Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Từ nhà giáo đến doanh nhân quyền lực

20/11/2019 13:00

Trước khi trở thành “đại gia” nổi tiếng trên thương trường, những doanh nhân này từng mang tình yêu với bục giảng, với nghề “gõ đầu trẻ”, thậm chí còn có những cựu giảng viên gắn bó thanh xuân với giáo dục. Thế thời thời thế, giáo viên, giảng viên ấy đã bước ra thế giới của những “cái đầu nóng” để chinh phục những giá trị cao hơn, nhưng tận sâu trong họ vẫn đau đáu về một tương lai đất nước, giàu có về kinh tế, mạnh mẽ về tư duy và vươn ra biển lớn tri thức nhân loại.
Nhắc đến những thầy giáo tay ngang thành công trên thương trường, có lẽ không thể không nhắc đến Trương Gia Bình và đoàn tàu FPT “vươn ra biển lớn công nghệ thông tin thế giới” của ông. Vị thủ lĩnh của FPT là học sinh trường cấp 3 danh gia Chu Văn An, sau đó tốt nghiệp chuyên ngành Toán học và Vật lý học tại Đại học Matxcova rồi tiến sĩ Toán học và Vật lý học tại trường này. Ông được công nhận chức danh Phó giáo sư năm 1991. Ông Bình là người có công lớn thành lập Khoa Quản trị Kinh doanh (HSB) trực thuộc Đại học Quố gia Hà Nội. Khoa được thành lập năm 1995 là một địa chỉ đào tạo MBA quen thuộc và có uy tín tại Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đại học quốc gia và TS. Trương Gia Bình, HSB đã gặt hái được thành công trong thời gian ngắn. Trong đó phải kể đến việc đào tạo cán bộ quản lý cấp cao cho nhiều tập đoàn, doanh nghiệp như Công ty Xi măng Hải Phòng, Tập đoàn FPT, Viễn thông Hà Nội, Công ty bia Việt Hà, Công ty Minh Phúc Telecom… Năm 2006, FPT dưới sự chỉ đạo của Trương Gia Bình đã mở Đại học FPT, trường đại học tư nhân đầu tiên của Việt Nam. Ông Bình là Chủ tịch HĐQT và cũng tham gia vào hoạt động giảng dạy của ngôi trường này với các môn như Nghệ thuật lãnh đạo, Văn hóa doanh nghiệp… Ông Bình từng chia sẻ đam mê làm nghề giáo của mình: “Đi giảng là cách học tập tốt nhất và đóng góp được nhiều nhất cho xã hội”. Về mục đích thành lập Đại học FPT, ông Bình cho biết:“Mong muốn khi thành lập Trường Đại học FPT là xây dựng mô hình của một trường Đại học thế hệ mới, có triết lý giáo dục hiện đại, gắn liền đào tạo với thực tiễn cuộc sống và nhu cầu nhân lực của đất nước, góp phần đưa ngành công nghệ thông tin Việt Nam lên ngang tầm các nước tiên tiến trên thế giới”. Đối với FPT nói riêng và với những ai đam mê công nghệ nói chung, Trương Gia Bình không chỉ là một doanh nhân mà còn là một người thầy truyền lửa và cảm hứng với khát vọng đưa Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng trên trường quốc tế.
Nhắc đến những trường hợp thầy giáo tay ngang thành công trên thương trường sẽ là thiết sót nếu không nhắc tới cựu giảng viên khoa Toán – Tin trường Đại học Bách Khoa Hà Nội Bùi Quang Ngọc. Ông Ngọc hiện là Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần FPT.  Sau khi tốt nghiệp khoa Toán Đại học Tổng hợp Kishinhov (Cộng hòa Moldova) năm 1979. Không được trang bị một chút kiến thức về kinh doanh, quản trị nhưng bản lĩnh, trí tuệ và cái tâm của một nhà giáo đã giúp vị CEO chinh phục công cuộc quản trị FPT. Khi được hỏi về lý do tại sao rời bỏ nghề giáo đi làm kinh tế, ông Ngọc chia sẻ vì không cam chịu sống trong cảnh nghèo khổ. Nhưng với những gì ông Ngọc đã cống hiến tại FPT, người ta cảm nhận thấy trong máu của vị CEO này là niềm tự hào, tự tôn dân tộc, không muốn Việt Nam yếu thế trong con mắt của bạn bè thế giới nên quyết để làm một cái gì đó thoát nghèo và vươn lên.  Khi làm một nhà giáo, ông chỉ có thể mang hết tri thức của mình ra truyền dạy. Nhưng khi làm một doanh nhân, ông có thể làm được nhiều hơn thế cho những người trẻ, ngoài những sinh viên của ông.  Trải qua chặng đường 26 năm thăng trầm cùng FPT, nhiều bước phát triển quan trọng của tập đoàn đều in dấu chân của vị lãnh đạo này. Ông Ngọc chịu trách nhiệm quản trị rất nhiều dự án lớn của Tập đoàn như thống nhất công ty FPT trên toàn quốc (Bắc - Nam 2002); tiến hành cổ phần hóa FPT (2002); tái cấu trúc sở hữu 3 đơn vị thành viên FPT IS, FPT Software, FPT Trading (2011), và gần đây nhất là xây dựng Hệ thống quản trị bằng thẻ điểm cân bằng (BSC). Nhiều người cho rằng vũ khí quản trị của Bùi Quang Ngọc chính là tính khoa học, tính kỷ luật, sự kiên định và vũ khí ấy đã góp phần tạo nên những thành công của nhà quản trị xuất sắc này. Xuất thân là một nhà giáo, nhà khoa học nên luôn yêu cầu mọi thứ phải theo đúng một quy trình, hệ thống đã đề ra. Với ông, xây dựng một FPT chuyên nghiệp, hùng cường với vài chục ngàn người, có thứ hạng trên bản đồ công nghệ quốc tế chính là niềm đam mê bất tận.
Ông Trần Mộng Hùng, nguyên Chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB từng là giảng viên cao cấp Nghiệp vụ Ngân hàng (từ năm 1978 đến 1980). Nhận thấy cơ hội lúc hệ thống ngân hàng được phân thành hai cấp là ngân hàng nhà nước và thương mại, với vốn kiến thức chuyên môn về ngân hàng, ông Hùng cùng bạn bè đã quyết định rời bục giảng và xây dựng ACB thành ngân hàng phục vụ các nhu cầu dân sinh. Ông Hùng từng giữ chức Tổng giám đốc đầu tiên của ACB. Sau đó, ông giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng Quản trị cho đến tháng 3/2008, và đảm đương Chủ tịch Hội đồng Tín dụng trong nhiều năm, và Chủ tịch Hội đồng Nhân sự và lương thưởng từ năm 2008 - 2011. Đến cuối năm 2012, sau khi xảy ra hàng loạt biến động nhân sự tại ACB, ông Trần Mộng Hùng mới chính thức quay trở lại Hội đồng quản trị, ngoài ra ông hiện giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quản lý rủi ro và thành viên Ủy ban Nhân sự. Sau ông Hùng là ông Nguyễn Thanh Toại cũng có xuất thân từ nghề giáo khi bắt đầu giảng dạy tại trường Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh từ năm 1978. Ông Toại từng là nghiên cứu sinh tại Liên Xô từ năm 1984 đến năm 1990, nhận học vị Tiến sĩ Kinh tế tại Đại học Plekhanov… Và rất nhiều nhà giáo ở cấp quản lý khác tại ngân hàng này đã đưa đến một văn hóa doanh nghiệp không thể trộn lẫn của ACB với bất kỳ doanh nghiệp hay ngân hàng nào. Cho đến nay, dù không còn ở vị trí lãnh đạo ngân hàng nhưng ông Trần Mộng Hùng và đội ngũ nhà giáo đã theo ông về với ACB đã để lại cho doanh nghiệp này di sản văn hóa riêng biệt. Theo ông Trần Hùnh Huy, chủ tịch HĐQT ngân hàng ACB cũng là con trai của ông Trần Mộng Hùng, ACB là một ngân hàng sớm đầu tư bài bản Trung tâm Đào tạo Nghiệp vụ. Điều này xuất phát từ văn hóa của người sáng lập ngân hàng và các cổ đông khi ấy.“Tinh thần của những nhà giáo góp phần định hình văn hóa ACB, giúp Ngân hàng phát triển và vượt qua nhiều thử thách trong quá trình hoạt động, nhờ việc đặt trọng tâm phát triển vào yếu tố con người, mà cụ thể là sự phát triển cá nhân gắn liền và đi cùng sự phát triển lâu dài. Kinh doanh hay bất cứ loại hình nghề nghiệp nào khác, bên cạnh sự nhạy bén để chớp thời cơ, căn cơ vẫn là sự quan tâm toàn diện đến sự trưởng thành của những con người bên trong một tập thể, dù cho đó là doanh nghiệp, là trường học hay môi trường nào khác”, ông Huy nói.
Vốn dĩ tốt nghiệp Đại học Sư phạm ông Đỗ Duy Thái có thể lựa chọn con đường nhà giáo êm ả nhưng ông lại rẽ sang nghiệp kinh doanh đầy chông gai như đối mặt với khủng hoảng kinh tế, chính sách dồn đuổi nhà đầu tư từ thời bao cấp... Đại gia ngành thép từng tâm sự: “Học ngành sư phạm nhưng tôi lại thích buôn bán kinh doanh. Tiếp xúc với nhiều người làm trong ngành công nghiệp, nhất là kinh doanh, sản xuất thép, tôi lắng nghe những kinh nghiệm của họ với một sự thích thú.” Năm 1992, Thép Việt ra đời bắt nguồn từ niềm tin mãnh liệt của ông Thái: xây dựng được một ngành thép cho đất nước. Chiến lược trở thành một doanh nghiệp kinh doanh và sản xuất thép mang đẳng cấp quốc tế được khẳng định ngay từ những ngày đầu. Năm 1999, Thép Pomina ra đời với tổng số vốn đầu tư 68 triệu USD. Đây là một trong những nhà máy hiện đại nhất Việt Nam. Ngoài việc sở hữu trên 60% Pomina, Thép Việt còn đầu tư vào 3 công ty con khác gồm: Thép Tây Đô, Công ty sản xuất sản phẩm mạ công nghiệp Vingal và CTCP Thép thép Việt. Trong đó Pomina là công ty con nổi bật nhất.
Sinh ra tại miền quê Kinh Bắc, trong một gia đình nhà giáo nghèo có tới 7 người con, nữ viện sĩ được mẹ đặt tên là Nguyễn Thị Thanh Nhàn với mong muốn con gái sau này được sung sướng. Thế nhưng, bước vào cuộc đời của một nữ doanh nhân, nữ viện sĩ vẫn cứ tất bật lắng lo với công việc, nhất là sự nghiệp giáo dục nước nhà. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm, gác lại ước mơ làm cô giáo, Nguyễn Thị Thanh Nhàn học tiếp Đại học Ngoại ngữ rồi Ngoại thương. Để có kiến thức về quản trị kinh doanh, tài chính, kế toán, thương mại, ngoại ngữ, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã phải học rất nhiều. Với nữ doanh nhân, học có thể ở mọi lúc, mọi nơi, những lúc ngồi trên ô tô, trên máy bay… Vì vậy mà bây giờ bà Nhàn sử dụng thông thạo cả tiếng Anh, Trung, Nga và Nhật. Năm 2015, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam đã trao giải thưởng viện sĩ có thành tích xuất sắc nhất giai đoạn 2004-2014, và ngôi sao Vernadski cho viện sĩ, tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty CP tiến bộ Quốc tế (AIC). Đây là người phụ nữ đầu tiên của khu vực châu Á được Viện Hàn lâm quốc tế về các nghiên cứu hệ thống Liên Bang Nga (IASS) trao tặng. Ngày 1/10/2018, vượt qua hàng trăm ý tưởng, dự án về thành phố thông minh, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn và AIC Group đã giành được danh hiệu “Ý tưởng và mô hình quốc gia thông minh xuất sắc nhất” trong lễ trao giải tại London. AIC của bà Thanh Nhàn cũng là doanh nghiệp triển khai hoàn hảo mô hình ứng dụng khoa học công nghệ để đổi mới phương pháp giáo dục, đào tạo nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên, số hóa sách giáo khoa, đưa hệ thống quản lý thông minh vào hơn 5.000 trường học ở nhiều địa phương trong cả nước. “Trong cái đầu nhỏ bé của cô ấy là trăm phương nghìn kế kinh doanh của tất cả các cuốn sách dạy người ta thành công trên thương trường cộng lại. Cô ấy là một người tuyệt vời, một người có tinh thần thép” như lời ông David Carkson, Giám đốc điều hành Tập đoàn giáo dục AEG của Anh quốc.
Cũng sinh ra tại quê hương Kinh Bắc – một vùng đất nổi tiếng với tinh thần hiếu học và truyền thống văn hóa đặc sắc, Tiến sĩ Lê Đắc Sơn từ ấu thơ đã có ước mơ cháy bỏng với bục giảng. Cậu học trò chuyên toán ngày nào tốt nghiệp Đại học Bách Khoa với tấm bằng ưu được giữ lại làm giảng viên chuyên ngành Kinh tế cơ khí, khoa Cơ khí. Sau 10 năm giảng dạy tại trường, năm 1988 ông được cử đi nghiên cứu sinh tại Ba Lan. Năm 2001, ông Sơn và gia đình trở về Việt Nam, tiếp quản VP Bank đang rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng. Ông đã vực dậy ngân hàng này và được ví von là người “khai sinh” ra VP Bank lần 2.  Hiện tại, TS Lê Đắc Sơn đã cắt đứt mối lương duyên với VP Bank và quay lại với giáo dục trong vai trò xây dựng trường Đại học Đại Nam trở thành một thương hiệu lớn của giáo dục Việt Nam và thế giới.
Có một điều mà ít ai biết đằng sau Quảng “nổ” là một con người thú vị. Xuất phát từ học sinh khối phổ thông chuyên toán đại học sư phạm Hà Nội, rồi trở thành sinh viên khoa công nghệ thông tin, đại học Bách Khoa Hà Nội đến giảng viên bộ môn Kỹ thuật máy tính, khoa CNTT trường này. Và giờ là một doanh nhân tâm huyết với thương hiệu smartphone Việt với Bphone, Nguyễn Tử Quảng đã miệt mài và làm con ong chăm chỉ đến mức nào. Đằng sau cái mà người đời gọi là “nổ” của người đàn ông đam mê kỹ thuật này còn là “chất” đến từ ước mơ, khát vọng cháy bỏng với thương hiệu thuần Việt và nâng cánh cho những khát khao chinh phục của những người trẻ Việt Nam.Năm 2003 ông Quảng được tạp chí Echip phong tặng danh hiệu Hiệp sĩ công nghệ thông tin. Năm 2001 đến 22005, Nguyễn Tử Quảng là giám đốc trung tâm phần mềm và giải pháp an ninh mạng Bkis (bảo trợ bởi Đại học Bách Khoa Hà Nội). Từ 2005 đến nay, ông là Chủ tịch CTCP Bkav.
Là con của nhà báo Lý Quí Chung – người được biết đến với cuốn Hồi ký Không Tên viết về một thời của Việt Nam Cộng Hòa, Lý Quí Trung tốt nghiệp cử nhân ngành quản trị nhà hàng và khách sạn tại trường Đại học Western Sydney (Úc), sau đó học tiếp để lấy bằng thạc sĩ du lịch tại trường Đại học Griffith (Úc) năm 1994. Năm 2003 ông lấy học vị tiến sĩ của trường Đại học Kennedy Western (Mỹ) chuyên khoa quản trị kinh doanh. Năm 2009, là người Châu Á đầu tiên và trẻ tuổi nhất được phong hàm Giáo sư danh dự tại trường Đại học Griffith. Năm 2016 ông tiếp tục được trường đại học Western Sydney University phong hàm Giáo sư Danh dự, trở thành một trong những người Việt hiếm hoi được hai trường đại học ở nước ngoài bổ nhiệm chức danh này. Ông là thành viên sáng lập Tập đoàn Nam An Group chuyên kinh doanh trong lĩnh vực ẩm thực cao cấp, trong đó có thương hiệu Phở 24 với hơn 70 cửa hàng trong và ngoài nước. Các thương hiệu ẩm thực nổi bật khác bao gồm nhà hàng Nam An, nhà hàng Maxim’s Nam An, nhà hàng Tân Nam, Nhà hàng An, nhà hàng An Viên, chuỗi café Gloria Jean’s Coffees, chuỗi tiệm bánh Breadtalk… Lý Quí Trung là doanh nhân Việt hiếm hoi xuất bản tự truyện cuộc đời mình mang tên “Bầu trời không chỉ có màu xanh” làm di sản cho các thế hệ trẻ trên con đường khởi nghiệp. Sau một thời gian định cư tại Sydney (Australia), ông Trung quay về Việt Nam với vai trò CEO tập đoàn nội thất cao cấp sở hữu thương hiệu Nhà Xinh và nhiều thương hiệu quốc tế khác… Tỷ phú Jack Ma chia sẻ: “Điều duy nhất khiến tôi trở thành doanh nhân thành công là nền tảng giảng dạy của tôi”. Điều đó đi ngược lại với nhiều quan điểm cho rằng nghề giáo không hữu ích nhiều cho việc trở thành lãnh đạo doanh nghiệp. Song qua những doanh nhân trên chúng ta đã thấy những điều hoàn toàn khác. Và chính những doanh nhân này đã và đang để lại di sản rất lớn trong chính phong cách điều hành cùng văn hóa của người đứng đầu “tận tâm” của nhà giáo.
Theo Người lãnh đạo
Link báo gốc: http://www.nguoilanhdao.vn/tu-nha-giao-den-doanh-nhan-quyen-luc.html

Bạn đang đọc bài viết "Từ nhà giáo đến doanh nhân quyền lực" tại chuyên mục Doanh nhân.