Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Trung Quốc sẽ sử dụng Apple làm quân bài mặc cả thương mại với Mỹ?

11/08/2018 14:21

Apple đang được hưởng lớn nhờ thị trường Trung Quốc và cũng phụ thuộc lớn vào chuỗi cung ứng ở nước này, đây cũng là các lý do khiến hãng smartphone này có thể bị Trung Quốc sử dụng như một quân bài để mặc cả trong cuộc chiến thương mại Mỹ.

Apple đang được hưởng lớn nhờ thị trường Trung Quốc và cũng phụ thuộc lớn vào chuỗi cung ứng ở nước này, đây cũng là các lý do khiến hãng smartphone này có thể bị Trung Quốc sử dụng như một quân bài để mặc cả trong cuộc chiến thương mại Mỹ.

Một cửa hàng của Apple ở TP. Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg

Truyền thông nhà nước cảnh báo Apple

Hôm 7-8, tờ Nhân dân Nhật báo đăng một bài xã luận thẳng thừng chỉ rõ rằng doanh số khổng lồ của thương hiệu Mỹ tại Trung Quốc bao gồm Apple tạo ra cho Trung Quốc “những quân bài mặc cả” trong cuộc xung đột thương mại hiện nay với Mỹ.

Bài xã luận nói Apple được hưởng lợi nhờ nguồn nhân công giá rẻ và chuỗi cung ứng mạnh mẽ ở Trung Quốc. Vì vậy, hãng này cần chia sẻ lợi nhuận nhiều với người dân Trung Quốc nếu không sẽ “đối mặt với sự giận dữ và tinh thân dân tộc” của nhân dân Trung Quốc (ám chỉ đến hành động tẩy chay) giữa lúc chiến tranh thương mại đang lan rộng giữa Mỹ và Trung Quốc

Bài xã luận cho rằng Apple đã kiếm được 9,6 tỉ đô la Mỹ doanh thu ở Trung Quốc trong quí 2-2018, giúp vốn hóa thị trường của hãng này gần đây cán mốc 1.000 tỉ đô.

Song cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh có thể khiến Apple và các công ty Mỹ khác dễ bị tổn thương nếu bị Bắc Kinh sử dụng làm các quân bài để mặc cả với Mỹ.

Bài xã luận có đoạn: “Thành công đáng chú ý mà Apple đạt được ở thị trường Trung Quốc có thể kích động tinh thần dân tộc chủ nghĩa ở Trung Quốc nếu các biện pháp bảo hộ mà Tổng thống Mỹ Donald Trump thông qua gần đây tác động nặng nề đến các công ty Trung Quốc”.

Theo bài xã luận, Trung Quốc là thị trường nước ngoài quan trọng nhất đối với Apple, khiến hãng này bị đặt vào tình thế nguy hiểm nếu người dân Trung Quốc biến nó thành một mục tiêu để trút giận và thể hiện tinh thần dân tộc. Trung Quốc không muốn khép cánh cửa lại với Apple dù xung đột thương mại đang diễn ra với Mỹ nhưng nếu muốn tiếp tục kiếm lợi nhuận lớn ở Trung Quốc, Apple phải chia sẻ các lợi tức này với nhân dân Trung Quốc. Bài xã luận nói các công ty trong chuỗi cung ứng của Apple chỉ được hưởng khoảng 1,8% trong tổng lợi nhuận mà iPhone tạo ra cho Apple nhưng không rõ con số này được lấy từ đâu.

Cuối tuần trước, cổng thông tin điện tử của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) cũng đăng bài viết chỉ trích Apple không ngăn chặn các quảng cáo cờ bạc trực tuyến và các tiểu thuyết khiêu dâm trên ứng dụng nhắn tin iMessage của Apple ở Trung Quốc. Bài báo không kêu gọi tẩy chay Apple nhưng gây ra những đồn đoán về một chiến dịch hạ thấp uy tín của Apple.

Tóm lại, truyền thông nhà nước Trung Quốc cho rằng các công ty Mỹ có thể kẹt trong “làn đạn” chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới

“Cuộc xung đột thương mại do chính quyền Trump phát động đã nhắc nhở Trung Quốc kiểm tra lại quan hệ thương mại Mỹ - Trung. Dường như các công ty Mỹ làm ăn ở Trung Quốc là những người thắng lớn nhất trong mối quan hệ thương mai Mỹ - Trung. Thị trường Trung Quốc là yếu tố quan trọng đối với nhiều thương hiệu hàng đầu của Mỹ, tạo cho Bắc Kinh có nhiều sự linh hoạt hơn để cứng rắn trong cuộc xung đột thương mại”, bài xã luận của Nhân dân nhật báo lập luận.

Tim Cook (trái), giám đốc điều hành Apple trong một lần ghé thăm nhà máy lắp ráp iPhone của tập đoàn công nghệ Foxconn tại TP. Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Ảnh: Twitter

Trung Quốc đang đùa với lửa?

Theo công ty phầm mềm và dữ liệu tài chính FactSet (Mỹ), Trung Quốc là nguồn tạo ra doanh thu lớn thứ hai của Apple chỉ sau Mỹ. Khoảng 20% doanh thu hàng năm của Apple đến từ thị trường Trung Quốc.

Cho đến nay, Apple nhìn chung không bị ảnh hưởng lớn bởi chiến tranh thương mại. Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là đã cam kết với giám đốc điều hành Tim Cook của Apple hồi tháng 6 rằng các sản phẩm iPhone được lắp ráp ở Trung Quốc sẽ không bị đánh thuế.

Jim Cramer, nhà sáng lập và giám đốc quản lý danh mục đầu tư ở quỹ từ thiện Action Alerts PLUS (đang nắm giữ cổ phiếu Apple) nói ông không tin Trung Quốc sẽ tẩy chay Apple như là một phần của hành động đáp trả Mỹ trong cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Ông cho rằng lời đe dọa trên của truyền thông nhà nước Trung Quốc giống như “đang đùa với lửa”. Ông cho biết Apple vẫn là một trong những công ty sử dụng lao động lớn nhất ở Trung Quốc, nếu hoạt động kinh doanh của Apple bị ảnh hưởng xấu do một chiến dịch tẩy chay ở Trung Quốc, không chỉ Trung Quốc bị ảnh hưởng mà nhiều việc làm do Apple tạo ra ở Trung Quốc cũng sẽ bị đe dọa.

“Một cuộc tẩy chay là điều mọi người dự báo xảy ra nhưng nó chưa xảy ra. Tôi không tin sẽ xảy ra chuyện này. Tôi không cho rằng sẽ xuất hiện một cuộc tẩy chay Apple”, Cramer, nói. Ông nói nếu muốn tẩy chay, Trung Quốc có thể nhắm đến các công ty khác của Mỹ trước.

Dân Trung Quốc sẵn sàng tẩy chay hàng Mỹ

James Zimmerman, một đối tác tại chi nhánh Bắc Kinh của công ty luật quốc tế Perkins Coie (Mỹ) cho rằng bằng cách liên tục gia tăng sức ép thương mại, Trump đang công khai yêu cầu “Bắc Kinh đầu hàng vô điều kiện”.

Không phải tự dưng mà truyền thông nhà nước Trung Quốc bỗng nhiên chĩa mũi dùi vào Apple.

Bruce Andrews, giám đốc công ty tư vấn chính sách kinh tế Rock Creek Global Advisors nhận định: “Chúng ta sẽ biết Trung Quốc thực sự cảm thấy sức ép của Mỹ khi họ bắt đầu kích động tinh thần dân tộc hoặc kêu gọi tẩy chay hàng hóa Mỹ”.

Nếu Bắc Kinh, thông qua truyền thông nhà nước, phát động cuộc tẩy chay hàng hóa Mỹ, nhiều người dân Trung Quốc có thể hưởng ứng.

Hồi tháng 7, bộ phận nghiên cứu FT Confidential Research của tờ nhật báo tài chính Financial Times công bố kết quả khảo sát cho thấy 54% trong số 2.000 người được hỏi ở 300 thành phố của Trung Quốc cho biết họ “chắc chắn” hoặc “có thể” ngừng mua các hàng hóa thương hiệu Mỹ nếu chiến tranh thương mại Trung - Mỹ bùng nổ. Chỉ có 13% cho biết họ sẽ không làm như vậy. 33% còn lại nói rằng họ không chắc về việc không mua hàng hóa Mỹ hoặc hiện tại đang không mua hàng hóa Mỹ. Cuộc khảo sát được thực hiện từ ngày 27-6 đến 10-7 và phần lớn các câu hỏi được hỏi trước thời điểm Mỹ áp thuế 25% trên 34 tỉ hàng hóa Trung Quốc bán sang Mỹ mỗi năm vào hôm 6-7.

Hôm 6-8, một bài phân tích của tờ nhật báo Sankei Shimbun (Nhật Bản) nhận định Trung Quốc đã gần hết các nước cờ để ứng phó Mỹ trong cuộc chiến tranh thương mại vì nước này không thể đáp trả Mỹ bằng các đòn áp thuế được, do Mỹ chỉ nhập khẩu 150 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc mỗi năm so với con số 505 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc xuất sang Mỹ mỗi năm.

Lê Linh

Theo TBKTSG