Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Tỷ phú kín tiếng Pony Ma - người đón đầu tương lai và thách thức các giới hạn

23/05/2019 15:34

Từ công nghệ đến khoa học và bây giờ là không gian vũ trụ, tầm nhìn của tỷ phú Pony Ma - nhà sáng lập Tencent dường như không có giới hạn.

Khi Ma Huateng còn nhỏ, ông đã rất thích tìm hiểu về không gian vũ trụ và ước mơ sau này sẽ trở thành một nhà thiên văn học. Tuy nhiên, ông lại khởi nghiệp ở lĩnh vực công nghệ, nhưng Ma đã sớm quay lại với đam mê ấp ủ này.

Ma Huateng, còn được biết đến với tên tiếng Anh là Pony Ma, sinh năm 1971 tại Sán Đầu, Quảng Đông, Trung Quốc. Năm 1989, ông theo học khoa Nghiên cứu khoa học máy tính tại trường Đại học Thâm Quyến.

Ông hiện là Chủ tịch kiêm CEO của Tập đoàn Công nghệ hàng đầu Trung Quốc Tencent Holdings - công ty sở hữu ứng dụng nhắn tin và thanh toán trực tuyến nổi tiếng WeChat.

25 năm sau khi tốt nghiệp đại học, Pony Ma trở thành người giàu nhất Trung Quốc do Forbes bình chọn năm 2018, với giá trị tài sản ròng khoảng 45 tỷ USD.

Tuấn mã bí ẩn

Pony Ma, chữ Ma trong tiếng Hoa có nghĩa là mã hay con ngựa. Có thể vì vậy mà đà phát triển của Tencent cũng giống như chú ngựa phi nước đại.

Sau khi rời trường đại học, năm 1998, Pony Ma sáng lập Tencent, theo phiên âm tiếng Hoa là "teng" và "xun", có nghĩa là "thư tín phi mã”. Cái tên thể hiện tính năng sản phẩm đầu tiên của hãng, dịch vụ nhắn tin nhanh, mang tên QQ. Sản phẩm này được cho là bản sao của ICQ - một ứng dụng nhắn tin của Israel.

Mặc dù bị gắn nhãn sao chép nhưng QQ vẫn thành công rất nhanh, do Pony Ma đã tinh chỉnh sản phẩm sao cho phù hợp với thị trường Trung Quốc. Năm 2004, Tencent lên sàn chứng khoán Hong Kong. Đến năm 2011, khi WeChat ra đời, Tencent trở thành cái tên "hot" trên toàn cầu.

b2-5502-1547700572.jpg

QQ đổi tên thành WeChat, sau khi đạt 100 triệu người dùng chỉ trong một năm. Ban đầu ứng dụng chỉ đơn giản dùng để nhắn tin, Tencent nhanh chóng trang bị thêm các tính năng mới cho WeChat. Đầu tiên là tin nhắn thoại, sau đó gọi điện video, và trở thành ứng dụng với các chức năng được pha trộn từ một số ứng dụng công nghệ được sử dụng nhiều nhất trên thế giới, bao gồm WhatsApp, Facebook, Uber, Deliveroo, Apple Pay, Spotify, cộng thêm một số tiện ích mới như chơi game, đọc báo trực tuyến.

Đến năm 2018, ứng dụng này đạt hơn 1 tỷ người dùng và chức năng ví điện tử WeChat Pay hiện được coi là phương tiện thanh toán duy nhất có khả năng cạnh tranh với Visa, MasterCard và American Express.

Năm 2017, Tencent từng vượt mặt Facebook về giá trị thị trường. Sức phi thần tốc của "con tuấn mã" này, cho đến hôm nay, vẫn là điều bí ẩn.

Năm 2015, Forbes vinh danh Pony Ma là một trong những nhân vật quyền lực nhất thế giới.
Tháng 11/2017, Pony Ma là người giàu nhất châu Á theo định giá tài sản của Forbes.
Năm 2007 và 2014, Pony Ma được Tạp chí Time vinh danh là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới.
Năm 2018, Pony Ma tiếp tục được đề cử vào danh sách 100 nhân vật có tầm ảnh hưởng nhất thế giới của Tạp chí Time.

Không từ bỏ đam mê

Trong giai đoạn 2016-2017, Tencent đầu tư vào 3 công ty khởi nghiệp về thám hiểm vũ trụ, đánh dấu sự quay trở lại với đam mê thuở niên thiếu của Pony Ma. Các công ty đó là Moon Express, với mục tiêu khai thác tài nguyên trên mặt trăng bằng tàu vũ trụ không người lái; Satellogic đặt trụ sở tại Argentina, chuyên cung cấp hình ảnh siêu phổ có độ phân giải cao từ các vệ tinh quang phổ của Công ty đặt trên quỹ đạo; và Planetary Resources - công ty khai khoáng trên các tiểu hành tinh.

"Chúng tôi luôn hào hứng với những việc không ai có thể ngờ tới. Chúng tôi muốn xem con người có thể đi xa đến đâu và tìm hiểu xem liệu con người có thể làm gì ở bên ngoài trái đất", CEO mảng thám hiểm của Tencent - David Wallerstein chia sẻ.

Không chỉ quay lại với đam mê thời thơ ấu là không gian vũ trụ, tỷ phú Trung Quốc còn đa dạng hóa các lĩnh vực kinh doanh của mình. Việc trở thành nhà tài trợ cho Breakthrough Prize - giải thưởng thường niên vinh danh các nhà khoa học có những nghiên cứu mang tính đột phá vào tháng 12/2017, cho thấy khoa học, không chỉ bó hẹp là khoa học liên quan đến máy tính, sẽ là lĩnh vực tiếp theo Ma "để mắt" đến.

Tham gia cùng các nhà tài trợ tên tuổi khác như Sergey Brin (Google), Anne Wojcicki (23andMe), Yuri Milner (DST Global), Julia Milner, Mark Zuckerberg (Facebook), Priscilla Chan (Quỹ The Chan Zuckerberg Initiative), Pony Ma đã góp phần nâng cao chất lượng cũng như tầm ảnh hưởng của giải thưởng khoa học lớn nhất thế giới này.

"Khoa học cơ bản là nền tảng của sự tiến bộ công nghệ" - Pony Ma khẳng định. "Tôi tin Breakthrough Prize sẽ kết nối cộng đồng các nhà nghiên cứu và toán học trên toàn cầu, tạo điều kiện và cơ hội để họ chia sẻ và học hỏi lẫn nhau. Trong các ngành vật lý học, khoa học đời sống hoặc toán học, cộng đồng các nhà khoa học quốc tế đang đưa cả thế giới đến gần nhau hơn".

Tuy bắt đầu từ sự sao chép, nhưng với sự tham gia và đầu tư vào nhiều lĩnh vực, đặc biệt là Breakthrough Prize - giải thưởng tôn vinh những nỗ lực nới rộng các giới hạn của khoa học, Pony Ma đã từng bước chứng tỏ tầm nhìn và sự sáng tạo của bản thân: đón đầu tương lai và thách thức các giới hạn.

Theo Doanh Nhân Sài Gòn