Tỷ phú và nhà đầu tư mạo hiểm người Mỹ, Jim Breyer, tin rằng các công ty công nghệ ở Mỹ và Trung Quốc sẽ đạt mức tăng trưởng vượt bậc trong vòng thập niên tới. Ông cũng mong rằng thay vì trực tiếp đối đầu, các công ty công nghệ ở hai nước sẽ tìm được cách cộng tác để cùng phát triển.
Trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình CNBC, ông Breyer, nhà sáng lập và CEO của quỹ đầu tư Breyer Capital và một trong số những người đầu tiên rót vốn vào Facebook, trả lời rằng Mỹ và Trung Quốc đang chạy đua với nhau trên lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là công nghệ trí tuệ nhân tạo:
“Trong những lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe hay năng lượng tái tạo, các công ty ở hai nước sẽ nhận được nhiều hơn khi cộng tác với nhau thay vì chọn cách đối đầu”.
“Điểm đáng chú ý trong cuộc chiến thương mại hiện nay giữa hai nước mà tôi nhận thấy rằng hiện số vốn từ Mỹ chảy vào các công ty công nghệ Trung Quốc đã giảm, trong khi những khách hàng Trung Quốc của tôi tỏ ra ngần ngại với việc đầu tư vào công ty công nghệ ở Mỹ", ông Breyer nói.
Cũng theo ông Breyer thì cả khi cuộc chiến tranh thương mại trở nên khốc liệt hơn trong tương lai, các công ty công nghệ ở Mỹ và Trung Quốc hiện vẫn là “mỏ vàng” cho các nhà đầu tư do họ sẽ là những tập đoàn chiếm lĩnh thị trường trong tương lai.
“Tôi tin rằng trong vòng một thập niên tới, trong số các tập đoàn có giá trị nhất thế giới, tức có tổng trị giá hơn 2 nghìn tỷ USD, thì sẽ có đến 18 hay 20 là các công ty công nghệ Mỹ và Trung Quốc.”
Ông Breyer trả lời rằng bản thân mình tin rằng những cá nhân và công ty dẫn đầu ngành công nghệ tiếp theo sẽ đến từ Trung Quốc, và họ sẽ đạt được nhiều đột phá trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo để phát triển các giải pháp cho vấn đề môi trường, giáo dục và y tế.
Trí tuệ nhân tạo (AI) hiện là một lĩnh vực mà hai đất nước đang cạnh tranh khốc liệt với nhau, và những nhà đầu tu ở thung lũng Silicon Valley đang lo ngại rằng các công ty công nghệ Trung Quốc sẽ chiến thắng. Hiện các start-up Trung Quốc hoạt động phát triển trí tuệ nhân tạo đang thu hút được nhiều vốn (48% tổng số vốn đầu tư quốc tế cho lĩnh vực này) hơn các start-up Mỹ (chỉ chiếm 38%).
Trung Quốc hiện đang tỏ rõ tham vọng trở thành nước dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đến năm 2030. Các công ty công nghệ Trung Quốc như Baidu, Alibaba, Tencent, Didi Chuxing (chia sẻ xe hơi), Meituan-Dianping (truyền hình trả tiền),v.v.. đều đang tăng cường đầu tư vào phát triển trí tọa nhân tạo.
Ngoài ra, theo ông Breyer, các công ty trí tuệ nhân tạo Trung Quốc hiện đã vượt Mỹ trong lĩnh vực nhận dạng khuôn mặt và đồ họa vi tính, ví dụ như trường hợp của công ty công nghệ nhận diện khuôn mặt SenseTime mà ông Bayer đang đầu tư:
“Trung Quốc hiện đang có nhiều lợi thế phát triển, như việc có 5 triệu trong số 8 triệu cử nhân tốt nghiệp hàng năng là trong nghành khoa học và công nghệ. Nhóm người này không hề thiếu tài năng, trí sáng tạo, và nhiệt huyết.”
Tuy vậy, các công ty công nghệ Mỹ vẫn có một lợi thế của riêng mình: “Các công ty Mỹ hiện đang sở hữu khối lượng dữ liệu khổng lồ cùng cách phân tích khối dữ liệu đó. Nhiều khả năng những công ty này sẽ vượt mặt các đối thủ Trung Quốc của họ trong việc chạy đua tìm ra những bức ngoặt mới, ví dụ như cách chữa trị mới cho bệnh ung thư.”
Kết thúc buổi phỏng vấn của mình, ông Breyer nói rằng các nhà đầu tư nên nghiêm túc cân nhắc việc đầu tư vào những công ty công nghệ Mỹ và Trung Quốc vì về lâu dài, những doanh nghiệp này sẽ trở thành các tập đoàn thành công nhất thế giới.
Anh Vũ/NĐT (Theo CNBC)