Sau khi dư luận phản đối kế hoạch nhận chìm vật chất xuống biển Bình Thuận, nhiều địa phương vẫn tiếp tục nhận được những lời đề nghị đổ hàng triệu m3 bùn, cát thải. Mới nhất là đề xuất nhận chìm 15,5 triệu m3 chất thải từ Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất.
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản gửi lên Thủ tướng về việc cấp phép nhận chìm ở biển và giao khu vực biển cho Dự án đầu tư Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất của Tập đoàn Hòa Phát.
Theo nội dung của văn bản này, do khó khăn trong việc đưa vào bờ để tích trữ cũng như chưa tìm được đối tác có nhu cầu sử dụng, chất nạo vét trong quá trình xây dựng tại Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất được UBND tỉnh Quảng Ngãi đề xuất lên Thủ tướng cấp phép cho chủ đầu tư nhận chìm ở biển.
"Đề kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần thúc đẩy tiến độ của Dự án đầu tư Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất, trên cơ sở kiến nghị của Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất, UBND tỉnh Quảng Ngãi kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, có ý kiến chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) hỗ trợ, đẩy nhanh việc phê duyệt hồ sơ đề xuất nhận chìm vật chất nạo vét và đôn đốc tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ giao khu vực biển cho dự án", UBND tỉnh Quảng Ngãi đề xuất.
Khối lượng vật chất cần nạo vét để xử lý tại khu vực bến cảng, vũng quay tàu và luồng tàu tại Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất vào khoảng 15,5 triệu m³.
Dư án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất là dự án đầy tham vọng của ông chủ Tập đoàn Hòa Phát - tỷ phú Trần Đình Long. Dự án có tổng vốn đầu tư lên tới 52.000 tỷ đồng, không chỉ được kỳ vọng sẽ đưa Hòa Phát lên tầm vóc mới, vào top 50 các công ty thép lớn nhất thế giới và là công ty lớn nhất nhì trong khu vực Đông Nam Á; mà còn giúp Quảng Ngãi cất cánh, trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại.
Chính vì vậy, kể từ khi dự án được chấp thuận đầu tư, tỉnh Quảng Ngãi hết sức hỗ trợ để dự án thép tỷ đô này sớm được hoàn thành.
Trước đề xuất nhận chìm chất thải của Thép Hòa Phát Dung Quất cũng như UBND tỉnh Quảng Ngãi, hồi tháng 7/2017, đề xuất xin nhận chìm 1 triệu m3 vật chất của nhiệt điện Vĩnh Tân xuống biển Vĩnh Tân, gần với khu sinh thái Hòn Cau, tỉnh Bình Thuận đã làm dậy sóng dư luận.
Trước đó, ngày 23/6/2017, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Linh Ngọc đã ký Giấy phép số 1517/GP-BTNMT, chấp thuận cho Công ty TNHH điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm 918.533 m3 bùn, cát, vỏ sò, sạn sỏi ra vùng biển thuộc xã Vĩnh Tân (Tuy Phong, Bình Thuận). Trong đó, có 20% bùn, 80% cát, vỏ sò, cát pha, cát kết phong hóa, sét, bùn trầm tích... Giấy phép có hiệu lực kể từ ngày ký và hết hạn vào ngày 31/10/2017.
Khu vực biển được cấp phép đổ chất nạo vét nằm gần Khu bảo tồn biển Hòn Cau thuộc huyện Tuy Phong, là một trong 16 khu bảo tồn biển của cả nước. Vì vậy, dư luận đặt câu hỏi việc cho đổ chất nạo vét xuống vùng biển này có đe dọa trực tiếp đến quần thể san hô và tác động hiệu ứng tràn của biển ở khu vực này hay không.
Sau khi có ý kiến phản đối từ dư luận, chuyên gia..., tỉnh Bình Thuận đã kiến nghị nên dừng việc nhận chìm chất nạo vét của Công ty TNHH điện lực Vĩnh Tân 1.
Đến ngày 3/8, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về dự án nhận chìm vật chất ở biển Bình Thuận. Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ TN&MT xem xét, xử lý vấn đề trên đúng quy định của pháp luật. Giao Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) chủ trì, khẩn trương xem xét, đánh giá toàn diện tác động môi trường, các giải pháp bảo vệ môi trường trong việc nhận chìm vật chất tại vùng biển tỉnh Bình Thuận.
Bộ TN&MT sau đó đã chấp thuận đề xuất của tỉnh Bình Thuận gần 1 triệu m3 chất nạo vét xuống biển mà đưa vào khu vực Cảng Tổng hợp Vĩnh Tân.
Bộ TN&MT sau đó thống nhất phương án mà Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận đã đề xuất về việc không nhận chìm mà đưa toàn bộ gần 1 triệu m3 chất nạo vét của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 đổ vào khu vực Cảng tổng hợp Vĩnh Tân.
Khu vực Cảng tổng hợp Vĩnh Tân là nơi trước đó được Công ty Cổ phần Cảng tổng hợp Vĩnh Tân đồng ý cho Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 (thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam – EVN) đổ khối lượng bùn cát nạo vét của đơn vị này.
Sau khi dư luận phản đối kế hoạch "nhận chìm vật chất" xuống biển Bình Thuận, nhiều địa phương như Bình Định, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu... cũng nhận được những lời đề nghị đổ hàng triệu mét khối bùn, cát thải.
Tháng 11/2017, Cục Hàng hải Việt Nam có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bình Định cấp phép nhận chìm khối lượng dự kiến ban đầu hơn 439.000m3 bùn, cát nạo vét duy tu luồng hàng hải Quy Nhơn.
Theo đề nghị của Cục Hàng hải Việt Nam, tọa độ vị trí nhận chìm là ngoài phao số 0 - theo quy định tối thiểu 2,5km từ bờ biển trở ra.
Mục đích chính của việc nạo vét lớp trầm tích trong bùn để nhận chìm xuống biển là khơi thông luồng chảy để bảo đảm việc ra vào cảng Quy Nhơn của các phương tiện tàu thuyền.
Đề xuất này cũng gặp phải nhiều luồng ý kiến trái chiều từ phía các nhà nghiên cứu khoa học và dư luận, yêu cầu công khai dự án này; đồng thời mời các chuyên gia, nhà khoa học để tư vấn xem xét, đánh giá kỹ lưỡng yếu tố môi trường trước khi đem bùn thải đổ xuống biển.
Sau khi nhận được đề xuất này, UBND tỉnh Bình Định đã thống nhất về mặt chủ trương đồng ý việc lập dự án và yêu cầu đánh giá tác động môi trường cụ thể, trước khi đưa ra quyết định cấp phép.
Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, UBND tỉnh này cũng đã có văn bản gửi Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam liên quan việc góp ý kiến hồ sơ đề nghị cấp giấy phép nhận chìm bùn ở biển của Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Miền Nam (VMS South).
Theo hồ sơ, khu vực đề xuất nhận chìm bùn của công trình nạo vét duy tu luồng hàng hải Vũng Tàu là ở ngoài khơi Vũng Tàu (khu A), nằm trong khu vực đã được quy hoạch tại Quyết định 44/2011/QĐ-UBND (về việc phê duyệt đánh giá quy hoạch các vị trí đổ bùn nạo vét trên địa bàn tỉnh). Đây là vị trí được quy hoạch đổ bùn của dự án cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải, cách Mũi Vũng Tàu 10 km.
Quyết định nêu rõ từ năm 2011-2020, tổng khối lượng nạo vét các dự án dự kiến 71 triệu m3. Theo văn bản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gửi Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, khu A có sức chịu tải 69 triệu m3 lượng bùn thải. Tỉnh đã đồng ý cho phép đổ bùn thải nạo vét tại khu vực này với tổng khối lượng khoảng 21 triệu m3.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã góp ý, yêu cầu Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Miền Nam lập kế hoạch quan trắc môi trường chi tiết; giao Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan giám sát các phương tiện vận chuyển bùn nạo vét, bảo đảm đúng vị trí cho phép.
Tại Quảng Ngãi, ngày 3/11/2017, UBND tỉnh có công văn hỏa tốc yêu cầu Sở TN&MT làm việc cụ thể với Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Miền Bắc (VMSN) để tạm dừng việc nhận chìm 62.000 m3 bùn thải xuống biển Tịnh Khê (xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi). UBND tỉnh Quảng ngãi còn chỉ đạo Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan rà soát lại việc đề xuất cấp giấy phép nhận chìm, báo cáo lại UBND tỉnh.
Trước đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã cho phép nhận chìm 62.000 m3 vật chất xuống biển. Tuy nhiên, dư luận quan ngại về vị trí nhận chìm sẽ ảnh hưởng lớn tới biển Bình Châu - Lý Sơn và các vùng phụ cận (nơi đang làm hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Công viên Địa chất toàn cầu)...
Anh Mai/Nhà Đầu Tư