông Kim có tiềm năng lớn trở thành một thế lực kinh tế, thậm chí cường quốc kinh tế. Vị trí giao thoa giữa Hàn Quốc, Nga và Trung Quốc là một lợi thế tuyệt vời, và họ có cơ hội trở nên thực sự thịnh vượng trong tương lai".
"Ông ấy có thể khiến nhiều người ngạc nhiên, nhưng tôi sẽ không ngạc nhiên. Vì tôi đã biết và hoàn toàn hiểu được năng lực của ông ấy. Triều Tiên sẽ trở thành một loại tên lửa khác - tên lửa kinh tế!", tổng thống Trump đánh giá.
Có lẽ theo ông, hình ảnh mà Triều Tiên phù hợp nhất để phát triển không phải là tên lửa hạt nhân – thứ vũ khí hủy diệt hàng loạt, mà là một tên lửa kinh tế.
Cũng trong bình luận trên Twitter, Tổng thống Trump đã từng dành lời khen ngợi cho Trung Quốc vì nước này tham gia hỗ trợ quá trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
"Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ủng hộ nhiệt liệt cuộc gặp giữa tôi với ông Kim Jong Un. Vũ khí hạt nhân quy mô lớn ở ngay sát biên giới là điều mà Trung Quốc không bao giờ muốn thấy. Các lệnh trừng phạt ở biên giới do Nga và Trung Quốc thực hiện rất hiệu quả. Tôi có mối quan hệ tuyệt vời với Chủ tịch Kim", ông Trump viết trên trang Twitter cá nhân.
Ông chủ Nhà Trắng từng nhiều lần đề cập tới lợi ích kinh tế chờ đón Triều Tiên nếu hai nước đạt thỏa thuận hòa bình. Phía Washington sẽ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và thực hiện các cam kết an ninh với Bình Nhưỡng.
Ông Trump và ông Kim gặp nhau lần đầu tiên tại Hội nghị thượng đỉnh Singapore vào tháng 6 năm 2018. Triều Tiên cũng đã dừng thử vũ khí hạt nhân sau đó. Tuy nhiên mối quan hệ giữa hai quốc gia lại rơi vào bế tắc khi không đạt được tiến bộ đáng kể trong đàm phán phi hạt nhân hóa, do bất đồng trong cách hiểu về khái niệm này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hy vọng Hội nghị thượng đỉnh lần hai sẽ giúp hai nước xóa bỏ các bất đồng và đạt được bước tiến cụ thể.