Trên thực tế, nếu các quy trình tái chế không được đưa ra, sẽ có 60 triệu tấn chất thải tấm PV được đưa đến các bãi chôn lấp trên toàn thế giới vào năm 2050. Và tất cả các tấm pin đều chứa một số chất độc hại nhất định.
Tại phiên thảo luận về tình hình KT-XH, đề cập đến tấm pin quang điện, đại biểu Ksor H’Bơ Khắp (ĐBQH Gia Lai) đã có câu hỏi chất vấn với Bộ trưởng Công Thương về việc xử lý tấm pin sau khi sử dụng.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, trong phiên họp đầu năm nay, Thủ tướng đã có quyết định giao cho Bộ KH&CN nghiên cứu xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về tấm pin quang điện cũng như phương án xử lý các tấm pin sau khi dự án hết thời hạn. Theo 9 quy tắc của luật định, hiện nay tất cả các chủ đầu tư đều phải chịu trách nhiệm về xử lý các tấm pin quang điện.
Tuy nhiên, đại biểu này phản ánh rằng, hiện nay cán bộ và nhân dân địa phương quê hương bà - vùng lòng chảo nắng quanh năm - rất hoang mang với những tấm pin năng lượng mặt trời. Theo đại biểu, cái nhân dân cần là tư lệnh ngành phải đưa ra được phương án đối với vấn đề liên quan đến pin năng lượng mặt trời. Nữ đại biểu đặt câu hỏi: "Những tấm pin đó được xử lý thế nào, đưa lên mặt trăng hay để nướng bò một nắng, đặc sản ở Gia Lai chúng tôi hay sao?".
Đây có lẽ cũng là câu hỏi mà rất nhiều cử tri quan tâm khi hiện nay có rất nhiều dự án điện mặt trời đang được triển khai trên cả nước.
Theo các nghiên cứu của Cục Năng lượng Hoa Kỳ, tuổi thọ của tấm pin mặt trời (Solar Panel) là khoảng 20-30 năm, tùy theo môi trường sử dụng. Trong suốt 10 đến 12 năm đầu tiên đi vào sử dụng, hiệu suất của các tấm pin quang điện từ giảm tối đa là 10% và giảm 20% khi tới 25 năm. Những con số này được đảm bảo bởi phần lớn các nhà sản xuất. Tuy nhiên, trên thực tế hiệu quả giảm xuống chỉ từ 6 đến 8% sau 25 năm.
Tuổi thọ của các tấm PV chất lượng cao thậm chí có thể đạt 30 đến 40 năm, và vẫn có khả năng hoạt động sau đó, dù hiệu suất giảm. Pin năng lượng mặt trời có thể tái chế được khi không sử dụng.
Trên thực tế, nếu các quy trình tái chế không được đưa ra, sẽ có tới 60 triệu tấn chất thải tấm PV được đưa đến các bãi chôn lấp trên toàn thế giới vào năm 2050. Và tất cả các tấm pin đều chứa một số chất độc hại nhất định như chì, cadmium và thủy ngân, 3 kim loại nặng gây nguy hại nhất đối với sức khỏe con người.
Theo số liệu thống kê của Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA), Trung Quốc đứng đầu thế giới về số lượng nhà máy điện mặt trời, vận hành số tấm pin năng lượng mặt trời cao gấp 2 lần so với Mỹ và nước này chưa chuẩn bị kế hoạch xử lý các tấm pin cũ. Ước tính đến năm 2050, số tấm pin năng lượng mặt trời thải loại tại Trung Quốc vào khoảng 20 triệu tấn. Đến năm 2034, lượng pin năng lượng mặt trời cần được tái chế sẽ cao gấp 70 - 80 lần so với năm 2020.
Từ khía cạnh pháp lý, chất thải pin mặt trời vẫn được phân loại chất thải chung. Chỉ có ở châu Âu, các tấm pin được định nghĩa là chất thải điện tử.
Các nhà sản xuất pin mặt trời bị ràng buộc bởi luật pháp và phải đáp ứng các yêu cầu pháp lý cụ thể cũng như các tiêu chuẩn tái chế để đảm bảo rằng các tấm pin mặt trời không trở thành gánh nặng cho môi trường. Điều này dẫ đến sự ra đời của các công nghệ tái chế các tấm pin mặt trời. Các nhà sản xuất quang điện đã hợp tác với các tổ chức chính phủ và đã đưa ra một số cách để giải quyết chất thải pin mặt trời.
Pin năng lượng mặt trời được chia làm 2 loại: Pin mặt trời tinh thể Silicon và pin mặt trời màng mỏng. Các nghiên cứu về tái chế các tấm pin mặt trời đã phát minh ra nhiều cộng nghệ tái chế. Một số công nghệ thậm chí đạt hiệu quả tái chế lên tới 96%.
Nguồn: Greenmatch. Việt hóa: Vietcotek
Pin mặt trời sau khi được tái chế sẽ tạo ra silicon, chất bán dẫn và thủy tinh để có thể tái sử dụng.
Tái chế và tái sử dụng pin năng lượng mặt trời có thể giúp tiết kiệm ngân sách đáng kể cho thế giới nói chung và các quốc gia nói riêng. Tuy nhiên, đây là một quá trình phức tạp và cần nghiên cứu thêm để tối ưu hóa việc tái chế tất cả các thành phần của tấm pin mặt trời, thậm chí chi phí tái chế có thể ngang với chi phí sản xuất. Lượng pin thải ra quá lớn sau này có thể sẽ trở thành một gánh nặng.