Thông tin Saudi Arabia muốn nâng tỷ lệ cổ phần sở hữu tại Tesla (Mỹ), công ty sản xuất xe điện cao cấp và nhà sản xuất tấm năng lượng mặt trời cũng như hệ thống trữ năng lượng bằng pin lithium-ion làm dấy lên những hoài nghi, nhưng đây có thể là kế hoạch để vương quốc dầu mỏ này đa dạng hóa nền kinh tế, giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn thu từ nhiên liệu hóa thạch.
Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman muốn xây dựng nền kinh tế nước nhà theo hướng đặt trọng tâm vào công nghệ. Ảnh: Reuters
Saudi Arabia muốn tăng tỷ lệ cổ phần ở Tesla
Tờ The Wall Street Journal ngày 13-8 dẫn các nguồn tin cho biết Quỹ đầu tư quốc gia Saudi Arabia (PIF) đang cân nhắc nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại Tesla so với mức nắm giữ gần 5% hiện nay. Các cuộc thảo luận giữa các quan chức Saudi Arabia về việc mua thêm cổ phần của Tesla đang tăng tốc sau khi Elon Musk, giám đốc điều hành Tesla, tiết lộ trên Twitter vào tuần trước rằng ông muốn đưa Tesla trở thành công ty tư nhân (không giao dịch cổ phiếu trên sàn chứng khoán) bằng cách huy động quỹ để mua lại toàn bộ cổ phần của Tesla trên thị trường chứng khoán với giá 420 đô la Mỹ/cổ phiếu. Mục đích của động thái này là để Tesla có thể tập trung vào chiến lược dài hạn, tránh được những xao nhãng do những biến động mạnh của giá cổ phiếu.
Ngay lập tức, câu hỏi được đặt ra là làm sao Musk có thể huy động nguồn tài chính khổng lồ ước tính khoảng 71 tỉ đô để mua lại toàn bộ cổ phiếu Tesla trên thị trường với giá 420 đô la/cổ phiếu.
Hôm 13-8, Musk tiết lộ thêm rằng ông đã thảo luận với PIF trong hai năm qua về kế hoạch đầu tư lớn vào Tesla để đưa Tesla trở thành công ty tư nhân. Musk khẳng định ông đã có cuộc họp với các đại diện của PIF hôm 31-7 và sau cuộc họp này, ông tin chắc rằng PIF sẽ thực hiện một thương vụ với Tesla. Ngoài ra, Musk cho biết ông cũng thảo luận với một số nhà đầu tư khác về kế hoạch đưa chuyển Tesla trở thành công ty tư nhân.
Các nguồn tin nắm rõ vấn đề cho biết trong những tháng gần đây, các lãnh đạo của PIF đã tiếp cận Tesla nhiều lần để thảo luận kế hoạch đầu tư vào Tesla.
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu PIF có chủ động đàm phán với Musk về kế hoạch đưa Tesla trở thành công ty tư nhân hay không và liệu PIF có đủ nguồn lực tài chính để làm như vậy không.
Elon Musk, giám đốc điều hành Tesla, muốn đưa Tesla trở thành công ty tư nhân bằng cách mời chào Saudi Arabia và các nhà đầu tư khác mua vào cổ phần của Tesla. Ảnh: Scottish Daily Mail
Đặt cược vào công nghệ
Một thương vụ của PIF với Tesla, nếu diễn ra, sẽ cho thấy rằng Saudi Arabia đang đặt cược lớn vào các công nghệ mới có thể tạo ra nguồn thu cạnh tranh với “cỗ máy in tiền” lớn nhất của Saudi Arabia hiện nay là dầu mỏ. Saudi Arabia thấy rõ rằng dự trữ dầu của nước này cuối cùng sẽ cạn dần và nhu cầu tiêu thụ dầu của xe cộ cũng sẽ giảm dần trong thế kỷ 21 khi xe điện ngày càng phổ cập.
Các dòng xe điện cao cấp của Tesla, nếu được sản xuất tại Saudi Arabia, có thể tiếp sức cho các dự án đầu tư công nghệ khác và tạo ra một nền tảng để xây dựng “Tầm nhìn 2030” cho Saudi Arabia, nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu mỏ, đa dạng hóa nền kinh tế, phát triển các dịch vụ công cộng như y tế, giáo dục, giải trí, du lịch, tăng giao thương hàng hóa ngoài dầu mỏ với các nước.
Cha đẻ của “Tầm nhìn 2030” là Thái tử Mohammad bin Salman, phó thủ tướng thứ nhất Saudi Arabia kiêm chủ tịch Hội đồng kinh tế và phát triển quốc gia Saudi Arabia.
SolarCity, công ty con của Tesla, là nhà cung cấp các tấm pin năng lượng mặt trời và các hệ thống trữ điện bằng pin lithium-ion.
Trong khi đó, Saudi Arabia đã công bố kế hoạch xây dựng dự án sản xuất điện mặt trời lớn nhất thế giới vào năm 2030 nhằm thay thế điện được sản xuất bằng dầu khí và tạo ra một trung tâm sản xuất tấm năng lượng mặt trời và pin lithium-ion ở Trung Đông. Tổng chi phí đầu tư cho dự án này lên đến 200 tỉ đô la.
Không chỉ hướng đến các dự án điện mặt trời và sản xuất xe điện, Saudi Arabia còn muốn xây dựng một thành phố thông minh trên sa mạc có tên gọi Neom với tổng vốn đầu tư 500 tỉ đô la được huy động từ PIF và các nhà đầu tư quốc tế. Thành phố này sẽ sử dụng năng lượng tái tạo và được vận hành bởi các robot trong các hoạt động như an ninh, chăm sóc người già, giao hàng... Nó sẽ là một đặc khu kinh tế được quản lý bằng luật lệ riêng. Các quan chức Saudi Arabia hy vọng dự án này sẽ trở thành thỏi nam châm thu hút đầu tư công nghệ và sáng tạo trên toàn cầu vào các lĩnh vực năng lượng tái tạo, xe tự lái, công nghệ sinh học, sản xuất kỹ thuật cao, truyền thông, giải trí...
Hồi đầu năm nay, Thái tử Mohammed bin Salman, người đứng đằng sau các dự án trên, đã có chuyến thăm Thung lũng Silicon ở bang California Mỹ để tìm kiếm các thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực công nghệ. Ông hy vọng sẽ thu hút được nguồn lực chuyên môn công nghệ đến vương quốc Saudi Arabia bằng cách mua cổ phần trong các công ty công nghệ nước ngoài. Ông đặt tầm nhìn đưa Saudi Arabia trở thành một nền kinh tế dựa vào công nghệ thay vì dầu mỏ. PIF xác định công nghệ là mảng đầu tư quan trọng và đã thực hiện nhiều thương vụ đầu tư vào các công ty công nghệ bao gồm khoản đầu tư 3,5 tỉ đô để mua cổ phần của hãng gọi xe Uber vào năm 2016.
Các nguồn tin cho biết gần đây, Thái tử Salman đã thúc đẩy các cuộc thảo luận nâng tỷ lệ cổ phần của PIF tại Tesla. Masayoshi Son, giám đốc điều hành tập đoàn đầu tư SoftBank khuyên PIF nên mua cổ phần của công ty chế tạo pin xe điện Contemporary Amperex Technology của Trung Quốc nhưng Thái tử Salman thích Tesla hơn vì đây là công ty Mỹ.
Saudi Arabia huy động tiền từ đâu?
Giới phân tích nhận định có nhiều cản trở tài chính đối với thương vụ nâng tỷ lệ cổ phần của PIF tại Tesla do PIF đang kẹt vốn, vì đã cam kết tài chính cho nhiều dự án đầu tư bao gồm 20 tỉ đô la cho một quỹ đầu tư cơ sở hạ tầng do công ty quản lý tài sản Blackstone (Mỹ) quản lý, 45 tỉ đô la cho Quỹ Tầm nhìn của tập đoàn đầu tư SoftBank (Nhật Bản), cũng như cam kết đầu tư vào dự án thành phố công nghệ Neom. Chính phủ Saudi Arabia đang muốn dựa vào tập đoàn dầu khí quốc gia Saudi Aramco để huy động các khoản vay hàng chục tỉ đô la để bơm vào PIF.
Lê Linh
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn