Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Vì sao ngay cả khi Khổng Minh qua đời, Tư Mã Ý vẫn không dám đụng tới Thục Hán?

07/07/2019 09:26

3 lý do khiến Tư Mã Ý bỏ qua cho "miếng mồi" Thục Hán ngay cả khi Khổng Minh qua đời đã thể hiện sự khôn ngoan và trình độ ẩn nhẫn thượng thừa của nhân vật này.


3 lý do khiến Tư Mã Ý bỏ qua cho "miếng mồi" Thục Hán ngay cả khi Khổng Minh qua đời đã thể hiện sự khôn ngoan và trình độ ẩn nhẫn thượng thừa của nhân vật này.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.Vào thời Tam Quốc, người có thể xem là "kỳ phùng địch thủ" của Ngọa Long tiên sinh Gia Cát Lượng có lẽ cũng chỉ có duy nhất Tư Mã Ý.

Năm xưa sau khi Khổng Minh tiến hành Bắc phạt, hai nhân vật này đã nhiều lần đối đầu với nhau trên chiến tuyến.

Tuy nhiên tới năm 234, Thừa tướng Gia Cát Lượng đột ngột qua đời ở gò Ngũ Trượng. Chiến dịch Bắc phạt của Thục Hán do ông chỉ huy cũng buộc phải dừng lại vào thời điểm đó.

Nhiều ý kiến cho rằng cái chết của Khổng Minh đã khiến Thục quốc rơi vào cảnh thiếu vắng nhân tài. Đây chính là thời cơ "ngàn năm có một" đối với Tư Mã Ý và nhà Tào Ngụy.

Vậy đâu là lý do khiến một kẻ túc trí đa mưu như Tư Mã Ý lại chấp nhận bỏ qua miếng mồi ngon là Thục Hán ngay cả khi "kỳ phùng địch thủ" Khổng Minh đã qua đời?

 Vì sao ngay cả khi Khổng Minh qua đời, Tư Mã Ý vẫn không dám đụng tới Thục Hán? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.

 

Có nhiều ý kiến suy đoán cho rằng, việc Tư Mã Ý không tranh thủ quân đội tấn công Thục Hán là bởi ông chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt từ cái chết của Khổng Minh chứ không biết thừa thắng truy kích.

Thế nhưng liệu rằng một người xứng đáng được xem là "kỳ phùng địch thủ" của Gia Cát Lượng có thể không biết đạo lý mà nhiều người nhìn ra như vậy hay không?

Sở dĩ, Tư Mã Ý không chủ động tấn công Thục quốc sau khi Gia Cát Khổng Minh qua đời là quyết định khôn ngoan xuất phát từ nhiều nguyên nhân dưới đây.

Nguyên nhân thứ nhất: Địa vị lúc bấy giờ chưa cho phép Tư Mã Ý tự mình quyết định

Những cuộc chiến tranh Bắc phạt của Gia Cát Lượng diễn ra trong khoảng thời gian từ năm 228 đến năm 234. Đây là thời kỳ trị vì của Ngụy Minh Đế Tào Duệ - vị vua được nhận định là Hoàng đế đại tài và cũng là nhà quân sự chiến lược giỏi.

Sau khi người từng chỉ huy cuộc phòng ngự chống lại chiến dịch Bắc phạt là Tào Chân mất vào năm 231, Tư Mã Ý được lên thay chức và bắt đầu đối mặt với đội quân của Gia Cát Lượng.

Tuy nhiên ngay cả khi có địa vị là đại thần ủy thác của Tiên đế và được Thiên tử đương triều trọng dụng thì Tư Mã Ý vẫn phải chịu sự giám sát, áp chế đến từ chính Tào Duệ cùng hoàng tộc Tào gia.

Do đó việc Tư Mã Ý có muốn tấn công Thục Hán hay thừa thắng truy kích quân Thục sau khi Khổng Minh qua đời vốn không phải là việc mà bản thân ông có thể một mình quyết định.

Thực tế lịch sử cũng đã cho thấy, phải tới thời Tào Phương lên ngôi, Tư Mã Ý sau đó mới có cơ hội phát động chính biến diệt trừ phe cánh của Tào Sảng, từ đó nhậm chức Thừa tướng và chính thức nắm trong tay đại quyền.

Tuy nhiên sự kiện diệt Tào Sảng phải tới năm 249 mới diễn ra thành công, mà Tư Mã Ý lúc này đã ở tuổi 70 và nhanh chóng qua đời chỉ vẻn vẹn 2 năm sau đó.

Nguyên nhân thứ hai: Sự tồn vong của Thục Hán có liên quan tới an nguy của Tư Mã Ý

 Vì sao ngay cả khi Khổng Minh qua đời, Tư Mã Ý vẫn không dám đụng tới Thục Hán? - Ảnh 2.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.

 

Sinh thời, Tư Mã Trọng Đạt vốn đã nổi tiếng là một người khôn ngoan và vô cùng cẩn trọng. Do đó bản thân ông hiểu hơn ai hết đạo lý:

"Giảo thố tử, tẩu cẩu phanh; cao điểu tận, lương cung tàn; địch quốc phá, mưu thần vong"

(Nghĩa là: Thỏ khôn chết, chó săn bị mổ làm thịt; chim bay cao hết thì cung tốt vứt bỏ, nước địch phá xong thì mưu thần bị giết).

Vì vậy Tư Mã Ý cho rằng, nếu ông chủ động đề xuất việc tiêu diệt Thục quốc, vậy thì rất có thể ngày mà Thục Hán diệt vong cũng sẽ là ngày tàn của gia tộc Tư Mã.

Nhiều căn cứ lịch sử cũng đã cho thấy, Tào Tháo lúc sinh thời vốn đã đem lòng đề phòng và nhiều lần muốn trừ khử Tư Mã Ý, Tào Phi dù trọng dụng ông nhưng cũng ngấm ngầm áp chế, ngay tới Tào Duệ năm xưa cũng đã từng có ý muốn gạt bỏ Tư Mã Ý ra khỏi triều đình của người kế vị Tào Phương nhưng không thành.

Đó là chưa kể tới những nhân vật xuất thân từ Tào gia cũng sẽ vì nhiều lý do khác nhau mà để mắt và muốn tước đoạt quyền lực của Tư Mã Ý, mà trường hợp của Tào Sảng là một ví dụ tiêu biểu.

Bản thân Tư Mã Trọng Đạt khi ấy cũng hiểu rõ tình cảnh của mình. Mưu lược và tài trí của ông lúc này vốn là một "cây đao" trong tay nhà Tào Ngụy, cây đao ấy có thể đả thương kẻ địch, nhưng cũng có thể làm bị thương chính mình.

Đối mặt với những cái nhìn lăm le của không ít đối thủ trong triều, biện pháp mà Tư Mã Ý nghĩ tới trước nhất chính là tự bảo hộ mình chứ không phải liều lĩnh ra trận giết địch. Việc ông bỏ qua miếng mồi ngon là Thục Hán sau khi Gia Cát Lượng qua đời cũng ít nhiều xuất phát từ điều này.

 Vì sao ngay cả khi Khổng Minh qua đời, Tư Mã Ý vẫn không dám đụng tới Thục Hán? - Ảnh 3.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.

 

Hơn nữa, Tư Mã Ý vốn là một cao thủ ẩn nhẫn. Ông không phải kiểu người dễ dàng ra mặt chỉ vì muốn lấy được chiến công hay hư danh.

Dù sao nhân tài nước Ngụy khi ấy vẫn tương đối đông đảo, người có thể đảm nhiệm việc phạt Thục cũng không phải chỉ có một mình Tư Mã Trọng Đạt. Do đó một người khôn ngoan như ông cũng sẽ không dại dột biến mình thành kẻ đứng mũi chịu sào.

Chưa dừng lại ở đó, việc Thục Hán có thể tồn tại lâu hơn cũng được coi là một lợi thế đối với bản thân ông cùng gia tộc Tư Mã. Bởi Thục quốc còn thì Tào Ngụy sẽ dồn sự quan tâm của mình vào ngoại địch, từ đó sẽ giảm bớt sự đề phòng đối với Tư Mã Ý.

Nguyên nhân thứ ba: Yếu tố địa hình và lợi thế của Thục quốc

Theo phân tích của tờ báo nổi tiếng Trung Quốc Sina, một trong những nguyên nhân giúp Thục Hán vẫn an toàn trước những toan tính của Tư Mã Ý hay Tào Ngụy phần nào còn liên quan tới địa hình.

Đất Thục khi ấy được đánh giá là dễ thủ khó công, hơn nữa Tào Ngụy muốn tấn công thì buộc phải hành quân qua những địa hình hết sức hiểm trở.

Kể cả khi đã đến được biên giới hoặc tiến vào lãnh thổ Thục Hán, quân sĩ cũng sẽ mệt mỏi và suy giảm sức chiến đấu, quân Thục có thể dựa vào yếu tố này mà tranh thủ tấn công.

Hơn nữa, điều kiện địa hình nói trên còn gây ra cản trở đối với việc vận chuyển quân lương hay đem quân tiếp viện. Ngay cả khi Thục Hán không phải là đối thủ của Tào Ngụy thì thế lực này cũng có thể dựa vào địa hình địa lợi mà cố thủ.

Từ đó có thể nhận thấy việc đem quân truy kích hay tấn công Thục Hán vốn không thể giải quyết trong một sớm một chiều, ngay cả khi trụ cột đầu não của tập đoàn chính trị này là Gia Cát Khổng Minh đã qua đời.

 Vì sao ngay cả khi Khổng Minh qua đời, Tư Mã Ý vẫn không dám đụng tới Thục Hán? - Ảnh 4.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.

 

Rất có thể là bởi từ sớm đã nhìn ra những nguyên nhân nói trên, cho nên một Tư Mã Ý khôn ngoan đã quyết định bỏ qua "miếng mồi ngon" là Thục Hán để tiếp tục ẩn nhẫn, bảo vệ tính mạng cho bản thân và gây dựng căn cơ quyền lực của mình trong nội bộ Tào Ngụy.

Và nhờ vào quyết định thức thời này, Tư Mã Trọng Đạt cùng gia tộc của mình đã được xem là những kẻ chiến thắng cuối cùng sau những trận đấu tranh hùng thời Tam Quốc, để rồi tới năm 234 khi nhận thấy thời cơ phạt Thục đã chín muồi, Tư Mã Chiêu đã đem quân tiêu diệt tập đoàn chính trị này, hoàn thành dự định còn dang dở của cha mình năm xưa.

*Theo quan điểm của Sina


Theo Trần Quỳnh

Trí thức trẻ