Theo Wealth –X, 5 lĩnh vực hàng đầu có nhiều tỷ phú hoạt động nhất lần lượt là: Tài chính ngân hàng và đầu tư, chiếm 12,9%. Theo sát là Sản xuất với 10,8%, Công nghệ 7%, Kinh doanh dịch vụ và Xây dựng và kỹ thuật lần lượt xếp thứ 4 và thứ 5 với 5,6% và 5,5%.
Hiện Việt Nam có tất cả 5 tỷ phú USD được công nhận theo bảng xếp hạng Forbes, ông Phạm Nhật Vượng chủ yếu làm giàu từ lĩnh vực đầu tư Bất động sản, nhưng gần đây ta cũng thấy Vingroup phủ sóng hầu như tất cả mọi khía cạnh của cuộc sống, từ y tế, giáo dục, bán lẻ, đến công nghệ, sản xuất. Ông Trần Bá Dương, ông Nguyễn Đăng Quang là những tỷ phú chuyên sản xuất. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo tập trung vào dịch vụ Hàng không, còn ông Hồ Hùng Anh hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực Tài chính ngân hàng.
Theo bảng xếp hạng cập nhật, ông Phạm Nhật Vượng đang đứng thứ 239, nằm trong top 300 người giàu nhất hành tinh.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo đứng thứ 1.008, ông Hồ Hùng Anh và ông Trần Bá Dương đều xếp thứ 1.349. Ông Nguyễn Đăng Quang đứng thứ 1.717.
Tổng tài sản của họ là 13,6 tỷ USD, tương đương trung bình mỗi tỷ phú sở hữu tài sản khoảng 2,72 tỷ USD.
Tuy nhiên nếu xét các quốc gia trong khối ASEAN-6, những con số này vẫn còn thấp so với mặt bằng chung. Quốc gia có nhiều tỷ phú cũng như có khối lượng tài sản tỷ phú cao nhất là Thái Lan, trong khi tính trung bình thì các tỷ phú Malaysia giàu hơn với 4,87 tỷ USD/ tỷ phú.
Độ tuổi trung bình của tỷ phú trên thế giới là 60,6 tuổi. Độ tuổi trung bình của các tỷ phú Việt Nam hiện nay là 52,4.
Trung bình trên thế giới, cứ 100 tỷ phú thì mới có khoảng 14 người là nữ. Ở Việt Nam có 5 tỷ phú và trong đó có 1 người là nữ.
67,5% tỷ phú trên thế giới là tỷ phú tự thân, 21,7% tiếp theo xây dựng sự nghiệp dựa trên tài sản thừa kê. Còn lại 10,9% là thừa kế hoàn toàn.
Ở Việt Nam, 100% các tỷ phú đều là tỷ phú tự thân. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo đồng thời là nữ tỷ phú tự thân duy nhất ở Đông Nam Á.
Theo Wealth –X, chiếm tỷ lệ lớn nhất trong khối tài sản của giới tỷ phú là tài sản lưu động (chủ yếu là tiền mặt), chiếm 40,6% tổng số. Đứng thứ hai là 23,5% vốn sở hữu cá nhân và 19,8% là vốn sở hữu tập thể. 16,1% tài sản thay thế (bất động sản và các tài sản xa xỉ cá nhân khác như ô tô, máy bay, đồ hiệu).
Giới tỷ phú tất nhiên cũng thường xuyên làm từ thiện. Chủ yếu họ quyên góp cho lĩnh vực giáo dục, chiếm ¼ tổng số. Kế đến là các dịch vụ xã hội với khoảng 15,7 %.
Tỷ phú nam có xu hướng ủng hộ vào giáo dục, dịch vụ cộng đồng, y tế, và các quỹ nhiều hơn. Còn giới siêu giàu nữ thì quan tâm đến từ thiện trong lĩnh vực nghệ thuật, văn hóa và tôn giáo, môi trường và bảo vệ động vật hơn. Chủ yếu các tỷ phú Việt Nam làm từ thiện trong lĩnh vực y tế, giáo dục và xây dựng các quỹ bảo trợ ủng hộ người nghèo.
Về sở thích và đam mê, những mối quan tâm hàng đầu của họ là kinh doanh, từ thiện, tài chính, thể thao và các hoạt động ngoài trời. Loại nhạc mà giới siêu giàu thích nhất là nhạc cổ điển, còn loại nhạc cụ ưa thích của họ là đàn guitar, lạ là loại nhạc cụ được cho là dành cho giới thượng lưu như piano lại không được chuộng bằng.
Người siêu giàu cũng quan tâm đến nhiếp ảnh, vẽ và điêu khắc.
Môn thể thao phổ biến nhất trong giới dĩ nhiên tất cả đều biết là golf. Đứng thứ hai là bóng bầu dục (do Mỹ có quá nhiều tỷ phú), kế đến có trượt tuyết, bóng rổ, bóng chày và quần vợt.