Ở nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam, cộng đồng Hoa kiều đều tồn tại và phát triển vượt bậc về kinh tế.
Theo một bài phỏng vấn trên Nhật báo Nikkei, Zhuang Guotu, Giáo sư danh dự Đại học Hạ Môn, chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu vai trò của người gốc Hoa với kinh tế Trung Quốc cho biết, số người Trung Quốc sống ở nước ngoài, bao gồm cả những người đã đổi quốc tịch, là khoảng 60 triệu và hầu hết chủ yếu tập trung ở Đông Nam Á.
Con số này tiếp tục tăng thêm cùng với lượng lớn du học sinh. 60 triệu người tương đương với dân số quốc gia đông dân thứ 25 trên thế giới và họ sở hữu số tải sản tương đương quốc gia đứng ở vị trí thứ 8.
“Điều đó cho thấy, những người này có thể tạo ra ảnh hưởng tương tự một quốc gia phát triển. Chúng tôi ước tính họ sở hữu hơn 2,5 ngàn tỷ USD”, theo Giáo sư Zhuang Guotu.
Hoa kiều và những đế chế kinh doanh
Tại Thái Lan, người Hoa chiếm 10% dân số, nhưng chiếm trên 90% vốn của các doanh nghiệp và trên 50% vốn của ngành ngân hàng. Những ngân hàng quy mô lớn của người Hoa ở Thái Lan có thể kể đến như Ngân hàng Thái Kinh, Ngân hàng Nông dân Thái Hoa, Ngân hàng điện tín Châu Á, Ngân hàng Băng Cốc, Ngân hàng Hoa Thái, Ngân hàng thương mại Viễn La. Thậm chí, nhiều người gốc Hoa từng làm lãnh đạo cấp cao trong chính phủ Thái Lan như cựu Thủ tướng bị lật đổ Thaksin. Người gốc Hoa cũng chiếm một tỉ lệ đáng kể trong chính phủ Thái Lan.
Là một cộng đồng thiểu số chỉ chiếm 2% dân số Philippines, nhưng các doanh nhân gốc Hoa đang kiểm soát một nửa nền kinh tế của quốc gia này. Cũng có người gốc Hoa từng làm Tổng thống Philippines như cựu Tổng thống Acquino.
Theo South China Morning Post, một trong những doanh nhân Philippines gốc Hoa có ảnh hưởng nổi bật trong quan hệ giữa Manila và Bắc Kinh là tỷ phú Lucio Tan, người sở hữu khách sạn Century Park ở Manila, nơi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phái đoàn cấp cao đã lưu trú trong thời gian sang Philippines dự hội nghị thượng đỉnh APEC năm 2015.
Đế chế kinh doanh của Lim Tua-co, một tướng quân đội nhà Mãn Thanh đã sang Philippines làm ăn và thành lập nhà máy chưng cất lâu đời nhất tại quốc gia này ngày nay được biết đến với thương hiệu Destileria Limtuaco, là một trong những câu chuyện thành công của Hoa kiều ở Philippines. Trong năm 1850, Lim tuo-co rời quê nhà của mình ở Hạ Môn, Phúc Kiến và đi tàu sang Philippines, mang theo công thức gia truyền bí mật về rượu thuốc.
Ông đã xây dựng một nhà máy chưng cất ở Phố Người hoa (China Town) ở Manila và hoạt động kinh doanh của mình phát triển nhanh chóng khi người dân địa phương chấp nhận các loại thuốc bổ đến từ Trung Quốc. Công ty này cũng sản xuất các loại rượu whisky, brandy, rượu thảo mộc bên cạnh rượu thuốc. Thông qua mô hình quản lý và tiếp thị, doanh nghiệp gốc Hoa này tiếp tục phát triển lớn mạnh trong thế hệ thứ 3, thứ 4.
Cojuangco (họ Hứa) là một trong những gia tộc mạnh nhất và có ảnh hưởng, kiểm soát một số ngân hàng và công ty thương mại lớn tại Philippines. Thế hệ đầu tiên của gia tộc Cojuanco, Kho Kuan-coo, ông tổ của cựu Tổng thống Corazon Cojuangco Aquino là một thợ mộc đến từ Phúc Kiến.
Tại Malaysia, người Hoa kiểm soát gần hết những huyết mạch kinh tế của nước này. Vì vậy, địa vị và quyền lợi của người Hoa rất lớn trên chính trường cũng như trong kinh doanh, giáo dục.
Tại Singapore, do người Hoa chiếm tới 80% dân số, nên họ kiểm soát tất cả các mặt của đất nước từ chính quyền nhà nước tới các doanh nghiệp.
Ở Việt Nam, người Hoa tham gia vào nhiều lĩnh vực kinh tế, tập trung chủ yếu vào các hoạt động tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ, thậm chí cả ở lĩnh vực khác như bất động sản và tài chính.
Theo thống kê top 100 người giàu nhất sàn chứng khoán hiện nay có tới hơn 10 doanh nhân là người gốc Hoa. Những gia tộc Hoa kiều nổi tiếng ở Việt Nam là những người tạo nên những thương hiệu quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam như Kinh Đô, Thiên Long, Minh Long, Biti’s, Thành Thành Công,...
Dẫn đầu trong nhóm người gốc Hoa giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam hiện nay là doanh nhân Trần Lệ Nguyên, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Kinh Đô (Kido) - được biết đến là "vua bánh kẹo" ở Việt Nam. Gần đây Kido còn thao túng thị trường dầu ăn thông qua việc mua lại 51% cổ phần tại Tổng Công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex), và 65% cổ phần tại Dầu Tường An.
Tập đoàn Kido được sáng lập bởi nhóm cổ đông là 2 cặp vợ chồng gồm: ông Trần Kim Thành và vợ là Vương Bửu Linh; ông Trần Lệ Nguyên và vợ là Vương Ngọc Xiểm, cả 4 người đều là doanh nhân gốc Hoa, và một thành viên khác là ông Wang Ching Hua. Các thành viên trong ban điều hành cũng đều là người nhà của Chủ tịch và Tổng giám đốc.
Doanh nhân gốc Hoa nổi tiếng tại Việt Nam phải kể đến là ông Trầm Bê và Đặng Văn Thành – hai tên tuổi gắn liền với lịch sử của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thường Tín (Sacombank).
Từ cuối thập niên 1980, hai vợ chồng ông Đặng Văn Thành bắt đầu khởi nghiệp với cơ sở sản xuất cồn, CO2 và mật rỷ đường. Nếu tên tuổi bà Ngọc gắn với ngành mía đường và Thành Thành Công thì ông Đặng Văn Thành gắn liền với ngành ngân hàng và là “cha đẻ” của Ngân hàng Sacombank. Hiện tập đoàn Thành Thành Công đang chuyển giao quyền lực cho thế hệ thứ 2 là bà Đặng Huỳnh Ức My - cũng là một trong những tỷ phú gốc Hoa trên sàn chứng khoán Việt hiện nay.
Gia đình họ Đặng trước đây là cổ đông sáng lập ngân hàng Sacombank trước khi bị thâu tóm bởi nhóm cổ đông ngân hàng Phương Nam do ông Trầm Bê đứng đầu.
Ông Trầm Bê vốn dấn thân vào con đường kinh doanh và đã tạo nên một đế chế vững mạnh trong nhiều lĩnh vực. Sau khi đạt được không ít thành công, vào năm 2004, đại gia gỗ và bất động sản Trầm Bê dù không có nghề ngân hàng nhưng nhờ có tiền đã trở thành thành viên HĐQT Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank) và sau đó sáp nhập vào ngân hàng Sacombank.
Mới đây, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) Bộ Công an vừa ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với Trầm Bê về hành vi “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” khi ông giữ chức Phó chủ tịch Sacombank. Dù đang vướng vào vòng lao lý, ông Trầm Bê vẫn được xem là một trong những doanh nhân gốc Hoa thành công khi tạo được đế chế của riêng mình.
Biti’s được gia đình doanh nhân gốc Hoa Vưu Khải Thành thành lập từ những năm đầu thập niên 80. Thập niên 90, Biti’s là thương hiệu nổi tiếng thậm chí còn thành công khi tấn công thị trường Tây Nam Trung Quốc với sản phẩm chất lượng, có giá cả phải chăng.
Vốn là người gốc Hoa, ông Thành khá am hiểu tính cách, sở thích của người Trung Quốc đi bộ nhiều nên ưu tiên lựa chọn sản phẩm bền, giá cả phải chăng. Kết quả là thương hiệu này hiện diện khắp nới từ Vân Nam, Trùng Khánh, Quảng Tây, Quảng Đông,… đến cả Bắc Kinh, Thượng Hải.
Hiện nay Biti’s đang có sự trở mình phù hợp với xu hướng trẻ và mới đây là cơn bão Biti’s Hunter. Đứng sau thay đổi của Biti’s là bóng dáng của Vưu Lệ Quyên, Phó tổng giám đốc Biti’s. Vưu Lệ Quyên là một trong ba người con của doanh nhân Vưu Khải Thành. Người con gái thứ trong gia đình Biti’s là Vưu Lệ Minh cũng làm việc tại công ty được 5 năm.
Được mệnh danh là công ty gốm sứ số 1 Việt Nam, Minh Long là thương hiệu lớn không chỉ ở Việt Nam mà còn gây tiếng vang trên thế giới. Thành lập từ năm 1970 bởi doanh nhân gốc Hoa Lý Ngọc Minh và một người bạn, sản phẩm Minh Long hiện đã có mặt tại nhiều quốc gia.
Năm 1990, Minh Long là một trong những doanh nghiệp dân doanh nhận được giấy phép xuất khẩu đầu tiên và liên tiếp 5 năm sau tỷ trọng hàng xuất khẩu chiếm tới 98% sản lượng.
Hiện bốn người con của ông là Lý Huy Sáng, Lý Huy Đạt, Lý Khả Trân, Lý Huy Bửu đều tham gia vào các hoạt động điều hành của Minh Long.
Vì sao Hoa Kiều luôn thành công?
Nếu người Do Thái được đánh giá là những thiên tài trong lĩnh vực học thuật và hoạt động trí tuệ, thì người Hoa nói chung và người Trung Quốc nói riêng lại vô cùng xuất sắc trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh hay mua bán.
Ở nhiều quốc gia trên thế giới, cộng đồng Hoa kiều đều tồn tại và phát triển vượt bậc về kinh tế so với lớp dân bản địa cùng thời kì. Thậm chí, ở một số quốc gia, trong đó có cường quốc số một thế giới là Mỹ, người Hoa đã thành lập một cộng đồng Hoa Kiều riêng với tên gọi là China Town. Nhìn cách thức mà những người Hoa lập nên các China Town (Phố Người hoa) trên khắp thế giới, người ta có thể suy ra phần nào bí quyết kinh doanh thành công của Hoa kiều.
China Town thoạt đầu chỉ là nơi những người Hoa đầu tiên di cư đến đó tập hợp lại với nhau để cùng sinh sống và phát triển. Người Hoa rất tôn trọng sức mạnh của bang hội và có tính cộng đồng cực kì cao. Khi dư cư đến một đất nước xa lạ, người Hoa sẽ tìm nơi có nhiều đồng hương nhất để sinh sống, thay vì tìm nơi người khác nhận định là tốt nhất để sống.
Trong kinh doanh đầu tư mua bán cũng vậy, những người bán cùng một loại hàng hóa thường tập trung mua bán ở gần nhau và thành lập các bang hội nhằm duy trì, bảo vệ, cũng như để nâng đỡ, tạo cơ hội cho tất cả mọi người đều có thể gây dựng sự nghiệp riêng. Thay vì cạnh tranh, họ chọn cách đoàn kết. Đoàn kết để cùng sống và phát triển. Bằng cách này, họ tạo thành một lực lượng hùng mạnh giữa một đất nước xa lạ và thậm chí dần dần chiếm cứ độc quyền được một lĩnh vực hay một loại sản phẩm nào đó.
Cho đến nay, khái niệm bang hội trong các China Town hầu như đã rất phổ biến. Nó cũng trở thành một nét văn hóa rất riêng biệt của China Town và không ít lần có mặt trong các bộ phim nói về giới Hoa kiều khắp thế giới.
Một yếu tố khác giúp người Hoa thành công trên đất khách chính là tính chăm chỉ cần kiệm. Vì được giáo dục như thế từ khi còn rất nhỏ, người Hoa không ngại khó, ngại khổ, không bao giờ ngại làm các công việc bị cho là thấp hèn. Chính tại Việt Nam, vào những thập niên đầu thế kỉ 20, rất nhiều tấm gương Hoa kiều làm giàu từ gánh ve chai hay gánh hàng rong rất nhỏ đã trở thành giai thoại. Cho đến hôm nay, địa danh Sài Gòn Chợ Lớn đã trở thành một phố China Town tại Việt Nam.
Người Hoa cũng rất tôn trọng quy tắc “nghề gia truyền”. Những người theo nghề thương luôn giấu nhẹm các mối quan hệ đối tác làm ăn cùng kỹ năng buôn bán. Sổ ghi danh sách đối tác làm ăn luôn được bảo mật. Quan hệ mối lái, giao thương được giấu kín.
Họ làm điều này là có cái lý của họ, họ đã rày công mò mẫm công thức để có bí quyết riêng thì có quyền giấu và truyền lại đời con cháu họ. Người làm ra công thức cũng có quyền không truyền lại cho người thân. “Mất lòng trước đặng lòng sau mà”, nhờ vậy mà họ giàu truyền đời và đối tác luôn ráng duy trì hợp tác duy trì chữ tín với họ. Đó cũng là một phần lý do vì sao hầu hết những đế chế kinh doanh của Hoa kiều đều là những công ty, tập đoàn mang tính "gia đình trị".
Theo Thy Thảo/Nhà Đầu tư