Vì sao xe bị cấm cửa vào Trung Quốc ?
Hàng trăm xe container của VN bị Trung Quốc cấm qua biên giới do vi phạm thủ tục thông quan nhập khẩu. Ảnh: Minh Hiền. |
Theo thông tin mà PV Thanh Niên nắm được, hiện nay có hàng trăm xe ô tô con tainer của VN bị cơ quan chức năng Trung Quốc cấm cửa, không đượng chở hàng vào Trung Quốc do vi phạm các quy định về thủ tục thông quan của họ.Trong số này nhiều nhất là xe biển số TP.Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Bình Định và các tỉnh khác.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, tất cả các xe này đều chở trái cây vào Trung Quốc thông qua các công ty môi giới phía Trung Quốc làm thủ tục. Anh Nguyễn Minh H. một chủ doanh nghiệp vận tải ở Bình Thuận cho biết : “Xe tôi chở thanh long sang Trung Quốc quanh năm giờ bất ngờ không được vào vì bị cấm do vi phạm. Doanh nghiệp chúng tôi làm các thủ tục nhập hàng vào Trung Quốc thông qua các công ty luật môi giới của họ chứ có tự ý vào được đâu. Giờ mấy đầu xe của tôi đều bị cấm chở hàng vào Trung Quốc mà tôi không hề biết mình vi phạm gì”- anh H nói. Chiều ngày 16.8, anh H. phải thuê hai chiếc xe đầu kéo từ Lào Cai sang hàng nhập khẩu vào Trung Quốc thay cho những chiếc xe đã bị cơ quan chức năng Trung Quốc “cấm cửa”.
Danh sách xe container (chưa đầy đủ) bị Trung Quốc cấm không cho thông quan do vi phạm được một chủ DN vận tải chuyên vận chuyển thanh long ở Bình Thuận cung cấp cho Thanh Niên - QH |
Theo Cựu chủ tịch Hiệp hội thanh long Bình Thuận Bùi Đăng Hưng, phía Trung Quốc không có chính sách gì mới về nhập khẩu. Nhưng do mình không thực hiện đúng các quy định về xuất xứ hàng hóa, về thủ tục thông quan thì họ kiểm soát chặt chẽ nên bị chậm lại.
Ông Hưng giải thích, việc nhập thanh long vào Trung Quốc theo đường tiểu ngạch không còn “thả lỏng”. Thay vào đó, các cơ quan kiểm soát nông sản của Trung Quốc vận hành các tiêu chí về an toàn thực phẩm và xuất xứ hàng hóa để “siết” trái cây VN.
Nhưng trao đổi với Thanh Niên, giám đốc Sở Công thương Bình Thuận Đỗ Minh Kính lại tiết lộ, tất cả các xe container nhập khẩu vào Trung Quốc đều được gắn một mã số điện tử (biển số điện tử có mã vạch) ở đầu xe. Khi xe qua biên giới vào Trung Quốc, máy sẽ nhận diện và thông quan tự động. Một số “cò” dịch vụ Trung Quốc làm giả các biển số điện tử để nhập hồ tiêu vào nội địa bị phát hiện nên họ không sử dụng biển số điện tử, mà kiểm tra bằng phương pháp thủ công, do vậy việc thông quan chậm trễ kéo dài mấy ngày qua. “Không có liên quan gì đến chất lượng hàng hóa”- ông Kính khẳng định.
Cũng theo ông Kính, một số cò của Trung Quốc đã làm giả giấy tờ thông quan để nhập hồ tiêu và bị phát hiện. Do vậy, những chiếc xe này lập tức bị cấm cửa.
Anh H, chủ doanh nghiệp vận tải container ở Bình Thuận hiện đang ở Lào Cai cũng cho biết, hai ngày nay, tại cửa khẩu Hà Khẩu của tỉnh Lào Cai, việc thông quan cơ bản đã trở lại bình thường. Tuy nhiên, nhiều nhà xe hoang mang vì không biết bao giờ phía Trung Quốc tháo gỡ lệnh cấm qua biên giới đối với các đầu xe container của mình. Việc cấm xe của Trung Quốc đối với các đầu xe chuyên vận tải trái thanh long sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc xuất khẩu thanh long qua biên giới và thiệt hại lớn cho doanh nghiệp vận tải.
Bình Thuận hiện có 30.000 ha thanh long, trong đó có 11.000 ha trồng theo tiêu chuẩn Viet GAP, mỗi năm thu trên 600.000 tấn quả. Ảnh: Quế Hà |
Thương lái Trung Quốc “làm chủ” cuộc chơi !
Câu chuyện thương lái người Trung Quốc thu gom thanh long tận nhà vườn, thậm chí đứng đằng sau hầu hết các hoạt động xuất khẩu, là chuyện không lạ.
Chuyên gia Bùi Đăng Hưng, nguyên Chủ tịch Hiệp hội thanh long Bình Thuận thừa nhận, dù các vựa thanh long ở “thủ phủ” thanh long Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) đều do người địa phương đứng tên nhưng hầu hết đều do người Trung Quốc điều hành và đầu tư vốn. Do vậy họ quá hiểu từ tập tục sản xuất đến phương thức kinh doanh, thời điểm mùa vụ của mình. Điều này tức là người trồng thanh long không thể làm chủ đầu ra. Thậm chí những doanh nghiệp địa phương, nếu không liên kết với thương lái Trung Quốc đều bị ép, và trước sau gì cũng “đổ bể”.
Trả lời câu hỏi có phải do phía Trung Quốc đã trồng một diện tích thanh long quá lớn, nên họ hạn chế nhập thanh long của Bình Thuận (VN), ông Bùi Đăng Hưng cho rằng, thực tế diện tích thanh long ở Quảng Tây đã phát triển hàng chục nghìn hec-ta, nhưng do đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu nên thanh long của Trung Quốc bị chua, không ngon bằng thanh long VN. Do vậy họ trồng thanh long không ảnh hưởng đến việc nhập khẩu trái cây này từ VN.
Nông dân trồng thanh long ở Hàm Thuận Nam, thủ phủ thanh long của cả nước. Ảnh: Quế Hà |
Sắp thu hoạch sản lượng “khủng” Theo ông Nguyễn Đức Trí- Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu cây thanh long (Sở NN-PTNT Bình Thuận), hiện nay cả tỉnh có khoảng 30.000 ha thanh long. Diện tích khoảng nhất vẫn là Hàm Thuận Nam với diện tích chừng 12.000 ha, sau đó là Hàm Thuận Bắc 9.000 ha và Bắc Bình khoảng 4.000 ha. Trong khi đó, toàn tỉnh mới chỉ có khoảng 11.000 ha được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện nay người dân trồng thanh long đã cơ bản ý thức được việc sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn VietGAP. Do vậy diện tích không phát triển như vài năm trước, thay vào đó là các mô hình liên kết sản suất thanh long sạch. Tuy nhiên, số ít bà con vẫn không tuân thủ các bước chăm sóc theo VietGAP. Cũng theo ông Trí, hiện nay đang là mùa vụ chính của thanh long. Trong tuần tới, một diện tích rất lớn được bà con các H.Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc thu hoạch có thể tới hơn 100.000 tấn. “Giá hiện nay chỉ 6-7 nghìn đồng. Nếu việc xuất khẩu trục trặc có thể giá còn xuống nữa, và chắc chắn bà con sẽ lỗ”- ông Trí cảnh báo. |