Ông chủ Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long tiếp tục gia tăng vị thế của mình trong ngành thép và khiến các đối thủ rơi vào tình trạng khó khăn. Túi tiền của vị tỷ phú USD thứ 3 của Việt Nam vẫn không ngừng gia tăng.
Đối thủ chính của Hòa Phát là Tôn Hoa Sen (HSG) của ông Lê Phước Vũ. HSG hiện đang gặp nhiều khó khăn, với khoản nợ lên tới hơn 16 ngàn tỷ đồng, gấp hơn 4 lần vốn chủ sở hữu, lợi nhuận thấp dần và thị trường cũng bị co hẹp.
Là ông lớn trong ngành thép xây dựng nhưng Hòa Phát đã chủ động tấn công vào lĩnh vực tôn mạ (vốn thống trị bởi Hoa Sen) nhằm cầm chân tập đoàn của ông Lê Phước Vũ, không để HSG lớn mạnh sang lĩnh vực khác.
Cho tới thời điểm hiện tại Hòa Phát của tỷ phú USD Trần Đình Long vẫn đang giữ vững vị thế ông trùm trong lĩnh vực thép xây dựng ở thị trường miền Bắc, và Tập đoàn đã tiến vào thị trường thép phía Nam với một dự án có quy mô rất lớn - Hòa Phát Dung Quất, dự kiến vốn 60 ngàn tỷ đồng, công suất 4 triệu tấn.
Nếu dự án này thành công, theo như đánh giá của ông Trần Đình Long, Hòa Phát sẽ từ người cao 1m7 sẽ thành người cao 3m4 và Hòa Phát có thể vào top 50 công ty thép lớn nhất thế giới.
Trong khi đó, đại gia Lê Phước Vũ đang gặp khó với dự án thép khủng tại Ninh Thuận. Chính phủ đã yêu cầu tạm dừng dự án thép Cà Ná của Tập đoàn Hoa Sen để thẩm định kỹ lưỡng hơn, đặc biệt là về công nghệ và môi trường.
Gần đây, Tập đoàn Hòa Phát của tỷ phú USD Trần Đình Long tìm chỗ đổ 15,5 triệ m3 “vật chất” để thúc đẩy nhanh tiến độ dự án. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản gửi Thủ tướng về việc cấp phép nhận chìm ở biển cho Dự án đầu tư Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất.
Theo đó, “Nhà đầu tư đang gặp nhiều khó khăn trong việc đưa vào bờ để tích trữ tạm thời cũng như chưa tìm được đối tác trong nước có nhu cầu sử dụng cát nạo vét để san lấp mặt bằng; trong khi đó, việc xuất vật chất nạo vét (cát) cũng gặp nhiều khó khăn do Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo dừng xuất khẩu mọi loại cát”.
Theo báo cáo của CTCP Thép Hòa Phát Dung Quất thì Nhà đầu tư đã hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường Dự án đầu tư Khu liên hợp sản xuất thép Hòa Phát Dung Quất (có bổ sung nội dung nhận chìm chất nạo vét) và đã được Hội đồng thẩm định của Bộ Tài nguyên và Môi trường thông qua. Nhà đầu tư đã cùng Tư vấn tiếp thu ý kiến của các Bộ, tính toán bổ sung các biện pháp bảo vệ môi trường, chỉnh sửa theo ý kiến đóng góp của Hội đồng thẩm định… và đã hoàn thành bổ sung hồ sơ trình lại Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Trong khi thị trường chứng khoán (TTCK) chịu nhiều áp lực, cổ phiếu HPG của ông Trần Đình Long tăng mạnh trong khoảng 2 tháng qua, từ mức dưới 34.000 đồng/cp lên ngưỡng 40.000 đồng/cp, tương đương tăng gần 18%.
Túi tiền của ông Trần Đình Long, theo Forbes, ở mức 1,2 tỷ USD.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), áp lực chốt lời khiến VN-Index chưa thể tiếp cận ngưỡng 1.000 điểm, cho dù khối ngoại vẫn quay đầu mua ròng khá nhiều. Trong tuần qua, khối ngoại mua ròng hơn 670 tỷ đồng, tập trung vào Vinamilk, Vietcombank, Hòa Phát.
Khối ngoại mua ròng gần 130 tỷ đồng giá trị cổ phiếu HPG.
Một số công ty chứng khoán (CTCK) có cái nhìn thận trọng trong các dự báo.
Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, áp lực chốt lời đã và đang diễn ra khi VN-Index dần tiếp cận trở lại vùng kháng cự xung quanh mốc 1.000 điểm. Nhà đầu tư được khuyến nghị duy trì danh mục ở mức cân bằng, tránh hoạt động mua đuổi.
VPBS ghi nhận trạng thái tích cực của thị trường trong phiên cuối tuần với dòng tiền mới tiếp tục gia tăng cùng với mặt bằng thông tin vĩ mô ổn định hỗ trợ cho thị trường tốt hơn. VPBS duy trì quan điểm cho rằng thị trường đang duy trì trạng thái tích lũy cho sự bứt phá vùng 1.000 điểm trong thời gian tới.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 14/9, VN-index tăng 3,39 điểm lên 991,34 điểm; HNX-Index tăng 0,71 điểm lên 113,37 điểm. Upcom-Index tăng 0,23 điểm lên 51,95 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 230 triệu đơn vị, trị giá 5,2 ngàn tỷ đồng.
V. Hà/VietNamnet