Cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ leo thang lên mức cao chưa từng có. Bắc Kinh đã tung đòn đáp trả và đang âm thầm triển khai một thứ 'vũ khí' nguy hiểm, đáng sợ với thế giới nhưng cũng nguy hiểm với chính Trung Quốc.
Diễn biến đáng sợ
Cuối cùng điều đáng lo ngại nhất cũng đã đến. Đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc liên tục tụt giảm trong vài phiên gần đây sau khi chính quyền Mỹ Donald Trump triển khai một kịch bản chung kết: áp thuế toàn bộ 500 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc xuất vào Mỹ với thuế suất 25%.
Trong phiên giao dịch chiều 14/5, đồng NDT ở nước ngoài đã tụt xuống dưới ngưỡng 6,91 NDT đổi 1 USD. Trước đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PboC) đã điều chỉnh giảm tỷ giá 0,6%. Đây là mức tỷ giá NDT/USD thấp nhất kể từ tháng 12/2018 khi cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc leo thang.
Tính chung 1 tháng qua, đồng NDT đã giảm khoảng 2,4-2,5% so với đồng USD.
Các thị trường tài chính liên tục chao đảo, và điều đương nhiên là thế giới bắt đầu nghĩ tới khả năng Trung Quốc phá giá đồng NDT cũng như nghĩ tới bóng ma ám ảnh thị trường tài chính toàn cầu hồi năm 2015.
Phá giá đồng NDT là một trong 3 “vũ khí hạng nặng” mà theo giới quan sát Trung Quốc có thể dùng để trả đũa Mỹ, sau khi quyết định áp thuế lên 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ từ đầu tháng 6 tới.
Tuy nhiên, việc sử dụng vũ khí này giống như con dao hai lưỡi, có thể gây ra hậu quả cực kỳ tệ hại cho thị trường tài chính thế giới cũng như chính nền kinh tế Trung Quốc. Đó là điều mà Bắc Kinh không hề mong muốn.
Có nhiều lý do để Trung Quốc tính đến khả năng phá giá đồng NDT. Trước hết, các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh muốn trung hòa ảnh hưởng của thuế quan Mỹ đối với nền kinh tế Trung Quốc.
Theo đánh giá của nhóm Biên An Toàn, với kịch bản chung kết áp thuế toàn bộ 500 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc xuất vào Mỹ, ngành xuất khẩu nước này sẽ thiệt hại nặng nề do giá thành phẩm lên cao (25%) và cầu giảm đột ngột. Từ đó, kéo theo các ngành phụ trợ và cả nền kinh tế Trung Quốc lao đao, dễ dẫn đến vỡ nợ diện rộng nếu chính phủ Trung Quốc không ứng cứu thanh khoản kịp thời như giai đoạn 2013-2015.
Suy giảm kinh tế kéo theo bất ổn xã hội, suy giảm nguồn lực và kìm hãm sự bành trướng của Trung Quốc là kết quả khi cuộc chiến không tiếng súng này leo thang tới đỉnh điểm. Dòng vốn FDI vào Trung Quốc sẽ chững lại và đảo chiều do định hướng dòng tiền này là tận dụng lợi thế quy mô chính sách, ưu đãi nhân công để sản xuất hàng xuất vào Mỹ...
Những tín hiệu kinh tế gần nhất cũng khiến Bắc Kinh lo lắng.
Theo báo cáo mới nhất, nền kinh tế Trung Quốc có dấu mất đà trong tháng 4, thời điểm trước khi bị ông Trump đánh thuế cao mới. Tăng trưởng sản lượng công nghiệp trong tháng 4 chỉ ở mức 5,4%, thấp hơn nhiều so với mức dự báo 6,5% trước đó. Tăng trưởng bán lẻ và đầu tư tài sản cố định cũng thấp hơn dự báo.
Tăng trưởng tháng 4 u ám trở lại mặc dù đã hồi phục trong tháng 3 bất chấp Trung Quốc vẫn đẩy mạnh đầu tư công. Sự suy giảm của khu vực tư nhân là yếu tố chính khiến nỗi ám ảnh suy giảm tăng trưởng trở lại.
Thế trận Mỹ - Trung: Donald Trump chủ động
Chiến tranh thương mại leo thang sẽ ảnh hưởng mạnh tới cả kinh tế Mỹ và Trung Quốc. Những biện pháp mà Trung Quốc đưa ra, như phá giá đồng NDT, thậm chí có thể gây ra một cú sốc như trong năm 2015.
Thời điểm đó, Trung Quốc đã nới lỏng mạnh mẽ đồng NDT thông qua cơ chế quản lý hoàn toàn mới: thả nổi có điều chỉnh. Thị trường tài chính thế giới chao đảo, nhiều đồng tiền trong khu vực và thế giới rớt thảm hại sau đó.
Trong năm 2017 và 2018, đồng NDT lại trở lại với xu hướng giảm giá, nhất là trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nhiều lần tăng lãi suất. Trong năm 2018, NDT đã giảm 5,5% so với đồng USD. Nó khiến ông Trump nổi giận với cáo buộc cho rằng, Bắc Kinh cố tình làm suy yếu đồng nội tệ.
Mặc dù phá giá đồng NDT có thể giúp Trung Quốc trung hòa phần nào ảnh hưởng của thuế quan Mỹ, nhất là nếu Mỹ áp thuế 25% đối với toàn bộ 500 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc xuất vào Mỹ.
Nhưng tác động ngược của chính sách này rất lớn. Cú phá giá đồng NDT dẫn đến một đợt bán tháo cổ phiếu trên diện rộng và sự tháo chạy của dòng vốn nước ngoài. Đây là một bài học đau thương với Trung Quốc.
Theo ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc kinh doanh chi nhánh TP.HCM CTCK Vndirect, việc phá giá đồng NDT chỉ làm gia tăng bất ổn nội tại của Trung Quốc hơn là giúp giá hàng hóa xuất qua Mỹ rẻ đi. Việc phá giá sẽ tác động mạnh tới kinh tế Trung Quốc thông qua việc đảo nghịch dòng vốn FDI và FII, kèm theo đó là bất ổn kinh tế do lạm phát tăng và bất ổn xã hội.
Trong khi đó, theo Biên An Toàn, cuộc chiến thương mại không làm Mỹ thiệt hại nhiều vì nước Mỹ đã chuẩn bị khá kỹ cho vấn đề này từ khoảng 4 nhiệm kỳ tổng thống đổ lại đây. Hơn thế, việc hàng hóa Trung Quốc đắt đỏ lên sẽ kích thích sản xuất nội địa Mỹ bù đắp vào. Nguồn lực hỗ trợ từ chính sách của tổng thống Donald Trump, từ thặng dư ngân sách cho việc áp thuế cũng như kêu gọi các nguồn lực gốc Mỹ tái đầu tư về nội địa là rất rõ ràng trong thông điệp mà ông Trump nhắn tới các tập đoàn lớn như Apple, Goolge, Intel, Amazon,...
Các chính sách hỗ trợ trực tiếp ngành nông nghiệp Mỹ với tỷ trọng xuất khẩu lớn qua Trung Quốc đang được chính phủ Mỹ triển khai tốt để an dân nhằm dự phóng cho một cuộc chiến kéo dài. Thông tin mới nhất cho thấy, ông Trump chi thêm 15 tỷ USD giúp nông dân Mỹ, lực lượng cử tri chủ đạo ủng hộ ông Trump, vượt chiến tranh thương mại.
Nhưng quan trọng nhất: Mỹ chính là một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa, khoảng trống hàng Trung Quốc gia cao sẽ được lấp đầy nhanh chóng từ các đối tác mới “thân Mỹ hơn một cách rõ ràng hơn”.
Trong một thông điệp mới trên Twitter, ông Trump cho rằng, động thái tiếp theo của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại với Mỹ sẽ là một đợt cắt giảm lãi suất, đồng thời kêu gọi Fed có hành động tương tự để sớm kết thúc cuộc chiến với phần thắng nghiêng về Mỹ, với một "thỏa thuận tuyệt vời" cho nước Mỹ.
V. Minh
Theo VietnamNet