Vì sao Trung Quốc vẫn được xem là một nền kinh tế mới nổi?

04/12/2018 11:42

Là thị trường chứng khoán lớn thứ hai thế giới với số lượng người siêu giàu ngang ngửa với dân số Pháp, vì sao Trung Quốc vẫn chưa thoát khỏi danh xưng “nền kinh tế mới nổi”?

Vì sao Trung Quốc vẫn được xem là một nền kinh tế mới nổi?  - ảnh 1

Trong số 10 công ty đứng đầu chỉ số MSCI Emerging Markets Index, sáu công ty đều là của Trung Quốc, trong khi bốn công ty còn lại thuộc về bốn quốc gia khác nhau. Ảnh: Luke MacGregor/Bloomberg.

Morgan Stanley Capital International (MSCI), công ty chuyên xây dựng các chỉ số tham chiếu cho các nhà đầu tư, chính thức xếp Trung Quốc vào hàng ngũ các nền kinh tế mới nổi. Tuy nhiên quốc gia tỉ dân này là đất nước có tỉ trọng vốn hóa lớn nhất trong chỉ số MSCI Emerging Markets Index với tỉ lệ hơn một phần ba, gấp ba lần nước xếp thứ hai là Hàn Quốc. Trong số 10 công ty đứng đầu chỉ số MSCI Emerging Markets Index, sáu công ty đều là của Trung Quốc, trong khi bốn công ty còn lại thuộc về bốn quốc gia khác nhau.

Ngay cả trong danh sách các cổ phiếu loại A sẽ niêm yết trong vài năm tới, đa số trong số đó cũng là Trung Quốc. Tỉ lệ góp mặt cao nhất trong danh sách của các nước còn lại chỉ khoảng 5%.

Bên cạnh Mỹ, Trung Quốc là một trong những nước có nhiều tỉ phú nhất thế giới. Nhiều người có thể lí lẽ rằng đây sẽ là điều thường tình nếu mọi đất nước đều có 1,4 tỉ dân, nhưng đừng quên Ấn Độ cũng có 1,2 tỉ người và con số tỉ phú nơi đây vô cùng nhỏ bé so với Trung Quốc.

"Tầng lớp người tiêu dùng siêu giàu tại Trung Quốc có số lượng ngang ngửa với dân số Pháp," Stephan Kam, giám đốc sản phẩm của Schroders cho hay. Đến năm 2025, ước tính con số này sẽ lên tới 117 triệu người. Những người này khi mua xe sẽ chỉ xem xét những chiếc siêu xe từ tầm cỡ Audi A4 trở lên. "Đây là một điều thật sự tầm cỡ, bởi con số này tương đương với một nửa dân số Mỹ," Kam nhận xét.

Nhiều người tin rằng Trung Quốc sẽ có nhiều thành phố tầm cỡ thế giới góp mặt trong danh sách 50 thành phố hàng đầu hơn bất kì nền kinh tế mới nổi nào. PwC dự đoán đến năm 2025, 4 thành phố của Trung Quốc sẽ lọt vào tốp 50, 8 thành phố sẽ lọt vào tốp 100, ngang ngửa với Ấn Độ, nhưng vẫn còn một chặng đường dài để theo kịp Mỹ, bởi quốc gia này có tới 23 thành phố góp mặt trong tốp 100.

"Trung Quốc đang ở một đẳng cấp khác hẳn," Brendan Ahern, CIO của KraneShares, nhận định.

"Trung Quốc vẫn bị xem là một nước mới nổi vì GDP bình quân đầu người của họ vẫn còn khá thấp," Janet Mui, chuyên gia kinh tế toàn cầu của Cazenove Capital và là nhà cựu phân tích của Citibank Hồng Kông, giải thích.

GDP bình quân đầu người của Trung Quốc hiện đang ở mức khoảng 9.000 đô la Mỹ. Tại Bắc Kinh, chỉ số này là 17.000 đô la Mỹ, cao hơn so với thủ đô Brazil (11.000 đô la Mỹ) và thấp hơn Moscow (50.000 đô la Mỹ). Tuy vậy GDP bình quân đầu người tại Macau lại chạm ngưỡng 80.000 đô la Mỹ, xấp xỉ với Boston, cái nôi của những trường đại học hàng đầu thế giới như Havard hay MIT.

Nhìn về mặt tích cực, GPD đầu người tại các đô thị loại một vẫn còn thấp đồng nghĩa với dư địa phát triển vẫn còn rộng lớn. PwC dự đoán chỉ số này sẽ tăng trung bình hơn 6,5% trong khoảng thời gian từ nay cho tới năm 2025, sẽ vượt hơn hẳn Sao Paulo và Moscow và ngang hàng với Ấn Độ.

Bên cạnh đó, tỉ lệ tăng trưởng kinh tế đạt mốc 6% trở lên mỗi năm chính là yếu tố đưa Trung Quốc vào nhóm các nước đang phát triển. Quốc gia này vẫn còn đang tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng mới. Thủ phủ Bắc Kinh vẫn đang đập bỏ những tòa biệt thự cổ và xây nên những tòa nhà cao ốc chọc trời.

Vì sao Trung Quốc vẫn được xem là một nền kinh tế mới nổi?  - ảnh 2

 Thủ phủ Bắc Kinh vẫn đang đập bỏ những tòa biệt thự cổ và xây nên những tòa nhà cao ốc chọc trời. Ảnh: Qilai Shen/Bloomberg.

Nhìn lại lịch sử, Trung Quốc đã trải qua hai thập kỉ phát triển kinh tế thần kì. Người dân của một quốc gia từng một thời sống với thu nhập một đô la Mỹ mỗi ngày nay giờ đây đang đi lại bằng những đoàn tàu cao tốc nhanh nhất thế giới, sử dụng những chiếc điện thoại hiện đại và lái những chiếc xe hơi tân tiến. Đất nước này còn đang tiến hành đầu tư vào những lĩnh vực công nghệ mang tính cách mạng như trí thông minh nhân tạo, điều mà chỉ những quốc gia phát triển như Mỹ, Canada hay châu Âu mới đủ nguồn lực thực hiện.

Thời điểm kinh tế Trung Quốc thực sự bức phá chính là sau khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới WTO vào năm 2001. WTO đã mở đường cho dòng chảy đầu tư, xuất khẩu và ngoại tệ ồ ạt đổ vào nước này. Các nước phát triển như Mỹ khi ấy nhận ra Trung Quốc sở hữu tất cả những gì mà một xưởng gia công lý tưởng cần: nguồn lao động giá rẻ và dồi dào, luật định vẫn còn hết sức hạn chế và yếu kém, nhất là các bộ luật lao động và môi trường. Tất cả những yếu tố kể trên, cộng với tinh thần làm giàu của các doanh nhân Trung Quốc, đã tạo đà phát triển vượt trội cho Trung Quốc và khiến "phép màu phát triển kinh tế" xảy ra.

Trung Quốc hiện đại nay đã khác trước. Luật pháp ngày càng nghiêm ngặt hơn, buộc dây chuyền sản xuất tại đất nước tỉ dân dần được tự động hóa để tránh vi phạm luật lao động, đồng thời chuỗi cung nơi đây bắt đầu được dời sang các quốc gia nghèo hơn, chẳng hạn như Việt Nam.

Bắc Kinh hiện cũng đang gánh chịu hậu quả nặng nề về ô nhiễm môi trường do các ngành công nghiệp sản xuất gây nên. Điều này đe dọa nghiêm trọng tới sức khỏe của người dân nơi đây.

Các công ty Mỹ cũng bắt đầu e ngại với việc cạnh tranh trên thị trường Trung Quốc, bởi lẽ cuộc chơi nay đã không còn công bằng. Đơn cử như vụ việc X Box và PlayStation đã bị cấm cửa khỏi quốc gia này mãi cho đến năm 2014. Khi hạn cấm kết thúc, người tiêu dùng Trung Quốc đã quá quen thuộc với game trên điện thoại di động và máy tính bàn và không còn màng tới các thiết bị chuyên chơi game nữa.

Theo Forbes Việt Nam