Không ai nghĩ sở thích đọc truyện tranh của một cậu nhóc 5 tuổi lại là bàn đạp tạo nên thành công của “ông trùm” môi giới truyện tranh cổ lớn nhất nước Mỹ.
Vincent Zurzolo lớn lên ở Long Island (Mỹ) vào khoảng thập niên 70-80 của thế kỷ XX. Ngay từ trước khi biết đọc, anh đã dành tình yêu cho truyện tranh.
Điều này chẳng khiến cha mẹ anh ngạc nhiên. Zurzolo đã mua cuốn truyện tranh đầu tiên khi mới lên 5 tuổi, và cực kỳ say mê nó.
Đến khi đi học, Zurzolo bắt đầu biết trao đổi với bạn cùng lớp. Anh thường xuyên lục tìm tiền lẻ rơi trên ghế bành ở nhà để mua thêm truyện. Thậm chí, Zurzolo còn dám thường xuyên lui tới tiệm bán thuốc lá chỉ vì ở đó có bán truyện tranh.
Nhận thấy sự nghiêm túc của con trai đối với truyện tranh, cha mẹ anh không phản đối mà còn ngưỡng mộ. Cho tới khi Zurzolo vào cấp 3, anh rất tích cực mua bán truyện. Sở thích này dần dần biến thành việc kinh doanh. Bạn bè Zurzolo không thích đọc truyện nữa nên họ vui vẻ bán lại cho anh.
Vincent Zurzolo chụp ảnh cùng huyền thoại truyện tranh Stan Lee. Trên tay anh là cuốn truyện nổi tiếng Fastastic Four của hãng Marvel Comics.
Thế nhưng, công việc bán hàng mới là thứ khiến Zurzolo hứng thú nhất. Trong phi vụ lớn đầu tay, anh và những người bạn "không biết mình đang làm gì." "Chúng tôi cứ ngỡ chúng tôi biết mình đang làm gì, nhưng chẳng có gì chắc chắn cả," anh nhớ lại. "Chúng tôi mua một căn gác xép đầy ắp truyện tranh và đóng gói chúng gửi cho những người buôn truyện với giá 400 USD. Chúng tôi cứ nghĩ thế là nhiều tiền."
Thời ấy, cuốn truyện Silver Surfer #4 mà Zurzolo bán có giá thị trường là 14.500 USD, với mức điểm 9,6. Cuốn truyện có mức điểm thấp hơn là 9,4 cũng đã có giá 4.500 USD. Vì vậy, 400 USD cũng chẳng có gì nhiều nhặn.
Ban đầu, Zurzolo chỉ bán cho người quen. Vốn là sinh viên ngành marketing ở Đại học St. John, anh đã sớm nhìn thấy cơ hội nghề nghiệp trong sở thích thuở bé của mình.
"Một trong những điều khiến tôi theo đuổi nghề bán truyện tranh lâu dài là khoảng thời gian thực tập ở công ty Gannett Outdoor Advertising khi học năm cuối đại học," Zurzolo nhớ lại. "Tôi lén lút mang truyện tranh tới bộ phận mỹ thuật và bán cho họ."
Một sự cố bất ngờ xảy ra đã làm thay đổi cuộc đời Zurzolo mãi mãi. Đầu tiên là việc cân bằng giữa học hành và làm việc. Trường cử anh đi một hội thảo ở Buffalo để thuyết trình dự án cho một cuộc thi. Anh đã đi và chỉ đạt giải nhì. Quá thất vọng, anh quay trở về nhà.
Tuy nhiên, do hiểu nhầm mà công ty không biết anh vắng mặt vì lý do trên trường. Họ chỉ nghĩ anh trốn việc. "Tôi đến công ty và tất cả mọi người nhìn tôi đầy giận dữ," Zurzolo nói. "Tôi vẫn còn chưa nguôi ngoai vụ về nhì. Vậy mà công ty lại muốn đuổi việc tôi. Lúc đó, tôi đã rất sợ hãi. Tôi nghĩ: ‘Mình không thể tốt nghiệp được nếu họ đuổi.’"
Sau khi Zurzolo giải thích rõ ràng mọi thứ, công ty không đuổi anh nữa. Tuy nhiên, điều này đã làm thay đổi cách nhìn nhận của Zurzolo.
"Tôi không bao giờ quên được giây phút nhận ra vận mệnh của mình đang nằm trong tay kẻ khác. Không đời nào!" anh nói. "Khi ngày tốt nghiệp cận kề, tôi phải đối mặt với câu hỏi: Tôi muốn đi làm thuê ở Manhattan, mặc suit cả ngày, hay làm việc trong tầng hầm nhà mình, kiếm tiền và vẫn được mặc quần đùi?"
Sau khi tốt nghiệp, Zurzolo quyết định đi bán truyện tranh tại một khu phố tài chính ở Manhattan. Tuy nhiên, việc thuyết phục bố mẹ không hề dễ dàng đối với anh. "Khi tôi nói với bố mình sẽ đi bán truyện, ông chỉ nhìn tôi và hỏi: ‘Cha cho con đi học đại học 4 năm chỉ để bây giờ con đi bán truyện?’ Tôi nói rằng mình đã vận dụng được rất nhiều kiến thức marketing được học để bán hàng."
Những kiến thức trên trường cũng như sự nhanh nhạy bẩm sinh đã giúp Zurzolo phát triển sự nghiệp. Đôi lúc phải đối mặt với các thách thức và thất bại, anh nhanh chóng học hỏi và rút kinh nghiệm. Trước đây, thời còn đi học, một vị giáo sư đã bắt anh viết ra các mục tiêu của mình."Từ ngày đầu tiên, tôi đã viết mình muốn trở thành số 1. Tôi chẳng biết làm sao để biến nó thành hiện thực, khi mà tôi còn thua kém rất nhiều người," anh nhớ lại. "Thế là tôi quyết định ‘dịch vụ chăm sóc khách hàng’ sẽ là yếu tố khác biệt để tạo nên thành công."
Điều này có nghĩa là: anh sẽ học cách nắm bắt nhu cầu và mong muốn của khách hàng, chứ không chỉ là một nhà môi giới truyện tranh chỉ biết ăn hoa hồng. Chỉ cần có cơ hội, anh sẽ biết tìm đến ai.
Còn trẻ và đầy nhiệt huyết, Zurzolo gần như đã đánh bại gần hết các đối thủ của mình. Thêm vào đó, sự ra đời của các phần phim Batman đã làm thị trường truyện tranh khởi sắc, giúp anh ngày càng có chỗ đứng trong nghề. Zurzolo chưa bao giờ quên đi triết lý "vì khách hàng" mà anh đã đề ra năm xưa - thứ đã giúp có được thành quả như ngày hôm nay.
"Bạn phải biết đâu là nơi chôn giấu kho báu," anh cho biết. "Khi một khách hàng đòi cuốn Action Comics #1 (lần đầu tiên xuất hiện nhân vật Superman), chúng tôi đã đáp ứng và bán với giá 1 triệu USD. Một người khác cũng muốn tương tự, vậy là chúng tôi bán với giá 1,5 triệu USD vì nó có điểm đánh giá cao hơn."
Với tài năng xuất chúng của mình, Zurzolo thường tham gia vào những cuộc "phiêu lưu" khá kỳ thú. Năm 2000, cuốn truyện Action Comics #1 của nam diễn viên Nicolas Cage bị ăn trộm. Đến hơn 10 năm sau, Zurzolo đã góp công lớn trong việc tìm ra nó và bán đấu giá cuốn truyện với mức giá kỷ lục: 2,6 triệu USD!
Vincent Zurzolo chính là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy, một thú vui của trẻ con cũng có thể biến thành sự nghiệp trị giá hàng triệu USD. Giờ đây, anh đang là COO của Metropolis Collectibles - công ty môi giới truyện tranh cổ lớn nhất trên thị trường.
"Hãy tin vào bản thân," anh nói. "Mọi thứ đều có thể thành hiện thực. Hãy viết ra mục tiêu của bạn, bởi như vậy sẽ dễ thành hiện thực hơn. Biết mình giỏi điều gì và tập trung vào đó. Tìm người hỗ trợ những việc mà bạn không giỏi. Làm việc chăm chỉ và khôn ngoan. Không ngừng học hỏi. Mở rộng mạng lưới quan hệ. Và đừng nghĩ tới chuyện làm ăn để kiếm sống, hãy nghĩ về nó như một lối sống của mình."
Theo Zurzolo, một đứa trẻ có thể học hỏi rất nhiều từ chính cha mẹ mình. Anh nói với các bậc phụ huynh: "Điều quan trọng nhất mà cha mẹ nào cũng nên làm, đó là nói - và trên hết là cho con cái thấy - không có gì là không thể, không có gì mà chúng không làm được."
Bản thân Zurzolo cũng luôn khắc ghi triết lý này. Anh luôn tìm kiếm những điều mới mẻ và tuyệt vời hơn. Còn thiếu điều gì, người đàn ông này sẽ tìm cách hoàn thiện nó.
Nhìn lại, tất cả đều bắt từ giấc mơ truyện tranh của Zurzolo, từ những tháng ngày mò mẫm từng đồng tiền lẻ trên ghế sô pha để có tiền mua truyện.
theo Forbes