Từ tay trắng, bà Tư Hường đã gây dựng nên Tập đoàn Hoàn Cầu hoạt động mạnh mẽ trong lĩnh vực bất động sản, khách sạn, du lịch, đồng thời nắm lượng lớn cổ phần tại Ngân hàng Nam Á. Tuy nhiên sau khi bà qua đời, những người thân trong gia đình bà đã có tranh chấp khối tài sản khổng lồ này.
Bà Tư Hường kết hôn với ông Nguyễn Chấn, sau đó hai vợ chồng bà làm về công nghiệp, tích lũy vốn rồi đi lên nhờ buôn bán bất động sản. Hai ông bà có tất cả 10 người con trong đó có 3 con trai.
Gây dựng cơ đồ
Năm 1975, 5 người con của bà tìm cách ra nước ngoài và sau đó định cư tại Canada. Năm 1979, gia đình bà Hường chuyển vào Tp. Hồ Chí Minh định cư. Với số vốn tích cóp được từ thời kinh doanh ở Bình Định cùng tính cách tháo vát, bà Hường khéo léo trở thành nhà cung ứng thủy sản cho tổng công ty thủy sản Seaprodex vào năm 1982.
Bước ngoặt trên con đường kinh doanh của gia đình bà Hường là giai đoạn đất nước mở cửa những năm đầu thập niên 90. Những năm này, bà Tư Hường nổi lên với các thương vụ xây và bán nhà máy, thu lợi nhuận hàng triệu USD, con số rất lớn lúc bấy giờ.
Thương vụ thứ nhất là góp 45% vốn, bắt tay với chính quyền địa phương xây nhà máy bia ở Khánh Hòa. Sau vài năm, bà bán lại cho hãng bia San Miguel với giá 24 triệu USD và khoản lãi cho riêng bà là 5 triệu USD. Tạp chí Forbes nhận định, thành công của bà là nhờ nắm bắt xu thế: Trong giai đoạn mở cửa, các thủ tục hành chính nhiêu khê khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài nản lòng, họ chọn cách mua lại những công ty có sẵn thay vì xây dựng từ đầu.
Ít lâu sau, bà tiếp tục xây dựng nhà máy, lần này là Sài Gòn Cola ở quận Thủ Đức TPHCM. Nhà máy này được bán lại cho Coca Cola với giá 15 triệu USD, đem về cho các con của bà khoản lãi 1-2 triệu USD mỗi người, tùy theo vốn góp.
Tiếp tục với cách làm trên, bà đầu tư 5 triệu USD để xây nhà máy nước giải khát và sau đó bán cho Lipovitan giá 17 triệu USD.
Năm 1991, bà Tư Hường thành lập công ty TNHH Sơn Hải tại Gia Lai, là một trong những công ty tư nhân đầu tiên hoạt động khai thác, buôn gỗ. Năm 1993, bà Tư Hường thành lập Công ty TNHH Hoàn Cầu với số vốn 193 tỷ đồng và làm chủ tịch, kinh doanh bất động sản, sản xuất vật liệu xây dựng. Đến năm 2015, tập đoàn Hoàn Cầu của bà đã tăng vốn lên 1.170 tỷ đồng, có 28 công ty thành viên hoạt động trong nhiều ngành nghề khác nhau, mạnh nhất ở 2 mảng Khách sạn, du lịch và Bất động sản.
Khối tài sản khổng lồ tại Hoàn Cầu và ngân hàng Nam Á
Trong lĩnh vực du lịch - khách sạn, dự án nổi bật nhất của Hoàn Cầu là Diamond Bay, tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới 4 tỷ USD, bao gồm 15 resorts, hơn 15.000 phòng khách sạn, căn hộ nghỉ dưỡng và 4.000 biệt thự trên biển cùng nhiều hạng mục khác như sân golf, trung tâm thương mại, bệnh viện, trường học khu vui chơi giải trí... Năm 2008, Tập đoàn Hoàn Cầu gây ấn tượng mạnh khi cùng Ciat và Việt CEO thành lập Công ty Hoàn Vũ tổ chức cuộc thi hoa hậu hoàn vũ 2008 tại Diamond Bay. Chi phí xây dựng công trình khi đó lên tới 45 triệu USD và chi phí tổ chức sự kiện là 20 triệu USD.
Hoa hậu Thùy Lâm và hai Á hậu Hoàng Yến (trái), Thiên Lý tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2008. Á hậu Dương Trương Thiên Lý sau này trở thành con dâu bà Tư Hường
Bên cạnh Diamond Bay, Hoàn Cầu còn có Trung tâm thương mại và khách sạn Hoàn Cầu (Nha Trang Center), quy mô vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng, diện tích đất 9.246m2, gồm tòa tháp đôi căn hộ - khách sạn cao 19 tầng, bao gồm 140 căn hộ cao cấp, 266 phòng khách sạn với đầy đủ nội thất và tiện nghi.
Tại mảng bất động sản, Hoàn Cầu có khu phức hợp dịch vụ thương mại và căn hộ cao cấp Diamond City, tổng vốn đầu tư dự kiến 15.000 tỷ đồng, diện tích đất 14,3ha tại Quận 7 TPHCM. Bên cạnh đó là các khu căn hộ Cantavil Hoàn Cầu, Khu căn hộ thương mại Đại phú, Khu căn hộ Saigonland.
Hoàn Cầu còn có một số mảng kinh doanh khác như Hạ tầng - Khu công nghiệp có đường bay Cam Ranh; Xây dựng - Sản xuất đá Granit thương hiệu Hoàn Cầu; Truyền thông - Y tế - Giáo dục có Trường Đại học Quang Trung Quy Nhơn, Trung tâm y khoa Saint Luke.
Bên cạnh Hoàn Cầu, bà Tư Hường lấn sân vào ngân hàng khi mua cổ phần Ngân hàng Nam Á (NamA Bank) năm 1995. Giờ đây, lãnh đạo chủ chốt của ngân hàng đều là người nhà, người quen của bà Tư Hường. Ông Nguyễn Quốc Mỹ và ông Nguyễn Quốc Toàn, 2 con trai bà Hường đều đang đảm nhiệm chức vụ trong Hội đồng quản trị ngân hàng Nam Á, trong đó ông Toàn là Chủ tịch còn ông Mỹ là Phó chủ tịch thường trực.
Tính đến cuối năm 2018, ngân hàng Nam Á có tổng giá trị tài sản khoảng 75 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 38% so với cuối năm 2017. NamA Bank lãi 743 tỷ đồng trong năm ngoái, tăng trưởng tới 147% và vượt 132% kế hoạch cả năm.
Sang năm 2019, Nam Á muốn tăng lợi nhuận lên 800 tỷ đồng và tài sản tăng lên 86 nghìn tỷ đồng.
Tranh chấp giữa người thân trong gia đình
Có thể nói, ngân hàng Nam Á và Tập đoàn Hoàn Cầu là 2 di sản lớn nhất mà bà Tư Hường để lại cho gia đình. Tuy nhiên, sau khi bà Tư Hường qua đời, tranh chấp tài sản giữa những người trong gia đình bà đã xảy ra.
Cuối tuần trước, tại TPHCM, ông Nguyễn Chấn (96 tuổi), chồng của bà Trần Thị Hường đã tổ chức họp báo công bố thông tin tố cáo con trai chiếm giữ ngân hàng.
Ông Nguyễn Chấn, chồng bà Tư Hường tổ chức họp báo ngày 15/3
Theo thông tin từ Báo Giao thông, tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Chấn cho biết, vào giữa năm 2016, bà Tư Hường đau bệnh nên có giao cho con là Nguyễn Quốc Toàn (SN 1970) quản lý ngân hàng và Tập đoàn Hoàn Cầu, nhưng quyền sở hữu tài sản vẫn thuộc về vợ chồng ông.
Ông Chấn cho rằng: "Lạm dụng sự tín nhiệm của gia đình, với sự cấu kết, tiếp tay của một số cá nhân, người con trai thứ của ông đã chiếm giữ hết tài sản của vợ chồng ông, giá trị ước tính khoảng 30.000 tỷ đồng. Số tài sản này gồm: Cổ phiếu do Ngân hàng Nam Á phát hành; cổ phần tại các công ty trong hệ thống Tập đoàn Hoàn Cầu; các khoản đầu tư vào doanh nghiệp dưới hình thức góp vốn, mua cổ phần".
Theo số liệu mà chúng tôi có được, từ tháng 11/2017, ông Chấn không còn nắm giữ phần vốn tại Hoàn Cầu. Hiện nay, Tập đoàn Hoàn Cầu do Tổng giám đốc Phan Đình Tân nắm 99% vốn, giá trị 1.158 tỷ đồng, còn lại 1% do bà Nguyễn Tôn Nữ Như Hoàng sở hữu. Ông Phan Đình Tân cũng đồng thời là Phó Chủ tịch ngân hàng Nam Á.
Về phía ngân hàng Nam Á, từ năm 2015 bà Tư Hường chỉ còn sở hữu 0,47% vốn tại ngân hàng và ông Nguyễn Chấn chỉ còn nắm 0,82%. Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Toàn sở hữu 5% và công ty Rồng Thái Bình do ông Toàn làm Chủ tịch nắm 14,26% ngân hàng Nam Á.
Theo Trí Thức Trẻ