Một số lượng lớn người được trang BBC khảo sát đã trả lời các nhà nghiên cứu rằng họ đang bị quá tải công việc khi sống trong thế giới công nghiệp. Lý do của việc này là gì?
Bạn có thể cho rằng lời giải thích là rất rõ ràng: Vì bản thân có rất nhiều việc phải làm. Nhưng bạn đã sai. Tổng số thời gian con người làm việc không tăng ở châu Âu hoặc Bắc Mỹ trong những thập kỷ gần đây. Hơn nữa, nhiều nghiên cứu cũng cho thấy, những ai nói bản thân là người bận rộn nhất thường không phải như vậy.
Vậy, điều gì đã khiến ta cảm thấy bận rộn? Một phần là do kinh tế học cơ bản. Khi nền kinh tế phát triển và thu nhập của những người khá giả tăng lên theo năm tháng, thời gian trở nên thực sự giá trị. Bất cứ giây phút nào trôi qua đều hết sức đáng quý, điều này gây áp lực lên chúng ta và ép bản thân phải làm việc.
Nguyên nhân khác là do tính chất của công việc mà nhiều người chúng ta đang làm. Ở thời kỳ trước đây, việc làm chủ yếu của con người là nông nghiệp hoặc sản xuất, công việc này tất nhiên có thể làm bạn kiệt sức về thể chất - nhưng nó có những giới hạn nhất định. Bạn không thể thu hoạch cây trồng khi chưa vào mùa gặt, cũng không thể tạo ra nhiều những sản phẩm vật chất hơn vật liệu có sẵn cho phép.
Nhưng trong thời đại mà nhà tư vấn quản lý Peter Drucker gọi là “lao động trí óc”, mọi thứ đã thay đổi. Tony Crabbe, tác giả của cuốn sách Bận rộn: Làm thế nào để phát triển hơn trong một thế giới có quá nhiều việc cần làm nói, chúng ta đang sống trong một "thế giới vô hạn".
Sống trong thời đại này sẽ khiến bạn luôn luôn có nhiều email để trả lời, nhiều cuộc họp để tham gia, nhiều điều để học, nhiều ý tưởng để dõi theo hơn. Kết quả chắc chắn là mọi thứ sẽ trở nên dồn dập đối với bạn: chúng ta đều chỉ là những con người bình thường với nguồn năng lượng và năng lực có hạn nhưng cố gắng vượt qua giới hạn của bản thân. Chúng ta cảm thấy bị áp lực bởi xã hội và điều này khiến bản thân mong muốn một sự chu toàn về mọi thứ, từ nơi làm làm việc đến khi về nhà. Nhưng điều đó không phải chỉ là thực sự khó khăn mà còn là điều không thể.
Với loại áp lực thời gian này đè nặng trên vai, không có gì là ngạc nhiên khi chúng ta đang phải sống cùng cuộc chạy đua với thời gian. Nhưng nghiên cứu tâm lý cho thấy, loại nhận thức về thời gian này thực ra làm cho hiệu suất công việc của bạn đi xuống, chưa kể mức độ vị tha của bạn cũng bị giảm. Vì vậy, hậu quả của "cảm giác bận rộn" là việc quản lý danh sách công việc cần làm của bản thân sẽ trở nên kém hiệu quả hơn so với lúc chúng ta không bị áp lực về thời gian.
Nhà kinh tế học Sendhil Mullainathan và nhà khoa học hành vi Eldar Shafir mô tả điều này như là một vấn đề của cảm giác khan hiếm cho dù là về tiền hay là về thời gian, khiến bạn bị giày vò trong tâm trí, từ đó ảnh hưởng xấu đến quyết định. Khi đang bận rộn, bạn có nhiều khả năng đưa ra những lựa chọn không sáng suốt như nhận những sự giao phó không thể hoàn thành hoặc ưu tiên những nhiệm vụ không quan trọng hơn là cốt yếu. Cảm giác cần phải làm tròn nhiệm vụ khiến bạn thậm chí cảm thấy bận rộn hơn trước.
Điều tồi tệ nhất là quan niệm này đang lan đi và tác động đến thời gian giải trí của chúng ta. Vì vậy, ngay cả khi cuộc sống không cho phép ta dành ra một hay hai giờ để phục hồi lại sức khỏe, chúng ta cũng sẽ cảm thấy khoảng thời gian đó nên được sử dụng hiệu quả hơn.
Trong lịch sử, biểu tượng cuối cùng của sự giàu có, thành tựu và ưu thế xã hội là sự tự do không phải làm việc: huy hiệu thực sự của danh dự, theo như nhà kinh tế thế kỷ 19 Thorstein Veblen, là sự giải trí. Giờ đây, chính sự bận rộn đã trở thành thước đo cho địa vị trong xã hội.
Thông thường, quan niệm về thái độ đánh giá con người của chúng ta là giá trị của một người không phải được đo bằng thành quả bản thân đạt được mà được đo bằng việc người đó dành ra bao nhiêu thời gian để làm việc.
Chúng ta đang sống cuộc sống "quay cuồng" nhưng hãy biết cách tháo gỡ những gánh nặng, đừng tự đặt áp lực cho bản thân, dừng lại một chút nhưng đủ lâu để nhận ra, chúng ta không hề quá bận rộn và vẫn cần có thời gian cho chính mình và những người xung quanh.
Theo Trí thức trẻ/BBC