"Một vị thánh giữa đời thực", "một tỷ phú bí ẩn nhất thế giới"... đó là những dòng mở đầu trong bộ phim tài liệu duy nhất kể về cuộc đời của Chuck Feeney - người đàn ông nay đã 88 tuổi, sống cùng vợ trong một căn nhà thuê tại San Francisco.
Thời điểm đó, danh xưng "tỷ phú thế giới" đã không còn gắn với tên tuổi của Chuck Feeney. Bởi lẽ, ông đã tự tay quyên góp khối tài sản trị giá 8 tỷ USD vào các hoạt động từ thiện, xây dựng cơ sở vật chất, bệnh viện cho nhiều nơi trên thế giới.
Cả cuộc đời ông luôn canh cánh một câu hỏi: Làm thế nào để cho đi toàn bộ tài sản của mình?
Chuck Feeney cất tiếng khóc chào đời trong một khu phố dành cho cộng đồng người Ireland nhập cư. Đó là năm 1931 - thời kỳ nước Mỹ trải qua khủng hoảng kinh tế nặng nề khiến đời sống của hàng triệu người dân trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Nhưng chính trong nghịch cảnh thiếu thốn về vật chất, con người ta lại càng yêu thương nhau hơn. Chuck Feeney sớm cảm nhận được điều đó khi còn là một đứa trẻ.
Không những vậy, Chuck Feeney còn bị ảnh hưởng ít nhiều bởi mẹ - người mà ông miêu tả là "có lòng vị tha sâu sắc, luôn cảm thấy có nghĩa vụ phải giúp đỡ những người xung quanh". Đó cũng chính là kim chỉ nam cho mọi hành động của ông.
Mang ý chí hừng hực của tuổi trẻ, chàng thanh niên quyết định gia nhập quân ngũ. Sự khắc nghiệt của chiến tranh và bom đạn khiến ông càng trân quý từng hơi thở của sự sống, không chỉ của bản thân mà cả những người xung quanh. Hơn ai hết, ông muốn đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho nhân loại.
Dĩ nhiên, trước khi đủ khả năng mang đến nụ cười cho người khác, Chuck Feeney hiểu rằng ông phải tự xây dựng môt sự nghiệp vững chắc cho bản thân. Rời quân ngũ, ông nộp đơn vào Đại học Cornell - một trong những ngôi trường danh tiếng nhất nước Mỹ.
Tại đây, ông và những người bạn của mình chắt chiu mọi cơ hội kinh doanh dù là nhỏ nhất. Chuck Feeney từng tự hào khoe rằng mình kiếm được rất nhiều tiền bằng công việc bán bánh mỳ sandwich.
Năm 1950, ông và Robert Warren Miller bắt đầu bán rượu miễn thuế cho lính Mỹ. Họ sớm nhận ra đây là lĩnh vực màu mỡ. Sau đó, họ mở rộng sang bán ô tô, thuốc lá và thành lập nên Tập đoàn Duty Free Shoppers (DFS Group) vào ngày 7 tháng 11 năm 1960. DFS bắt đầu hoạt động tại Hồng Kông rồi mở rộng sang châu Âu và các lục địa khác. Vào giữa những năm 1990, DFS đã phân phối lợi nhuận lên đến 300 triệu đô la một năm cho Feeney, Miller và hai đối tác nhỏ hơn.
Sự phát triển của những cửa hàng miễn thuế biến Chuck Feeney đã trở thành một tỷ phú thế giới. Nhưng ông kín tiếng tới nỗi ngay cả Forbes cũng không hay biết.
Trong những ngày hoàng kim nhất của sự nghiệp, đâu đó trong tâm trí của Chuck Feeney vẫn luôn hoài nghi về ý nghĩa của sự sống. Khi đã chán những buổi tiệc với đám nhà giàu, ông nhận ra mình cần phải có trách nhiệm với thế giới - nơi ngập tràn những mảnh đời khó khăn, không nơi nương tựa.
Khi cả thế giới đang ra sức "ủ mưu" để kiếm được nhiều tiền nhất có thể, thì ở chiều ngược lại, Chuck Feeney tìm mọi cách rủ bỏ danh xưng "tỷ phú" mà ông cho là hão huyền, phù du. Bước ngoặt của cuộc đời ông đến vào năm 1984, khi Chuck cảm thấy thời cơ đã chín muồi để "cho đi tất cả".
Ngày 23/11/1984, Feeney cùng người vợ đầu của ông - Danielle và luật sư Harvey Dale bay đến Bahamas – một đất nước có thể tránh được những quy định về mặt pháp lý về việc thành lập tổ chức từ thiện. Mặc cho luật sư ra sức can ngăn, Feeney ký một loạt tài liệu và sau đó cả 3 người đã rời văn phòng đến sân bay. Ông đã quyên góp toàn bộ tài sản, bao gồm tiền mặt, doanh nghiệp và cả cổ phiếu của mình cho tổ chức do chính ông sáng lập, nay được biết đến là Atlantic Philanthropies (Quỹ từ thiện Đại Tây Dương).
Sau nhiều năm, khi được hỏi liệu ông đã bao giờ thấy nuối tiếc hay chưa , Chuck Feeney luôn mỉm cười và đáp lại: "Tôi đã làm một điều đúng đắn". Có lẽ chẳng có gì phải nuối tiếc bởi khoảnh khắc đặt bút ký vào giao ước khiến ông "phá sản" cũng là lúc Chuck Feeney cảm thấy nhẹ nhõm nhất - theo như chính ông tâm sự. Cho đến nay, chưa từng có một tỷ phú nào dám làm điều tương tự như Chuck Feeney.
Vào một ngày thu năm 2017, phóng viên Steven Bertoni (Forbes) bước chân vào căn nhà của tỷ phú Chuck Feeney với sự ngạc nhiên xen lẫn tò mò.
"Căn nhà của Feeney chẳng giống bất cứ tỷ phú nào. Ngôi nhà có diện tích khiêm tốn, trang trí nội thất đơn giản và chẳng có gì đặc biệt. Nếu không nói trước, có khi bạn sẽ tưởng mình đang bước vào một phòng trọ sinh viên."
Nhiều người cho rằng căn nhà chính là "tấm gương phản chiếu" tính cách gia chủ. Điều đó đúng với Chuck Feeney.
Cho đến khi ông 75 tuổi, ông còn mang tài liệu trong một túi nhựa. Khi ở New York, ông luôn ăn trưa không phải ở các nhà hàng sang trọng của thành phố mà ở khu nhà của Irish Pavilion Tommy Makem trên phố East 57th với món đơn giản bình dân: bánh mì kẹp thịt. Ông chưa từng mặc qua quần áo hàng hiệu, kính mắt rất cũ kỹ, đồng hồ đeo tay cũng không hợp thời với giá chưa tới 15 USD.
Có người cho biết, nếu bạn và ông ấy cùng uống một ly bia ở quán rượu nhỏ, nghe nói ông nhất định sẽ kiểm tra hóa đơn cẩn thận. Nếu bạn sống ở nhà ông ấy, trước khi ngủ, nhất định ông ấy sẽ nhắc bạn tắt đèn, đừng lãng phí điện.
Không màu mè, phô trương, đó là tính cách của Chuck Feeney. Ông hạnh phúc với những thứ giản dị nhất. Chẳng buồn đôi co với những kẻ luôn gán cho mình biệt danh "keo kiệt".
Trong nhiều năm Feeney đã giữ bí mật về lòng nhân ái, sự hào phóng của mình. Mãi cho đến năm 1997, những hoạt động từ thiện của Feeney mới được hé lộ sau khi ông bán cổ phần trong Duty Free Shoppers cho hãng thời trang cao cấp của Pháp LVMH.
Lúc đó người ta mới biết Tổ chức từ thiện Đại Tây Dương do Feeney sáng lập đã trao tặng hàng tỷ đôla vào giáo dục, khoa học, chăm sóc y tế, bảo vệ nhân quyền... cho Mỹ, Ireland, và một lượng lớn tiền nữa cho các công tác từ thiện ở Việt Nam, Australia, Nam Phi, Thái Lan và Cuba.
Giáo dục trở thành lĩnh vực ông quan tâm hơn cả. Ông đã quyên tặng 588 triệu đô la cho Đại học Cornell, 125 triệu đô la cho Đại học California, 60 triệu đô la cho Đại học Stanford. Ông từng đầu tư 1 tỷ đô la để cải tạo và xây mới 7 trường đại học ở Ireland và 2 trường đại học ở Bắc Ireland. Ông đã thiết kế, xây dựng Quỹ từ thiện dùng vào khoản tiền chữa trị để trẻ em của các nước đang phát triển được phẫu thuật vòm miệng miễn phí…
Riêng Việt Nam, từ năm 1998 đến 2013, Atlantic đã tài trợ gần 380 triệu đôla cho các thư viện, đại học và xây dựng hệ thống y tế công cộng. Điển hình như khoản đầu tư vào Bệnh viện Đà Nẵng đã giúp nơi này có thêm trang thiết bị, cơ sở vật chất để điều trị cho các trẻ em mắc bệnh động kinh, trầm cảm...
Quỹ Atlantic cũng quyên góp tiền vào nhiều bệnh viện tại các thành phố lớn như Hà Nội, Huế, TPHCM... Với mỗi dự án, ông luôn yêu cầu bản danh sách chi tiết các hạng mục, và trực tiếp tới tận nơi để xem xét, đánh giá.
Tháng 2 năm 2011, Feeney tham gia vào phong trào Lời cam kết Hiến tặng (The Giving Pledge) do Bill Gates và Warren Buffett khởi xướng. Feeney viết trong bức thư gửi Bill Gates và Warren Buffett, những người sáng lập The Giving Pledge: "Tôi không thể nghĩ đến việc sử dụng tài sản cá nhân ích lợi và xứng đáng hơn là để hiến tặng, ngay khi còn đang sống - để cá nhân cố gắng hết mình để cống hiến cho những nỗ lực có ý nghĩa để cải thiện điều kiện sống của con người. Quan trọng hơn, nhu cầu ngày nay rất lớn và đa dạng đến mức sự hỗ trợ từ thiện thông minh và các can thiệp tích cực có thể có giá trị và tác động lớn, hơn là nếu chúng bị trì hoãn khi nhu cầu thì ngày càng lớn hơn".
Những gì Feeney đã làm khiến ngay cả Bill Gates hay Warren Buffet cũng phải nể phục. Ông đã tặng 7 triệu đô la cuối cùng vào cuối năm 2016, cũng là tặng người nhận các khoản đóng góp từ thiện đầu tiên của ông: Đại học Cornell, nhằm hỗ trợ sinh viên làm công tác dịch vụ cộng đồng.
Giờ đây, khi đã 88 tuổi, đã tới lúc Feeney được phép nghỉ ngơi và nhìn lại cuộc đời mình. Có lẽ sẽ còn rất rất lâu nữa, thế giới mới có một "Chuck Feeney" thứ hai, nhưng trên hết, di sản của ông sẽ không thể hóa thành cát bụi.
Theo Doanh Nhân