3 trụ nước sạch đầu tiên xuất hiện trên đường phố Hà Nội còn khiến người dân khá bỡ ngỡ vì không rõ cách thức sử dụng. Với thiết kế vòi để uống trực tiếp, họ cảm thấy khá bất tiện, nhiều người còn lầm tưởng là... bồn rửa tay.
Những trụ nước sạch đầu tiên xuất hiện tại Hà Nội
Cuối tháng 3, Công ty nước sạch số 3 TP Hà Nội lắp đặt những trụ nước sạch miễn phí tại vườn hoa Sơn Tây (ngã tư Quang Trung - Tràng Thi), chợ Hàng Da và chợ Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm). Các trụ nước sạch nằm trên vỉa hè, cách mép đường khoảng 50 cm và được lắp đặt hệ thống máy lọc nước thông minh.
Được biết, nước đã được xử lý qua nhiều công đoạn, đạt tiêu chuẩn nước khoáng thiên nhiên và nước uống đóng chai theo quy định của Bộ Y tế. Chi phí để lắp đặt mỗi trụ nước khoảng 110 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa.
Các trụ nước được thiết kế cao quá bụng người lớn và có thêm 2 bậc nhỏ để trẻ em có thể với tới. Mỗi lần uống nước, người dùng chỉ cần ấn nhẹ nút phía sau vòi, lập tức nước sẽ chảy ra và có thể uống ngay. Trên đó đều được gắn bảng hướng dẫn sử dụng với nội dung ghi rõ cách sử dụng, mục đích cũng như nhắc nhở người dùng tiết kiệm, tránh lãng phí.
Dự kiến trong thời gian tới, sau khi đánh giá hiệu quả của dự án, Công ty kinh doanh nước sạch số 3 Hà Nội sẽ lắp đặt thêm một trụ nước miễn phí ở vườn hoa, tượng đài Lý Thái Tổ và sau đó nhân rộng thêm nhiều điểm ở quận Hoàn Kiếm.
Mỗi ngày, nhân viên bảo trì và dọn vệ sinh hai lần ở các trụ nước sạch.
3 trụ nước sạch đầu tiên ở Hà Nội xuất hiện ở vườn hoa Sơn Tây, chợ hàng Da và chợ Đồng Xuân.
Mỗi thiết kế cao quá bụng người lớn, có thêm 2 bậc nhỏ để trẻ em có thể đứng lên uống.
Công trình được thiết kế kì vọng sẽ góp phần bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng cốc nhựa.
Chỉ cần ấn nhẹ phía sau vòi, nước sẽ tự động phun ra.
Mỗi ngày sáng sớm và chiều tối, nhân viên công ty nước sạch đều có mặt để vệ sinh trụ nước.
Nhiều người dân còn khá bỡ ngỡ với trụ nước
Chỉ trong thời gian ngắn được đưa vào hoạt động, những trụ nước sạch miễn phí đã mang lại nhiều tiện lợi cho người dân. Tại vườn hoa Sơn Tây, hàng ngày, các em học sinh sau những trận bóng thường dừng lại cùng nhau uống nước sạch.
Sự xuất hiện của những trụ nước sạch trên đường phố Hà Nội khiến nhiều người dân khá bỡ ngỡ. Ban đầu, họ lầm tưởng đây chỉ là những chiếc tủ điện bình thường nếu như chỉ nhìn từ xa. Tiến lại gần, họ lại nghĩ nhưng trụ nước này dùng để... rửa tay thay vì cung cấp nước sạch để uống.
Mỗi trụ nước đều không được trang bị kèm thiết bị hay vật dụng hỗ trợ uống nước. Trên bảng hướng dẫn ghi rõ "uống trực tiếp sau khi nước phun ra từ vòi". Tuy nhiên theo một số người, thiết kế vòi nước khiến mỗi khi nước phun ra, người dân khó sử dụng.
Người dân còn khá bỡ ngỡ với trụ nước. Họ vẫn nghĩ đây là bồn rửa tay.
Hoặc họ sẽ đem theo ca nhựa để tiện sử dụng, thiết kế vòi để uống trực tiếp theo họ là khá bất tiện.
"Tôi thấy đây là một công trình rất tốt với người dân, ai ai cũng có thể tiếp cận lấy nước sạch để uống. Mỗi ngày đi thể dục gần đây, tôi thường xuyên dừng lấy nước. Nói chung nước mát và khá tinh khiết. Tuy nhiên tôi chưa quen uống trực tiếp từ vòi, cần thiết có một ca nhựa thì hơn" - bác Linh (50 tuổi) nói.
Thói quen sử dụng các thiết bị đựng nước phần nào làm giảm bớt tính hiệu quả của trụ nước. Về cơ bản, công trình này ra đời vốn được kỳ vọng góp phần bảo vệ môi trường, hạn chế đồ nhựa. Tuy nhiên, hầu như người dân chưa thực sự hiểu rõ điều này và cảm thấy bất tiện. Để tiện dụng hơn, họ mang theo ca, chai nhựa mỗi khi tới các trụ nước.
"Mỗi khi uống nước, thường tôi vẫn cảm thấy dễ dàng hơn nếu dùng một chiếc cốc hoặc một chai nhựa. Với dân lao động, thay vì phải mua nước mỗi ngày, giờ tôi có thể tới đây đổ đầy một bình nước uống cho cả ngày" - cô Vân (37 tuổi) chia sẻ.
Theo chia sẻ của một nhân viên công ty nước sạch, việc bố trí thêm cốc nhựa ở trụ nước là không hợp lý. Thứ nhất, việc làm này đi ngược lại với tiêu chí bảo vệ môi trường mà từ đầu công ty đã đề ra. Thêm vào đó, mỗi ngày có khá nhiều người dân lui tới trụ nước, liệu có con số chính xác về số lượng cốc nhựa cần thiết? Và nếu chỉ sử dụng chung một cốc nhựa, sức khoẻ của người dân có được đảm bảo?
Nhiều người dân mang theo các vật dụng để hứng nước.
Trong tương lai nếu công trình này thành công, thành phố sẽ cho nhân rộng mô hình.
Theo Minh Nhân
Trí Thức Trẻ