Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Vì sao giới siêu giàu chuộng giữ tiền mặt, sở hữu nhiều hộ chiếu?

29/04/2019 09:17

Nhóm siêu giàu hiện đang giữ tiền mặt nhiều hơn trước đây và đa phần sở hữu nhiều hơn 1 cuốn hộ chiếu.


Nhóm siêu giàu hiện đang giữ tiền mặt nhiều hơn trước đây và đa phần sở hữu nhiều hơn 1 cuốn hộ chiếu.

Theo Báo cáo Thịnh vượng (Wealth Report) vừa được Hãng tư vấn Knight Frank của Anhv công bố mới đây, nhóm siêu giàu thế giới (những người sở hữu tài sản trị giá 30 triệu USD trở lên) đang có xu hướng giữ tiền mặt hơn là những dạng tài sản khác như bất động sản, đầu tư góp vốn tư nhân, trái phiếu...

Báo cáo được thực hiện dựa trên kết quả khảo sát của Knight Frank với 600 ngân hàng tư nhân và các hãng cố vấn tài sản, quản lý hơn 3.000 tỷ USD tài sản toàn cầu.

Theo báo cáo của Knight Frank, thế giới có gần 200.000 người siêu giàu năm 2018. Hơn hai phần ba số đó nằm tại châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ.

Châu Âu đóng góp nhiều đại diện nhất, với hơn 70.000 người. Dù vậy, tốc độ tăng trưởng lại tập trung ở nhóm nền kinh tế châu Á, như Ấn Độ (39%), Philippines (38%) hay Trung Quốc (35%).

Bên cạnh đó, bất chấp rủi ro từ việc Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit), London (Anh) vẫn là thành phố có nhiều người siêu giàu nhất năm nay, với gần 5.000 đại diện, Theo sau là Tokyo (Nhật Bản) với hơn 3.700 người và Singapore với gần 3.600 người.

Chuộng giữ tiền mặt

Theo kết quả khảo sát của Knight Frank, nhóm siêu giàu đang giữ tiền mặt nhiều hơn trước đây và xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong năm 2019.

Top 10 quốc gia có lượng người siêu giàu nhiều nhất thế giới 

Cụ thể, 56% các nhà quản lý tài sản nói khách hàng của họ, đặc biệt là tại châu Á, đang tăng mức sở hữu tiền mặt song song với giảm sở hữu chứng khoán.

Ngoài ra, 36% các nhà quản lý dự báo khách hàng châu Á sẽ tăng mức tài sản nắm giữ bằng tiền mặt trong năm 2019 và 20% có thể sẽ tăng tài sản bằng vàng hoặc xe hơi, rượu, tranh quý...

South China Morning Post dẫn lời các chuyên gia nhận định xu hướng này phản ánh lo ngại về nguy cơ mất ổn định sắp tới xuất phát từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, quan hệ trắc trở giữa Washington và các đồng minh truyền thống ở châu Âu, cuộc ly khai đầy bất ổn của Anh khỏi EU, xu hướng chững lại của một số nền kinh tế hàng đầu châu Á cũng như tình hình biến động chính trị và an ninh trong khu vực.

Sở hữu nhiều hộ chiếu

Theo khảo sát của Knight Frank, 36% thuộc nhóm này đang sở hữu 2 hộ chiếu, trong đó 26% có kế hoạch chuyển ra nước ngoài sinh sống lâu dài. Tại châu Á, 25% số người siêu giàu dự tính sẽ đổi nơi ở và những điểm đến được yêu thích nhất là Úc, Canada, Mỹ, Singapore và Anh.

Chuyên gia Andrew Hay thuộc Knight Frank cho biết, thông thường giáo dục là yếu tố chính trong việc mua nhà của giới siêu giàu, nhưng lo ngại về bất ổn chính trị, xã hội và kinh tế đang dần trở thành một động cơ cũng quan trọng không kém. “Họ đang có xu hướng mua thêm nhà tại những đất nước mà họ có thể thấy mức độ ổn định nhiều hơn”, ông Hay nói với trang MSN.

Hiện có khoảng hơn 20 quốc gia khác trên thế giới sẵn sàng cấp quốc tịch cho một người có tiềm lực tài chính.

Theo tờ The Guardian, hiện có khoảng hơn 20 quốc gia khác trên thế giới, bao gồm nhiều nước trong Liên minh châu Âu (EU), sẵn sàng cấp quốc tịch cho một người có tiềm lực tài chính. Chính sách này thường được gọi là chương trình địa vị công dân dựa trên vốn đầu tư (Citizenship-by-investment programs - CIP) và đang phát triển mạnh mẽ.

Tùy từng quốc gia, chi phí để được nhập tịch dao động từ 100.000 USD đến 2,5 triệu USD. Người muốn nhập tịch sẽ đầu tư số tiền tương ứng vào bất động sản hoặc cơ sở kinh doanh, mua trái phiếu chính phủ, hoặc tài trợ tiền mặt trực tiếp để đổi lấy địa vị công dân và một quyển hộ chiếu.

Một số nước không bán thẳng địa vị công dân, nhưng có chương trình "visa vàng" (golden visa), cấp phép cư trú cho nhà đầu tư mà sau 5 năm, nhà đầu tư có thể nhập quốc tịch.

Các chương trình này không phải là mới, nhưng đang phát triển với tốc độ nhanh chóng, hút các nhà đầu tư tư nhân giàu có từ các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Mexico, Brazil, cũng như Trung Đông, và gần đây hơn là Thổ Nhĩ Kỳ.

Việt Nam có 142 người siêu giàu

Bất chấp viễn cảnh khó lường trong năm 2019, Knight Frank dự báo tổng tài sản ròng của giới siêu giàu sẽ tiếp tục tăng lên, đặc biệt là tại châu Á. Số lượng triệu phú USD trên toàn cầu dự kiến sẽ lần đầu tiên vượt mức 20 triệu người trong năm nay.

Tại châu Á, Ấn Độ là nước có số người siêu giàu tăng nhanh nhất trong 5 năm tới với tỷ lệ 39%, kế đến là Philippines 38% và Trung Quốc 35%. Lượng người siêu giàu tại 3 nước Đông Nam Á là Việt Nam, Indonesia và Malaysia cũng được kỳ vọng tăng nhanh với tỷ lệ hơn 30% trong 5 năm tới.

Bảng xếp hạng 10 quốc gia có lượng người siêu giàu tăng nhanh nhất toàn cầu.

Theo báo cáo của Knight Frank, Việt Nam có 142 người siêu giàu năm 2018, tăng 7 người so với năm trước đó. Trong 5 năm tới, Việt Nam cũng được dự báo là quốc gia có tốc độ tăng trưởng người siêu giàu nhanh hàng đầu thế giới, với 31%.

Báo cáo cũng cho rằng trong 10 năm tới, thế giới sẽ có rất nhiều thay đổi. Họ dự báo 5 xu hướng có thể ảnh hưởng đến quyết định của nhà đầu tư, trong đó có căng thẳng địa chính trị. Knight Frank nhận định nếu căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc kéo dài, một số nước sẽ được hưởng lợi. Đó là các nước xuất khẩu sang Mỹ, như Mexico, Canada, Việt Nam, Bangladesh và Đức.

Một số sở thích chi tiêu của người giàu cũng được chỉ ra trong báo cáo, đó là rượu, xe cổ và các tác phẩm nghệ thuật.

Xem thêm >> Bầu cử Indonesia: Hàng chục nhân viên kiểm phiếu, cảnh sát chết vì kiệt sức

Minh Đăng

Theo VietnamFinance