Một người Mỹ sau khi khấu trừ nợ còn thu nhập 75.000 đôla vẫn được nhận 1.200 đôla trợ cấp thất nghiệp do Covid.
Luật sư Khanh, đang sống và làm việc tại Mỹ, chia sẻ bài viết về gói cứu trợ của Chính phủ Mỹ cho người dân và doanh nghiệp trong dịch Covid-19:
Việc Mỹ tung ra gói cứu trợ kinh tế cho người dân đã gây ra nhiều cuộc tranh cãi quanh việc người Mỹ tiếp cận lòng từ thiện và tính tham lam như thế nào. Các quan điểm kiểu Mỹ về vấn đề này là một lát cắt thú vị trong cuộc sống của người Mỹ mà thế giới ít được nhìn thấy.
Gói cứu trợ kinh tế cho người dân đầu tiên bao gồm 1.200 USD cho mỗi người. Thật ra thì những ai có thu nhập đã được điều chỉnh dưới 75.000 USD mới nhận được. Từ 75.000 USD tới 99.000 USD thì số tiền này giảm đi và sau 99.000 USD thì không có gì.
75.000 USD không phải chỉ là thu nhập ròng mà là thu nhập đã điều chỉnh (Adjusted Gross Income). Sau khi tính tổng thu nhập các khoản tiền đóng góp cho quỹ hưu trí, tiền trả lãi nợ sinh viên, một số khoản chi tiêu y tế nhất định, tiền chu cấp cho vợ chồng cũ cùng một số khoản chi tiêu khác đều được khấu trừ thì mới ra thu nhập đã được điều chỉnh.
Giả sử một người có thu nhập là 100.000 USD nhưng đã đóng góp 18.500 USD mỗi năm cho quỹ hưu trí, đồng thời trả lãi tiền nợ thời sinh viên là 5.000 USD mỗi năm, lại phải tiêu thêm 5.000 USD chi chi phí y tế thì thu nhập đã điều chỉnh chỉ còn 71.500 USD và người này được nhận đủ 1.200 USD. Tức là những người được nhận gói cứu trợ này rất nhiều.
Khoản tiền này có muốn không nhận cũng không được. Ai có khai số tài khoản ngân hàng với sở thuế, họ gởi thẳng vào ngân hàng, còn lại ngân phiếu (check) sẽ về tới tận nhà. Người thu nhập thấp nhận trước, ai thu nhập cao hơn nhận sau.
Nhiều ý kiến chỉ trích một số nhân vật nổi tiếng ở Việt Nam nhưng sống ở Mỹ và nhận được tiền cứu trợ trong gói này. Thật ra thì thu nhập của các nghệ sĩ Việt ở Mỹ không quá cao, mà cứ theo cách tính này thì những người độc thân không vướng bận với thu nhập lên tới trăm ngàn đôla còn có thể nhận được tiền cứu trợ, cho nên các nghệ sĩ cũng có thể nằm trong số đó.
Chính phủ chỉ yêu cầu, chứ không bắt buộc, là người dân phải chi xài cho hết khoản này. Nguyên vì tiền chính phủ cấp cho là để người dân chi tiêu, bơm tiền vào nền kinh tế để người khác có thể bán mua, chứ không phải để đó cho người dân ngắm chơi cho vui. Vì vậy ai không quá khó khăn nhưng nhận được tiền thì chỉ cần đi mua sắm tiêu xài thôi là chính phủ đã rất vừa lòng rồi.
Gói cứu trợ nhận được nhiều tranh cãi nhất ở Mỹ là gói cứu trợ cho các doanh nghiệp nhỏ. Gói này gần 500 tỷ USD, các doanh nghiệp có ít hơn 500 nhân viên và bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đều có thể xin được. Một số công ty có nhiều hơn 500 nhân viên cũng có thể xin cứu trợ nếu họ là doanh nghiệp uỷ quyền, kiểu như các chi nhánh của các chuỗi nhà hàng lớn.
Gói này vừa được tung ra thì trong vòng vài ngày đã cạn tiền. Vài ngày nữa thì các ngân hàng lớn đã bị kiện với cáo buộc là họ đã đưa đơn xin của các doanh nghiệp lớn lên trước, làm cho các doanh nghiệp nhỏ hơn không kịp xin được tiền. Số là các ngân hàng được cấp hoa hồng khi lo các thủ tục hành chính cho gói cứu trợ nên họ muốn các khách hàng lớn với khoản cứu trợ lớn được thông qua, hoa hồng cho ngân hàng cũng to ra.
Shake Shack, một chuỗi nhà hàng có giá trị lên tới 1,6 tỷ USD, được cấp 10 triệu USD trong gói cứu trợ này. Arby’s, một chuỗi nhà hàng khác, cũng bị cho là nhận được hàng triệu đôla, trong khi các nhà hàng nhỏ với qui mô không quá vài chục người cùng bao nhiêu doanh nghiệp nhỏ khác thì trắng tay ra về.
Trước sự giận dữ của dư luận, Shake Shack trả lại tiền, còn mấy chuỗi to đùng khác thì không nghe nói tới. Chính phủ Mỹ phải tăng thêm tiền cho gói này, các ngân hàng bị kiện thì phải huy động toàn bộ nhân viên làm việc suốt ngày đêm để giải quyết mớ đơn chất chồng của doanh nghiệp nhỏ.
Cách đây một năm tôi có người bà con từ Việt Nam sang thăm Mỹ. Một lần đưa chị đi chơi ở một khu nghèo nàn trong thành phố, chị hỏi vì sao ở đây nhà cửa có vẻ hơi tồi tàn và đường sá có vài cái ổ gà. Tôi nói rằng đây là khu ổ chuột.
Chị ấy nói rằng là ổ chuột của các thành phố lớn trên thế giới coi ghê lắm mà, cái này mà cũng là ổ chuột sao. Quá buồn cười nên tôi phán luôn rằng, chuột Mỹ thì nó cũng phải khác chuột ở mấy chỗ khác chứ.
Vậy đó, những vấn đề đạo đức trong kinh tế của Mỹ cũng xảy ra, nhưng nó diễn ra theo những chiều hướng khác hẳn so với những nền kinh tế nhỏ hơn. Ở đó có những kẻ giàu có hớt tay trên gói cứu trợ của người nghèo hơn, nhưng mà nó thường diễn ra ở quy mô doanh nghiệp. Còn người dân thì đỡ hơn, nhưng cái sự đỡ hơn này vẫn phụ thuộc vào khả năng chịu đựng của túi tiền chính phủ Mỹ.
Khanh
Theo Vnexpress