Cuộc sống muôn hình vạn trạng, con đường mà mỗi người lựa chọn cũng rất khác nhau. Có người sống không mục đích, có kẻ chỉ biết đi theo người khác, người lại không ngừng tìm tỏi, vạch lên kế hoạch tương lai cho riêng mình. Con đường khác nhau, thứ mà mỗi người nhận lại cũng khác nhau.
Không phải cứ xác định được mục đích, tính toán kỹ càng thì sẽ thành công, bạn cần nhiều hơn thế:
Chú sâu thứ nhất
Chú sâu này bò khắp mọi nơi có thể. Cuối cùng, chú đến cạnh một gốc cây táo. Bản thân chú cũng không biết đây là cây táo, không biết bên trên có đầy quả ngọt. Chú nhìn quanh, thấy những chú sâu khác cũng bò lên thì cũng bò lên theo mà cũng không hiểu tại sao. Không có mục đích, không biết con đường mình nên đi, lại càng không biết tại sao thành công, không biết vì sao thất bại. Cuộc đời chú sâu này cuối cùng sẽ như thế nào? Có thể chú sẽ tìm được một quả táo lớn, hạnh phúc cả đời, cũng có thể bị lạc đường, mãi quanh quẩn trong những tán cây. Nhưng ít nhất, những chú sâu kiểu này cũng không chứa đựng bất kỳ phiền não nào, cuộc đời trôi qua rất đơn giản, nhẹ nhàng.
Chú sâu thứ hai
Một chú sâu nữa cũng bò tới dưới cây táo. Chú biết rõ đây là một gốc táo, cũng xác định mục đích của mình là phải leo lên, có được một trái táo lớn. Nhưng chú lại không biết rõ quả táo lớn ở chỗ nào. Chú đoán rằng quả táo lớn tất phải ở cành cây lớn. Vậy là chú chậm rãi trèo lên, khi có lối rẽ cứ chọn cành to mà đi. Trên đường chú đi gặp không ít chú sâu tương tự. Chú và đám sâu này phải tranh giành nhau rất khốc liệt, muốn đi trên những nhành cây to phải chiến thắng, loại bỏ được người khác. Cuối cùng chú sâu sau bao nhiêu vất vả mới tìm được cho mình một trái táo. Trái táo này không nhỏ, nhưng chú ngước lên mới thấy rằng, trái táo trên đầu mình mới là trái táo to thật sự, đáng tiếc rằng trái táo này lại ở cành cây nhỏ bé mà chú đã bỏ qua, không để mắt đến.
Đời người cũng vậy, không phải cứ lối đi rộng rãi, nhiều người đi là sẽ dẫn đến thành quả vĩ đại. Rất nhiều khi, đại sự lại ở nhánh rẽ nhỏ, nhiều người coi thường, ít người để ý.
Chú sâu thứ ba
Lại có chú sâu, thay vì trèo thẳng lên cây, lại giành thời gian để chế tạo một bộ kính viễn vọng. Trước khi bò dùng kính viễn vọng quan sát kỹ càng một lượt, tìm kiếm quả táo to nhất, cũng nghiên cứu kỹ càng đường đi nước bước, cành này phải đi như nào, chỗ ngoặt này phải rẽ ra sao chú đều phân tích tỷ mỉ. Biết đích đến của mình ở đâu, biết rõ mình sẽ gặp phải những gì trên con đường đã chọn và có phương án ứng phó rõ ràng, có vẻ kế hoạch của chú sẽ rất thành công. Tuy nhiên, tỷ lệ thất bại không phải là không có. Mất quá nhiều thời gian để tính toán, cân nhắc, liệu đến lúc chú bò được đến đích, liệu quả táo đó có còn ăn được hay đã thối rụng?
Có mục đích, xác định kế hoạch tỷ mỉ là rất quan trọng. Tuy nhiên, cũng đừng quên chú ý đến thời gian. Có thể đến lúc mình chạm đích, đích đến đã không còn như lúc mình lên kế hoạch.
Chú sâu thứ tư
Rút kinh nghiệm từ bài học của chú sâu thứ ba, chú sâu này xác định lại mục tiêu, sẽ tìm một quả táo còn bé đầy triển vọng, căn thời gian để sao đến lúc mình bò được đến, quả táo này vừa vặn sẽ trở thành một trái táo ngon lành. Lúc đó, chú chỉ việc chui vào bên trong tận hưởng quả táo, có một cuộc đời an lành.
Muốn đạt được cuộc đời như vậy không hề đơn giản. Trước tiên ta phải biết rút ra được những bài học từ những người đi trước, tránh những sai lầm mà người đời đã gặp phải. Tiếp đó, phải có khả nằng nhìn ra được tiềm năng của các cơ hội. Cuối cùng phải có gan đánh liều đặt cược vào một trái táo mà theo mình xác định là có tiềm năng nhất. Có được như vậy thì mới có thể an lạc cả đời.
Chú sâu thứ năm
Chú sâu này là chú sâu đặc biệt nhất. Chú không hành động một mình. Trước tiên, chú đi kết giao với rất nhiều các chú sâu khác. Rồi xây dựng thế lực, độc chiếm lấy một cành táo. Từ đó, những quả táo ở cành này đều thuộc về nhóm của chú. Việc chú phải làm là làm sao phân phối được nguồn lợi này cho tốt, cũng như đảm bảo được vị thế của nhóm mình ở cành táo này. Nếu làm được, không những chú mà cả các thế hệ con cháu sau này cũng không phải lo nơi ăn chốn ở, đỡ gian nan vất vả đi rất nhiều.
Theo Lê Dương
Trí thức trẻ