Ông Trần Hùng Huy là vị Chủ tịch HĐQT ngân hàng duy nhất ở Việt Nam công khai facebook cá nhân, cũng là người duy nhất tự làm ôsin trong nhà. Người đứng đầu ACB cũng là chủ tịch ngân hàng đầu tiên ở Việt Nam "kế nghiệp" vị trí này từ cha của mình và trở thành người truyền cảm hứng cho các "chương trình xanh".
Tháng 6/2019, một ngày sau lễ kỷ niệm 26 năm ngày thành lập ACB, ông Trần Hùng Huy - Chủ tịch HĐQT ngân hàng này, xuất hiện trên facebook cá nhân với một clip pha cà phê. Không xuất hiện với một bộ vest chỉnh tề, ông Huy quay clip cùng chiếc áo thun trên ngực mang dòng chữ "Let there be waves", với nụ cười như TVC quảng cáo kem đánh răng ở đoạn kết, sau khi đã uống hết cà phê trong chiếc ly inox của mình
Đi kèm với clip là cùng dòng status rất "cute hạt me": "Sao có thể bắt đầu 1 ngày mới mà ko có ly coffee latte đảo điên này?!! Cà phê tự làm bỏ thêm chút yêu thương là bao ngon!...". Status này của ông Huy nhận được hơn 2.200 lượt like, hơn 300 lượt share và hơn 300 comment của bạn bè, nhân viên.
Thực tế, đây là một clip được ông Huy thực hiện để quảng bá cho lối sống "nói không với đồ nhựa sử dụng một lần" mà vị chủ tịch trẻ tuổi phát động cách đó vài năm khi còn ít người quan tâm đến điều này. Thời điểm đưa ra quy định về dùng đồ thủy tinh chứ không sử dụng chai nhựa, cốc nhựa… tại ACB, ông Huy rất ít lộ diện trước công chúng. Facebook cá nhân của ông Huy cũng ít cập nhật.
Còn khi tung ra clip quảng bá cho lối sống "nói không với đồ nhựa sử dụng một lần", ông Huy đã xuất hiện nhiều hơn và có ảnh hưởng nhất định trên facebook. Nhiều status của Huy liên quan đến các ý tưởng về "sống xanh" có hàng nghìn lượt like và hàng trăm lượt share.
Trong số các vị chủ tịch ngân hàng tại Việt Nam, ông Huy là người duy nhất xuất hiện công khai trên facebook và trở thành một KOL ít nhất là với nhân viên ACB. Tuy nhiên, vị chủ tịch ngân hàng trẻ nhất Việt Nam vẫn giữ các nguyên tắc về sự thận trọng trong từng con chữ và chỉ chia sẻ hình ảnh gia đình cũng như thông tin về "gia đình ACB".
Bước ngoặt về mức độ ảnh hưởng trên facebook của ông Huy có lẽ bắt đầu từ thời điểm clip hát và nhảy của ông Huy với đồng nghiệp tại ACB trong lễ kỷ niệm 25 năm, bị lọt ra ngoài. Đó là một bản mashup với một loạt hit như: Ngày mai em đi, Sau tất cả, Uptown Funk, Attention… cùng phong cách cũng cực kỳ "cute hạt me", và hoàn toàn không giống phong cách nghiêm nghị như mọi người vẫn nghĩ của một chủ tịch ngân hàng. Cũng kể từ thời điểm đó, ông Huy xuất hiện trước công chúng và lên facebook nhiều hơn trước.
Ông Trần Hùng Huy cùng với thế hệ lãnh đạo thứ 2 tại ACB đồng thời cũng tạo ra một hình ảnh rất khác về ngân hàng này kể từ sau sự cố bầu Kiên năm 2012: trẻ trung, năng động, nhiệt huyết và rất "4.0".
Trước khi nhận được sự quan tâm lớn của "gia đình ACB" (cách ông Huy gọi ngân hàng mà mình lãnh đạo) và cộng đồng, chủ trương bảo vệ môi trường với việc không sử dụng chai nhựa của ông Huy không được nhiều người ủng hộ. Năm 2015, khi ông Huy ra quyết định không dùng chai nhựa sử dụng một lần trong toàn bộ ngân hàng, rất nhiều người phản đối, kể cả lãnh đạo cấp cao.
"Chi phí cho việc dùng chai nhựa sử dụng một lần ở Việt Nam là rất nhỏ, đây là chưa kể đến việc nếu thay bằng bình, cốc thủy tinh và thêm nhân công pha nước, đun nước… chi phí thậm chí còn cao hơn. Một số lãnh đạo cấp cao ở ACB còn nói với Huy: ‘Khi khách tới mà mình không có lấy một chai nước mới toanh mở ra thì rất bất lịch sự và họ sẽ nghi ngại’. Thực tế là nhiều người nghĩ, việc đó không cần thiết và không mang lại lợi ích gì".
Chưa hết, khi thực hiện một cuộc khảo sát tại ACB, chỉ có 6% người được hỏi quan tâm đến biện pháp bảo vệ môi trường do Chủ tịch HĐQT phát động. Thế nhưng, ông Huy rất kiên trì. Vị lãnh đạo này liên tục tổ chức tuyên truyền thông tin trong nội bộ về tác dụng của việc không dùng chai nhựa một lần…Ba tháng sau, tỷ lệ quan tâm khi khảo sát lại lên tới 70%.
Giải thích về việc rất nhiệt tình với các chiến dịch bảo vệ môi trường trong nội bộ, Chủ tịch HĐQT ACB tâm sự: "Huy là dân quê, ba mẹ đều là dân miền Tây hết. Ngày nhỏ sống ở Tiền Giang, tuổi thơ gắn liền với thiên nhiên, cùng cây trái, sông nước. Khi sang Mỹ du học thì Huy chơi surfing (lướt sóng), từ 6-7h sáng là ‘surfer’s life’ rất là thoải mái. Có lúc đang bơi, chuẩn bị đứng trên sóng thì kế bên có con cá heo bơi mà mình tưởng cá mập nên hơi sợ. Về sau thì mình biết rồi nên rất thích khi được bơi cùng cá heo… Những trải nghiệm rất thoải mái với thiên nhiên đó đã thôi thúc Huy dùng ảnh hưởng của mình để góp sức thay đổi, bảo vệ môi trường sống cho chính mình và cho người khác".
Ông Huy nhận xét, với việc phát triển kinh tế như hiện nay, những bạn trẻ ở Việt Nam sẽ rất khó có được một môi trường thiên nhiên thân thiện như cách đây 30-40 năm và nếu không thay đổi, tìm cách bảo vệ thì mọi việc còn diễn biến xấu nhanh hơn.
Những nỗ lực bền bỉ của người đứng đầu ACB đã dần có hiệu quả. Sau 3 năm, kể từ "hành động đàn áp" (cách nói vui của ông Huy) bắt buộc các chi nhánh ngân hàng không được dùng chai nhựa, nhiều hoạt động bảo vệ môi trường khác ở các chi nhánh ACB được thực hiện một cách tự nhiên. Những chương trình như lượm rác, dọn rác ở bờ biển, rừng… vào cuối tuần được nhiều chi nhánh ACB tự tổ chức mà không cần đến "sự đàn áp" của Chủ tịch HĐQT.
"Trải qua hơn 3 năm thì ý thức về bảo vệ môi trường đã ngấm vào những người ACB. Nhiều chi nhánh ACB tự làm vậy bởi họ thấy đó là một hành động giúp mọi người gần với nhau hơn, họ đưa cả gia đình, gồm cả mấy đứa nhỏ cùng tham gia dọn rác với anh chị em trong chi nhánh. Bây giờ, họ làm như vậy vì bản thân và gia đình mình chứ không phải vì ACB hay cộng đồng", ông Huy nhận xét.
Không chỉ đẩy mạnh các thông tin về môi trường nâng cao nhận thức cho nhân viên, đích thân ông Huy ra quyết định tặng hơn 15.000 bộ công cụ giúp giảm thiểu rác thải nhựa đến nhân viên toàn hệ thống để họ có thể trực tiếp tham gia bảo vệ môi trường trong các hoạt động ngày thường. Mục tiêu tiếp theo của ông Huy là tiếp tục lan tỏa việc bảo vệ môi trường đến khách hàng ACB và cộng đồng.
Trong số các ngân hàng cổ phần tại Việt Nam, ông Trần Hùng Huy cũng là người đầu tiên "kế nghiệp" cha mình (ông Trần Mộng Hùng - nhà sáng lập đồng thời là Chủ tịch HĐQT) để trở thành vị Chủ tịch HĐQT kế tiếp của ACB. Thế nhưng, chuyện "kế nghiệp" của ông Huy thì không giống kiểu "cha truyền con nối" như mọi người vẫn nghĩ.
Trên thực tế, khi về nước và vào ACB làm việc, ông Hùng Trần Huy "không nghĩ có ngày mình sẽ ngồi vào chiếc ghế đó" dù cha là người sáng lập, cũng là Chủ tịch HĐQT ngân hàng. Lý do rất đơn giản, ACB là một công ty niêm yết với hàng chục nghìn cổ đông. Việc trở thành người đứng đầu HĐQT của ngân hàng cổ phần số 1 Việt Nam (lúc đó), với hàng loạt các thành viên gạo cội trong giới tài chính (cả trong nước và nước ngoài) thì không thể chỉ là con của người sáng lập.
Nhưng cuộc đời chẳng ai biết trước được điều gì. Năm 2012, khi ACB xảy ra sự cố bầu Kiên, ghế Chủ tịch của ngân hàng này bị bỏ trống và dường như không có ai muốn nhận. Thời điểm đó, hàng loạt thành viên HĐQT ACB phải từ nhiệm, một vị thành viên HĐQT độc lập khi được đề nghị trở thành tân Chủ tịch đã từ chối.
Trong bối cảnh đó, Trần Hùng Huy – con trai cả của nhà sáng lập Trần Mộng Hùng, đang giữ vị trí Phó Tổng giám đốc ACB, mới 34 tuổi, được đưa lên vị trí cao nhất. Sau này, ông Huy tâm sự là "làm Chủ tịch mà chưa được chuẩn bị gì cả".
Vào thời điểm đó, dù không được chuẩn bị nhưng ông Huy đứng giữa 2 lựa chọn, "một là đón nhận một thách thức dù không biết mình có đủ sức hay không, hai là đứng qua một bên". Và ông Huy đã đón nhận thách thức "với cả niềm tự hào xen lẫn lo lắng".
Khi ông Huy lên làm Chủ tich HĐQT ACB, rất nhiều người nghĩ đó là một lựa chọn tạm thời khi ngân hàng này đang khủng hoảng và không ai muốn ngồi vào "ghế nóng". Thế nhưng, sau đó 6 tháng, lần đại hội cổ đồng kế tiếp của năm 2013 và những kỳ họp tiếp theo, ông Huy vẫn tiếp tục ngồi "ghế nóng". Có lẽ những kết quả kinh doanh ở ACB là lý do để cổ đông và các thành viên HĐQT tiếp tục lựa chọn vị chủ tịch tuổi ngựa (sinh năm 1978) "ngồi yên chiến mã".
Cho tới năm 2017-2018, ACB có 2 năm liên tiếp có kết quả kinh doanh nhảy vọt. Lợi nhuận năm 2018 của ngân hàng này là gần 6.400 tỷ đồng – tăng 2,4 lần so với năm 2017, dù đã trích tơi gần 1.000 tỷ đồng cho dự phòng rủi ro tín dụng. Năm 2017, lợi nhuận của ACB cũng đã tăng gần 1,6 lần so với năm 2016... Và một điểm đáng lưu ý khác, tỷ lệ nợ xấu của ACB cũng ở mức thấp nhất toàn hệ thống ngân hàng trong nước, chỉ 0,69% vào cuối năm 2018.
Trả lời câu hỏi "nếu có người nói ACB là của gia đình ông Hùng, ông Huy nên mới có chức Chủ tịch HĐQT thì anh nghĩ gì?", ông Trần Hùng Huy chia sẻ: "Đầu tiên đó là sự tự hào. Ba là người sáng lập ACB, có ba thì mình mới có cơ hội lớn như vậy. Nhưng các việc sau đó thì phải tự mình làm chứ không ai làm thay được, mình phải làm được gì cho ngân hàng thì các cổ đông mới cho mình làm tiếp chứ (cười). Còn ACB vốn là một gia đình lớn cho mọi thành viên chứ không chỉ là gia đình của ông Hùng và ông Huy".
Ngoài việc là người đầu tiên trong hệ thống ngân hàng Việt Nam "kế nghiệp" vị trí Chủ tịch HĐQT, ông Huy có bằng Tiến sĩ quản trị kinh doanh của Đại học Golden Gate (Mỹ). Với một người làm kinh doanh ở khu vực tư nhân, bận rộn như ông Huy thì tấm bằng đó cũng "không để làm gì" – như bình luận của một lãnh đạo ở ngân hàng khác. Vậy tại sao ông Huy vẫn tốn nhiều thời gian để lấy tấm bằng đó?
Trong cuộc phỏng vấn với báo Trí thức trẻ, ông Huy cho biết: "Khi còn nhỏ, Huy thấy ba má luôn học thêm kiến thức mới, như má học thêm tiếng Anh từ thời xưa khi còn chưa phổ biến ở Việt Nam. Ở nhà, ba giờ đã hơn 65 tuổi mà vẫn tiếp tục tìm tòi, học hỏi thêm nhiều thứ nên thói quen cần phải học thêm gì đó ngấm vào mình từ nhỏ…".
Người ta thường nghĩ "người sinh ra đã ở vạch đích" thì phải cố gắng "vượt sướng" nhưng lại ít nghĩ đến việc họ được nuôi dưỡng trong môi trường cần học hỏi, nỗ lực một cách bẩm sinh. Ông Huy chia sẻ: "Với truyền thống học tập ở gia đình thì việc đi Mỹ học rồi lấy bằng MBA được coi như mức trung bình cần phải đạt được".
Tốt nghiệp MBA Đại học Chapman (Mỹ) về nước, Huy tự nộp đơn thi tuyển làm nhân viên bán hàng ở ACB mà không nói với cha hay mẹ. Chỉ đến khi trúng tuyển, vào ACB làm thì Huy mới thông báo. Làm ở ACB 3 năm, ông Huy quay trở lại Mỹ theo học Tiến sĩ với lý do "lúc đó mình vẫn là nhân viên cấp thấp, chưa có áp lực nhiều nên thích học thêm". Thế nhưng, trở lại ACB vào năm 2008, tấm bằng Tiến sĩ của ông Huy bị "treo" vì quá bận rộn, không có đủ thời gian làm luận án.
Năm 2010, khi ACB chuyển định hướng "universal banking" với chiến lược trở thành một tập đoàn tài chính với ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản, vàng…, ông Huy một lần nữa lại đi học. "Nhìn vào ngân hàng khi đó thì không ai có kinh nghiệm ở mảng này, các ngân hàng trong nước khác cũng vậy nên Huy muốn đi học thêm trong thực tế ở nước ngoài, để khi về có thể giúp được ACB", ông Huy giải thích về quyết định sang làm việc tại Tập đoàn tài chính Rothschild (Anh quốc). Trong 2 năm làm việc tại đây, ông Huy giữ vị trí trợ lý Giám đốc nhóm tư vấn sáp nhập tổ chức tài chính.
Hơn 4 năm trước, khi ông Huy và các đồng nghiệp của mình ở ACB tới Bắc Kinh, tất cả đều kinh ngạc trước mức độ phổ biến của các dịch vụ tài chính phi truyền thống như Alipay, Wechatpay dù các ứng dụng này mới chỉ xuất hiện vài năm. "Những tổ chức như vậy chính là đối thủ lớn nhất của ACB trong tương lai chứ không phải là các ngân hàng truyền thống", ông Huy nhận xét.
Và khi đọc "Bank 3.0" – ông Huy bị ám ánh đến mức gửi dịch và làm một bản in nội bộ cho ban điều hành ACB tham khảo vì thấy đó là một xu hướng quan trọng trong tương lai (fintech). Sau này, Bank 3.0 cũng được một nhà xuất bản dịch và phát hành rộng rãi.
Cùng với việc ý thức sâu sắc về những đối thủ cạnh tranh mới, định hướng chiến lược của ACB không còn là "ngân hàng bán lẻ tốt nhất" nữa mà là "Intergrated financial platform to serve customer needs".
Trung tâm đào tạo (Training Center) của ACB trên đường Mạc Đĩnh Chi (TPHCM) cũng được đổi tên thành Learning Hub, với không gian tiền sảnh được thiết kế giống như một thư viện, với nhiều chỗ cho nhân viên ACB có thể trao đổi với nhau. Giải thích thêm về Learning Hub, ông Huy nói: "Khi quan sát sự thay đổi của ngành tài chính ở châu Á, mình thấy mọi thứ diễn biến quá nhanh, có thể thay đổi hoàn toàn chỉ sau vài năm. ACB từng có bề dày về đào tạo nhân viên với kinh nghiệm hơn 25 năm nhưng bạn chỉ dạy người khác những điều đã biết trong quá khứ, còn tương lai với sự thay đổi của thị trường thì không thể. Đó là lý do cần phải đổi khái niệm từ Training Center thành Learning Hub".
Người đứng đầu ACB nói thêm, Learning Hub là một khái niệm chứ không đơn thuần là một địa điểm vật lý. Khái niệm học tập của "người ACB" thay đổi từ Chủ tịch, Tổng giám đốc, các cấp quản lý khác đến nhân viên, đó là cùng nhau chia sẻ kiến thức, cách tự làm mới mình. "Chỉ như vậy, người ACB mới có thể tìm ra cách tiến vào tương lai và tạo ra một văn hóa học tập mới, riêng có ở đây", ông Huy nhận xét.
Khi ông Trần Mộng Hùng soạn đề án thành lập ACB trong nhà của mình cùng một số bạn bè, Trần Hùng Huy mới 14 tuổi. Ông Hùng với tư cách là nhà sáng lập, trở thành Chủ tịch HĐQT ngân hàng từ đầu cho tới khi lui về vị trí Chủ tịch Hội đồng sáng lập. Dưới thời của ông Hùng, ACB từ một ngân hàng cổ phần nhỏ bé đã vươn lên trở thành ngân hàng cổ phần số 1 Việt Nam. Thế nhưng, bản thân ông Hùng với tư cách là người đứng đầu ACB là một người hướng nội, rất ít khi xuất hiện trước công chúng với tư cách Chủ tịch ngân hàng.
Còn với ông Trần Hùng Huy, chức Chủ tịch HĐQT ACB đến bất ngờ có thể coi như một cơ duyên hơn là "thừa kế". Và như ông Huy chia sẻ: "Từ nhỏ đến lớn, ba mẹ chưa từng gây áp lực cho mình về việc phải kế nghiệp gia đình mà luôn để cho Huy làm điều mình thích và được tự tuyết định. Tuy nhiên, ba mẹ cũng có nói thêm là tự quyết định và tự chịu trách nhiệm. Khi Huy chọn nghề ngân hàng là sở thích riêng và có thêm niềm tự hào về gia đình chứ không bị áp lực gì cả".
Thực tế, ông Huy dù có cha là người sáng lập, vẫn phải không ngừng nỗ lực để khẳng định bản thân trong chính "gia đình" mà cha mình đã gây dựng nhiều năm. Bản thân ông Huy cũng chưa từng nghĩ đến việc trở thành người đứng đầu ngân hàng trẻ nhất Việt Nam vào năm 2012.
Khi mới làm Chủ tịch HĐQT, ông Huy "nói tiếng Việt còn chưa sõi" như cách nói vui của một lãnh đạo kỳ cựu ACB. Trên thực tế, điều này đúng cả nghĩa đen (ông Huy mới là người "nhận nhiệm vụ"), lẫn nghĩa bóng (do sống và làm việc ở nước ngoài nhiều năm, ông Huy hay nói tiếng Anh xen lẫn tiếng Việt khi diễn đạt).
Nhưng so với cha mình, ông Huy là một lãnh đạo gần gũi với nhân viên nhiều hơn. Trong nhiều hoạt động xã hội của ngân hàng, ông Huy tham gia rất nhiệt tình, thậm chí còn là người phát động, quảng bá như chương trình "nói không với đồ nhựa sử dụng một lần". Vị chủ tịch ngân hàng trẻ nhất Việt Nam cũng rất tích cực với những chuyến đi thực tế tới các chi nhánh, lì xì cho nhân viên vào ngày đầu tiên đi làm sau Tết Âm lịch… Và như ông Huy chia sẻ về điểm mạnh của thế hệ lãnh đạo thứ 2 tại ACB: phối hợp với nhau tốt hơn.
Thế nhưng, sự khác biệt giữa ông Huy và cha mình là cái người bên ngoài nhìn vào. Còn với những lãnh đạo làm việc lâu năm tại ACB, có quan hệ gắn bó với cả 2 cha con, họ lại nhìn thấy những điểm chung cốt lõi. "Huy rất giống ông Hùng ở tinh thần học tập không ngừng nghỉ. Đặc biệt, Huy học được ở cha mình cách dùng người, đó chính là nhân tố cốt lõi giúp Huy thành công", một lãnh đạo kỳ cựu tại ACB nhận xét.
Những câu chuyện điều hành bên trong HĐQT ACB ra sao thì chỉ có người bên trong mới hiểu rõ. Thế nhưng, kể từ khi ông Trần Hùng Huy trở thành Chủ tịch HĐQT với sự hiện diện của ông Trần Mộng Hùng cho tới khi ông Hùng nghỉ, ACB chưa từng bị "nêu tên" trên truyền thông về một vấn đề về nội bộ nào.
Cho tới dịp kỷ niệm 25 năm ngày thành lập, dàn lãnh đạo trẻ của ACB thay thế hầu hết thế hệ lớn tuổi trong HĐQT cũng như ban điều hành một cách nhẹ nhàng, tự nhiên. Khi được hỏi về vai trò của những bậc tiền bối tại ACB hiện nay, ông Nguyễn Thanh Toại – nguyên Phó Tổng giám đốc ACB trả lời không chút do dự, chỉ với một từ duy nhất: "Old fashioned!". Điều thú vị là từ "old fashioned" được ông Toại nói với giọng rất sảng khoái, xen lẫn tự hào.
Năm 2018, ông Trần Mộng Hùng đã rời HĐQT ACB và sau đó "chuyển nhượng" cổ phiếu của mình cho các con. Người sáng lập ACB cảm thấy mình đã hoàn thành sứ mệnh với thế hệ lãnh đạo thứ 2 của nhà băng này. Còn với ông Trần Hùng Huy, dù đã cùng đội ngũ đưa ACB "trở lại yên chiến mã" với lợi nhuận lên tới 6.400 tỷ trong năm 2018 và dự kiến 7.200 tỷ đồng trong năm 2019, trước mắt vị Chủ tịch ngân hàng trẻ nhất Việt Nam vẫn là những thách thức khổng lồ, chưa rõ lời giải.
Đầu tiên là đưa ACB vào Top 3 ngân hàng về ROI tại Việt Nam, rồi tìm lại vị trí số 1 trong khối nhà băng cổ phần như ACB từng có thời ông Trần Mộng Hùng. Nhưng quan trọng hơn, ông Huy và ACB sẽ làm gì để vượt qua thách thức đến từ những fintech và cả techfin trong những năm tới?
Mô hình của ACB giờ đây "không còn quan trọng ở từ bank" mà là "Intergrated financial platform to serve customer needs". Tuy nhiên, một ACB mới sẽ đương đầu ra sao với các ứng dụng tài chính mà mô hình của họ là giá dịch vụ 1 đồng nhưng bán 0,75 đồng hoặc miễn phí trong thời gian dài... Đó là một bài toán mà ông Huy cùng "gia đình ACB" của mình sẽ còn phải đau đầu trong nhiều năm tới.
Và có thể điều này cũng là lý do khi trả lời báo Trí thức trẻ, ông Huy nói rằng "mình vẫn phải tiếp tục chuẩn bị" và "chưa biết khi nào thì đủ". Cuộc chiến của vị chủ tịch ngân hàng trẻ nhất Việt Nam vẫn chưa nhìn thấy hồi kết.