Tào Tháo nổi tiếng trong lịch sử khi bên cạnh ông có nhiều nhân tài phò tá. Vậy nguyên nhân do đâu và bí quyết trong cách dùng người của Tào Tháo là gì?
Thứ nhất, Tào Tháo khát khao chiêu mộ nhân tài
Tào Tháo sống vào thời Đông - Hán. Lúc bấy giờ, các quân vương luôn yêu cầu cấp dưới của mình là những người tài đức vẹn toàn. Nhưng trên thực tế cái Đức thường được coi trọng hơn cái Tài. Vì thế, xuất hiện một loạt các đối tượng "nửa vời" bất tài mang tên "danh sĩ", ví dụ như Khổng Dung, Khổng Trụ, Biên Nhượng, Lưu Đại,… cả ngày chỉ ngồi không tán chuyện, cơm no rượu say, không màng chính sự.
Cách dùng người của Tào Tháo lại khác, ông quan niệm "duy tài thị cử", có nghĩa là không cần quan tâm phẩm giá đạo đức như thế nào, chỉ cần có tài là được. Tào Tháo rất nhiều lần ban hành chính sách "cầu hiền", cho thấy ông rất khao khát chiêu mộ người tài.
Vì thế, nếu là người thực sự có tài và bản lĩnh, ắt sẽ theo Tào Tháo. Trong số Ngũ Tử Lương Tướng (5 viên tướng tài tâm phúc của Tào Nguỵ) thì có Nhạc Tiến và Vu Cấm là hai mãnh tướng mà Tào Tháo đã nhìn ra và thu nạp từ trong chiến trận.
Thứ hai, Tào Tháo biết tận dụng nhân tài
Tào Tháo và Viên Thiệu đều là những người "sở hữu" một lượng lớn nhân tài. Tuy nhiên, điểm khác biệt giữa họ Tào và họ Viên chính là "cách dùng người". Lúc bấy giờ, dưới trướng Viên Thiệu có rất nhiều người tài giỏi hiếm có: Văn có Thư Thụ, Điền Phong, Võ có Nhan Lương, Văn Sửu, Trương Hợp, Cao Lãn. Thế nhưng ở trận Quan Độ, mấy người này đều không được phái đi đánh trận, cuối cùng chết vẫn chết, bại vẫn bại, suy cho cùng đều do Viên Thiệu bỏ phí nhân tài. Hơn nữa, Viên Thiệu không biết trọng thị thuộc hạ, hiến kế của Trương Hợp, Cao Lãn hầu như không được dùng.
Tào Tháo thì ngược lại, rất coi trọng ý kiến của thuộc hạ, sau này Trương Hợp cũng trở thành một trong "Ngũ tử lương tướng" của Tào Tháo. Con người ai cũng có lý tưởng và tham vọng riêng, Tào Tháo cho họ cơ hội để thực hiện tham vọng và phát huy sở trường của mình, cho nên những người tài trí như vậy thường muốn đầu quân cho Tào Tháo.
Chính sự thấu hiểu tài tình này trong cách dùng người của Tào Tháo đã giúp ông có được cả thiên hạ
Thứ ba, Tào Tháo dùng người đúng chỗ
Điểm này thì càng hơn hẳn Viên Thiệu. Dưới tay Viên Thiệu tuy nhiều nhân tài, nhưng kỳ thực ông ta không biết dùng người. Tuần Vực đã nhận ra điều đó và nói rằng: "Điền Phong cố chấp nên phạm tội, Hứa Du tham lam nên bất trị, Thẩm Phối ngang ngược nên vô mưu, Phùng Kỷ tư lợi nên bảo thủ." Viên Thiệu đều không dung hoà được nên để thuộc hạ thù hằn đấu đá lẫn nhau.
Sau này những tướng sĩ đó cũng không nằm ngoài dự liệu của Tuần Vực, hầu như chết hết. Thực chất là do Viên Thiệu không có khả năng tổ chức. Tào Tháo có khả năng sắp xếp và bố trí nhiệm vụ phù hợp và xứng đáng cho từng cá nhân. Kể cả những người không ưa Tào Tháo cũng phải công nhận cách dùng người đúng chỗ của Tào Tháo.
Thứ tư, Tào Tháo biết giải quyết mâu thuẫn giữa các thuộc hạ
Thuộc hạ Quách Gia ngang tàng phóng túng, ngày nào cũng đam mê truỵ lạc. Trần Quần biết được, rất bất bình và báo cáo với Tào Tháo. Tào Tháo dụng người không câu nệ, dù không chứng kiến tận mắt nhưng ông biết rằng Trần Quân nói thật. Vì vây, ông đã thăng chức, ban thưởng cho Trần Quân vì dám nói thẳng nói thật, công tư phân minh. Như vậy Tào Tháo đã sớm hoá giải mâu thuẫn có thể xảy ra.
Viên Thiệu thì không, thuộc hạ của ông chia bè kéo cánh như thế nào, hao tổn nội lực ra sao, ông cũng không quan tâm. Mâu thuẫn cứ dần lớn hơn, chia thành hai phe đấu đá chém giết lẫn nhau, cuối cùng bị Tào Tháo đánh cho đại bại. Cách dùng người của Tào Tháo hơn Viên Thiệu là ở chỗ đó.
Thứ năm, chính tính cách của Tào Tháo thu hút người tài
Câu nói: "Đa nghi như Tào Tháo" là chỉ thái độ của ông đối với kẻ địch, chứ không phải với thuộc hạ của mình. Trên thực tế, cách dùng người của Tào Tháo có những lúc lại khá khoan nhường. Trần Lâm đã chửi rủa Tào Tháo đến mất mặt, lôi cả 18 đời tổ tông lên để chửi. Khi Viên Thiệu đại bại, Tào Tháo bắt được Trần Lâm, chỉ hỏi mỗi một câu:
- Chửi một mình ta đủ rồi, sao phải lôi cả tổ tông tam đại nhà ta ra để chửi?
Trần Lâm xin lỗi, nói rằng:
- Mũi tên đã giương trên cung, không bắn đi không được.
Vì câu nói này, Tào Tháo tha cho Trần Lâm, sau còn cho giữ chức không tham mưu tế tửu. Nguỵ Chủng cũng từng phản bội Tào Tháo, khiến ông giận bầm gan tím ruột, sau này bắt được Nguỵ Chủng, ông lại chỉ thở dài một tiếng "Dù gì cũng là kẻ có tài", không giết Nguỵ Chủng.
Còn Viên Thiệu lại khá "thiết quân luật", hai kẻ Điều Phong, Thư Thụ chẳng qua chỉ kiến nghị vài kế sách không thành đã bị tống vào nhà lao, Điền Phong cuối cùng bị ban lệnh chém. Kết cục này đã hoàn toàn cảnh tỉnh những người đi theo Viên Thiệu, khiến cho nhiều nhân tài e ngại khi đầu quân cho họ Viên.
Tào Tháo bản tính đa nghi, nhưng hùng tài đại lược, tài trí mưu lược kiệt xuất, lại am hiểu thâm tường đạo dụng nhân. Xã hội đương thời mưu sĩ tướng tài vô cùng loạn lạc, muốn vượt trội hơn người khác thì ắt phải chọn một thống soái tài năng mới được. So với Lưu Bị, Tôn Quyền, thì chắc theo phe Tào Tháo sẽ có thể phát huy hết sở trường và thực hiện tham vọng của mình được. Ấy cũng chính nhờ vào cách dùng người của Tào Tháo.
Ngọc Tú (tổng hợp)
Theo Trí Thức Trẻ