Vay 3,3 tỷ để mua đất rồi gồng lãi 45 triệu/ tháng giữa thời buổi này là cảm giác thế nào?

28/11/2021 17:39

Với một số người, những con số này không lớn nhưng với phần đông, chúng đủ sức đem lại cảm giác xây xẩm mặt mày.

"Năm đầu của em 36 - 38 triệu/ tháng á, qua năm nay thả nổi hơn 12% thành 45 triệu/ tháng trả muốn bê xê lết đây" là những thông tin đầu tiên tôi được biết về Kim Anh. Khi đó cô nàng đang kể chuyện trả lãi ngân hàng cho khoản tiền vay mua đất phía dưới bài đăng của một người bạn.

screenshot-1-1638095875.jpg
 

Số tiền này không nhỏ với nhiều người, nhất là người trẻ và giữa lúc tình hình kinh tế khó khăn vì dịch bệnh. Thế nên chúng tôi đã nối máy ngay với Kim Anh để tìm hiểu rõ hơn những suy nghĩ, áp lực mà một người trẻ chơi hệ mua đất, mua nhà phải đối mặt.

photo1638019893300-16380198938861762785936-1638095720.jpg
Kim Anh

Mang nhà của ba mẹ đi thế chấp để lấy 3,3 tỷ mua đất

"Năm 2020, ba mẹ mình mua 3 mảnh đất ở Lâm Đồng để trồng sầu riêng. Sau đó mình được biết khu vực đó cũng có 1 vài mảnh đất đang được bán với giá tốt, địa thế đẹp nên đã ngỏ ý muốn mua. Và phương án được đưa ra là mình mang căn nhà của gia đình ở Sài Gòn đem thế chấp ngân hàng để vay 3,3 tỷ đồng" - Kim Anh kể lại quyết định của mình.

Sau khi có tiền trong tay, Kim Anh chia thành 2 phần. Phần 1 - khoảng 2 tỷ dùng để mua 2 miếng đất, phần 2 - còn lại cô để làm quỹ vừa nhờ ba mẹ chi trả cải tạo và thuê nhân công trồng cây mới vừa dự phòng trong những tháng thu nhập không đủ để trả lãi. Ngoài trồng cây ăn quả, Kim Anh còn dự định đầu tư khu cắm trại qua đêm vì nhận thấy những lợi thế như khu đất có view đẹp, có bờ suối để chèo thuyền,... Hiện tại, sau hơn 1 năm, khu đất của Kim Anh đã được trả giá cao hơn giá trị ban đầu 3 lần nhưng cô vẫn chưa vẫn chưa có ý định bán.

b21ba09f9be776dff3216695a3a4bf2d-16380192358111999428029-1638095720.jpg
Những mảnh đất của Kim Anh đều có địa thế rất đẹp

Trong "phi vụ" đầu tư này, Kim Anh là người đưa ra quyết định còn ba mẹ luôn tin tưởng và hỗ trợ thực hiện. Ba mẹ có thể vui vẻ và thoả mãn với đam mê làm rẫy, làm vườn sau hơn 30 năm áp lực và lăn lộn ở Sài Gòn cũng chính là lý do lớn nhất để cô nàng quyết định vay tiền mua đất. 

"Người ta kêu 'ông bà già tao lo hết' còn mình thì 'ba mẹ mình lo hết', từ việc mua bán, đầu tư cơ sở hạ tầng để trồng sầu riêng, chăm sóc đất và cây trồng. Ba mẹ thoả sức làm cùng với những mảnh vườn mà gia đình mình mua trước đó. Nếu không có ba mẹ trực tiếp ở đó, chắc chắn sẽ không có chuyện vay mượn đầu tư nào hết vì việc của mình ở Sài Gòn khá bận, rất khó để quản lý một dự án nương rẫy trồng cây" - Kim Anh kể.

Sáng mở mắt ra phải có 1,5 triệu để trả nợ

Vay ngân hàng chắc chắn phải trả lãi. Năm đầu tiên - 2020, Kim Anh phải trả lãi suất khoảng 36 - 38 triệu/ tháng. Có sẵn việc kinh doanh riêng nên con số này không gây quá nhiều trở ngại với cô nàng. Tuy nhiên sang năm thứ 2 - 2021, lãi suất ưu đãi kết thúc, tiền lãi mà Kim Anh phải đóng lên đến 45 triệu/ tháng. Khó khăn và áp lực nhân lên nhiều lần khi đây chính là thời điểm dịch Covid-19 diễn biến cực kỳ phức tạp, nhiều tháng giãn cách nên thu nhập của cô gái 25 tuổi bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Mỗi ngày mở mắt ra phải có 1,5 triệu để trả lãi không phải là chuyện dễ dàng gì. Ấy thế mà Kim Anh từng nghĩ chuyện gánh trên vai khoản nợ 3,3 tỷ rất đơn giản: "Đây là lần đầu tiên mình vay ngân hàng nhiều như vậy nên lúc đầu mình nghĩ nó dễ. Hơn nữa ba mẹ cũng nói rằng nếu mình không trả được thì sẽ bán đất để trả phụ. Phải đến lúc thực sự bắt tay vào trả mới cảm nhận được áp lực lớn thế nào. Ngày 15 hàng tháng đến nhanh hơn bao giờ hết, vừa thấy ngày 30 mà ngoảnh đi ngoảnh lại đã đến ngày 15 nữa, cứ thoăn thoắt".

Trong "đỉnh" dịch, Kim Anh đã nghĩ đến chuyện từ bỏ, bán hết để trả nợ và đầu tư cái khác cho đỡ cực. Đến khi bình tĩnh và nhận được sự động viên của ba mẹ, cô nàng lại quay về gồng gánh với 1 phần từ kinh doanh - thu nhập chính, 1 phần từ việc làm phụ và tiền backup từ khoản vay ngân hàng. Mỗi tháng Kim Anh luôn trích riêng 1 khoản đủ trả nợ rồi mới tính đến chuyện khác. Ngoài ra ba mẹ cô cũng trồng cây ngắn ngày, giúp con gái có thể thêm tiền đầu tư cơ sở hạ tầng và gồng lãi.

82d6cfa48a6211b31c6c811e2701ed1e-1638019235780789136834-1638095720.jpg
Khoản nợ giúp cho Kim Anh trưởng thành và có trách nhiệm hơn

Áp lực là một chuyện nhưng ngược lại nợ cũng là động lực rất lớn và đem đến cho Kim Anh bài học trưởng thành, trách nhiệm hơn với cuộc đời. Cô lao vào công việc nhiều hơn, thấy được sự quan trọng của đồng tiền và chi tiêu dè sẻn hơn. 

"Cuộc sống của mình không còn màu hồng như hồi chưa nợ. Hồi 22 - 23 tuổi mình liều lắm vì nghĩ 'cứ làm đi, được thì được còn không được thì thôi'. Sau khi trải qua 1 'cuộc' vay tiền, mình thấy bản thân còn non quá, mình lo và sợ nhiều thứ nên mỗi khi đưa ra quyết định đầu tư hay làm việc gì đó đều phải đắn đo suy nghĩ làm sao để nó không ảnh hưởng đến gia đình" - khoản nợ là lý do lớn khiến Kim Anh thay đổi nhiều so với trước đây.

Làm việc 11 - 12 tiếng/ ngày và kiếm tiền đến khi nào không thể

Kim Anh thừa nhận mình là một người ghiền làm việc. Dân văn phòng bình thường bắt đầu công việc từ 8h sáng và kết thúc lúc 6h chiều còn cô chủ trẻ từ 9h sáng - 10h tối, có khi còn nhiều hơn. Ngay cả khi đi du lịch, cô cũng dành nhiều thời gian nghe điện thoại, giải quyết công việc. Những lúc như vậy hay bị bạn bè, bạn trai phàn nàn nhưng có những cái phải tự giải quyết Kim Anh mới thấy yên tâm.

Ở thời điểm dịch bệnh, Kim Anh tự làm mọi thứ từ A - Z, từ đóng hàng đến lên đơn hay gọi ship. Trước đây không hề phải động tay vào những việc này vì có nhân viên lo hết nhưng cô vẫn sẵn sàng: "Với mình, thà bận rộn và có việc để làm chứ ngồi không mình thấy áp lực lắm. Vì lúc mình không làm gì, dòng tiền bị đứng lại còn khi làm dù ít hay nhiều thì tiền vẫn hoạt động. Trong khi đó trên vai mình còn một cái gánh nặng nợ nần nữa, nếu mình không làm cái phần đó thì ai sẽ lo?".

Tất nhiên Kim Anh cũng phải đối mặt với những lần khủng hoảng như bất kỳ ai khác. Khủng hoảng tuổi 25 của cô ập đến từ năm 24 tuổi, khi phải đưa ra quyết định vay tiền, mua đất. 

Không dừng lại ở đó, khủng hoảng này kéo dài sang năm 25 tuổi vì dịch bệnh: "Trong tình hình đó ai cũng khó khăn chứ không phải riêng ai, mình thực sự không biết mọi chuyện sẽ diễn biến thế nào, có tiếp tục kinh doanh được hay phải đóng cửa. Sản phẩm của mình ở phân khúc giá khá cao hơn so với mặt bằng chung mà dịch bệnh thì mọi người sẽ tiết kiệm hơn. Hơn nữa, sau khi mua đất thì ba mẹ mình hoàn toàn ở Lâm Đồng luôn, mọi công việc của gia đình ở Sài Gòn đều đến tay mình nên vất vả thêm. Nhưng may mà có công việc kéo lại, mình làm nhiều hơn nghĩ rồi cuối cùng cũng vượt qua được".

Có lẽ niềm đam mê với công việc của cô gái 25 tuổi khiến nhiều người tưởng rằng cô nàng muốn hướng đến mục tiêu tự do tài chính, nghỉ hưu sớm - một xu hướng của giới trẻ hiện nay. Tuy nhiên câu trả lời của Kim Anh là không phải. "Mình sẽ làm việc và kiếm tiền đến khi nào không thể nữa thì thôi. Tất nhiên mình cũng muốn có những dòng tiền mà nó tự sinh lợi nhuận nhưng đồng thời mình sẽ nghiêm túc trong việc kinh doanh hay bất kỳ lĩnh vực nào đó mình làm. Mình chưa bao giờ nghĩ đến chuyện kiếm đủ tiền để nghỉ hay có thời gian rỗi rãi" - Kim Anh chia sẻ về tương lai

SA/ ẢNH: NVCC/ DESIGN: MAI LINH, THEO PHÁP LUẬT & BẠN ĐỌC