"Hiện tại có thể nói bất cứ dự án lớn nào tại châu Phi xây dựng các công trình cao hơn ba tầng lầu, làm đường dài hơn 3km đều được xây bởi Trung Quốc," Daan Roggeveen, nhà sáng lập công ty kiến trúc MORE Architecture cho biết. Nhiều nhà nghiên cứu đã lên tiếng cảnh báo đây là những bẫy nợ, một số còn cho rằng đây là chính sách thực dân kiểu mới của Trung Quốc.
Châu Phi hiện đang là khu vực phát triển nhanh thứ hai thế giới, theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Nhiều người tin rằng lục địa này sẽ nhanh chóng trở thành nền kinh tế trị giá 5.000 tỉ USD, với sức mua tăng 3,8% mỗi năm.
Dân số 1,1 tỉ người hiện tại của châu Phi dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050, nâng tổng số dân cư sống trong các đô thị nơi đây lên hơn 1,3 tỉ người. Châu Phi hiện đang là khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất thế giới, với dòng người dịch chuyển vào các đô thị vượt trội hơn cả Trung Quốc và Ấn Độ.
Sự chuyển đổi này là một thách thức, đồng thời cũng mang lại lợi ích to lớn cho những nước dám đầu tư hàng tỉ đô vào xây dựng cơ sở hạ tầng nơi đây. Không quốc gia nào nắm bắt cơ hội này mạnh mẽ như Trung Quốc hiện nay.
Trung Quốc đã trở thành tay chơi chính trong việc thúc đẩy quá trình đô thị hóa của châu Phi. Rất nhiều sáng kiến phát triển cơ sở hạ tầng của lục địa này đều được chống lưng bởi các doanh nghiệp hoặc các quỹ Trung Quốc.
"Hiện tại có thể nói bất cứ dự án lớn nào tại châu Phi xây dựng các công trình cao hơn ba tầng lầu, làm đường dài hơn 3km đều được xây bởi Trung Quốc. Điều này có thể nhìn thấy ở mọi nơi," Daan Roggeveen, nhà sáng lập công ty kiến trúc MORE Architecture cho hay.
Bước tiến mạnh mẽ của Trung Quốc vào châu Phi xảy ra trước cả khi sáng kiến Vành đai con đường (Trung Quốc đầu tư hàng tỉ đô la vào cơ sở hạ tầng ở các quốc gia dọc theo Con đường Tơ lụa ngày xưa) được chính thức công bố vào năm 2013.
Hiện tại Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi, với giá trị thương mại ước tính đạt 200 tỉ USD/năm. Theo McKinsey, châu Phi hiện có hơn 10.000 công ty Trung Quốc đang hoạt động. Hiện các doanh nghiệp này đang đầu tư khoảng 300 tỉ USD vào châu Phi.
Năm 2018, châu Phi cũng nhận gói cứu trợ 60 tỉ USD từ quốc gia tỉ dân. Gần đây Trung Quốc cũng chính thức ra mắt quỹ Vành đai con đường phát triển hạ tầng châu Phi trị giá 1 tỉ USD.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng chỉ ra: "Thiếu hụt cơ sở hạ tầng là nút nghẽn lớn nhất trong tiến trình phát triển của châu Phi." Các nước của châu lục này cần 130-170 tỉ USD/năm để đáp ứng nhu cầu phát triển hạ tầng, tuy vậy họ đang thiếu hụt 68-108 tỉ USD, theo ngân hàng Phát triển châu Phi. Trước đó châu Âu cũng từng cố gắng "trám" vào khe hở hạ tầng nói trên, và Trung Quốc là quốc gia tiếp theo mang tham vọng này.
Sự phát triển kinh tế thần kỳ của Trung Quốc đã khiến nhiều lãnh đạo châu Phi ấp ủ hy vọng Trung Quốc không chỉ mang nguồn lực, mà cả kinh nghiệm tới nước họ. Những dự án phát triển hạ tầng lớn nhất tại châu Phi, bao gồm đường xe lửa ven biển trị giá 12 tỉ USD ở Nigeria, tuyến đường sắt Addis Ababa–Djibouti trị giá 4,5 tỉ USD và cả khu vực kinh tế và cảng quy mô lớn tại Bagamoyo, đều đang được phát triển bởi các đối tác Trung Quốc.
Sự xuất hiện dày đặc của Trung Quốc rất dễ dàng lý giải: Nhiều nhà thầu châu Phi không đủ khả năng để phát triển các dự án lớn. "Nếu muốn xây dự án quy mô lớn, họ cần phải tìm kiếm các doanh nghiệp phương Tây hoặc Trung Quốc, và các công ty Trung Quốc luôn có thể giảm giá thành xuống," Zhengli Huang, chuyên gia nghiên cứu của đại học Sheffield cho biết.
Nhiều nước châu Phi hiện đang theo đuổi giấc mơ phát triển kinh tế, trong khi chôn vùi bản thân trong núi nợ từ các dự án phát triển hạ tầng. Tuyến đường sắt Addis Ababa-Djibouti ngốn hết gần 1/4 ngân sách năm 2016 của chính phủ Ethiopia.
Nhiều quốc gia khác còn lâm vào tính trạng bi đát hơn: Nigeria phải tái thương lượng với các nhà thầu Trung Quốc khi không thể trả nợ, dự án đường sắt nối Mombasa với Nairobi của Kenya, với 80% vốn đến từ Trung Quốc, đã bốn lần bị vượt ngân sách và khiến quốc gia này phải hy sinh 6% GDP của mình.
Năm 2012, Trung Quốc là chủ nợ của khoảng 15% nợ nước ngoài của châu Phi, theo IMF. Nhưng chỉ khoảng ba năm sau, 2/3 số nợ mới của châu Phi đều thuộc về Trung Quốc. Nhiều nhà nghiên cứu đã lên tiếng cảnh báo về những bẫy nợ, một số còn cho rằng đây là chính sách thực dân kiểu mới của Trung Quốc.
Vậy Trung Quốc được gì từ việc đổ vốn đầu tư vào châu Phi?
Trung Quốc cần châu Phi để ổn định kinh tế và chính trị về lâu dài. Hơn 1/3 lượng dầu và 20% vải sợi bông Trung Quốc tiêu thụ đều xuất phát từ châu Phi.
Châu Phi cũng đang sở hữu một nửa trữ lượng mangan (thành phần thiết yếu của sản xuất sắt) và cobalt của thế giới. Ngoài ra nguồn cung coltan (kim loại để chế tạo pin điện thoại, dây dẫn mạch điện tử) tại lục địa này cũng rất lớn.
Tuy vậy không hẳn mọi dự án của Trung Quốc tại châu Phi đều nằm dưới sự chỉ đạo của chính quyền ông Tập. Hầu hết các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đều đang hoạt động tại châu Phi vì mục tiêu lợi nhuận. Ngoài ra rất khó để có thể phân biệt được các doanh nghiệp Trung Quốc đang hướng tới mục đích thương mại, hay vì một chiến lược nào, đôi lúc là nhắm tới cả hai.
Việc các công ty xây dựng và IT của Trung Quốc thực hiện chiến lược quốc tế hóa, cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng để có thể khai thác và xuất khẩu tài nguyên châu Phi hiệu quả hơn vẫn là mối bận tâm lớn của chính phủ Trung Quốc. Vậy nên dẫu cho nhà nước Trung Quốc có chỉ đạo các dự án xây dựng hạ tầng hay không, sau cùng chúng vẫn phục vụ cho lợi ích địa kinh tế của cường quốc này.
Theo Forbes Vietnam