Những người cầu toàn thường đặt ra những tiêu chuẩn tuyệt đối với mọi việc. Sự hà khắc với chính bản thân khi mọi thứ không như những gì mà họ mong muốn đôi khi lại không phải là ưu điểm nếu họ khở nghiệp hay làm lãnh đạo.
Một người cầu toàn thường đặt tiêu chuẩn rất cao cho những việc họ làm. Nếu ở vị trí nhân viên, họ coi trọng trách nhiệm của mình và đảm bảo không bao giờ bàn giao một công việc mà chưa kiểm tra lại kỹ càng mọi chi tiết dù là nhỏ nhất. Tuy tính cách này đôi khi có thể gây ra sự khó chịu cho đồng nghiệp nhưng về cơ bản nó là cần thiết nếu muốn có một vị trí vững chắc.
Nhưng liệu những người như thế có thực sự phù hợp khi lên vị trí quản lý doanh nghiệp? Quá cầu toàn, hoàn hảo đôi khi lại chính là điểm trừ khiến việc quản lý gặp khó khăn. Họ sẽ có một số cách làm việc/quản lý khá cực đoan, ví dụ như:
- Tôi phải tự làm việc này
Những người cầu toàn luôn tin rằng chỉ có họ mới hoàn thành nhiệm vụ/dự án một cách hoàn hảo. Vì thế sẽ có 2 hướng xảy ra:
Nếu họ có một nhóm nhân viên có khả năng chuyên môn, họ sẽ giao việc cho họ nhưng giám sát chi tiết từng đường đi nước bước của nhân viên. Họ không thích đi đi thuê ngoài, vì họ muốn kiểm soát mọi khía cạnh của công việc và doanh nghiệp. Nếu không họ sẽ cảm thấy không an tâm.
Vấn đề ở đây là khi doanh nghiệp cần mở rộng, khối lượng công việc tăng lên, họ sẽ ngay lập tức rơi vào một mớ bòng bong những công việc cần giám sát. Thời gian lúc này không có đủ và rất nhiều nhiệm vụ sẽ bị lỡ deadline, đây đúng là một sự tra tấn đối với người cầu toàn.
Giải pháp cho vấn đề này không hề dễ dàng. Cần phải chấp nhận rằng, không một ai trong bộ máy doanh nghiệp có thể ‘hoàn hảo’ cả. Nếu cần thiết phải chỉ ra một bộ phận như thế thì đó nên là ở phòng kế toán. Hãy để những người cầu toàn bắt đầu từ vị trí thấp nhất, quản lý từ một người/một việc rồi mới dần phát triển lên, để họ có thời gian làm quen và thích nghi với công việc.
- Không dễ chấp nhận phản hồi tiêu cực
Người cầu toàn làm việc với suy nghĩ cho ra kết quả tốt nhất nên họ không dễ chấp nhận những phản hồi tiêu cực.
Nếu thông thường, chúng ta có xu hướng tìm kiếm những lời khuyên, góp ý để công việc được tốt hơn thì người cầu toàn cho rằng chỉ khi bản thân họ tập trung vào công việc thì nó mới cho kết quả tốt nhất. Họ có xu hướng làm việc độc lập, không quan trọng việc đó tốn bao nhiêu thời gian để hoàn thiện.
Một ví dụ điển hình của sự cầu toàn trong công việc chính là Steve Jobs. Ông muốn kiểm soát mọi khía cạnh của việc phát triển sản phẩm và yêu cầu mỗi nhân viên đều phải giải trình để ông phê duyệt trước khi có bất kỳ sự thay đổi nào trên sản phẩm.
Ông không ngừng tạo áp lực cho cả mình và nhân viên, điều đó dẫn đến sự cố bị đình chỉ công tác trong một thời gian tại Apple. May mắn thay, sau khi quay lại đế chế Apple, ông đã có một số thay đổi tích cực trong cách làm việc để không khí làm việc suôn sẻ hơn, đặc biệt là sau khi ông phát hiện bị bệnh.
“Tôi nghĩ vòng lặp phản hồi là một điều vô cùng quan trọng, nó giúp bạn nghĩ lại về những việc bạn đã làm và cách nào để thay đổi nó tốt hơn”, tỷ phú Elon Musk chia sẻ.
- Người cầu toàn có xu hướng trì hoãn
Nghe có vẻ không hợp lý nhưng sự thật là thế. Ở vị trí quản lý, bạn sẽ phải tiếp nhận nhiều nhiệm vụ mới, đơn cử như việc phát triển một sản phẩm/dịch vụ. Giống như rất nhiều người, chúng ta phải lên kế hoạch chi tiết từ nghiên cứu thị trường, khách hàng, đưa ra các mốc thời gian để ra mắt… Lúc này sự khác biệt giữa người cầu toàn và những người bình thường mới thấy rõ.
Đối với những người quản lý bình thường: Họ sẵn sàng cho ra mắt sản phẩm mẫu, thử nghiệm và cải tiến sản phẩm liên tục dựa vào những phản hồi trực tiếp từ khách hàng, thông qua nỗ lực của tiếp thị và bán hàng.
Trong khi đó, những người cầu toàn lại liên tục trì hoãn vì họ sợ bị từ chối, chê bai và thất bại. Sẽ luôn có một thứ gì đó cần phải sửa chữa, thay đổi và họ nhất định không thực hiện nếu chưa cảm thấy hài lòng. Bởi thế, sự trì hoãn rất thường xảy ra với những người quản lý cầu toàn.
- Người cầu toàn thường bị thiếu cân bằng trong cuộc sống
Vì suy nghĩ cái gì cũng phải đến tay mình mới tốt nên họ có xu hướng ôm đồm, tham công tiếc việc dẫn đến không có thời gian cho bản thân hay gia đình. Không những từ bỏ những thú vui trước đây, hạn chế tụ tập với bạn bè và người thân, họ còn có xu hướng bị căng thẳng và mất ngủ, mệt mỏi mãn tính vì luôn nghĩ đến công việc.
Công việc trở thành toàn bộ cuộc sống của người cầu toàn. Nhưng những giờ lao động liên tục, kết hợp với danh sách nhiệm vụ không bao giờ kết thúc và sự tụt dốc về sức khỏe thể chất cùng tinh thần sẽ sớm khiến họ kiệt sức. Nếu không được hồi phục kịp thời, họ dễ bị mất tập trung và hay quên – điều mà người cầu toàn không thể chịu đựng được.
“Tất cả là vì một cuộc sống chất lượng và tìm kiếm sự cân bằng hạnh phúc giữa công việc, bạn bè và gia đình”, quan điểm của Philip Green.
- Người cầu toàn dễ đánh mất sự sáng tạo
Một trong những thành phần quan trọng của khởi nghiệp thành công là tư duy sáng tạo và giải quyết vấn đề. Đây là cách các sản phẩm và dịch vụ mới được phát triển hoặc những sản phẩm hiện có được cải thiện cùng với các chiến lược tiếp thị mới và độc đáo được phát triển như thế nào.
Khi những người cầu toàn tập trung vào những nhiệm vụ đó và đối phó với nỗi sợ rằng mọi thứ sẽ không hoàn hảo, họ sẽ mất khả năng suy nghĩ “bên ngoài chiếc hộp”.
Mặc dù Steve Jobs là một người cầu toàn nhưng ông biết lùi lại đúng thời điểm để “mơ” về những gì có thể. Điều này đã đưa Apple lên tầm cao mới dưới sự lãnh đạo của ông, sau khi ông trở lại với một cách tiếp cận tinh thần mới.
Không phải là người cầu toàn thì không thể trở thành doanh nhân thành công, nhưng họ phải biết cách chấp nhận rằng “hoàn thành” cũng tốt hay thậm chí là tốt hơn cả “hoàn hảo”. “Hoàn thành” nghĩa là những sản phẩm/dịch vụ của ông ty được ra mắt, được tiếp cận với công chúng và các chiến lược tiếp thị bắt đầu cho thấy hiệu quả. Những khởi đầu thành công sẽ dẫn đến thay đổi hành vi của họ trong tương lai, bao gồm việc có thời gian dành cho gia đình và xã hội nhiều hơn.
Theo Minh An/Thời Đại