Có những người bước qua độ tuổi 30 đó với một khối lượng tài sản đủ lớn, sở hữu riêng cho mình nhà cửa, xe cộ… Nhưng ngược lại cũng có những người dù đã bước qua tuổi 30 nhưng trong tay vẫn chẳng hề có gì,
Bước vào tuổi 30, người ta vẫn thường nói đó là giai đoạn "chuyển giao" vàng của cả một đời người. Bởi thành công hay thất bại qua ngưỡng tuổi đó là phần nào ta có thể đoán định được, có những người bước qua độ tuổi 30 đó với một khối lượng tài sản đủ lớn, sở hữu riêng cho mình nhà cửa, xe cộ… Nhưng ngược lại cũng có những người dù đã bước qua tuổi 30 nhưng trong tay vẫn chẳng hề có gì, có quá nhiều nguyên nhân để giải phẫu cho lí do đó, một trong số đó được bắt nguồn từ thói quen "điều phối" tài chính không tốt ngay từ khi còn trẻ.
Cuồng mua sắm
Mới đây thôi, câu chuyện về cô bạn cuồng mua sắm, gần 30 thứ tài sản duy nhất cô nàng sở hữu là tủ quần áo với vài trăm bộ đồ. Để tới phiên họp lớp, trong khi bạn bè hoan hỉ khoe xe, người tự hào mới xây xong căn nhà, có người vu vơ lại thủ thỉ mới có sổ tiết kiệm tiền tỷ. Nhìn alị bản thân, tài khoản thi thoảng lại âm vô cùng, sổ tiết kiệm thì chưa từng tồn tại, ô tô chẳng có, nhà lại càng không, thứ cô có duy nhất là mớ quần áo đắp đống trong nhà.
Đó không chỉ là câu chuyện của một bạn gái, mà dám chắc, rất nhiều trường hợp rơi vào hoàn cảnh tương tự. Thói quen chi tiêu, mua sắm ngấm vào từng tế bào trong cơ thể. Các bạn thường bao biện "trẻ không chơi, già hối hận", chính vì thế việc kiếm tiền và thỏa thích mua sắm để thỏa nỗi niềm đam mê cho tuổi thanh xuân như là một việc tất yếu của cuộc sống của bạn.
Không ai cấm cản việc chúng ta mua sắm, đó đều là những nhu cầu rất thiết yếu của con người, đặc biệt là khi chúng ta còn trẻ. Nhưng chúng ta cần phải cân nhắc cách chi tiêu như thế nào sao cho khoa học và hợp lí nhất, lên danh sách những món đồ thực sự chúng ta sẽ cần phải mua, bởi việc chi tiêu có kế hoạch ngay từ khi còn trẻ sẽ tạo cho bạn một nền tảng tài chính vững chắc sau này, ngược lại việc vung phí tiền bạc vào những món đồ không cần thiết sẽ chẳng giúp ích được gì mà ngược lại còn làm tình hình tài chính của bạn bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Thích là xách ba lô lên và đi mà chẳng cần suy nghĩ
Tuổi trẻ là cần phải xê dịch, là cần phải đi trải nghiệm ở nhiều nơi để làm giàu thêm vốn sống cho bản thân bằng những nét phong tục, tập quán ở những vùng miền mà chúng ta sẽ đi qua.
Nhưng hãy thật tỉnh táo khi quyết định cho những chuyến đi của mình, hãy lên kế hoạch tài chính cho chuyến đi của bạn một cách thật tỉ mỉ và khoa học, hãy đi khi năng lực của mình thực sự đủ chứ đừng đi vì những lời giục giã vội vàng trên mạng để níu giữ tuổi thanh xuân.
Bởi những gì mà tuổi trẻ bạn thực hiện hôm nay sẽ quyết định đến tương lai về sau của chính bạn, nếu cứ đi mà không cần suy nghĩ, đi với tâm niệm để đỡ phí hoài tuổi trẻ, ừ thì vốn sống của bạn mở rộng thêm thật đấy, bạn biết thêm được nhiều địa danh thật đấy. Nhưng đến khi dừng lại và nhìn vào thực tại, số dư tài khoản của bạn sót lại sẽ là bao nhiêu? Chẳng lẽ bạn đi làm chỉ để sử dụng số tiền cho niềm đam mê xê dịch đó mà chẳng hề lo lắng đến tương lai lâu dài của mình hay sao?
Tự ý mua những món đồ đắt tiền mà chẳng cần tham khảo ý kiến của ai
"Hãy mua những thứ bạn cần chứ đừng mua những thứ bạn muốn". Nhưng trớ trêu thay, đa số chúng ta toàn mua theo cảm hứng, hễ thích cái gì là mua cho bằng được, kể cả những món đồ có giá trị mà chẳng cần phải tham khảo ý kiến của bất kì ai.
Cha mẹ luôn là người lo lắng cho tương lai của bạn, chính vì thế khi còn trẻ tuổi tích lũy là điều mà chúng ta cần phải lưu ý, trước khi quyết định mua sắm bất kì một đồ vật gì, đặc biệt là những món đồ có giá trị như : Xe cộ, trang sức….thì bạn cần phải nên tham khảo ý kiến của cha mẹ xem nó có thực sự hữu ích trong thời điểm mà bạn mua đó hay không? Quyết định là ở chúng ta bởi đó là tiền của bạn, nhưng hãy sử dụng đồng tiền sao cho một cách thông minh, mang lại hiệu quả cao nhất để tránh gây lãng phí cho tương lai về sau.
Không có một khoản tiền tiết kiệm hàng tháng
Tích kiệm chắc có lẽ là một khái niệm quen thuộc nhưng chúng lại quá đỗi "xa lạ" với thế hệ trẻ.
Tuổi trẻ không có thói quen tích kiệm cho hiện tại, bởi họ suy nghĩ hãy cứ tiêu khi còn có thể, tích lũy hãy để về sau tính. Chính suy nghĩ đó đã vô tình đẩy họ vào những rắc rối không cần thiết về vấn đề tài chính, hậu quả cho cách suy nghĩ thiếu định hướng đó là sự thiếu chủ động, lúc nào cũng phải rơi vào trạng thái loay hoay để giải quyết tình hình hiện tại.
Không chịu đầu tư thời gian để học hỏi
Từng giải thích lý do tại sao ông rất kiên trì đọc sách và học hỏi không ngừng trong suốt cả thời gian ông làm tổng thống, Obama chia sẻ: "Vào thời đại mà các sự kiện diễn ra quá nhanh và thông tin được lan truyền quá nhiều, đọc sách và học hỏi giúp tôi sống chậm lại và nhìn rộng hơn. Ngoài ra, việc học còn giúp tôi có khả năng đặt bản thân vào trong tình cảnh của người khác. Đây là điều vô giá đối với tôi. Liệu chúng có khiến tôi trở thành một tổng thống tốt hơn, tôi không chắc. Nhưng có một điều tôi chắc chúng đã giúp tôi duy trì sự cân bằng của bản thân trong suốt 8 năm nhiệm kỳ..."
Một người đã rất thành công như Obama vẫn dành rất nhiều thời gian để học tập và nghiên cứu những thứ mới. Còn bạn, sở hữu trong tay là một tuổi trẻ hừng hực, khả năng tiếp thu mau chóng, tại sao lại lười nhác, chây ì?
Bể học là vô tận, xã hội lại vận động không ngừng, nếu không mau chóng đầu tư thời gian để nâng cao những kỹ năng mà bản thân còn yếu, bạn sẽ nhanh chóng bị tụt hậu và đào thải. Chẳng khó khăn gì nếu thay vì mua sắm bạt mạng, chơi game xuyên ngày đêm, hãy dành thời gian đó để học thành thạo excel, sử dụng tốt powerpoint, nâng cao kỹ năng mềm, tăng khả năng thuyết trình... Hãy đầu tư cho tương lai một cách thông minh! Nên nhớ, có quá nhiều thứ thú vị để học và chắc chắn sẽ có giá trị cho quá trình phát triển sự nghiệp sau này của bạn.
Phạm Ngọc Anh
Theo Trí Thức Trẻ