WinEco

Tư duy có 3 cấp độ, nhưng ít ai có thể vượt qua cấp đầu tiên: Chỉ người thông minh mới biết cách nâng tầm suy nghĩ, hạn chế "điểm mù" để tìm ra cách giải quyết vấn đề vượt trội hơn

30/05/2019 13:50

Phần lớn mọi người đều mắc kẹt ngay ở cấp độ tư duy đầu tiên vì thế chúng ta thường cảm thấy các vấn đề dường như phức tạp và khó giải quyết hơn.

Einstein từng nói: “Bạn sẽ không thể giải quyết vấn đề nếu ngay từ cấp độ suy nghĩ đầu tiên đã tạo ra vấn đề”.

Suy nghĩ của chúng ta chia làm nhiều cấp độ nhưng thực tế phần lớn đều không qua được cấp độ suy nghĩ đầu tiên. Điều này từng được David Sklansky trình bày trong cuốn sách “No Limit Hold ’em: Theory and Practice” (tạm dịch: Không giới hạn: Lý thuyết và thực hành), định nghĩa về những cấp độ của suy nghĩ mà người chơi poker có thể trải qua. Bao gồm:

Cấp độ 0: Không suy nghĩ gì

Cấp độ 1: Tôi có gì?

Cấp độ 2: Họ có gì?

Cấp độ 3: Họ nghĩ tôi có gì?

Cấp độ 4: Họ nghĩ là tôi nghĩ họ có gì?

Cấp độ 5: Họ nghĩ là tôi nghĩ họ nghĩ tôi có gì?

Tư duy, suy nghĩ theo từng cấp độ có thể phơi bày sai sót trong quá trình bạn đưa ra quyết định, giúp bạn đưa ra lựa chọn với ít hoặc không có "điểm mù". Trong cuộc sống và kinh doanh, những người càng có ít "điểm mù" thì càng có nhiều cơ hội thành công.

Khi suy nghĩ theo từng cấp độ, bạn không đưa ra quyết định một các vu vơ. Cách tư duy này giúp bạn phát triển một quá trình suy nghĩ tốt hơn và tránh được những quyết định tồi tệ bằng cách thu thập thông tin, phân tích thông tin, hiểu và xác nhận thông tin trước khi đưa ra kết luận.

Giáo sư tâm lý học và giáo dục Robert Sternberg, đại học Yale nói rằng, những người thành công sử dụng cả 3 loại trí thông minh: phân tích, sáng tạo và thực tế.

Hầu hết những quyết định chúng ta đưa ra trong cuộc sống đều nằm ở những kinh nghiệm đã từng trải qua trong cuộc sống, những kiến thức được dạy ở trường, những gì đã đọc, đã nghe, đã thấy. Từ đó, bạn hình thành nên những cảm quan về thế giới.

Khi đứng trước một quyết định, chúng ta thường tự xây dựng một mô hình giả định trong tâm trí về những gì có thể xảy ra, phân tích chúng và lựa chọn. Thay vì quyết định vội vàng, các mô hình tư duy theo 3 cấp độ sẽ giúp bạn phân tích kỹ các tình huống trước khi đưa ra lựa chọn.

3 cấp độ suy nghĩ phổ biến nhất mà chúng ta sẽ trải qua và nên trải qua trước khi đưa ra quyết định:

Cấp độ 1

Những người suy nghĩ ở cấp độ 1 thường là những người quan sát, họ hiếm khi giải thích hoặc phân tích những gì họ nhìn thấy.

Họ chỉ lấy những thông tin hiển hiện. Theo Howard Marks, tư duy cấp 1 là tư duy đơn giản nhất và mọi người đều có thể làm được – điều này rất tệ nếu bạn muốn vượt trội. Tất cả nhu cầu của người tư duy cấp 1 là một ý kiến về tương lai tươi sáng, không cần lý luận rõ ràng, không cần thay đổi hay thích nghi.

Hầu hết mọi người đều mắc kẹt ở tuy duy cấp 1. Họ tham gia vào các sự kiện, thu thập các thông tin nhưng không bao giờ đặt câu hỏi về lý do đằng sau hoặc phân tích những gì họ học được. Họ đơn giản chỉ là suy nghĩ trong một không gian nhỏ, không có chiều sâu.

Cấp độ 2

Ở cấp độ này, họ cho phép bản thân diễn giải, tạo ra kết nối và các định nghĩa.

Steve Jobs từng nói: “Bạn không thể kết nối các điểm mốc khi bạn nhìn về tương lai phía trước; bạn chỉ có thể kết nối chúng khi bạn nhìn lại về quá khứ. Vì thế bạn phải tin rằng các điểm mốc hiện tại bằng một cách nào đó sẽ kết nối với nhau trong tương lai của bạn”.

Tư duy ở cấp độ thứ 2 mất nhiều thời gian và công sức hơn nhiều so với cấp độ 1.

Ở cấp độ thứ hai, những người ra quyết định bắt đầu diễn giải và phân tích những thứ họ đã quan sát được và đặt chúng lại với nhau để tìm ra một ý nghĩa tổng thể. Họ sẽ bắt đầu tìm kiếm sự sắp xếp, tương phản, lặp lại hoặc cải tiến. Đó chính là nền tảng để chúng ta có những cải tiến công nghệ như điện thoại thông minh, máy bay hiện đại hay phương tiện giao thông thân thiện với môi trường.

Những người suy nghĩ ở cấp độ 2 có khả năng tổng hợp tốt hơn, kết nối các mẩu thông tin nhỏ thành một bức tranh lớn hơn, mạch lạc và rõ ràng hơn. Họ có thể giải cấu trúc các giả định và ý tưởng ẩn trong một ý tưởng và phát hiện mối quan hệ giữa các bộ phận hoặc mối quan hệ giữa các bộ phận và toàn bộ.

Cấp độ 3

Đây là cấp độ cao nhất, hay cấp độ alpha của suy nghĩ.

Những người tư duy ở cấp độ này có khả năng chuyển giao kiến ​​thức, tức là áp dụng một khái niệm đã học trong một bối cảnh cho các bối cảnh khác với bối cảnh mà khái niệm ban đầu được học.

Steve Jobs từng theo học một lớp thư pháp sau khi bỏ học, và chính những kỹ năng thiết kế đó đã tạo cho ông cảm hứng làm nên máy tính Mac đời đầu tiên.

Điều này nghĩa là: Bạn không bao giờ biết được điều gì có thể xảy ra. Chỉ cần thử những điều mới mẻ và chờ xem chúng có thể kết nối gì với những trải nghiệm sau này của bạn.

Ở mức độ tư duy cấp 3, họ có thể xem một vấn đề hoặc ý tưởng từ nhiều quan điểm, nhiều góc nhìn và vị trí khác nhau để có được sự hiểu biết toàn diện nhất. Họ không chỉ trả lời câu hỏi “Tại sao” mà còn tạo ra những ý tưởng sáng tạo, những quan điểm độc đáo, chiến lược mới hoặc những tiếp cận đặc biệt thay cho những cách làm truyền thống.

Chính những điều này làm thay đổi tiến trình lịch sử và sự phát triển của nhân loại. Nhóm những người suy nghĩ theo cấp độ 3 này thường ở trong những lĩnh vực như kỹ thuật công nghệ hiện đại hay y học…

Để cải thiện cách suy nghĩ, tư duy của bạn, hãy tìm đọc sách, blog hay các tài liệu có thể khiến bạn không thoải mái và buộc phải suy nghĩ lại về quan điểm về cuộc sống. Mọi người đều có tiềm năng để có tư duy ở cấp độ alpha nhưng khi chúng ta trở nên quá thoải mái, dễ dàng để mở rộng tầm nhìn của bản thân hoặc thờ ơ với việc đặt câu hỏi "tại sao" cho các vấn đề trong cuộc sống, chúng ra sẽ ngừng phát triển, "tiến hóa" tư duy.

theo Medium