Tỷ phú này bắt đầu tập kinh doanh từ khi mới 12 tuổi.
Doanh nhân Rizwan Sajan là một tỷ phú ở Mumbai, Ấn Độ. Năm Sajan lên 16 tuổi, cha của ông qua đời. Người cha để lại 1 vợ và 3 đứa con. Sajan phải có trách nhiệm lo một phần gánh nặng tài chính của gia đình. Tuy nhiên, với một chàng trai 16 tuổi, mọi thứ không hề dễ dàng.
Ngày nay, Rizwan Sajan là người sáng lập và chủ tịch của tập đoàn Danube với doanh thu hàng năm khoảng 1,3 tỷ USD. Tập đoàn này có công ty bán vật liệu xây dựng, công ty bất động sản, công ty xây dựng.
Kiếm tiền từ bạn bè, đi giao sữa giúp gia đình
Theo lời ông Sajan, trước khi qua đời, cha ông làm giám sát cho một nhà máy thép. Mỗi tháng, cha ông kiếm được 7000 rupee (~2,3 triệu đồng). Số tiền này đủ trang trải chi phí sinh hoạt của gia đình và trả học phí cho con.
Ông còn nhớ, mỗi tháng, bản thân được cha cho tiền để đi tới trường cách nhà 8km và chi các khoản cá nhân khác. Tuy nhiên, Sajan chọn đi bộ tới trường nhằm tiết kiệm số tiền này để mua trà và bánh gối ở căng tin trường học.
"Một hôm, tôi nói với cha tăng thêm tiền tiêu vặt. Ông giải thích tình hình tài chính gia đình. Tôi hiểu hoàn cảnh của cha, tình hình tài chính của gia đình rất khó khăn", ông nhớ lại.
Từ câu chuyện đó, Sajan nảy ra ý tưởng vay cha 1000 rupee (~330.000 đồng). "Đó là khởi đầu của hành trình trong thế giới kinh doanh, mặc dù rất nhỏ", ông kể.
Sau khi vay của cha 1.000 rupee, Sajan đến một nhà ga ở Mumbai, Ấn Độ, mua sách và văn phòng phẩm. "Tôi bán sách, văn phòng phẩm cho các bạn với giá tương đương mua ở ngoài. Chẳng bao lâu sau, bạn bè bắt đầu đặt hàng. Tôi giao hàng cho họ trước cửa nhà. Lúc đó, tôi chỉ mới 12 tuổi", ông nhớ lại.
Khi được nghỉ học, Sajan nhận việc ship sữa đến tận nhà cho mọi người. "Tôi đến trung tâm bán sữa lúc 4h sáng hàng ngày. Tôi giao sữa tận cửa cho khách hàng. Công việc này giúp tôi có thêm tiền. Tuy nhiên, điều này là thảm họa, khi bạn gái phát hiện tôi là một người đi ship sữa", ông kể.
Khi phát hiện sự thật này, người bạn gái bỏ Sajan. Hôm sau, ông làm đổ sữa ra đường khi va vào vỉa hè. Cậu bé Sajan năm đó chọn đổ thêm nước vào sữa rồi chuyển cho khách, nhưng bị người quản lý phát hiện rồi bị đuổi việc. Trong vòng 1 ngày, ông mất cả bạn gái và công việc kiếm tiền.
Tuy nhiên, từ khi cha của Sajan qua đời, mọi gánh nặng tài chính tăng lên gấp đôi. Khi cha ông còn sống, mỗi tháng cha nhận lương 7.000 rupee, các chi phí sinh hoạt của gia đình "ngốn" gần hết. Nhưng khi cha qua đời, gia đình lâm vào cảnh rất khó khăn.
Mỗi tháng, gia đình nhận được khoản tiền trợ cấp 3.000 rupee (~1 triệu đồng). Trong khi đó, Sajan được nhận vào nhà máy cũ của cha với mức lương 2.000 rupee (~674.000 đồng). Điều này có nghĩa gia đình vẫn thiếu 2.000 rupee so với trước đó.
Để có thể kiếm được 2.000 rupee, ông làm việc bán thời gian ngoài giờ học. Thậm chí, có những ngày, Sajan chỉ về nhà sau 0h. Trong thời điểm gia đình gặp khó khăn chồng chất đó, Sajan viết thư gửi chú ở Kuwait với mong muốn tìm được một công việc, nhưng đáng tiếc là ông chưa đủ tuổi.
Từ nhân viên đến ông chủ tập đoàn giàu có
Năm 18 tuổi, Sajan tìm được một công việc ở Kuwait. Ông trở thành nhân viên bán hàng với mức lương 150 Dinar Kuwait (~11,4 triệu đồng - theo tỷ giá hiện tại) vào năm 1981.
Sajan sống với chú 6 tháng trước khi chuyển đến làm ở một công ty khác. Ông phải ở cùng 12 nhân viên khác trong một phòng. Thậm chí, Sajan phải ngủ trên sàn.
Sau 8 năm, sự nghiệp của ông đi lên nhờ sự quyết tâm của bản thân. Từ mức lương 150 Dinar Kuwai (~11,4 triệu đồng) ban đầu, ông đã nhận mức lương 1.500 dinar (~114 triệu đồng). Từ một người nhân viên bán hàng, ông trở thành giám đốc bán hàng.
Kết thúc chiến tranh vùng Vịnh, Sajan về Mumbai (Ấn Độ). Sau đó, ông tìm được một công việc ở Dubai (UAE). Ban đầu, 2 bên thỏa thuận lương 3.000 Dh (~18,9 triệu đồng) nhưng rồi nhà tuyển dụng hạ còn 1.500 Dh (~9 triệu đồng). Tuy nhiên, vì bản thân cần công việc nên ông vẫn nhận làm.
Công việc hằng ngày của ông là môi giới vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, trong một lần cung cấp lô hàng, khách không ưng ý do một số tấm ván MDF có nấm và bụi bẩn. Mặc dù, ông lên tiếng giải thích, nhưng khách không chịu nhận hàng. Sajan gọi nhà cung cấp lấy sản phẩm khác, còn ông tự mua lại số tấm ván MDF này. Ông làm sạch các tấm và tự bán cho khách hàng khác với lợi nhuận 20%. Từ đó, Sajan bắt đầu kinh doanh vật liệu xây dựng, mở ra con đường thành công cho đến tập đoàn Danube lớn mạnh ngày nay.
Theo ông Sajan, 60% thành công của bản thân có thể là may mắn. "Nếu bạn muốn thành công trong kinh doanh cần chấp nhận rủi ro", ông nói.
(Theo Gulf/ Dân Việt)
Theo VietnamNet