Khảo sát của Anphabe cho biết tỷ lệ nghỉ việc đang gia tăng liên tục trong vòng 3 năm qua và dự đoán sẽ cán mốc đáng báo động 24% trong năm 2019.
Không chỉ cảnh báo về tỷ lệ nghỉ việc tăng ở các công ty, báo cáo mới nhất của Anphabe còn lưu ý về nhóm sự nhóm Thất thoát đáng tiếc (nhân viên dù đang có ý định nghỉ việc nhưng nỗ lực vẫn cao) đang nhảy vọt đáng lo ngại, gấp 3 lần so với năm 2018.
Nhóm nhân viên này ra đi sẽ tạo ra những "tổn thất" không ngờ tới. Đơn cử như để tuyển dụng, phải mất từ 15 – 20% lương của năm đó để tìm được một người thay thế. Theo nghiên cứu, để người mới quen việc như người cũ, chưa cần cống hiến xuất sắc có thể mất gần 1/2 năm lương. Còn với người ra đi là người giỏi, nỗ lực cao, chi phí có thể lên đến từ 1- 2 năm lương.
Anphabe cũng chỉ ra một hiện trạng đáng buồn: cứ 10 nhân viên nỗ lực cao sẽ có 1 người vẫn quyết ra đi và trong 10 người nỗ lực thấp có đến 6 người vẫn ở lại.
Phân tích nhóm nhân viên nỗ lực thấp mà cam kết gắn bó lại cao – hay còn được gọi là zombie công sở, báo cáo cho thấy dù giảm hài lòng với các yếu tố khác nhau, nếu vẫn còn "thoải mái" với 3 yếu tố là: sếp trực tiếp, văn hóa và phúc lợi thì zombie sẽ chưa có nhu cầu ra đi.
Ngược lại, ở nhóm nỗ lực cao cũng chỉ ra 4 nhóm yếu tố then chốt dẫn đến quyết định đi hay ở của nhóm thất thoát đáng tiếc, bao gồm: thu nhập, kế hoạch nghề nghiệp, thương hiệu nhà tuyển dụng và cân bằng công việc – cuộc sống.
Đây là nhóm nhân viên nằm trong "đích ngắm" của các headhunter: 65% nhân viên lương từ 80 triệu trở lên thừa nhận được headhunt liên lạc trung bình 3 lần trong năm qua, 1/3 trong số này chia sẻ: Họ được liên lạc tận 10 lần. Khi đang hơi chán công việc hiện tại, lại còn thường xuyên bị câu kéo với các đề nghị hấp dẫn từ bên ngoài, dễ hiểu vì sao họ có nhu cầu cao và dễ ra đi khi có cơ hội thu nhập và kế hoạch nghề nghiệp tốt hơn.
Với thương hiệu nhà tuyển dụng (THNTD), 70% nhân viên có ý định ra đi đánh giá tiêu cực về vấn đề này tại công ty hiện tại. Điều này chứng tỏ, THNTD không chỉ quan trọng trong thu hút nhân tài mà còn là yếu tố cần thiết để giữ chân họ.
Một nguyên nhân khác là sư giảm hài lòng về 1 số yếu tố môi trường làm việc và vì thế giảm gắn kế. Mất cân bằng công việc – cuộc sống là giọt nước làm tràn ly trong quyết định ra đi của nhóm nỗ lực cao.
Những nhân viên bị mất cân bằng thường rơi vào trạng thái burn-out (bị "kiệt quệ" về thể chất, dẫn tới tinh thần mệt mỏi và tiêu cực) và trong mắt họ, môi trường làm việc dù đang tốt hay chưa tốt đều trở nên "tệ đi".
Mỗi nhân viên sẽ có một mức dẻo dai về thể lực và can trường về tinh thần khác nhau, nhưng khi chạm qua ngưỡng burn out, mọi thứ đều trở nên "mong manh dễ vỡ". Vì thế, các nhà quản lý rất cần nhạy cảm với các biểu hiện burn-out của nhân viên, đặc biệt là nhóm giỏi và quan trọng để có cách thức hỗ trợ phù hợp, nếu không sẽ nhanh chóng gặp cảnh "thất thoát đáng tiếc".
Phía Anphabe cho rằng cần giải quyết vấn đề "người ra đi" hiệu quả và hành động ngay từ giai đoạn còn gắn kết cũng như cảnh giác các dấu hiện ‘rạn nứt’. Theo đó, tăng lương hoặc thăng chức không nên là giải pháp duy nhất vì chỉ có tác dụng tạm thời, cốt lõi vấn đề để tăng gắn kết, nỗ lực cũng như lòng trung thành vẫn phải là kết hợp chiến lược "kéo và đẩy".
Nghĩa là kéo nỗ lực của nhân viên bằng cả tình cảm & lý trí thông qua môi trường làm việc có nhiều yếu tố kích thích sự gắn kết theo từng nhóm nhân viên. Đẩy bằng động lực tự thân thông qua hỗ trợ và giúp họ cảm nhận tốt hơn 5 yếu tố nâng tầm động lực gồm: Ý nghĩa công việc, sức khỏe thể chất tinh thần, năng lực tương thích, kết nối và tự chủ.
Trí thức trẻ