TS Lê Thẩm Dương: Đừng đi xin việc, hãy để việc xin mình

31/05/2018 19:25

TS Lê Thẩm Dương khuyên các bạn trẻ hãy xác định rõ mình có thế mạnh gì, tìm hiểu kỹ xem công việc 'tốt' cần những gì, chuẩn bị thật tốt để sẵn sàng cho 'việc phải xin mình'.

Cuốn Tiến sĩ Lê Thẩm Dương - Người truyền cảm hứng do báo Sinh viên Việt Nam - Hoa Học Trò phát hành từ ngày 1/6. Sách tập hợp những bài phỏng vấn TS Lê Thẩm Dương của nhà báo Nguyễn Tuấn Anh về nhiều chủ đề khác nhau, cùng những bài viết của bạn đọc - những người được TS Lê Thẩm Dương truyền cảm hứng.

Được sự đồng ý của tác giả sách, đơn vị xuất bản, Zing.vn trích đăng một phần nội dung sách. Phần trích đăng đưới đây là cuộc trò chuyện giữa nhà báo Nguyễn Tuấn Anh và TS Lê Thẩm Dương.

Sách Người truyền cảm hứng phát hành từ 1/6.

- Thưa TS Lê Thẩm Dương, về chủ đề người truyền cảm hứng, thời gian qua, ông đã truyền được những cảm hứng gì cho giới trẻ?

Có một thực tế ở Việt Nam từ nhiều năm nay là, sinh viên ra trường chỉ chăm chăm đi xin việc. Tôi thường nói với sinh viên của mình là: Tại sao ra trường phải đi xin việc, việc phải xin mình chứ? Tại sao lại đi xin việc, tạo việc ra mà làm chứ? Tại sao lại chờ cơ hội, cơ hội đầy nhóc ra, lựa chọn cơ hội đi chứ?

Tôi cũng nói với họ là, đừng đắn đo là liệu mình có bắt được “việc phải xin mình” hay không, mà hãy tìm hiểu xem muốn bắt được “việc phải xin mình” thì phải làm những gì. Tìm hiểu từ tôi đây này, từ tất cả các ông thầy xung quanh các bạn ấy.

Chỉ riêng việc các bạn ấy có ý chí bắt “việc phải xin mình” thôi đã có ý nghĩa rồi, đã cùng họ làm được biết bao điều kỳ diệu rồi. Đa phần các bạn sinh viên cứ đau đáu về những câu hỏi đó của tôi đều làm nên chuyện cả, bắt được việc xin mình, tạo được việc ra để làm, lựa chọn được cơ hội cho bản thân.

Cảm hứng tôi truyền cho sinh viên, cho các bạn trẻ đôi khi chẳng to tát gì, chỉ đơn giản là coi chuyện một bác sĩ trẻ bỏ thành phố về quê nuôi heo cũng là bình thường. Nếu so với chi cả đống tiền ra “chạy” việc ở lại thành phố, rồi lương ba cọc ba đồng, thì về quê nuôi heo mà “ăn nên làm ra”, mà có cơ thành tỷ phú thì hơn chứ, nên về.

Hay thấy chán cuộc sống của một nhân viên văn phòng, lương tháng 5 triệu đồng, cứ mạnh dạn thay đổi, bán rác bãi xe nhiều khi cũng cho bạn những niềm vui, những khoản thu nhập mà bạn không ngờ đến.

- Theo ông, người trẻ hiện nay lúng túng ở khâu nào nhất?

- Cái yếu của nhiều bạn trẻ hiện nay là không biết mình thực sự mạnh ở cái gì và nhất là không biết được vai trò của việc phải tìm ra điểm mạnh của mình nó quan trọng như thế nào.

Cũng có một số bạn ảo tưởng, hiểu sai về điểm mạnh của bản thân nên để chắc chắn điểm mình nghĩ là điểm mạnh của mình chính, là điểm mạnh thực sự của mình thì phải có trợ giúp từ một số bài kiểm tra, thuật toán. Có một số cuốn sách có thể giúp các bạn việc này.

Không biết được điểm mạnh của mình thì làm sao biết hướng nghiệp cho mình. Hội thảo hướng nghiệp, sách hướng nghiệp thì nhiều vô kể, tôi không nói nó vô ích nhưng tất cả chỉ là hỗ trợ cho bạn, cái chính vẫn là bản thân mỗi người.

Hội thảo hướng nghiệp, sách hướng nghiệp sẽ như một thứ nước uống tăng lực, như doping ấy, nếu bạn đã biết mình là ai, biết điểm mạnh của mình là gì, nó sẽ cho bạn thêm sức mạnh, nó sẽ cho bạn thêm những đôi cánh.

Còn nếu bạn không biết mình là ai, không biết điểm mạnh của mình là gì thì nó chẳng có tác dụng đâu. Khi chia sẻ với sinh viên câu chuyện khởi nghiệp, bao giờ tôi cũng bắt đầu bằng bài học về điểm mạnh này.

Tuổi trẻ nhiều hoài bão và “độ dám” cao lắm, cả hai cái này đều là con dao hai lưỡi, nếu không được trang bị kiến thức thì cái sai họ làm ra vô cùng khủng khiếp, những nghiệp mà họ khởi sẽ tệ hại vô cùng.

Thế nên bạn trẻ nào muốn khởi nghiệp mà tìm đến tôi, tôi luôn cố gắng trao cho các bạn ấy mọi thứ các bạn ấy cần mà tôi có, từ kiến thức đến kinh nghiệm.

TS Lê Thẩm Dương là người truyền cảm hứng cho nhiều sinh viên, bạn trẻ với những bài nói chuyện về khởi nghiệp, hướng nghiệp.

Khởi nghiệp giống tình yêu của người trẻ

- Gần đây, cụm từ "khởi nghiệp" được nhắc đến nhiều trong giới trẻ. Là một chuyên gia trong lĩnh vực này, ông có điều gì muốn nhắn nhủ đến giới trẻ?

- Quan trọng nhất trong khởi nghiệp không phải là hướng nghiệp, hay kỹ thuật khởi nghiệp, … mà là tinh thần khởi nghiệp. Đã có biết bao người khởi nghiệp mà không biết đến điều này nên thất bại thảm hại, thất bại mà không biết vì sao mình thất bại.

Tôi hay ví khởi nghiệp như tình yêu của các bạn trẻ. Đầu tiên là chọn người cho đúng, tiếp theo anh phải có tinh thần yêu (phải yêu người ta hết lòng), xong là phải có kỹ thuật yêu chứ không phải đơn giản, kết hôn rồi thì anh phải nuôi được hạnh phúc gia đình. Yêu có bao nhiêu bước thì khởi nghiệp có bấy nhiêu bước.

Người Việt nói chung giỏi kỹ thuật khởi nghiệp lắm, vì vốn dĩ thông minh, nhưng tinh thần khởi nghiệp thì chưa giỏi. Ban đầu hừng hực đấy nhưng nuôi dưỡng cái hừng hực này, để nó sống khỏe với mình về lâu dài thì không nhiều người làm được.

Thường thì tôi chỉ chỉ ra cho các bạn ấy điều này thôi, còn tìm cảm hứng để có tinh thần khởi nghiệp hay tìm cảm hứng để duy trì, nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp thì có bạn tìm ở tôi, có bạn tìm ở những người khác.

Làm việc với các bạn trẻ khởi nghiệp, có một giai đoạn tôi cực kỳ khoái, đó là giai đoạn đẩy các bạn ấy vượt ngưỡng trong rèn luyện sâu. Khởi nghiệp xong rồi đấy, thành công rồi đấy nhưng mà lại có tư tưởng “Ui giời, cái này chỉ ông Dương làm được!”, hay “Cái này người ta làm được chứ mình làm sao làm được!”, hay “Làm gì đến lượt mình!”.

Tôi phải nói lại điều này, tài năng là do tích lũy, để tâm, nó có nghĩa là, ông Dương làm được thì người khác cũng làm được. Tôi đã tìm mọi cách để cùng các bạn ấy phá bỏ tư tưởng đó. Phá được tư tưởng này là vượt ngưỡng trong rèn luyện sâu. Nhìn họ vượt ngưỡng, tôi thích lắm.

Trích sách "Tiến sĩ Lê Thẩm Dương - Người truyền cảm hứng"

Theo Zing