Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Trẻ em, máu và nước mắt: Bí mật đen tối ẩn chứa đằng sau những thỏi son bóng bẩy của L'Oreal hay Maybeline

22/05/2019 11:58

Báo cáo của tổ chức DanWatch cho thấy hàng chục nghìn lao động trẻ em tại Ấn Độ đang bị bóc lột sức lao động để tìm kiếm, khai thác Mica bán cho các công ty trung gian rồi được tuồn cho những hãng mỹ phẩm nổi tiếng như L’Oreal hay Estee Lauder.


Báo cáo của tổ chức DanWatch cho thấy hàng chục nghìn lao động trẻ em tại Ấn Độ đang bị bóc lột sức lao động để tìm kiếm, khai thác Mica bán cho các công ty trung gian rồi được tuồn cho những hãng mỹ phẩm nổi tiếng như L’Oreal hay Estee Lauder.

Bí mật đầy máu và nước mắt đằng sau những bộ mỹ phẩm bóng bẩy của L'Oreal

Chắc bạn đã nghe đến những viên kim cương máu, nguồn tài nguyên được khai thác bằng bạo lực, lao động trẻ em, bóc lột và nô lệ tại Châu Phi. Tuy nhiên, có lẽ bạn sẽ phải ngạc nhiên khi hầu như tất cả những thỏi son trên thị trường hiện nay cũng là “thỏi son máu”.

Nghiên cứu của tổ chức Hà Lan SOMO năm 2016 cho thấy hiện có khoảng 20.000 lao động trẻ em tại Ấn Độ đang phải khai thác Mica, nguồn nguyên liệu chính của các thỏi son cũng như nhiều loại mỹ phẩm khác như mascara, kẻ lông mày, sơn móng tay..., trong điều kiện nguy hiểm. Nếu bạn đọc thành phần mỹ phẩm có "mica", "Potassium Aluminium Silicate" hay "CI 77019" thì chúng gần như chắc chắn sử dụng nguyên liệu trên thân xác những em nhỏ từ Ấn Độ.

Mica- Nguyên liệu "tự nhiên" cho các thỏi son

Sự gia tăng nhu cầu về Mica và tình trạng bóc lột lao động trẻ em tại Ấn Độ bắt nguồn từ thế kỷ 19 khi đế quốc Anh còn cai trị Ấn Độ và phát hiện những mỏ Mica tại nhiều khu vực như Koderma, Giridih... của nước này.

Kể từ đó, ngành khai khoáng Mica ngày càng phát triển với khoảng 700 hầm mỏ và hơn 20.000 công nhân lao động. Tuy nhiên, chính phủ Ấn Độ đã ban hành sắc lệnh giới hạn việc khai thác Mica nhằm hạn chế tình trạng phá rừng cũng như những tác động tiêu cực từ môi trường. Hệ quả là nhiều khu mỏ đã phải đóng cửa do chi phí nộp phạt tăng cao.

Trẻ em, máu và nước mắt: Bí mật đen tối ẩn chứa đằng sau những thỏi son bóng bẩy của LOreal hay Maybeline - Ảnh 2.

Đây chẳng phải trò chơi trốn tìm đâu, đây là những đứa trẻ đang phải mò Mica ở Ấn Độ cho thỏi son môi của bạn đó

Trẻ em, máu và nước mắt: Bí mật đen tối ẩn chứa đằng sau những thỏi son bóng bẩy của LOreal hay Maybeline - Ảnh 3.

Bạn có thấy đôi tay chai sạn của đứa trẻ phải đào Mica kia không?

Ngoài ra, việc nhiều khu mỏ Mica mới trên thế giới được phát hiện cũng như sự kiện Liên Xô tan rã, vốn là thị trường nhập khẩu Mica chính của Ấn Độ, vào năm 1991 cũng khiến ngành khai thác tại đây suy giảm.

Dẫu vậy, mọi chuyện dần thay đổi khi kinh tế Trung Quốc bùng nổ và ngành mỹ phẩm thế giới bắt đầu phát cuồng với Mica- nguồn nguyên liệu “tự nhiên” có thể dùng trong các sản phẩm của họ. Trước đây, việc sử dụng những thành phần hóa chất nhân tạo trong mỹ phẩm đã bị các nhà nghiên cứu và hiệp hội tiêu dùng phản đối do có liên quan đến việc gây bệnh ung thư.

Hệ quả là thị trường chợ đen cùng những bất cập trong ngành khai thác Mica của Ấn Độ bắt đầu bộc lộ.

Trong khoảng 2013-2014, chỉ còn khoảng 38 mỏ Mica được báo cáo là đang hoạt động hợp pháp, nhưng hàng trăm mỏ Mica bất hợp pháp khác lại ngày càng nở rộ trở lại do nhu cầu ngày một tăng từ Trung Quốc cũng như ngành mỹ phẩm, son phấn trên toàn cầu.

Báo cáo của chính phủ Ấn Độ cho thấy nước này sản xuất 19.000 tấn Mica trong khoảng 2013-2014 nhưng lượng xuất khẩu lại đạt 128.000 tấn. Rõ ràng, hầu hết nguồn Mica của nước này bị khai thác bất hợp pháp và tuồn ra ngoài chợ đen. Theo ước tính, khoảng 70% sản lượng khái thác Mica tại Ấn Độ là trái phép.

Trung Quốc là nước nhập khẩu nhiều Mica nhất từ Ấn Độ với 62%, tiếp theo đó là Nhật Bản, Mỹ, Hà Lan và Pháp.

Trẻ em, máu và nước mắt: Bí mật đen tối ẩn chứa đằng sau những thỏi son bóng bẩy của LOreal hay Maybeline - Ảnh 4.

Những vùng khai thác Mica chính của Ấn Độ

Trẻ em, máu và nước mắt: Bí mật đen tối ẩn chứa đằng sau những thỏi son bóng bẩy của LOreal hay Maybeline - Ảnh 5.

Trung Quốc là nước nhập khẩu Mica chính từ Ấn Độ

Tổ chức DanWatch đã liên hệ với 16 công ty đại diện cho khoảng 20 thương hiệu mỹ phẩm lớn trên toàn cầu nhưng có đến 12 doanh nghiệp không thể hoặc không chấp nhận cung cấp thông tin về nguồn thu mua Mica của họ.

Năm 2009, công ty Merck KgaA của Đức đã chính thức bị cáo buộc sử dụng trẻ em cho khai thác Mica tại Ấn Độ và cung cấp nguyên liệu này cho các hãng lớn như L’Oreal hay Revlon.

Những "thỏi son máu" từ các em nhỏ Ấn Độ

Ấn Độ là một một trong những nhà xuất khẩu Mica lớn nhất thế giới và ngành khai thác này đang ngày một phát triển trong những năm gần đây do nhiều công ty lớn trên thế giới sử dụng nguyên liệu này cho các ngành như sản xuất xe hơi, xây dựng, điện tử và đặc biết là mỹ phẩm. Hiện khoảng 10% số Mica được khai thác trên thế giới hiện nay được dùng cho ngành mỹ phẩm, đặc biệt là son môi.

Trẻ em, máu và nước mắt: Bí mật đen tối ẩn chứa đằng sau những thỏi son bóng bẩy của LOreal hay Maybeline - Ảnh 6.

Mica được dùng nhiều trong các ngành khác nhau, đặc biệt là mỹ phẩm

Do được mệnh danh là nguyên liệu thân thiện với môi trường nên Mica được các nhãn hàng ưa chuộng sử dụng hơn các loại thành phần khác.

Tuy nhiên, dù thân thiện với môi trường nhưng không nhiều người biết rằng những thỏi son môi cũng có sự thật xấu xí đằng sau nó.

Ngành khai khoáng hiện nay của Ấn Độ có khoảng 2 triệu lao động nhưng trong đó 1/5 là lao động trẻ em và chỉ có hơn 1.000 người là lao động hợp pháp.

Tồi tệ hơn, phóng sự điều tra của hãng tin Reuters phát hiện ra rằng ngành khai thác Mica của Ấn Độ không chỉ sử dụng lao động trẻ em mà còn bắt các em nhỏ này làm việc trong điều kiện vô cùng nguy hiểm cũng như gây hại cho sức khỏe. Tính từ tháng 6/2016 đến nay, hãng tin Reuters đã ghi nhận 7 trường hợp em nhỏ tử vong tại các bãi khai thác Mica trái phép.

Chị Basanti và con trai Sandeep, 10 tuổi, tại vùng Giridih-Ấn Độ luồn lách trong những hố sâu khoảng 3m để tìm kiếm và nhặt các mảnh Mica. Chị Basanti cho biết con trai chị đã theo mình làm nghề này từ năm 7 tuổi và nhờ đó gia đình kiếm thêm được khoảng 300 Rupees (4 USD) mỗi ngày.

“Tôi biết công việc này nguy hiểm nhưng đây là thứ duy nhất chúng tôi có thể làm để kiếm tiền. Tôi cũng biết con trai Sandeep của tôi không muốn làm việc này nhưng chẳng còn cách nào khác. Nếu con trai tôi có thể đến trường học hành tử tế và kiếm được việc làm thì là điều tốt, nhưng trước hết thì chúng tôi phải kiếm sống đã”, chị Basanti nói.

Trẻ em, máu và nước mắt: Bí mật đen tối ẩn chứa đằng sau những thỏi son bóng bẩy của LOreal hay Maybeline - Ảnh 7.

Em Sandeep, 10 tuổi, phải tìm và nhặt những mảnh Mica trong các hố khai thác bỏ hoang

Một trường hợp khác là em Ajay Das, 5 tuổi, cũng phải chui vào các hố khai thác bỏ hoang để mò Mica kiếm sống. Mỗi ngày em được trả 20 Rupees (33 cent) và chừng đó chỉ đủ để giúp em không bị đói.

Tại vùng Rajasthan-Ấn Độ, những đứa trẻ từ 5 tuổi đã cùng các anh chị em ngồi đập và phân loại các mảnh đá Mica thô để đem đến điểm tập kết bán cho các lái buôn. Trong khi đó, những đứa trẻ lớn hơn thì mạnh dạn chui vào các hố khai thác để tìm kiếm những mảnh Mica lớn.

Luật pháp Ấn Độ cấm trẻ em dưới 18 tuổi bị buộc lao động . Tuy nhiên, những hộ gia đình nghèo ở các vùng mỏ chẳng thể quan tâm được nhiều đến vậy bởi họ cần kiếm sống.

Điều đáng ngạc nhiên là tình trạng này không hề được các nhà chức trách Ấn Độ quan tâm. Bà Dhanraj Sharma của Bộ Lao động Ấn Độ cho biết cơ quan này chưa hề nhận được báo cáo nào về tình trạng lao động trẻ em trên toàn quốc.

Trẻ em, máu và nước mắt: Bí mật đen tối ẩn chứa đằng sau những thỏi son bóng bẩy của LOreal hay Maybeline - Ảnh 8.

Bạn làm gì lúc mới 5 tuổi? Bé gái 5 tuổi này tại Ấn Độ thì đã phải liều mạng mình đi đào Mica kiếm sống cho gia đình đấy.

Ngoài việc có trữ lượng Mica lớn, tình trạng khai thác trái phép và sử dụng lao động ở Ấn Độ còn được thúc đẩy nhờ yếu tố chi phí thấp. Việc dùng những lao động trẻ em với giá rẻ khai thác Mica trên những vùng mỏ bỏ hoang khiến chi phí thu mua tại đây thấp hơn nhiều so với các vùng mỏ khác.

Số liệu của USGS cho thấy Mica mua từ những mỏ khai thác trái phép của Ấn Độ chỉ có giá cao nhất vào khoảng 40 cent/kg, trong khi chúng có thể được bán với giá lên tới 2.000 USD/kg trên thị trường quốc tế.

Khi được hãng tin Reuters liên hệ, công ty mỹ phẩm Estee Lauder Cos cho biết họ có sử dụng Mica trong các sản phẩm nhưng chỉ mua khoảng 10% số Mica từ Ấn Độ. Trong khi đó, hãng L’Oreal thông báo họ mua khoảng 60% nguyên liệu Mica của mình từ Mỹ, số còn lại là từ các nguồn khác bao gồm cả Ấn Độ.

Tổ chức phi chính phủ NRSC nhận định tình trạng bóc lột lao động trẻ em và buộc những em nhỏ này phải làm việc trong điều kiện nguy hiểm đến tính mạng và sức khỏe tại Ấn Độ đã tồn tại rất nhiều năm nay.

Tuy vậy, chỉ đến khi Mica được sử dụng ngày càng nhiều trong 2 năm trở lại đây thì vấn đề này mới bắt đầu thu hút được sự quan tâm của dư luận và công chúng.

Bất chấp điều đó, những hãng lớn như L'Oreal, công ty sở hữu nhiều thương hiệu mỹ phẩm đình đám như Maybeline, Urban Decay, Essie, Nyx... cho rằng họ sẽ tiếp tục sử dụng Mica từ Ấn Độ bởi điều này đem lại thêm thu nhập cho người dân cũng như phát triển kinh tế trong vùng.

Hiện giàu có đâu thì chưa thấy, nhưng những vùng khai thác Mica của Ấn Độ vẫn chìm trong nghèo đói. Người dân quanh vùng vẫn phải chịu sự đàn áp của các tay anh chị khai thác Mica trái phép và con cái họ hàng ngày vẫn phải liều cả tính mạng để kiếm cơm về cho gia đình. Đổi lại những cái chết thương tâm chỉ là vài trăm USD bèo bọt, trong khi những hãng lớn như L'Oreal vẫn tự hào giới thiệu sản phẩm cho các chị em trên toàn thế giới.

Trẻ em, máu và nước mắt: Bí mật đen tối ẩn chứa đằng sau những thỏi son bóng bẩy của LOreal hay Maybeline - Ảnh 9.

Hãy nhớ ánh mắt này nhé mỗi khi bạn mua mỹ phẩm của L'Oreal


AB

Theo Nhịp Sống Kinh Tế