Vì sao chủ tịch Masan không còn là tỷ phú?

08/04/2020 09:22

Doanh nhân Nguyễn Đăng Quang không còn nằm trong nhóm sở hữu tài sản từ 1 tỷ USD trở lên khi giá cổ phiếu Masan và Techcombank đã sụt giảm 40% giá trị sau một năm.

Doanh nhân Nguyễn Đăng Quang không còn nằm trong nhóm sở hữu tài sản từ 1 tỷ USD trở lên khi giá cổ phiếu Masan và Techcombank đã sụt giảm 40% giá trị sau một năm.

Danh sách tỷ phú thế giới 2020 của Forbes vinh danh 4 doanh nhân người Việt Nam gồm Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, Tổng giám đốc Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương và Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh.

Bốn tỷ phú Việt đều xuất hiện trong danh sách năm trước của Forbes. Trong khi đó, Chủ tịch Tập đoàn Masan Nguyễn Đăng Quang không còn nằm trong nhóm sở hữu tài sản từ 1 tỷ USD trở lên.

Mối quan hệ với tỷ phú Hồ Hùng Anh

Ông Nguyễn Đăng Quang sinh năm 1963 tại Quảng Trị. Ông Quang lấy bằng thạc sĩ Quản trị kinh doanh và tiến sĩ Vật lý hạt nhân tại Đông Âu.

Ông khởi sự kinh doanh tại Nga đầu thập niên 1990 với sản phẩm mì ăn liền và sớm thành công. Về nước đầu những năm 2000, ông Quang nhanh chóng đưa Masan khuynh đảo thị trường hàng tiêu dùng Việt Nam với các sản phẩm chính là nước tương, nước mắm, mì ăn liền.

Cộng sự thân thiết gắn bó với ông Quang từ những ngày ở Đông Âu là tỷ phú Hồ Hùng Anh. Hai doanh nhân cùng nhau lãnh đạo Masan và Techcombank trở thành những doanh nghiệp tư nhân hàng đầu trong lĩnh vực của mình.

Ông Quang là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Masan còn ông Hùng Anh làm Chủ tịch Ngân hàng Techcombank. Ông Quang đồng thời giữ chức vụ phó chủ tịch Techcombank. Ông Hùng Anh trước đây cũng đảm nhận vị trí phó chủ tịch Masan nhưng đã thôi chức vụ này vào năm 2018.

Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang. Ảnh: MSN.

Cả hai vị doanh nhân có điểm chung là sở hữu trực tiếp rất ít cổ phiếu tại các doanh nghiệp. Phần lớn tài sản trên sàn chứng khoán của ông Quang và ông Hùng Anh đến từ những cổ đông có liên quan.

Ông Nguyễn Đăng Quang chỉ đứng tên 15 cổ phiếu Masan và 9,4 triệu cổ phiếu Techcombank, tương đương 0,3% vốn của ngân hàng này. Còn ông Hồ Hùng Anh chỉ đứng tên 1,1% vốn Techcombank, tương ứng 39,3 triệu cổ phiếu.

Tuy nhiên, hai ông chủ của Masan và Techcombank được cho là đang quản lý gần 50% vốn của tập đoàn sản xuất hàng tiêu dùng hàng đầu trong nước.

Cụ thể, 2 cổ đông lớn nhất của Masan là Công ty cổ phần Masan nắm 31,2% cổ phần và Công ty TNHH MTV Xây dựng Hoa Hướng Dương sở hữu 13,2% vốn. Công ty cổ phần Masan lại là chủ sở hữu 100% công ty Hoa Hướng Dương.

Nếu đồng sở hữu 50-50 tại Công ty Cổ phần Masan, ông Quang cũng như ông Hùng Anh có thể quản lý thêm khoảng 22% vốn mỗi người tại Tập đoàn Masan.

Với sở hữu gia đình, bà Nguyễn Hoàng Yến, vợ ông Quang, đang đứng tên 42,4 triệu cổ phiếu Masan, tương đương 4% vốn doanh nghiệp. Trong khi đó, mẹ, vợ, con và em của ông Hùng Anh nắm giữ tổng cộng 16% cổ phần tại ngân hàng Techcombank.

Ngoài ra, Tập đoàn Masan lại chính là cổ đông lớn nhất của ngân hàng Techcombank với tỷ lệ sở hữu 15%. Ông Quang là người đại diện phần vốn góp của Masan tại nhà băng này.

Giá cổ phiếu Masan, Techcombank giảm sâu

Cả hai doanh nhân Nguyễn Đăng Quang và Hồ Hùng Anh đều sở hữu khối tài sản lớn trên sàn chứng khoán liên quan đến lượng lớn cổ phần tại Masan và Techcombank.

Đây là lý do hai vị chủ tịch cùng xuất hiện lần đầu trong danh sách tỷ phú thế giới năm ngoái được công bố vào tháng 3/2019. Thời điểm này, giá trị tài sản ước tính của ông Quang và ông Hùng Anh lần lượt đạt 1,3 và 1,7 tỷ USD.

Lúc đó, cổ phiếu Masan và Techcombank đều đang “bay cao” trên thị trường chứng khoán. Giá giao dịch cổ phiếu Masan cuối tháng 2/2019 duy trì quanh mốc 90.000 đồng còn cổ phiếu Techcombank trên dưới 27.000 đồng.

Nhưng sau một năm, tài sản của hai doanh nhân này đã “bốc hơi” hàng trăm triệu USD theo đà sụt giảm 40% của giá cổ phiếu.

Hiện cổ phiếu Masan đã giảm giá còn 57.500 đồng còn Techcombank rơi xuống 16.950 đồng. Thời điểm Forbes bắt đầu thống kê tài sản của giới siêu giàu để lập danh sách tỷ phú 2020 cuối tháng 3, hai mã này còn chỉ đang ở vùng giá 49.000 đồng và 14.900 đồng/cổ phiếu.

Đây là một trong những lý do khiến giá trị tài sản của tỷ phú Hồ Hùng Anh năm nay chỉ còn lại 1 tỷ USD, giảm 700 triệu USD so với cùng kỳ. Còn ông Nguyễn Đăng Quang không xuất hiện trong thống kê tỷ phú thế giới.

Việt Nam còn lại 4 tỷ phú sau khi ông Nguyễn Đăng Quang rớt khỏi danh sách của Forbes. Đồ họa: Phan Nhật.

Không riêng hai đại gia này, cả ông Vượng, bà Thảo và ông Dương cũng chứng kiến giá trị tài sản của mình sụt giảm sau một năm khi thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua một tháng lao dốc.

Tổng tài sản của 4 người giàu nhất Việt Nam hiện tại là 10,2 tỷ USD. Con số này thấp hơn 2,1 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước khi danh sách tỷ phú 2019 được công bố.

Việc xác định giá trị tài sản giới tỷ phú được Forbes kết hợp nhiều phương pháp tính toán khác nhau. Trong đó có định giá dựa trên cổ phiếu trên sàn chứng khoán, bất động sản, tiền mặt, các khoản đầu tư có giá trị và trừ đi số nợ của các tỷ phú.

Việt Đức

Theo Zing

Bạn đang đọc bài viết "Vì sao chủ tịch Masan không còn là tỷ phú?" tại chuyên mục Doanh nhân.