Giá đất tại 5 huyện ngoại thành được định hướng lên quận gồm Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn hiện đạt đỉnh 45-92 triệu đồng/m2, tăng khoảng 20% so với thời điểm cuối năm 2020. Trong đó, khu dân cư Trung Sơn “đắt đỏ” nhất với giá đất từ 88-217 triệu đồng/m2…
Theo sảo sát mới nhất của Công ty DKRA Việt Nam về giá bất động sản tại 5 huyện ngoại thành được định hướng lên quận trên địa bàn TP.HCM cho thấy, giá đất tại các khu vực này đạt giá đỉnh trung bình 45-92 triệu đồng/m2, tăng từ 3-20% so với hồi cuối năm 2020.
Giá đất Cần Giờ tăng "nóng", nhưng giá đất Bình Chánh mới là "quán quân"
Trong quý đầu năm 2021, khảo sát của DKRA cho thấy, giá đất Cần Giờ là điểm nóng tăng vượt trội so với 4 huyện còn lại. Cụ thể, đất thổ cư một số trục đường lớn ở thị trấn Cần Thạnh và xã Long Hòa (huyện Cần Giờ) rao bán trong khoảng 17-55 triệu đồng mỗi m2, tăng 10-20% so với đầu năm 2020.
Nguyên nhân khiến giá đất Cần Giờ tăng "nóng" trong thời gian gần đây, xuất phát từ những thông tin khá liên tục về dự án đô thị lấn biển, phà vận tải đường biển Cần Giờ - Vũng Tàu được đưa vào khai thác và cầu Bình Khánh (thay cho phà cùng tên) đang chờ khởi công năm 2022.
Đặc biệt, mới nhất là đề xuất của Sở GTVT TP.HCM về việc xây dựng nhân bay cỡ nhỏ (sân bay trực thăng) ở huyện đảo này để phục vụ phát triển du lịch, thu hút khách du lịch quốc tế… khiến giá đất ở địa phương này càng thêm thu hút giới đầu tư.
Kế đến, địa phương có biên độ tăng giá đất cao thứ hai trong 5 huyện vùng ven là Nhà Bè. Nhờ vị trí liền kề quận 7, sát vách khu đô thị đã phát triển là Phú Mỹ Hưng, giá đất nền dự án tại Nhà Bè được chào bán 16-55 triệu đồng/m2, tăng 3-5% so với cuối năm 2020.
Địa bàn có biên độ tăng giá đất xếp thứ ba là Hóc Môn. Đất thổ cư một số trục đường lớn ở Xuân Thới Thượng và xã Đông Thạnh được rao bán 20-45 triệu đồng/m2, tăng 2-5% so với cuối năm ngoái.
Xếp thứ tư về biên độ tăng giá đất các huyện vùng ven là Bình Chánh. Tuy xếp thứ 4 về biên độ tăng giá nhưng Bình Chánh lại là "quán quân" về giá đất khi giá bán đất nền dự án trong ngưỡng 20-92 triệu đồng/m2, nhiều nơi không biến động giá so với cuối năm 2020 nhưng vẫn có vài khu tăng nhẹ 5%. Cá biệt khu dân cư Trung Sơn - phố nhà giàu của huyện Bình Chánh - có giá đất 88-217 triệu đồng/ m2.
Đứng cuối bảng về tốc độ tăng giá đất các huyện ven là Củ Chi. Đất thổ cư một số trục đường lớn ở thị trấn Củ Chi và xã Tân Phú Trung được chào bán 17-56 triệu đồng mỗi m2, tăng 3% so với cuối năm 2020.
Liên quan đến giá đất 5 huyện ngoại thành bỗng "nổi sóng" sau khi thông tin quy hoạch lên quận được công bố, mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu Sở Nội vụ phải báo cáo lại đề án chuyển đổi từ năm huyện sang quận. Trước hết, sở phải hoàn chỉnh đề án sau khi Thường vụ Thành ủy góp ý và Ban Chấp hành cho ý kiến. Sau đó, sở tiếp tục trình lại cho Ban cán sự đảng UBND TP xem qua rồi TP mới xem xét, phê duyệt.
"Đây chưa phải đề án được phê duyệt và nó có lộ trình hẳn hoi. Làm không khéo, người ta sẽ lợi dụng thông tin này để đẩy giá đất lên, gây khó khăn cho thị trường", ông Phong cảnh báo.
Sốt đất khắp nơi, chuyên gia cảnh báo gì?
Có thể thấy, thời gian qua sốt đất xảy ra khắp các địa phương, đâu đâu cũng có thông tin mua bán bất động sản, vậy đâu là nguyên nhân gây ra tình trang sốt bất thường này?
Theo giải thích của giới tài chính, có nhiều nguyên nhân khiến cho tình trạng "sốt" đất xảy ra: Thứ nhất là do tiền "rẻ", nếu có tiền thì ít ai nghĩ tới gửi tiết kiệm thời điểm này do lãi suất rất thấp khoảng 3,5 - 5% tùy kỳ hạn, cộng thêm với tâm lý "mua vàng thì lỗ, mua thổ thì lời", nên thay vì gửi tiền ngân hàng, nhà đầu tư chuyển hướng sang BĐS; thứ 2, dòng tiền F0 từ thị trường chứng khoán chuyển sang; kế đến là các thông tin quy hoạch dồn dập là cơ hội để "cò" thổi giá…
Chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang, cho rằng cần xây dựng cơ chế minh bạch đánh giá giá trị đất đai, BĐS. Đặc biệt, vấn nạn cò đất lộng hành đang để lại những hệ lụy nghiêm trọng, gây mất niềm tin, thậm chí ảnh hưởng nghiêm trọng đến những người làm môi giới BĐS chân chính.
Cũng theo chuyên gia này, cần có thông tin về quy hoạch rõ ràng, thủ tục hành chính đơn giản cho người dân, chủ đầu tư. Chính quyền các địa phương phải vào cuộc quyết liệt để kiểm soát mọi hoạt động sử dụng đất đai, thực hiện các dự án đầu tư, giao dịch đất đai đảm bảo thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Ngoài ra, cũng cần gắn trách nhiệm của lãnh đạo địa phương khi xảy ra hiện tượng sốt đất.
Ở một góc độ khác, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận định, nếu nói về giá BĐS hiện nay thì phải xét giá lên thật và giá lên ảo. Giá lên thật là do khu vực đó đang có tiềm năng lớn nhưng giá vẫn chưa tăng tương xứng so với vùng khác. Khu vực đó có những cú hích đẩy giá lên như hạ tầng đã hoặc sắp được đầu tư xây dựng. Còn giá lên ảo là các vùng không có tiềm năng tương xứng nhưng vẫn có những nhóm nhà đầu tư tạo sóng để đánh giá lên. Họ là những người có kinh nghiệm. Họ không thể tạo ra thông điệp bán cắt lỗ để thoát hàng. Vì khi có thông tin giảm giá để bán, những người muốn mua sẽ chờ giá giảm thêm. Điều này sẽ làm cho thị trường đứng giá và không có giao dịch.
Trên thực tế, nếu chịu khó săn lùng, người mua sẽ tìm được chủ đất cần bán, vẫn có thể thương thảo được giá thấp hơn giá mà thị trường đang bán, từ 5-15%.
"Giá lên cao ở các vùng có ảo, có thật, như vậy sóng cũng có ảo có thật. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay khá nhiều là ảo, nhưng nhà đầu tư thành ý vẫn có thể mua được giá thấp hơn giá rao từ 10% - 20% tùy loại BĐS", ông Hiển nói.