Theo cập nhật bảng xếp hạng các tỷ phú thế giới của tạp chí Forbes ngày 3/3/2018, Jeff Bezos - người sáng lập kiêm giám đốc điều hành của hãng bán lẻ trực tuyến Amazon của Mỹ - Jeff Bezos đang là tỷ phú giàu nhất thế giới với khối tài sản 124,3 triệu USD. Doanh nhân 54 tuổi này cũng là tỷ phú giàu nhất trong lịch sử thế giới. Kỷ lục tài sản trước đó thuộc về người sáng lập hãng công nghệ Microsoft - tỷ phú Bill Gates với 100 tỷ USD trong năm 1999.
Bill Gates hiện đang sở hữu khối tài sản trị giá 90,8 tỷ USD và người giàu thứ hai thế giới sau Jeff Bezos.
Ngoài việc sáng lập nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất nước Mỹ Amazon, Jeff Bezos còn là chủ tờ báo The Washington Post và công ty hàng không vũ trụ Blue Origin.
Mặc dù chưa chính thức hiện diện tại Việt Nam, hồi tháng 12/2017, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đã có buổi làm việc với đại diện của tập đoàn Amazon. Theo đó, Việt Nam đang là thị trường nhận được sự quan tâm của tập đoàn này.
Amazon đã đề ra chiến lược hai bước khi thâm nhập thị trường Việt Nam. Thứ nhất là xuất khẩu hàng hóa qua biên giới; thứ hai là nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam. Họ cho rằng người tiêu dùng muốn mua hàng trên Amazon, còn Amazon cũng quan tâm chiều ngược lại. Họ có nguyện vọng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam xuất khẩu trên Amazon.
Trong khi đó, gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 1996, ngay sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ ngoại giao, Microsoft của nhà sáng lập Bill Gates đã hiện diện tại Việt Nam hơn 20 năm trong nhiều dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, các dự án giáo dục, việc làm, kinh doanh, đào tạo nguồn nhân lực... Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam hiện nay là ông Phạm Thế Trường.
Cuối năm 2014, Microsoft đã chuyển các nhà máy, dây chuyển sản xuất smartphone từ Trung Quốc, Mexico, Hungary sang Bắc Ninh - Việt Nam. Với sự dịch chuyển này, doanh thu xuất khẩu của Microsoft Việt Nam năm 2014 đã đạt 2 tỷ USD.
Tuy nhiên, năm 2016, Microsoft thông báo đã đạt được thỏa thuận bán mảng điện thoại phổ thông cho FIH Mobile và HMD Global với giá 350 triệu USD. Đó là nhà máy sản xuất điện thoại của Microsoft đặt ở Bắc Ninh, sẽ được chuyển giao cho FIH Mobile – một chi nhánh của tập đoàn công nghệ đến từ Đài Loan Hon Hai/Foxconn Technology.
Đến nay Bill & Melinda Gates Foundation Trust đã rót 88 triệu USD vào Vietnam Enterprise Investment Ltd (VEIL) - thuộc quản lý của Dragon Capital. Thành lập năm 1995, VEIL là quỹ đầu tư có lịch sử lâu đời và lớn nhất Việt Nam hiện nay với tổng tài sản đạt ngưỡng 1,5 tỷ USD. Hiện VEIL đang đầu tư và nắm cổ phần tại các doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam như: Vinamilk, MBBank, Tập đoàn FPT, Vietcombank, Thế giới Di động, Hòa Phát, Vietjet, ACB,...
Bill and Melinda Gates – quỹ từ thiện giàu nhất thế giới - luôn duy trì nguồn đầu tư vào các bằng sáng chế dược phẩm và các lĩnh vực khác như rượu, thuốc lá, dầu khí, biến đổi gen cũng như một số nguồn khác.
Quỹ từ thiện của vợ chồng tỷ phú Bill Gates cũng từng sở hữu cổ phần tại Tập đoàn dầu khí BP - tập đoàn dầu khí đa quốc gia của Anh và tập đoàn dầu khí đa quốc gia của Hoa Kỳ - ExxonMobil, các tập đoàn dầu khí đã và đang hợp tác đầu tư tại Việt Nam, nhưng quỹ đã rút toàn bộ cổ phần tại các doanh nghiệp này.
Năm 2010, quỹ này đã mua 500 cổ phiếu với giá 23,1 triệu USD của công ty hóa chất nông nghiệp “khổng lồ” Monsanto - tập đoàn hiện đang cung cấp hạt giống biến đổi gen và thuốc trừ cỏ cho nông dân Việt Nam.
Tỷ phú giàu thứ 5 thế giới hiện nay với khối tài sản 71,2 tỷ USD là Mark Zuckerberg - ông chủ mạng xã hội lớn nhất hành tinh Facebook.
Theo The Next Web, Việt Nam nằm trong Top 10 quốc gia có nhiều người dùng Facebook nhất thế giới. Tính đến tháng 7/2017, Việt Nam có 64 triệu người dùng Facebook, chiếm 3% trong tổng số tài khoản Facebook đang hoạt động toàn cầu, đứng thứ 7 thế giới.
Kể từ khi đặt chân vào thị trường với 55 triệu người dân dùng internet, Facebook cung cấp đa dạng các loại hình dịch vụ thông tin công cộng qua biên giới vào Việt Nam. Các dịch vụ tạo quảng cáo trên mạng xã hội Facebook rất phát triển, mang lại nguồn thu chính. Theo thống kê của Công ty nghiên cứu thị trường Vinalink, tính đến hết năm 2015, Facebook đứng số 1 về doanh thu trực tuyến tại VN với doanh số khoảng hơn 3.000 tỷ đồng (tương đương 150 triệu USD).
Đứng ở vị trí thứ 7 trong bảng xếp hạng tỷ phú thế giới, Amancio Ortega - nhà sáng lập kiêm chủ tịch hãng thời trang Inditex tập đoàn sở hữu thương hiệu Zara đình đám, đang sở hữu khối tài sản trị giá 64,9 tỷ USD. Tỷ phú người Tây Ban Nha đã có nhiều thời điểm giành ngôi giàu nhất thế giới trong bảng xếp hạng Forbes.
Thương hiệu Zara lần đầu xuất hiện vào năm 1975, hiện đã có khoảng 6.500 cửa hàng tại 88 quốc gia trên thế giới, doanh thu mỗi năm đạt hơn 18 tỷ Euro.
Zara của ông chủ người Tây Ban Nha lần đầu ra mắt thị trường Việt Nam bằng việc mở cửa hàng đầu tiên tại tòa nhà Vincom Center ở TP. HCM. Tháng 11/2017, Zara chính thức "Bắc tiến" ra Hà Nội thông qua khai trương cửa hàng ở trung tâm thương mại tháp A Vincom Bà Triệu.
Trên thực tế, Zara không phải thương hiệu quần áo duy nhất mà Inditex đang sở hữu. Hãng còn đang nắm một loạt các thương hiệu khác khiến giới sành thời trang thế giới “phát sốt”, bao gồm Bershka, Massimo Dutti, Zara Home, Kiddy’s Class, Tempe, Stradivarious, Pull and Bear.
Ngoài ra, hãng phần mềm Oracle của Larry Ellison, người giàu thứ 8 thế giới, cũng hiện diện tại Việt Nam với hai văn phòng đặt tại TP. HCM và Hà Nội, chuyên cung cấp đầy đủ các dịch vụ liên quan đến công nghệ thông tin bao gồm ứng dụng ngành nghề, hệ thống đám mây, cơ sở dữ liệu, hệ thống máy chủ…
Như vậy, trong top 10 tỷ phú thế giới, đến nay đã có 4 tỷ phú (Bill Gates, Mark Zuckerberg, Amancio Ortega, Larry Ellison) làm ăn tại Việt Nam, 1 tỷ phú "đánh tiếng" đầu tư (Jeff Bezos), còn 5 vị vẫn chưa có sự hiện diện trực tiếp (Warrent Buffett, Bernard Arnault, Carlos Slim Helu, anh em Charles Koch và David Koch).
Theo Hồ Mai/NĐT