Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Tuyên bố bỏ bóng đá, ông Trịnh Văn Quyết muốn xây sân vận động hiện đại nhất thế giới

19/01/2019 08:12

 Cuối năm 2018, ông Trịnh Văn Quyết gây bất ngờ khi tuyên bố trả lại đội bóng cho tỉnh Thanh Hoá. Đến đầu tháng 1 này, ông bầu tiếp tục khiến nhiều người sửng sốt với đề xuất xây sân vận động lớn và hiện đại nhất thế giới, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 đã lên tới 25.000 tỷ đồng. >>Vợ ông Trịnh Văn Quyết nhận cả nghìn tỷ đồng “tiền tươi” trước Tết, chồng đón tin vui >>Cổ phiếu “hồi sinh” từ đáy, ông Trịnh Văn Quyết còn bao nhiêu tài sản trên sàn? >>Mất hơn 46.000 tỷ đồng, ông Trịnh Văn Quyết tụt hạng “top giàu”


Cuối năm 2018, ông Trịnh Văn Quyết gây bất ngờ khi tuyên bố trả lại đội bóng cho tỉnh Thanh Hoá. Đến đầu tháng 1 này, ông bầu tiếp tục khiến nhiều người sửng sốt với đề xuất xây sân vận động lớn và hiện đại nhất thế giới, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 đã lên tới 25.000 tỷ đồng.

Trong phiên giao dịch cuối tuần (18/1), cổ phiếu FLC của Tập đoàn FLC bất ngờ đánh mất 0,91% xuống còn 5.450 đồng/cổ phiếu sau 5 phiên liền không giảm giá. Mặc dù vẫn ghi nhận mức tăng 2,44% trong vòng 1 tuần qua song mã này vẫn sụt gần 10% trong 1 năm giao dịch.

Với mức giá hiện tại, vốn hoá thị trường của FLC hiện chỉ đạt 3.869 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ là 7.100 tỷ đồng. Ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch HĐQT FLC đang là cổ đông lớn nhất của tập đoàn này với sở hữu 150,4 triệu cổ phiếu tương ứng chiếm tỷ lệ 21,19%.

trinh van quyet.jpg
Tập đoàn của ông Trịnh Văn Quyết muốn trực tiếp đầu tư, tổ chức vận hành, khai thác... trong suốt vòng đời dự án "khủng" hàng chục nghìn tỷ đồng

Thông tin cho hay, Tập đoàn FLC hồi đầu năm nay đã có văn bản gửi UBND TP Hà Nội đề xuất ý tưởng quy hoạch và đầu tư một khu phức hợp sân vận động, dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí có quy mô lớn, nằm tại một trong các khu vực thuộc huyện Đông Anh, Mê Linh hoặc Sóc Sơn.

Hạng mục chính của dự án là cụm công trình liên hợp thể thao, với điểm nhấn trung tâm là một sân vận động có sức chứa 100.000 chỗ ngồi, được thiết kế có mái che để đáp ứng yêu cầu tổ chức các giải đấu quốc tế lớn, với mục tiêu trở thành sân vận động lớn và hiện đại nhất thế giới. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 dự kiến khoảng 25.000 tỷ đồng.

Nằm trong khuôn khổ dự án còn có hạng mục cụm sân golf liên hoàn; đường đua công thức 1; cụm khách sạn, resort tiêu chuẩn 5 sao; khu liên hợp đa phương tiện phục vụ các hội nghị quốc tế; khu dịch vụ vui chơi giải trí; khu trung tâm thương mại - tài chính; tổ hợp các khu chăm sóc sức khoẻ kết hợp nghỉ dưỡng (bệnh viện nghỉ dưỡng); khu trại hè quốc tế tập trung kết hợp các hoạt động giáo dục, vui chơi khoa học dành cho trẻ em; trường đua ngựa và vườn thú; công viên chủ đề và quảng trường trung tâm; khu mua sắm tập trung theo mô hình outlet... Tổng diện tích dự án khoảng từ 1.000 đến 2.000 ha.

Nếu được chấp thuận, FLC cho biết, các hạng mục đầu tư trên sẽ do tập đoàn này trực tiếp đầu tư, tổ chức vận hành, khai thác, đảm bảo tiêu chuẩn thiết kế trong suốt vòng đời dự án.

Vào trung tuần tháng 11/2018, giữa “cơn sốt” AFF Cup, ông chủ FLC Trịnh Văn Quyết từng gây bất ngờ khi tuyên bố rút khỏi bóng đá. Ông Quyết cho biết, trong 4 năm đầu tư vào bóng đá, mỗi năm tiêu tốn của FLC cả trăm tỷ đồng, năm vừa rồi xấp xỉ 120 tỷ đồng song đội bóng này được cho là “khó vô địch”, “đổ công, đổ sức ra mà không mang lại cái gì”.

Trở lại với diễn biến trên thị trường chứng khoán, tại thời điểm đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần, số mã giảm giá vẫn áp đảo số mã tăng trên toàn thị trường. Có 326 mã giảm giá, 38 mã giảm sàn so với 268 mã tăng và 53 mã tăng trần.

Tuy nhiên, VN-Index vẫn đạt được trạng thái tăng 0,41 điểm tương ứng 0,05% lên 902,3 điểm trong khi HNX-Index đánh mất 0,37 điểm tương ứng 0,36% còn 101,56 điểm.

Thanh khoản có cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp với 140,74 triệu cổ phiếu tương ứng 3.880,47 tỷ đồng trên HSX và 26,01 triệu cổ phiếu tương ứng 331,71 tỷ đồng trên HNX. Toàn thị trường có 810 mã cổ phiếu không diễn ra giao dịch nào.

Với sự thận trọng của nhà đầu tư, trong phiên này, tại các mã lớn không xảy ra sự đột biến nào về giá, do đó, ảnh hưởng tới chỉ số cũng trở nên hạn chế. Trong khi nhận được sự hỗ trợ từ nhóm mã tăng là VNM, VHM, MSN, VIC, HPG… thì VN-Index cũng bị kìm hãm bởi đà giảm tại VRE, VCB, CTG, BID, BHN.

Theo đánh giá của VDSC, thị trường đang điều chỉnh sau nhịp phục hồi trước đó. Các cổ phiếu lớn tăng giảm xen kẽ và có thể nhận thấy áp lực bán khá lớn ở nhiều mã vốn hóa lớn. Đây có thể là phản ứng của thị trường trước khi bước vào kỳ cơ cấu lại rổ VN30.

Sự phân hóa là tương đối mạnh khi nhiều nhóm cổ phiếu đang tách tốp và hình thành xu hướng riêng. Nhà đầu tư được khuyến nghị nên tập trung vào các mã cổ phiếu riêng lẻ và không cần quá quan ngại đến các chỉ số chung.

Mai Chi

Theo Dân Trí