Chuyên môn hóa giúp cho Mai An Tiêm nâng cao tay nghề, kĩ thuật trồng dưa. Dưa hấu chàng trồng to hơn, ngọt hơn trước kia. Vài năm sau, chàng trở thành giám đốc công ty Dưa hấu An Tiêm, nổi tiếng khắp Văn Lang...
Câu chuyện khởi nghiệp, làm giàu của Mai An Tiêm được tác giả tưởng tượng và dựng lại dưới con mắt đương đại như một bài học kinh doanh đáng quý cho hậu thế.
Bài viết dưới đây được hư cấu và sáng tác dựa trên nguyên tác truyện Mai An Tiêm của cá nhân của tác giả. Hi vọng có thể giúp bạn đọc có những phút giây thư giãn cuối tuần.
Ngày xưa, tại nước Văn Lang, có một chàng trai tên là Mai An Tiêm. Mai An Tiêm là người ham hiểu biết, lại lắm tài nghệ nên được vua Hùng yêu quý, ban thưởng chức tước. Không những vậy, chàng lại cao to, đẹp trai, gõ cồng hay, chơi trống đồng giỏi nên tán đổ được Mỵ Nương, con gái vua Hùng. Mai An Tiêm có vợ đẹp, con khôn, lại nhiều bất động sản. Cuộc sống của chàng vô cùng đầy đủ và hạnh phúc. Chính vì giàu có như vậy nên cũng lắm kẻ tiểu nhân ghen ghét. Trong một bữa nhậu, khi nhiều người tâng bốc, chàng liền khoác lác:
- Bàn tay ta làm nên tất cả. Có sức người sỏi đá cũng thành cơm.
Lũ nịnh thần nghe được câu đó như bắt được vàng. Chúng vội vàng tâu lên vua Hùng rằng Mai An Tiêm là một kẻ vô ơn, khoe khoang, không hề biết ơn ân đức trời biển của đức vua, tự cho rằng của cải đều do tự mình kiếm ra. Vua cả giận:
- Thằng này láo! Hôm nay đã vô ơn thì ngày mai còn bất kính đến đâu. Ta sẽ đày nó ra hoang đảo để xem nó biến sỏi đá thành cơm như thế nào?
Trước khi bị lưu đày, Mai An Tiêm hạ quyết tâm, hô lớn:
- Trong ba năm, tôi sẽ trở thành triệu phú. Năm 23 tuổi, tôi sẽ kiếm được một triệu đồng đầu tiên. Tôi xứng đáng với thành công vì tôi bất chấp tất cả.
Ra đến hoang đảo, Mai An Tiêm quyết định trồng lúa, nuôi gà… để khỏi chết đói trước đã. Một ngày nọ, chàng phát hiện một ít hạt giống mà chim phương Bắc mang về. Hạt giống trồng ra một loại quả xanh, to, ruột đỏ, ăn rất ngọt. Chàng đặt tên là quả dưa hấu. Nhìn thấy cơ hội làm giàu, chàng mạnh dạn chuyển từ chăn nuôi gà đi bộ sang canh tác nông sản dưa hấu.
Hàng ngày, buổi sáng vợ chồng chàng cần mẫn trồng dưa, buổi chiều lại cuốc đất trồng lúa. Dưa hấu tuy ngon nhưng cũng chẳng ăn thay cơm được. Cuối cùng, vụ thu hoạch cũng đến. Dưa hấu vợ chàng bán ra thị trường đắt như tôm tươi, hết sạch trong ngày đầu tiên. Tuy nhiên, tiền lời cũng chỉ đủ mua dưa cà, mắm, muối, phân bón cho vụ sau vì sản lượng dưa hấu thấp. Mai An Tiêm buồn lắm. Vợ Tiêm nói:
- Anh à, sáng anh làm được 6 sào dưa, chiều 3 sào lúa đúng không? Em một buổi cũng làm được 1 sào dưa hoặc 2 sào lúa. Anh có thấy gì không?
Mai An Tiêm giận cá chém thớt:
- Thấy tôi làm tốt hơn cô mọi mặt chứ gì.
Vợ nhẹ nhàng phân tích:
- Đúng là anh làm tốt hơn em mọi mặt. Tuy nhiên đó chỉ là lợi thế tuyệt đối thôi. Nhưng em lại có lợi thế cạnh tranh hơn anh khi trồng lúa. Tức là, chi phí cơ hội mà em bỏ ra để trồng lúa thấp hơn anh. Chi phí cơ hội để anh cày 1 sào lúa là 2 sào dưa (6/3=2). Còn chi phí cơ hội để em cày 1 sào lúa là 0.5 sào dưa (1/2=0.5). Nếu vậy, chúng ta chuyên môn hóa, anh trồng dưa, em làm trồng lúa thì tổng sản lượng chẳng phải sẽ tăng lên sao?
- Mặc dù anh làm tốt hơn em mọi mặt nhưng mỗi người nên chuyên môn hóa, sản xuất sản phẩm có chi phí cơ hội thấp nhất. Như vậy mới có thể tăng được năng suất lao động. Anh có thể làm tốt hơn em về mọi mặt nhưng anh nên tập trung vào lợi thế cạnh tranh, giỏi trồng dưa của mình. Một người nếu cầu toàn, việc gì cũng làm thì sẽ không thể thành công được.
Mai An Tiêm gật gù nghe lời vợ. Mùa sau nhờ phân công lao động mà năng suất trồng trọt tăng rõ rệt. Hơn nữa, chuyên môn hóa giúp cho Mai An Tiêm nâng cao tay nghề, kĩ thuật trồng dưa. Dưa hấu chàng trồng to hơn, ngọt hơn trước kia. Vài năm sau, chàng trở thành giám đốc công ty Dưa hấu An Tiêm, nổi tiếng khắp Văn Lang, đồng thời là triệu phú Văn Lang đồng đầu tiên nhờ canh tác nông sản. Ngày ấy, tiền chưa mất giá nên triệu phú là to lắm.
Vua Hùng thấy chàng thành công, liền mời về dạy mấy lớp CEO khởi nghiệp. Từ đó, ngoài làm giám đốc, chàng còn trở thành diễn giả, đi khắp nơi kể về câu chuyện khởi nghiệp của mình, thắp ngọn lửa doanh nhân cho con cháu Lạc Hồng. Nhờ vậy, câu chuyện khởi nghiệp của chàng còn được lưu giữ đến ngày nay để các bạn đọc.
Bài học:
- Nếu tìm được lợi thế cạnh tranh của mình thì vẫn có thể thành công trước đối thủ chiếm ưu thế tuyệt đối.
- Muốn thành công, cần nghe lời vợ.
Theo Vũ Minh Trường-NCS Tiến sĩ Lãnh Đạo Chiến Lược, ĐH James Madison/ Trí Thức Trẻ