25 năm trước, cậu nhân viên tiệm in có tên Wang Wei nhìn thấy một cơ hội trước mắt. Khi gửi các mẫu in đến Hong Kong cho khách hàng xem, Wang nhận ra nhu cầu giao hàng ngày càng tăng và trên thị trường lại thiếu những lựa chọn khả dĩ. Trong thoáng chốc, chàng trai 22 tuổi quyết định tiến một bước mạo hiểm trong cuộc đời.
Sinh ra ở Thượng Hải nhưng đến năm Wang 7 tuổi thì gia đình chuyển đến Hong Kong. Sau khi hoàn tất chương trình phổ thông, ông bươn chải ra ngoài làm việc và đến Quảng Đông mưu sinh. Tại đây, khi cảm nhận cơ hội về một thị trường tiềm năng, ông đã mượn bố 13.000 USD để mở công ty giao hàng của riêng mình có tên SF Express. Lúc ấy, chuyển phát nhanh là khái niệm và mô hình chưa từng xuất hiện dù với một doanh nhân tham vọng nhất.
Thời điểm đó, cũng giống như các startup nổi tiếng hiện nay như Uber và Airbnb, hoạt động của Wang bị cho là không hợp pháp. Ông tự mình chở hàng được đặt trong balo, vali qua lại giữa Quảng Đông và Hong Kong để giao đồ cho khách. Làm việc 15-16 giờ mỗi ngày nhưng ông không cảm thấy mệt mà tỏ ra rất quyết tâm để xây dựng công ty non trẻ của mình thành ông lớn trong ngành giao vận Trung Quốc.
Năm 1997, 4 năm kể từ ngày thành lập, SF Express đã chiếm thế độc quyền trong giao hàng giữa Hong Kong và Quảng Đông. Sau đó, thương mại giữa hai nơi tăng đột biến đưa công ty của Wang tăng trưởng nhảy vọt.
Năm 2003, nhà sáng lập quyết định tăng nhanh thời gian giao hàng bằng cách thuê máy bay, một thứ mà trước đó cũng chưa từng xuất hiện đối với các công ty giao hàng tư nhân ở Trung Quốc. Từ năm 2005, thương mại điện tử bắt đầu bùng nổ tại quốc gia đông dân nhất thế giới, SF Express hưởng lợi từ thị trường mua sắm trực tuyến khổng lồ tại đây, ghi nhận nhu cầu vận chuyển hàng tỷ món hàng mỗi ngày.
Vào năm 2009, các máy bay cho thuê không còn đáp ứng được tham vọng ngày một lớn của Wang. Ông quyết định thành lập hãng bay riêng mang tên SF Express chuyên vận chuyển hàng cho công ty. Tính đến đầu năm 2017, 1.400 tấn hàng đã được vận chuyển hằng ngày thông qua 38 chiếc Boeing của công ty, trong đó có 5 chiếc B767, 16 chiếc B757 và 17 B737.
Hơn hai thập kỷ kể từ ngày thành lập, Wang đã biến công ty nhỏ bé ở Quảng Đông ngày xưa trở thành đế chế giao hàng hùng mạnh tại quốc gia đông dân nhất thế giới. SF Express có hơn 120.000 nhân viên, 13.000 văn phòng, 140.000 phương tiện và 38 máy bay. Họ có mạng lưới bao phủ ở 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu.
Số liệu từ Bloomberg cho thấy SF Express là công ty giao hàng lớn nhất Trung Quốc xét về mặt doanh thu, với doanh số 7,4 tỷ USD năm 2015, đuổi theo ngành thương mại điện tử đang phát triển vũ bão tại quốc gia đông dân nhất thế giới.
Theo số liệu dịch vụ ngành bưu chính Trung Quốc, công nghiệp chuyển phát nhanh của quốc gia này lớn nhất thế giới, với doanh số đạt 4 nghìn tỷ Nhân dân tệ vào 2016, chiếm 40% doanh số toàn cầu của ngành này. Những công ty giao hàng như SF cũng dẫn dắt sự phát triển của thương mại điện tử Trung Quốc.
Ngày 23/2 năm ngoái, Wang đưa công ty lên sàn Thâm Quyến với giá trị thị trường ước đoán 38 tỷ USD. IPO đưa SF Express trở thành công ty giao hàng lớn nhất Trung Quốc tính theo vốn hóa thị trường. Qua đây, giá trị tài sản của Wang Wei tăng từ 4,2 tỷ USD năm 2016 lên 15,9 tỷ USD, giúp ông trở thành người giàu thứ ba Trung Quốc thời điểm đó, sau Ma Hueteng của Tencent và Jack Ma của Alibaba.
Theo Forbes, năm 2018 chủ tịch SF Holding đứng thứ 7 trong nhóm giàu nhất Trung Quốc và thứ 63 trong danh sách tỷ phú thế giới với giá trị tài sản 18,2 tỷ USD.
Trong 20 năm kể từ ngày thành lập, Wang kiểm soát đến 99,9% SF Express và tránh những khoản vốn từ bên ngoài. Việc ít xuất hiện trước công chúng và các nhà đầu tư đã dẫn đến những câu chuyện huyền thoại rằng các nhà đầu tư mạo hiểm sẽ trả 70.000 USD cho “thợ săn” nào có thể thành công trong cuộc gặp với nhà sáng lập SF Express.
Tỷ phú sinh năm 1971 từng chia sẻ quan điểm kiếm tiền không nên là mục tiêu của một công ty. Ông muốn tạo ra một nền tảng mà qua đó thể hiện những giá trị và suy nghĩ của mình. “SF Express cần nguồn quỹ nhưng chúng tôi không thể lên sàn chỉ vì cần tiền. Sau khi IPO, một công ty sẽ chuyển thành cỗ máy kiếm tiền với giá trị cổ phiếu tăng giảm mỗi ngày, lúc đó sẽ rất khó trong việc quản trị”, ông nói.
Với Wang, trong vai trò một người làm kinh doanh, ông muốn phát triển dài hơi để mang đến cho mọi người một cuộc sống tốt đẹp hơn. “Nhưng sau khi IPO, mọi thứ sẽ trở nên rất khác. Bạn phải đếm số cổ đông và đảm bảo giá trị cổ phiếu luôn tăng trưởng. Mỗi đồng xu và quyết định nhỏ đều bị kiểm soát bởi các cổ đông. Kiếm lợi nhuận trở thành sứ mệnh cốt lõi và khi đó, công ty sẽ trở nên dễ biến đổi như chính xã hội hiện thời”, ông giải thích thêm.
Dù không hề mong muốn lên sàn nhưng Wang cũng buộc phải để SF Express IPO. Ở giai đoạn bùng nổ thương mại điện tử tại Trung Quốc, các doanh nghiệp giao nhận cần phải có nguồn vốn mạnh để cạnh tranh trên thị trường. Vào thời điểm có dấu hiệu cho một cuộc IPO không thể tránh khỏi năm 2013, Wang đã bán 25% cổ phần cho một tập đoàn đầu tư được dẫn dắt bởi CITIC Capital Holdings Limited.
Vị tỷ phú còn được biết đến là người rất kín đáo. Các thông tin của ông khá ít ỏi vì hiếm khi chia sẻ và e ngại truyền thông. Khi được hỏi lý do, Wang từng trả lời rằng ông tin tưởng vào thứ sức mạnh lớn hơn. Chủ tịch SF Holding nghĩ thành công của một người không đến từ tài năng mà liên quan đến chuyện làm tốt công việc của mình. Với ông, việc sở hữu nhiều tiền trong tay hay có tài năng thì cũng chẳng có gì để khoe khoang.
“Thành công và kiếm được tiền chỉ là vận mệnh. Đó là lý do mà tôi nghĩ rằng mọi người không nên khoe mẽ về những thành tựu trong sự nghiệp. Ít thông tin sẽ mang đến lợi thế cho bạn trong vai trò một nhà quản trị. Nếu nhân viên không nhận ra ông chủ, bạn có thể tìm hiểu sâu hơn và nắm bắt được tình hình thực tế”, ông lý giải.
Người đàn ông khiêm tốn cho rằng cách duy nhất để xây dựng một doanh nghiệp thành công là “táo bạo, sáng tạo và trách nhiệm”.
Theo Trương Sanh/VnExpress