Theo bà Shen Meng - Giám đốc Chanson & C., một ngân hàng đầu tư có trụ sở tại Bắc Kinh, vụ phá sản của Evergrande China Group sẽ gây ra nhiều vấn đề cho toàn bộ lĩnh vực bất động sản Trung Quốc.
"Nỗ lực thu hồi nợ của các bên cho vay sẽ dẫn đến một đợt bán tháo nhà ở ồ ạt và ảnh hưởng đến giá nhà. Biên lợi nhuận của chuỗi cung ứng cũng bị siết chặt", Bloomberg dẫn lời bà dự báo. "Điều này cũng dẫn đến tình trạng bán tháo hoảng loạn trên thị trường vốn", bà Shen Meng cảnh báo.
Theo giới quan sát, thay vì để Evergrande phá sản, các cơ quan quản lý Trung Quốc sẽ tái cơ cấu khoản nợ 300 tỷ USD của tập đoàn và giữ rủi ro hệ thống ở mức tối thiểu.
Tuy nhiên, theo Bloomberg, cuộc giải cứu thị trường chứng khoán năm 2015 của Bắc Kinh cho thấy rằng trên thực tế, các nhà hoạch định chính sách rất khó kiểm soát những diễn biến trong hệ thống tài chính, ngay cả khi chính quyền có thể điều hành hầu hết nhà băng và gây sức ép lên các chủ nợ, nhà cung cấp và những đối tác khác.
Việc vay tiền ồ ạt đã đẩy China Evergrande - công ty bất động sản khổng lồ tại Trung Quốc - vào cuộc khủng hoảng nợ chưa từng có. Anhr: Reuters.
Việc vay tiền ồ ạt đã đẩy China Evergrande - công ty bất động sản khổng lồ tại Trung Quốc - vào cuộc khủng hoảng nợ chưa từng có. Anhr: Reuters. |
Bất ổn xã hội
Nguy cơ rủi ro lan rộng đã được phơi bày. Hôm 16/9, lợi tức của trái phiếu rủi ro cao (junk-bond) tại Trung Quốc đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 18 tháng. Giá cổ phiếu của các công ty bất động sản cũng lao dốc sau khi Evergrande bị hạ xếp hạng tín dụng và yêu cầu ngừng giao dịch trái phiếu trong nước.
Một số nhà băng Trung Quốc đã tích trữ đồng NDT với mức giá cao nhất trong gần 4 năm. Theo Bloomberg, dường như họ đang chuẩn bị cho "sự siết chặt thanh khoản trong chế độ khủng hoảng" mà một chiến lược gia của Mizuho Financial Group Inc. cảnh báo.
Nhà chức trách Trung Quốc thúc giục tỷ phú Hứa Gia Ấn - người sáng lập Evergrande - xử lý khủng hoảng nợ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ chính quyền có cho phép tập đoàn tái cơ cấu hay phá sản hay không.
Ngay cả các quan chức cấp cao tại ngân hàng quốc doanh cũng đang chờ hướng dẫn về một giải pháp lâu dài từ phía Bắc Kinh. Theo nguồn tin của Bloomberg, trong tuần này, những ngân hàng lớn cho Evergrande vay đã được thông báo rằng tập đoàn sẽ không thể thanh toán lãi suất đến hạn vào ngày 20/9.
Giới chuyên gia cho rằng số phận của Evergrande sẽ phụ thuộc vào lựa chọn của các lãnh đạo chính phủ Trung Quốc. Bắc Kinh buộc phải chọn giữa duy trì sự ổn định xã hội và tài chính, hoặc tiếp tục theo đuổi chiến dịch chấn chỉnh ngành bất động sản.
Các cuộc biểu tình của những người mua nhà và nhà đầu tư Evergrande đã nổ ra tại nhiều thành phố khác nhau của Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Khủng hoảng nợ của Evergrande diễn ra khi Trung Quốc đối mặt với tình trạng giảm tốc kinh tế, chính quyền nước này mở chiến dịch siết chặt kiểm soát khu vực tư nhân và căng thẳng gia tăng trong quan hệ Mỹ - Trung.
"Chính quyền phải rất, rất cẩn trọng trong việc cân đối hỗ trợ cho Evergrande", ông Yu Yong, cựu quan chức tại Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc, bình luận.
"Bất động sản là bong bóng lớn nhất của Trung Quốc. Mọi người đều đang nói về nó", ông Yu Yong bình luận. "Vì vậy, nếu có bất cứ điều gì xảy ra, nó sẽ gây ra rủi ro hệ thống cho nền kinh tế Trung Quốc", ông cảnh báo.
Tại Quảng Châu, các khách hàng mua nhà đã bao vây văn phòng nhà ở địa phương của công ty. Họ yêu cầu Evergrande bắt đầu lại việc xây dựng bị đình trệ. Tháng 8, Evergrande buộc phải dừng thi công một số dự án do chưa thể trả tiền cho nhà cung cấp.
Tính đến cuối tháng 6, người mua nhà đã trả trước cho Evergrande khoảng 1.300 tỷ NDT (tương đương 202 tỷ USD). Theo Capital Economics, điều đó có nghĩa là tập đoàn phải hoàn thành 1,4 triệu căn hộ để trả nợ.
Tuy nhiên, theo chiến lược gia trưởng Hao Hong của Bocom International, nếu Evergrande gấp rút bán các căn hộ lên thị trường, giá bất động sản sẽ lao dốc.
Trong khi đó, tại đất nước 1,4 tỷ dân, nhiều người không muốn giá nhà lao dốc. Nhiều năm qua, họ đã cố gắng mua nhà với kỳ vọng giá nhà sẽ ngày càng tăng cao. Ngày nay, bất động sản chiếm 40% tài sản hộ gia đình. Việc mua 1 hoặc 2 căn nhà được coi là thước đo thành công đối với không ít người.
"Do phần lớn tài sản của mọi người là bất động sản, việc điều chỉnh chỉ 10% cũng là cú hích lớn với nhiều người", nhà phân tích Fraser Howie nhận định.
Cuối tuần trước, Evergrande cũng đề xuất hoãn trả nợ đối với các chủ sở hữu WMP (sản phẩm quản lý tài sản) - nguồn tài trợ chính của tập đoàn. Tập đoàn nợ khoảng 40 tỷ NDT WMP.
Evergrande đang cố gắng giải phóng tiền mặt bằng cách bán tài sản, bao gồm cổ phần trong đơn vị dịch vụ bất động sản và xe điện của mình. Tuy nhiên, tập đoàn thừa nhận quá trình này "vẫn chưa đạt nhiều tiến bộ".
Rủi ro trên các thị trường tài chính
Evergrande là công ty phát hành trái phiếu USD lãi suất cao lớn nhất Trung Quốc, chiếm 16% lượng trái phiếu lưu hành, theo các nhà phân tích của Bank of America Corp. Nếu công ty sụp đổ, tỷ lệ vỡ nợ trên thị trường trái phiếu USD lãi suất cao của đất nước sẽ bị đẩy từ 3% lên 14%.
Thời gian qua, Bắc Kinh đã thoải mái hơn trong việc cho phép các doanh nghiệp sụp đổ. Tuy nhiên, sự gia tăng đột biến trong chi phí huy động vốn nước ngoài có thể làm trật bánh một nguồn tài chính quan trọng.
Điều này cũng có thể làm suy yếu niềm tin trên toàn cầu đối với các nhà phát hành trái phiếu Trung Quốc. Theo chỉ số của Bloomberg, lãi suất trái phiếu USD của Trung Quốc đã tăng từ khoảng 7,4% trong tháng 2 lên 14%.
Theo các chiến lược gia của Citigroup, những trái chủ nắm giữ trái phiếu USD của Evergrande có thể không phải đối tượng được ưu tiên trong việc tái cơ cấu nợ.
Đồng quan điểm bà Teresa Kong - trưởng bộ phận Thu nhập cố định của Matthews Asia - cho rằng các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trái phiếu của Evergrande có lẽ sẽ là "ưu tiên cuối cùng". Theo bà, chính quyền Trung Quốc rất rõ ràng về mục tiêu duy trì ổn định xã hội và điều đó có nghĩa là đặt người mua hàng lên hàng đầu.
"Các nhà đầu tư nhỏ lẻ, ít kinh nghiệm có thể là ưu tiên thứ 2. Những nhà đầu tư nước ngoài thường là các tổ chức đầu tư, họ nên hiểu những rủi ro này", bà Kong bình luận.
Hàng chục người tập trung ở văn phòng của Evergrande tại Thâm Quyến để đòi lại các sản phẩm quản lý tài sản (WMP) quá hạn hoàn trả. Ảnh: Reuters. |
Sự sụp đổ các Evergrande có thể buộc các ngân hàng cắt giảm khoản nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp, thậm chí làm đóng băng thị trường tiền tệ. Chính phủ hoặc ngân hàng trung ương sẽ phải hành động. Những ngân hàng tham gia vào hoạt động cho vay bất động sản có khả năng chịu sức ép, dẫn đến gia tăng các khoản nợ xấu.
Theo Fitch Ratings, các ngân hàng nhỏ hơn có mối quan hệ làm ăn với Evergrande và những công ty bất động sản hoạt động yếu kém sẽ đối mặt với sự gia tăng đáng kể về số khoản nợ xấu.
Cuộc khủng hoảng của Evergrande diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc lao dốc. Những biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus đang gây tổn hại đến chi tiêu bán lẻ và du lịch. Việc Bắc Kinh siết chặt kiểm soát lĩnh vực bất động sản cũng khiến giá nhà sụt giảm.
Dữ liệu chỉ ra trong tháng 8, doanh số bán nhà tính theo trị giá đã giảm 20% so với 1 năm trước đó, mức giảm mạnh nhất kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát vào đầu năm ngoái. Các đòn giáng lên lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc không chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế trong nước, mà còn gây ra những hậu quả toàn cầu.
"Trong vài năm tới, việc xây dựng nhà ở có thể chậm lại đáng kể. Rủi ro đó càng lớn hơn nếu Evergrande thất bại hoặc phá sản", ông Logan Wright, Giám đốc công ty nghiên cứu Rhodium Group LLC, cảnh báo.
"Việc xây dựng chậm lại trong thời gian dài sẽ gây ra sự sụt giảm đáng kể trong tăng trưởng GDP, nhu cầu hàng hóa và có thể tạo nên những hiệu ứng thiểu phát trên toàn cầu", ông nhấn mạnh.