Deutsche Bank tham gia đầu tư vào thị trường vốn Việt Nam thông qua 2 quỹ đầu tư là Xtrackers FTSE Vietnam Swap UCITS ETF (FTSE Vietnam ETF) và Vietnam Phoenix Fund Limited.
Giám đốc điều hành của Deutsche Bank, Christian Stitch tiết lộ một cuộc đại tu toàn diện của ngân hàng này sau cuộc họp hội đồng giám sát vào ngày 7/7. Ngân hàng lớn nhất nước Đức Deutsche Bank tuyên bố sẽ sẽ xóa bỏ mảng kinh doanh chứng khoán toàn cầu, thu hẹp bộ phận ngân hàng đầu tư, đồng thời giảm bớt mảng kinh doanh trái phiếu – lĩnh vực vốn là một thế mạnh của ngân hàng này và đồng thời cắt giảm 18.000 việc làm vào năm 2022. Trong đó, các giám đốc điều hành cấp cao như Garth Ritchie, Sylvie Matherat và Frank Strauss, sẽ là những người rời ngân hàng vào cuối tháng này.
Bản thân ngân hàng Đức trước đó cho biết họ dự kiến sẽ báo cáo khoản lỗ ròng 2,8 tỷ euro trong quý II/2019.
"Chúng tôi đã và đang thực hiện các bước đi quan trọng để thực thi chiến lược nhằm chuyển đổi Deutsche Bank", Christian Christian, Giám đốc điều hành Deutsche Bank nói trong một tuyên bố ngày 24/7.
Deutsche Bank cũng tiết lộ rằng hơn 900 nhân viên đã được thông báo hoặc nói rằng vai trò của họ sẽ bị chấm dứt tại ngân hàng. Ngân hàng cũng cho biết thêm, nếu không bao gồm các khoản phí chuyển đổi chiến lược, thu nhập ròng của ngân hàng trong quý II/2019 là 231 triệu euro, trong khu đó, cùng kỳ năm ngoái là 401 triệu euro.
Cổ phiếu của ngân hàng đã giảm hơn 30% trong 12 tháng qua, do hàng loạt vụ bê bối rửa tiền trong quá khứ. Triển vọng sau khi tái cấu trúc của ngân hàng này đã gặp phải sự hoài nghi của các nhà phân tích Phố Wall.
Ngoài ra, Deutsche Bank cũng sẽ thành lập một bộ phận mới là “ngân hàng xấu” để bán dần những tài sản không mong muốn. Theo dự kiến, “ngân hàng xấu” sẽ quản lý số tài sản trị giá khoảng 74 tỷ USD của Deutsche Bank.
Đây được xem là kế hoạch cải tổ lớn nhất của một ngân hàng đầu tư kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Nhà băng lớn nhất Đức từng có tham vọng thống trị mảng ngân hàng đầu tư, cạnh tranh với các tên tuổi như Goldman Sachs hay Morgan Stanley ở châu Âu và trên thế giới. Họ bắt đầu tham vọng toàn cầu năm 1999, khi mua lại ngân hàng đầu tư Mỹ Bankers Trust.
Dù vậy, sau khủng hoảng tài chính, Deutsche Bank, đặc biệt là mảng ngân hàng đầu tư, đã rất vất vả tìm lại hướng đi. Kinh tế châu Âu tăng trưởng chậm, và sự lưỡng lự trong cải tổ khiến Deutsche Bank ngày càng khó cạnh tranh trong lĩnh vực đắt đỏ này.
Deutsche Bank có mặt tại Việt Nam từ năm 1992. Vào tháng 4/2018, Deutsche Bank chuyển sang trụ sở mới tại toà nhà Deutsches Haus ở TP.HCM. Đây cũng là nơi tập trung nhiều doanh nghiệp Đức tại Việt Nam.
Deutsche Bank tham gia đầu tư vào thị trường vốn Việt Nam thông qua 2 quỹ đầu tư là Xtrackers FTSE Vietnam Swap UCITS ETF (FTSE Vietnam ETF) và Vietnam Phoenix Fund Limited (tiền thân là DWS Vietnam Fund).
Trong đó, FTSE Vietnam ETF là quỹ đầu tư chỉ số đầu tiên tại Việt Nam được Deutsche Bank AG thành lập vào ngày 15/01/2008 với số vốn ban đầu là 5,1 triệu USD. Quỹ ETF này mô phỏng FTSE Vietnam Index, một trong hai chỉ số do FTSE Group xây dựng từ ngày 26/04/2007. Cụ thể, FTSE Group đã xây dựng hai chỉ số chứng khoán đối với thị trường Việt Nam thuộc FTSE Vietnam Index Series. Chỉ số thứ nhất là FTSE Vietnam All-Share Index, gồm các cổ phiếu chiếm đến 90% giá trị vốn hóa thị trường (trước khi điều chỉnh trọng số đầu tư). Chỉ số thứ hai là FTSE Vietnam Index, có thể dùng để đầu tư, gồm các chứng khoán thuộc FTSE Vietnam All-Share Index và còn room nước ngoài.
Theo dữ liệu của Bloomberg tới ngày 22/7, quỹ FTSE Vietnam ETF hiện quản lý tổng tài sản gần 305 triệu USD. Top 10 khoản đầu tư lớn nhất của quỹ này bao gồm: cổ phiếu họ "Vin" (Vinhomes, Vingroup, Vincom Retail), Vinamilk, Masan, Hòa Phát, Vietcombank, Novaland, SSI...
Trong khi đó, Vietnam Phoenix Fund Limited tiền thân là DWS Vietnam Fund được thành lập hồi tháng 12/2006 bởi Deutsche Asset Management (Asia) Limited (DeAM Asia) thuộc Deutsche Bank. Tháng 4/2009, DeAM Asia đã chỉ định Duxton - công ty có trụ sở tại Singapore quản lý một số khoản đầu tư của DWS tại Việt Nam.
Duxton sở hữu Vietnam Phoenix Fund thông qua một số quỹ thành viên như Beira Limited và Kallang Limited đã đầu tư vào cổ phiếu của các doanh nghiệp Việt như Nhựa An Phát Xanh (AAA), Năm Bảy Bảy (NBB)…
Năm 2012, Phan Sào Nam - cựu Chủ tịch VTC Online chính là người "lấy" 10 triệu USD của Quỹ DWS Vietnam Fund thông qua Công ty Quản lý quỹ Duxton của Deutsche Bank đầu tư vào VTC Online.
Deutsche Bank cũng được biết đến là ngân hàng ngoại từng đầu tư vào Habubank. Ngân hàng của Đức nắm giữ 10% vốn của Habubank từ giữa năm 2007 theo một thỏa thuận đầu tư chiến lược và tiếp tục nâng sở hữu sau đó. Kể cả khi Habubank sáp nhập vào SHB, khoản đầu tư này vẫn được nắm giữ bởi Deutsche Bank. Tuy nhiên, với sở hữu tại nhà băng mới dưới 5%, Deutsche Bank từ cổ đông chiến lược của một nhà băng nội đã chuyển thành một khoản đầu tư tài chính khi cổ đông này không đủ điều kiện cử người tham gia vào HĐQT.
Năm 2018, Deutsche Bank cũng thoái tới hơn 9,5 triệu cổ phiếu Techcombank trong 2 ngày 21/8 và 31/8.
Với việc Deutsche Bank tuyên bố không đầu tư cổ phiếu, rất có thể ngân hàng này sẽ "sang tay" các khoản đầu tư trong danh mục đầu tư "khủng" của mình tại các doanh nghiệp Việt.
Thu Phương/Nhà Đầu tư