Sinh nhật 10 tuổi Winmart

TPHCM chuyển đổi 26.000ha đất nông nghiệp: Thị trường bất động sản sẽ có biến động

20/07/2018 11:07

Các khu vực cho chuyển đổi có thể nhắc đến là: thị trấn Tân Túc, vì hiện đang phát triển đô thị; tiếp đó là các xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Tân Kiên, Tân Nhựt...

TPHCM chuyển đổi 26.000ha đất nông nghiệp: Thị trường bất động sản sẽ có biến động

Trong việc chuyển đổi 26.000ha đất nông nghiệp trên địa bàn TPHCM, huyện Bình Chánh có diện tích chuyển đổi nhiều nhất - gần 7.000ha. Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cho biết bên cạnh những sự thuận lợi tích cực cho kinh tế - xã hội địa phương, thì thị trường bất động sản cũng sẽ biến động khi thực hiện chủ trương này.

* PHÓNG VIÊN: Thưa ông, ông đánh giá thuận lợi như thế nào cho sự phát triển của huyện khi Bình Chánh đứng đầu các địa phương có diện tích đất được chuyển đổi từ nông nghiệp sang các loại hình khác?

- Ông NGUYỄN VĂN HỒNG: Chúng tôi cũng chỉ mới biết được việc Thủ tướng Chính phủ cho phép TPHCM được chuyển đổi mục đích sử dụng 26.000ha đất - từ nông nghiệp sang dịch vụ, công nghiệp, đô thị - tại kỳ họp HĐND TPHCM vừa qua. Hiện nay, huyện đang chờ triển khai của TP.

Theo quy hoạch từ nay đến năm 2020, huyện Bình Chánh chỉ còn giữ lại 6.000ha đất nông nghiệp, đến năm 2025 thì chỉ còn giữ lại 350ha đất chuyên trồng lúa tại xã Tân Nhựt để đảm bảo an ninh lương thực.

Chủ trương cho phép chuyển từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp để phục vụ cho sản xuất và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội là điều kiện hết sức thuận lợi, giúp cho Bình Chánh phát triển theo hướng phù hợp với tình hình của địa phương.

Mặt khác, việc chuyển từ đất nông nghiệp lên sản xuất kinh doanh, hoặc đất ở, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân ổn định chỗ ở trong các khu đô thị.

TPHCM chuyển đổi 26.000ha đất nông nghiệp: Thị trường bất động sản sẽ có biến động - Ảnh 1.

Đất nông nghiệp tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh. Ảnh: CAO THĂNG

Tiếp đó, huyện có nhiều dự án đã và đang triển khai, nếu được chuyển đổi như vậy thì công tác bồi thường sẽ thuận lợi hơn. Bởi vì, hiện nay các dự án triển khai trên địa bàn đều có người dân khiếu nại kéo dài về công tác bồi thường đối với phần đất nông nghiệp.

Theo cá nhân tôi, việc chuyển đổi cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, một mặt khảo sát, mặt khác là tuyên truyền, công khai trong nhân dân, để người dân hiểu chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, tránh tình trạng thắc mắc tại sao chuyển chỗ này mà không chuyển chỗ khác…

Nói chung, đây là phương án rất tốt cho huyện trước mắt cũng như về lâu dài sau này. Nếu được, chúng tôi sẽ tiến hành khảo sát các khu vực đã phát triển để kiến nghị TP và các sở ngành có hướng chuyển đổi cho phù hợp.

* Nếu được đề xuất, dựa trên thực trạng của huyện thì ở những xã nào, khu vực nào sẽ được chuyển đất nông nghiệp sang các loại hình khác nhiều nhất?

- Thật ra cái này cũng dự kiến thôi, bởi vì đây là vấn đề hết sức nhạy cảm. Theo tôi, các khu vực cho chuyển đổi có thể nhắc đến là: thị trấn Tân Túc, vì hiện đang phát triển đô thị; tiếp đó là các xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Tân Kiên, Tân Nhựt.

Nói chung là các xã có tốc độ đô thị hóa nhanh, trên nền quy hoạch còn giữ là đất nông nghiệp nhưng thực tế đã phát triển sang đô thị ở rồi. Xã Bình Hưng và xã Phong Phú mặc dù đã phát triển đô thị nhưng đang vướng công tác bồi thường.

Lý do, quy hoạch cũ vẫn giữ là đất nông nghiệp của dân nhưng thực tế là phát triển khu dân cư đô thị, nay có chủ trương chuyển đổi này thì khó khăn trên sẽ được tháo gỡ.

Bởi vì, cách làm lâu nay là chủ đầu tư đền bù cho người dân đất nông nghiệp, rồi sau đó tính nghĩa vụ thuế với Nhà nước khi chuyển sang đất ở; còn bây giờ cho người dân chuyển lên đất ở trước, rồi họ đóng thuế cho Nhà nước, sau đó chủ đầu tư cũng bồi thường lại với giá đó.

Cách làm này, người dân sẽ dễ chịu hơn so với việc để đất nông nghiệp và bồi thường. Về bản chất giá đền bù vẫn như nhau, Nhà nước không bị thất thoát ngân sách.

* Việc cho chuyển đổi đất nông nghiệp sẽ tác động như thế nào đối với kiến nghị lâu nay của huyện về việc chuyển địa phương thành quận? Sẽ khống chế ra sao việc xây dựng không phép, sai phép trên đất nông nghiệp, vì huyện Bình Chánh luôn là điểm nóng về vấn đề này?

- Trước đây chúng tôi xin chuyển lên thành quận nhằm có bộ máy quản lý phù hợp và tốt hơn trước tốc độ đô thị hóa nhanh chóng của huyện, dân số bị quá tải, xây dựng sai phép, trái phép tràn lan nhưng kiểm soát khó khăn.

Tuy nhiên, huyện lại bị vướng 2 tiêu chí, đó là hộ nghèo nhiều, thu nhập của người dân còn thấp. Khi được chuyển đổi đất nông nghiệp thì kinh tế phát triển, dẫn đến thu nhập của người dân tăng lên, từng bước giảm hộ nghèo.

Như vậy, triển khai chủ trương này sẽ được rất lớn cho huyện Bình Chánh trong việc giải quyết nhà ở cho nhân dân, vì đây là nhu cầu rất lớn, việc cấp phép và quản lý xây dựng theo quy hoạch sẽ ổn định, xóa bỏ việc xây dựng không phép, sai phép.

Tiếp đó, kinh tế - xã hội của huyện sẽ phát triển nhanh hơn, là yếu tố để giúp cho huyện Bình Chánh đủ điều kiện để xin thành lập quận hoặc thành phố trực thuộc TPHCM.

Xin nói thêm, Công an huyện mới công bố, dân số huyện đã tăng lên thành 680.000 người, tăng thêm 50.000 người so với năm ngoái, nếu không có hình thức quản lý phù hợp thì sẽ là áp lực rất lớn cho huyện.

* Theo dự báo của ông, việc cho chuyển đổi đất nông nghiệp như vậy sẽ ảnh hưởng như thế nào đến thị trường bất động sản trên địa bàn huyện?

- Chắc chắn có dao động về giá đất. Trong quá trình triển khai chuyển đổi đất nông nghiệp, cần có giải pháp nhằm ngăn chặn việc mua bán, đẩy giá nhà đất tăng cao dẫn đến sốt đất của các đầu nậu; không thổi phồng bong bóng bất động sản, làm ảnh hưởng đến các dự án khác trên địa bàn cũng như tác động không tốt đến thị trường bất động sản của TPHCM.

Theo Lương Thiện/Sài Gòn Giải phóng