Masan - doanh nghiệp sở hữu thương hiệu tương ớt Chinsu hiện là một trong những 'đại gia' trên thị trường chứng khoán còn Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang, tỷ phú USD mới của Việt Nam được giới kinh doanh đánh giá là 'rất biết cách kiếm tiền'.
Tỷ phú Masan kiếm tiền thế nào?
Tháng 3 vừa rồi, danh sách tỷ phú USD của Việt Nam bổ sung thêm hai cái tên mới là ông Nguyễn Đăng Quang (CTCP tập đoàn Masan) và ông Hồ Hùng Anh (ngân hàng Techcombank).
Tại thời điểm đó, theo ghi nhận của Forbes, ông Quang đang sở hữu khối tài sản 1,3 tỷ USD, xếp thứ 1.717 trong danh sách siêu giàu thế giới năm 2019. Dù chỉ trực tiếp sở hữu 15 cổ phiếu MSN song các dữ liệu họ thu thập được đủ chứng minh ông Quang là cổ đông cá nhân lớn nhất của Masan.
Trong danh mục cổ phần mà ông Quang nắm giữ có hơn 177 triệu cổ phiếu MSN sở hữu gián tiếp qua Công ty CP Masan và hơn 75 triệu cổ phiếu MSN sở hữu gián tiếp qua Công ty TNHH MTV Xây dựng Hoa Hướng Dương.
Năm 2002, Masan đánh dấu sự có mặt ở Việt Nam với sản phẩm đầu tiên là nước tương Chinsu, sang năm 2003 thêm sản phẩm nước mắm. Đến năm 2007, Masan mới bắt đầu đánh chiếm thị trường mì gói bằng sản phẩm Omachi.
Tại đây, Masan Food thành công vang dội khi tham gia vào cả 4 nhóm hàng tiêu dùng đang nổi tại Việt Nam, bao gồm nước tương, nước nắm, mì ăn liền và hạt nêm, với doanh thu năm 2009 đạt gần 4.000 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi (106%) so với năm 2008.
Masan Group hiện là một trong những công ty lớn nhất của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam tập trung hoạt động trong ngành hàng tiêu dùng và tài nguyên, với tổng tài sản tại ngày 31/12/2018 là 64.578,6 tỷ đồng. Hiện vốn hóa doanh nghiệp đạt gần 100.000 tỷ đồng.
Hệ sinh thái Masan Group bao gồm một loạt các doanh nghiệp hoạt động trên nhiều lĩnh vực chủ chốt như: Thực phẩm, đồ uống (Masan Consumer Holdings), thức ăn chăn nuôi - chế biến thịt (Masan Nutri-Science) và khoáng sản (Masan Resources với nòng cốt là mỏ Núi Pháo) và ngân hàng (Techcombank).
Sản phẩm nổi tiếng nhất của Masan là nước mắm thương hiệu Chinsu và Nam Ngư, cùng thịt và thực phẩm đóng gói. Đây là những thương hiệu thuộc công ty Masan Consumer, một trong những công ty hàng tiêu dùng lớn nhất Việt Nam.
Năm 2017, Masan tiếp tục mở rộng sang ngành hàng thịt và các sản phẩm từ thịt. Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang và Masan xác định mảng kinh doanh thịt heo trong nước đang được định giá 10,2 tỷ đô la Mỹ, sẽ là động lực tăng trưởng chính của MNS trong dài hạn.
Để tấn công thị trường này, doanh nghiệp của tỷ phú USD đã đầu tư trang trại nuôi heo với quy mô 10.000 con heo nái cùng 230.000 heo thịt/năm. Tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng.
Không những thế, Masan của ông Quang hiện cũng nắm giữ mỏ quặng quý hiếm hàng đầu thế giới sau khi công ty con mua lại 49% để sở hữu 100% nhà máy chế biến hóa chất vonfram hàng đầu thế giới Núi Pháo - H.C.Starck.
Lớn mạnh từ căn bếp của 95 triệu người Việt
Trong Báo cáo thường niên 2018 vừa được Masan công bố cách đây vài ngày, Masan Group tiết lộ doanh thu thuần năm 2018 đạt 38.187 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,5% so với năm 2017, lãi ròng cả năm 2018 đạt 5.621 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh 55,8% so với năm 2017.
Trong số các doanh nghiệp trực thuộc, Masan Consumer Holdings là doanh nghiệp có tăng trưởng mạnh nhất.
98% hộ gia đình Việt Nam sử dụng ít nhất 1 sản phẩm của Masan
Như đã nói ở trên, Masan Consumer chuyên về sản xuất, kinh doanh các loại thực phẩm và đồ uống bao gồm nước tương, nước mắm, tương ớt, mì ăn liền, cháo ăn liền, cà phê hòa tan, ngũ cốc dinh dưỡng và đồ uống đóng chai.
Để chứng minh được độ phủ sóng của Masan Consumer, báo cáo của tập đoàn này thường xuyên dẫn số liệu của các hãng nghiên cứu như Nielsen, Kantar Worldpanel, "98% hộ gia đình Việt Nam sử dụng ít nhất 1 sản phẩm của Masan".
Mảng thực phẩm, đồ uống được xem là thế mạnh của Masan và cũng là mảng sản xuất truyền thống của ông Nguyễn Đăng Quang. Thời gian ở Nga, ông Quang khởi nghiệp kinh doanh bằng việc bán mì ăn liền cho cộng đồng người Việt tại Nga. Vì thế không có gì khó hiểu khi mảng kinh doanh gia vị, thực phẩm, đồ uống của Masan có tốc độ tăng trưởng vô cùng ấn tượng.
Theo cơ cấu doanh thu và lợi nhuận trong năm 2018, mảng thực phẩm đồ uống mang về cho Masan nguồn thu lớn nhất với 17.345 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh 28,3% so với 2017; lợi nhuận đạt 2.720 tỷ đồng. Các mặt hàng nước tăng lực đóng vai trò chủ đạo như Wake-up 247 với số điểm bán hàng tăng từ 75 nghìn điểm cuối năm 2017 lên 160 nghìn điểm vào cuối năm 2018, cà phê hòa tan Vinacafe và mặt hàng bia.
Riêng ngành hàng gia vị (các thương hiệu như nước chấm, nước mắm Nam Ngữ, tương ớt Chin-su...) đạt tăng trưởng cao, tăng 35% so với năm 2017, từ 5.159 tỷ đồng lên 6.958 tỷ đồng. Các sản phẩm thương hiệu lớn, cao cấp đóng góp tới 40% doanh thu thuần của ngành hàng trong năm 2018.
Không chỉ ở thị trường trong nước, Masan cũng có tham vọng tấn công sang các thị trường trong khu vực với việc bắt tay với đối tác chiến lược với Singha (Singha Asia Holding Pte Ltd) của Thái Lan năm 2015. Masan tung sản phẩm nước mắm với tên gọi "Chin-Su Yod Thong" cho thị trường này, nhưng cho đến nay chưa có báo cáo cụ thể về tình hình kinh doanh tại đây.
18.000 chai tương ớt Chin-su bị thu hồi và tham vọng của Masan
Năm 2019, Masan Group đặt ra kế hoạch lợi nhuận sau thuế cốt lõi (không bao gồm lợi ích cổ đông thiểu số) từ 5.000 - 5.500 tỷ đồng, tăng khoảng 50% so với năm 2018.
Về dài hạn, tập đoàn của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang hướng tới doanh thu 5 tỷ USD, chi tiêu của người tiêu dùng Việt tăng gấp đôi, đạt 10.2%, và biên lợi nhuận thuần từ 12-15% vào năm 2022.
Tuy vậy, trong "cơn bão" đánh chiếm thị phần hàng tiêu dùng, tập đoàn Masan bất ngờ vướng phải lùm xùm liên quan đến việc Nhật Bản ra lệnh thu hồi toàn bộ 18.168 chai tương ớt nhãn hiệu Chinsu nhập khẩu từ Việt Nam, do có chứa chất phụ gia bị cấm dùng trong sản xuất tương ớt ở Nhật.
Tổng cộng có 757 thùng, 18.168 chai tương ớt đã được bán cho Công ty TNHH Công nghiệp ISC từ tháng 10 đến tháng 12/2018.
Trong khi đó đại diện của Masan khẳng định "chưa từng xuất khẩu trực tiếp hoặc gián tiếp tương ớt Chinsu cho Công ty Javis Co., Ltd hoặc Công ty ISC Industrial Co., Ltd, 2 doanh nghiệp có liên quan trực tiếp đến lô hàng tương ớt Chinsu bị thu hồi tại Nhật.
Giống như những điều Masan hướng đến - đó là đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về tiêu chuẩn thực phẩm của 95 triệu người tiêu dùng Việt, "an toàn" luôn được đặt lên hàng đầu.
Với vụ việc 18.000 chai tương ớt Chin-su bị thu hồi tại thị trường có yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng như Nhật Bản cùng dòng chữ "Dành riêng cho thị trường Việt Nam. Không dành cho xuất khẩu. Exclusively for sale in Vietnam. Exports are not authorised", ít nhiều tham vọng của "gã khổng lồ" Masan sẽ bị ảnh hưởng.
Lan Anh - Hoa Liên
Theo Người Đưa Tin