Trưởng ban Kinh tế T.Ư: Tầm cỡ Đà Nẵng phải là thành phố hàng đầu Châu Á

19/03/2019 09:45

Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24.01.2019 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị mới ban hành được kỳ vọng tạo động lực Đà Nẵng nói riêng và cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Riêng thành phố Đà Nẵng Nghi quyết sẽ tạo sức bật để phát triển, vươn lên đẳng cấp châu Á.

Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24.01.2019 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị mới ban hành được kỳ vọng tạo động lực Đà Nẵng nói riêng và cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Riêng thành phố Đà Nẵng Nghi quyết sẽ tạo sức bật để phát triển, vươn lên đẳng cấp châu Á.

Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” cho thấy, Đà Nẵng là thành phố đi đầu phát triển nhanh và ấn tượng.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được cũng bộc lộ các tồn tại, hạn chế. Tốc độ phát triển của Đà Nẵng bắt đầu chậm lại, thậm chí còn bị bỏ lại ở một số chỉ tiêu quan trọng về kinh tế - xã hội.

Thành phố Đà Nẵng về đêm

Với thực tế đó, nhất là yêu cầu về quan điểm, tầm nhìn và mục tiêu phát triển mới, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW (NQ43) ngày 24.01.2019 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đà Nẵng hướng tới thành phố hàng đầu của Châu Á

Theo ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế T.Ư, NQ 43 là một NQ hết sức quan trọng, vạch ra chủ trương, đường lối cho phát triển TP.Đà Nẵng trong 10 năm tới và các năm tiếp theo sau 15 năm thực hiện NQ 33 về xây dựng và phát triển TP.Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Để phát triển thành phố Đà Nẵng phải xuất phát trên cơ sở phân tích, nhận định, đánh giá đầy đủ các lợi thế so sánh của Đà Nẵng. Ông Bình cho rằng, “Chúng ta đều biết Đà Nẵng là thành phố trung tâm của miền Trung và Tây Nguyên, của duyên hải miền Trung và của Bắc miền Trung. Đà Nẵng là một thành phố cảng, một thành phố biển có điều kiện tự nhiên hết sức là ưu đãi. Với vị trí như vậy có thể xác định Đà Nẵng có một địa chính trị, địa kinh tế hết sức là quan trọng, là một lợi thế hết sức là lớn lao. Đà Nẵng nằm ở trên trục Bắc Nam, cũng như là hành lang Đông – Tây”.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình

Theo đó, để phát triển Đà Nẵng phải xuất phát trên cơ sở phân tích, nhận định, đánh giá đầy đủ các lợi thế so sánh của TP. “Chúng ta phải thấy Đà Nẵng sẽ là trung tâm phát triển của cả khu vực miền Trung và Tây nguyên. Vì thế, xây dựng và phát triển Đà Nẵng không chỉ riêng cho Đà Nẵng mà còn tạo ra động lực và sự lan tỏa cho cả vùng”, ông Bình nhận định.

Xác định như vậy, T.Ư đã đặt ra 3 trụ cột lớn cho phát triển Đà Nẵng trong thời gian tới. Về du lịch, phát triển Đà Nẵng thành một trong những trung tâm du lịch của quốc tế. Về công nghiệp, tập trung phát triển Đà Nẵng theo hướng công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, công nghiệp thông minh. Về dịch vụ, có lợi thế rất lớn về địa kinh tế và một cảng biển hết sức quan trọng, do vậy phải phát triển kinh tế dịch vụ cảng theo hướng tăng cường hoạt động về logistics.

Mục tiêu đến năm 2030, xây dựng Đà Nẵng trở thành một TP thông minh, sinh thái, một thành phố đáng sống. Tầm cỡ của Đà Nẵng không phải một thành phố hàng đầu của cả nước mà còn là một thành phố hàng đầu của khu vực Đông Nam Á. Và đến năm 2045 trở thành một trong những thành phố hàng đầu của Châu Á nói chung.

NQ43 tạo sức bật cho Đà Nẵng

Bàn về những điểm mới của NQ43 so với NQ33 trước đây, TS Trần Du Lịch,thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ nêu ra 4 điểm lớn quan trọng sẽ tạo “sức bật” cho Đà Nẵng trong thời gian tới bao gồm:

Thứ nhất là Bộ Chính trị xác định Đà Nẵng không chỉ phát triển tự thân Đà Nẵng mà nó là một hạt nhân phát triển cả vùng, cả miền Trung Tây Nguyên và đặc biệt là tiểu vùng sông Mê Kông và với cái tầm nhìn không chỉ đến 2030 mà tầm nhìn đến 2045.

TS Trần Du Lịch,thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ

Thứ hai là cũng thể hiện khát vọng phát triển của Đà Nẵng để Bộ Chính trị, Trung ương khẳng định là Đà Nẵng phải bứt phá trong tăng trưởng trong giai đoạn 2021 và 2030 trong 10 năm, sau kế hoạch này đạt tốc độ tăng trưởng là phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 12% mỗi năm mà trước đây 9,8% mỗi năm. Để năm 2030 Đà Nẵng có thu nhập đầu người khoảng 8.700 USD có nghĩa là vươt ngưỡng trung bình để đạt cái trung bình cao về mặt thu nhập.

Thứ ba là để phát triển như vậy xác định những cái dư địa cho sự phát triển ở nhiều lĩnh vực như vấn đề du lịch, vấn đề phát triển cảng biển, cảng hàng không gắn với logictisc…

Điểm tiếp theo lần này của NQ43 theo ông Lịch, đó là việc khẳng định Đà Nẵng không phải phát triển địa giới hành chính mà sẽ là điểm nhấn phát triển sức bật cho cả vùng

Ngoài ra, Bộ Chính trị cũng đã xác định những vấn đề trước mắt phải làm ví dụ những vấn đề tập trung nguồn lực để xây những cái cảng biển cảng Liên Chiểu, chuyển đổi chức năng Tiên Sa. Đặc biệt, chủ trương xây dựng chính sách cơ chế để phát triển thành một trung tâm khởi nghiệp sáng tạo và cũng tạo một tầm nhìn cho Đà Nẵng lâu dài.

“ Đà Nẵng phải là đô thị lớn, đô thị biển đáng sống và ngang tầm với các đô thị mà phát triển khác ngang tầm khu vực Châu Á đấy là những cái mà tôi thấy những điểm mới lần này tạo một cái tầm nhìn dài hạn cho Đà Nẵng để làm”, ông Lịch cho hay.

“Với việc Bộ Chính trị ban hành NQ 43, tạo điều kiện để Đà Nẵng đổi mới về cơ chế xây dựng mô hình quản trị có hiệu quả của môi trường đô thị và tinh thần của NQ là tạo một luồng gió mới, một niềm tin phù hợp với khát vọng của người dân để phát triển xây dựng TP.Đà Nẵng. Tôi cho rằng NQ tạo một cơ sở, quan điểm, chỉ đạo cũng như định hướng để Đà Nẵng mạnh dạn triển khai”, TS Trần Du Lịch,thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ khẳng định.

P.V

Theo Dân Việt