Rất nhiều cổ đông Coteccons chất vấn động cơ của Kusto tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2019
Thông tin này khiến các cổ đông nhỏ lẻ phản ứng dữ dội. Đặc biệt, cổ phiếu CTD của Coteccons bị bán ồ ạt, giá giảm về mức giá sàn, gần 10.000 đồng/ cổ phiếu và cuốn bay gần 800 tỷ đồng vốn hoá công ty.
Một cổ đông bức xúc lớn tiếng phát biểu: “Tôi đề nghị làm rõ vấn để xung đột giữa ban lãnh đạo công ty và nhóm Kusto, việc này đã diễn ra từ năm trước kéo dài mãi cho đến nay đã ảnh hưởng rất lớn đến cổ phiếu Coteccons trên thị trường. Kusto có thực sự là cổ đông có sự cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp hay không?”
Cổ đông khác chất vấn: “Vì sao Kusto không bàn bạc với lãnh đạo cộng ty mà lại tung tin ra thị trường như vậy? Động cơ của các anh là gì hả Kusto?”
“Cách hành xử của Kusto sẽ làm hại các cổ đông nhỏ lẻ như chúng tôi. Tôi đã quan sát nhóm cổ đông này từ lâu lắm rồi. Điều gì sẽ xảy ra nếu Kusto thâu tóm Coteccons? Tôi không muốn Coteccons rồi sẽ 'nát' như Descon, như Beton 6 (BT6). Tôi đề nghị đại hội phải làm rõ động cơ của Kusto là gì. Đề nghị cổ đông cùng tỉnh táo, tránh để lại mất đi thương hiệu Việt” – một cổ đông tiếp lời.
Vì sao cổ đông Coteccons sợ Kusto?
Kusto Group là một tập đoàn tư nhân quốc tế đa ngành đăng ký và có trụ sở tại Singapore nhưng thực chất thuộc sở hữu của các ông chủ đến từ Kazakhstan. Kusto đầu tư vào Việt Nam từ năm 2005 bắt đầu với tên Công ty quản lý đầu tư BTA – tên của một ngân hàng bị phá sản ở Kazakhstan.
Dự án lớn mà Kusto đầu tư là Công ty Bất động sản Bình Thiên An – chủ đầu tư của dự án Đảo Kim Cương – Diamond Islands tại Quận 2. Chủ tịch của Kusto Việt Nam là ông Trịnh Thanh Huy, doanh nhân từng kinh doanh ở Đông Âu và thực hiện hàng loạt vụ M&A tai tiếng tại Việt Nam.
Điển hình là thương vụ thâu tóm Công ty Cổ phần Xây dựng Công nghiệp (Descon) từ năm 2007. Năm 2010, sau khi nắm đủ số phiếu biểu quyết, nhóm Kusto do ông Trịnh Thanh Huy đứng đầu đã bãi miễn chức danh Chủ tịch HĐQT và Phó Tổng Giám đốc Descon. Chủ tịch HĐQT Nguyễn Xuân Bảng phải ngậm ngùi rời công ty sau 20 năm gắn bó.
Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của Descon sau khi nhóm Kusto thâu tóm hết sức đáng ngại. Cụ thể, vào tháng 10/2011, cổ phiếu DCC của Descon đột ngột bị hủy niêm yết bắt buộc do vi phạm nghiêm trọng quy định về công bố thông tin. Cũng kể từ đó, Descon gần như "bặt tăm" trên thị trường.
Cuối năm 2018, Descon đứng trước nguy cơ phá sản sau khi Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh có quyết định mở thủ tục phá sản đối với Công ty Cổ phần Xây dựng Công Nghiệp ( tức Descon) theo đơn kiện của một nhà cung cấp là Siam City Cement Ltd.
Không chỉ Descon, một tên tuổi lớn khác bị Kusto thâu tóm là Công ty Beton 6 (BT6) cũng rơi vào tình cảnh bi đát tương tự. Sau khi chiếm quyền tại Beton 6, nhóm này đã rút niêm yết và đưa doanh nghiệp "lùi vào bóng tối". Kết quả là hoạt động kinh doanh của Beton 6 bị kéo lùi từng ngày một cách khó hiểu.
Ngay sau khi hủy niêm yết vào năm 2015, năm 2016, Beton 6 lỗ 221 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh. Nhờ có 226 tỷ thu nhập khác từ đánh giá lại tài sản và thanh lý tài sản cố định mà năm 2016 công ty vẫn có lợi nhuận dương. Tình hình càng bết bát hơn khi bước sang năm 2017, doanh thu Beton 6 tiếp tục sụt gần 1/2 và lỗ trước thuế 139 tỷ đồng. Nửa đầu năm 2018, công ty đạt 58 tỷ đồng doanh thu và lỗ tiếp 43 tỷ đồng.
Thực tế cho thấy, sự thiếu minh bạch của những doanh nghiệp mà Kusto đã thâu tóm khi đầu tư vào Việt Nam là cơ sở để cảnh báo cho các doanh nghiệp Việt, đặc biệt là thương hiệu Việt đứng đầu ngành xây dựng Việt Nam như Coteccons. Tương lai của Coteccons sẽ như thế nào nếu bị Kusto “thâu tóm”?
Hành trình từ thâu tóm đến xung đột
Năm 2012, Kusto đầu tư 520 tỷ đồng vào Coteccons đổi lấy 25% cổ phần với mức giá 50.000 đồng/cổ phiếu. Không dừng ở đó, từ năm 2014, nhóm Kusto đã liên tục tăng sở hữu tại Coteccons thông qua công ty “chân gỗ” là Công ty TNHH MTV Kinh doanh và Đầu tư Thành Công.
Hiện tại, nhóm những nhà đầu tư liên quan đến Kusto đang nắm giữ ít nhất gần 35% quyền biểu quyết của Coteccons bao gồm Kustocem nắm giữ 18,2%, Kinh doanh và Đầu tư Thành Công nắm giữ 14,6%, Talgat Turumbayev – thành viên HĐQT Coteccons nắm giữ 2,1%.
Vì sao Kusto đứng sau Công ty TNHH MTV Kinh doanh và Đầu tư Thành Công "gom" cổ phần Coteccons từ tháng 7/2014? Theo các luật sư, việc lập pháp nhân ở Việt Nam mua cổ phần là hành vi “lách luật” về giới hạn sở hữu nước ngoài của nhóm Kusto. Bởi ngay tại thời điểm năm 2014, dữ liệu từ CafeF cho thấy, room dành cho nhà đầu tư nước ngoài tại Coteccons chạm mức trần 49%.
Theo luật thì Kusto không thể mua thêm. Đồng thời, việc này cũng giúp Kusto gom lượng lớn cổ phiếu CTD với giá thấp mà không cần phải công bố thông tin theo quy định.
Sau khi gom 35% cổ phần của Coteccons, những năm gần đây, nhóm này đã nhiều lần can thiệp vào hoạt động điều hành của doanh nghiệp. Phủ quyết nhiều vấn đề mà ban lãnh đạo Coteccons đề xuất, gây nhiều khó khăn cho hoạt động điều hành, quản lý doanh nghiệp.
Năm 2017, Kusto đã bất ngờ can thiệp vào HĐQT Coteccons yêu cầu thay đổi chính sách ESOP cho công nhân viên Coteccons. Phản ứng bất ngờ của Kusto được cho là ngọn lửa châm ngòi cho cuộc xung đột giữa ban lãnh đạo và nhóm Kusto. Đích thân Chủ tịch Nguyễn Bá Dương đã ngậm ngùi nói trước đại hội rằng ông "thực sự rất mất mặt", đồng thời nhận trách nhiệm trước toàn thể CBCNV khi đã thất hứa về chính sách khích lệ dành cho những nỗ lực của CBCNV trong những năm qua.
Nắm 35%, phía Kusto cho rằng họ mới là ông chủ của Coteccons, những người còn lại trong ban điều hành chỉ là đối tượng làm thuê. Nhưng họ quên mất rằng, Coteccons không phải là một doanh nghiệp bình thường. Giá trị của một doanh nghiệp xây dựng như Coteccons là ở đâu? Ông Nguyễn Bá Dương đã nhiều lần khẳng định, "giá trị của Coteccons là con người".
Rõ ràng, nắm 35% cổ phần nhưng nhóm Kusto không đóng góp vào việc tạo ra việc làm, không giúp cho sự phát triển của doanh nghiệp lại can thiệp sâu vào hoạt động điều hành doanh nghiệp dẫn đến những mâu thuẩn nội bộ chưa có hồi kết.
Tương lai của Coteccons sẽ ra sao? Chưa có "chút ánh sáng nào cuối đường hầm". Nhưng với các nhà đầu tư đã đặt niềm tin vào cổ phiếu CTD, đang là những người đau đầu nhất. Bởi tài sản của họ đã “bốc hơi” 14% chỉ trong 24 tiếng đồng hồ qua.
Theo VTCnews