Trung Quốc vẫn còn thứ vũ khí cực lợi hại, đủ khiến kinh tế Mỹ lao đao "trong nháy mắt"?

01/11/2018 19:16

Thặng dư của Mỹ trong ngành thương mại dịch vụ có nguy cơ trở thành điểm yếu chí mạng của nước này trước Trung Quốc.


Thặng dư của Mỹ trong ngành thương mại dịch vụ có nguy cơ trở thành điểm yếu chí mạng của nước này trước Trung Quốc.

Trung Quốc vẫn còn "vũ khí" nguy hiểm

Gần đây, số lượng công dân Trung Quốc xin cấp thị thực và mua vé máy bay tới Mỹ đang có xu hướng giảm dần, trong khi căng thẳng trong mối quan hệ của hai nước ngày càng gia tăng.

Theo Washington Post, đây là dấu hiệu cho thấy cuộc chiến thương mại của Washington và Bắc Kinh có nguy cơ trở nên nguy hiểm, tốn kém và khó lường hơn trước.

Xu hướng nói trên là hành động tự phát của người dân Trung Quốc, chứ không phải do bất kì chính sách hay chỉ đạo nào từ phía chính quyền Bắc Kinh.

Tuy nhiên, điều này cho thấy Bắc Kinh vẫn còn một thứ vũ khí vô cùng lợi hại trong cuộc đối đầu thương mại với Mỹ: Đó là khoản tiền 60 tỉ USD mà những công dân Trung Quốc chi tiêu cho các hoạt động du lịch và dịch vụ tại Mỹ.

Số liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ cho thấy, trong giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 9 năm nay, số công dân Trung Quốc được cấp thị thực công tác, du lịch hay du học tại Mỹ đã giảm 102.000 người so với cùng kì năm ngoái, tức 13%.

Còn theo công cụ tìm kiếm vé máy bay giá rẻ Skyscanner, một sản phẩm của hãng du lịch lớn nhất Trung Quốc, thì số lượng người dân nước này đặt vé đến các địa điểm tại Mỹ trong tuần đầu tháng 10 vừa qua đã giảm 42% so với cùng kì năm ngoái. Đây là điều khá bất ngờ, bởi đó là thời điểm người Trung Quốc được nghỉ lễ và có nhu cầu cao về du lịch.

Tổng thống Mỹ Donald Trump thường than phiền về mức thâm hụt lớn trong thương mại hàng hóa với Trung Quốc, tuy nhiên nước Mỹ lại đạt được thặng dư lớn trong thương mại dịch vụ.

Thế nhưng, cũng chính lợi thế ấy lại có thể trở thành điểm yếu chí mạng của Mỹ, và khiến Washington phải nếm đòn đau của Bắc Kinh trong một cuộc chiến thương mại dai dẳng. Kể từ năm 2011, giá trị thương mại dịch vụ của Mỹ đối với Trung Quốc đã tăng trưởng nhanh hơn gấp 3 lần so với lĩnh vực vận chuyển hàng hóa mà ông Trump thường xuyên nhắc tới.

"Chúng tôi [Mỹ] cũng nghĩ đến việc họ [Trung Quốc] sẽ nỗ lực tìm đủ mọi cách để khiến chúng tôi nhượng bộ. Điều đó sẽ không có tác dụng đâu. Nhưng chúng tôi mong là Trung Quốc sẽ không làm điều đó", một quan chức cấp cao trong chính quyền ông Trump yêu cầu giấu tên, cho biết.

Trung Quốc vẫn còn thứ vũ khí cực lợi hại, đủ khiến kinh tế Mỹ lao đao trong nháy mắt? - Ảnh 1.

Du khách Trung Quốc. Ảnh minh họa: Money CNN.

Chiêu thức cũ: Trung Quốc hay Mỹ sẽ đau nhiều hơn?

Thực tế, tuy chưa có động thái chính thức đối với Mỹ, nhưng trước đây Bắc Kinh đã từng sử dụng chiêu thức du lịch để đối phó với nước khác.

Ví dụ, trong cuộc xung đột ngoại giao với Hàn Quốc năm ngoái, chính phủ Trung Quốc đã cấm bán các gói tour du lịch tới thủ đô Seoul và đảo Jeju của Hàn Quốc. Việc các du khách Trung Quốc "tẩy chay" theo chỉ đạo của chính phủ nước này đã khiến các công ty và doanh nghiệp Hàn Quốc thiệt hại gần 7 tỉ USD chỉ trong vòng vài tháng.

Nếu Bắc Kinh tiến hành một chiến dịch tẩy chay tương tự đối với Mỹ, thì điều đó sẽ khiến hàng triệu người dân thuộc tầng lớp trung lưu của nước này - đối tượng chủ yếu của ngành du lịch và giáo dục Mỹ - bị cô lập.

Mặt khác, lệnh hạn chế lữ hành sẽ trở thành đòn đau đối với ngành du lịch Mỹ, bởi họ thường thu được nhiều lợi nhuận nhất từ các du khách Trung Quốc. Trung bình các du khách Trung Quốc chi khoảng 6.900 USD cho mỗi chuyến đi.

Bên cạnh đó, số du học sinh Trung Quốc nộp đơn vào các trường đại học Mỹ mỗi năm cũng rất lớn. Bởi vậy nên ngành giáo dục của Mỹ cũng sẽ chịu thiệt thòi lớn nếu lệnh hạn chế lữ hành được ban hành.

Năm ngoái, các trường đại học và cao đẳng của Mỹ nhận hơn 350.000 du học sinh Trung Quốc, gần gấp đôi so với số sinh viên và nghiên cứu sinh đến từ Ấn Độ - quốc gia xếp thứ 2 trong bảng xếp hạng số lượng du học sinh tại Mỹ.

Theo bà Joy Dantong Ma, một nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Paulson, Chicago, nếu Trung Quốc quyết định mở rộng quy mô của cuộc chiến thương mại ra cả lĩnh vực du lịch - lữ hành, dịch vụ tài chính và các hợp đồng tư vấn, thì Mỹ sẽ "cảm nhận" được đòn đau nhanh chóng hơn rất nhiều so với những đòn giáng trả thuế quan trước đó của Bắc Kinh.

Các nhà sản xuất Trung Quốc sẽ cần khá nhiều thời gian để sắp xếp và tái tổ chức các chuỗi cung ứng, nhưng người dân Trung Quốc lại có thể thay đổi những kế hoạch và thói quen du lịch của mình rất dễ dàng, bà Ma cho biết.

"Nếu căng thẳng tiếp tục leo thang, thì rất có thể nó sẽ chuyển sang những lĩnh vực khác, như ngành du lịch chẳng hạn", bà Ma nói.

"Ngành công nghiệp dịch vụ có rất nhiều điểm khác biệt so với hoạt động xuất khẩu hàng hóa. Khi người tiêu dùng không còn nhu cầu về một loại hàng hóa nào đó, thì ta chưa thể thấy tác động của việc này ngay lập tức. Nhưng nếu họ không còn nhu cầu sử dụng dịch vụ, thì ta có thể thấy rõ các chỉ số giảm mạnh ngay lập tức", nhà nghiên cứu giải thích.

Trung Quốc vẫn còn thứ vũ khí cực lợi hại, đủ khiến kinh tế Mỹ lao đao trong nháy mắt? - Ảnh 2.

Du học sinh Trung Quốc. Ảnh minh họa: SCMP.

Từ bỏ Mỹ không dễ dàng

Cho đến nay, ngành dịch vụ lớn nhất Mỹ đạt thặng dư với Trung Quốc là du lịch và lữ hành. Theo Bộ Thương mại Mỹ, năm ngoái, các hãng hàng không, khách sạn và công ty điều hành tour du lịch của Mỹ đã thu được 32 tỉ USD từ các khách du lịch Trung Quốc, gấp 2 lần khoản tiền thu được từ thương vụ bán máy bay của các công ty Mỹ cho "ông lớn" của châu Á.

Trước khi cố lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình mở cửa nền kinh tế nước này cuối thập niên 70, những công dân Trung Quốc có nhu cầu du lịch đều phải xin phép cơ quan và cảnh sát địa phương. Việc du lịch bị hạn chế đến mức tối đa.

Nhưng hiện nay Trung Quốc đã trở nên phồn thịnh hơn, và nhu cầu xuất ngoại của các công dân nước này cũng theo đó tăng lên. Gần 3 triệu lượt khách du lịch Trung Quốc đã tới Mỹ vào năm 2016, gấp hơn 5 lần so với số liệu năm 2009, theo Bộ Thương mại Mỹ.

Tháng trước, ông Jonathan Grella, Phó Chủ tịch điều hành phụ trách về quan hệ công chúng tại Hiệp hội Lữ hành Mỹ, đã gặp gỡ Tổng thống Trump tại Nhà Trắng để bày tỏ mối quan ngại về tình hình lượng khách du lịch Trung Quốc đang có xu hướng giảm dần trong bối cảnh chiến tranh thương mại:

"[Trung Quốc] không chỉ đơn giản là thị trường. Họ phải được nhìn nhận theo cách khác biệt - với quy mô tầm cỡ và tiềm năng kinh tế lớn như vậy", ông Grella nói.

Tuy nhiên, các lãnh đạo Trung Quốc có thể sẽ do dự khi sử dụng chiêu bài tẩy chay Mỹ, bởi họ không muốn khiến số đông công dân thuộc tầng lớp trung lưu - những người muốn cho con đi du học Mỹ, hoặc muốn du lịch tại Mỹ - phẫn nộ vì điều này.

Một người dân Trung Quốc có họ Zhou vừa nộp đơn xin cấp thị thực để đi du lịch tại Los Angeles, San Francisco và Las Vegas cho biết:

"Thứ được gọi là chiến tranh thương mại này chỉ đơn thuần là trò chơi chính trị giữa những nhà lãnh đạo của Trung Quốc và Mỹ... Nếu anh quyết định không sang Mỹ chỉ vì không thích ông Trump, thì có lẽ anh cũng sẽ tẩy chay hàng Mỹ nếu bà Hillary Clinton làm Tổng thống. Chủ nghĩa dân tộc sẽ chẳng đưa chúng ta đi đến đâu hết".

Ông Andy Rothman, một nhà chiến lược đầu tư tại công ty Matthews Asia, nhận định khả năng Trung Quốc tẩy chay du lịch Mỹ là rất thấp. "So với Hàn Quốc, thì Mỹ lớn hơn và quan trọng hơn. Mối quan hệ với Mỹ quan trọng hơn nhiều. Người dân Trung Quốc sẽ phản đối kịch liệt nếu chính phủ làm như vậy".

Căng thẳng trong mối quan hệ của hai nước Mỹ-Trung vẫn đang tiếp tục "nóng" hơn bao giờ hết, khi hai nước liên tục tung những đòn tấn công - đáp trả lẫn nhau.

Mới đây nhất, theo Bloomberg, Mỹ đang lên kế hoạch áp thuế bổ sung lên phần còn lại trong số hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc mỗi năm vào đầu tháng 12 tới, nếu như cuộc gặp trong tháng 11 của lãnh đạo hai nước không thể "hạ nhiệt" căng thắng.


Theo Hồng Anh

Thời đại