Phó Cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình, Bộ TT-TT xác nhận, theo báo cáo của doanh nghiệp sở hữu Zalo, công ty này có cổ phần nước ngoài và điều đó phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam. Nếu sở hữu nước ngoài có yếu tố nhạy cảm, Bộ TT-TT luôn phối hợp cùng Bộ Công an để theo dõi, kiểm soát.
Đây là một nội dung làm nóng cuộc họp báo Chính phủ tối 1/8/2019.
Tại cuộc họp báo, một phóng viên nêu nghi vấn, gần đây, dư luận dấy lên nghi ngại việc có yếu tố Trung Quốc đứng đằng sau các doanh nghiệp can thiệp vào báo chí trong nước. Giải pháp nào chặn trước nguy cơ này?
Trao đổi về nội dung này, Trung tướng Lương Tam Quang – Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an khuyến khích: “Nếu có thông tin, đề nghị phóng viên cung cấp cho công an. Còn hiện tại, chúng tôi chưa có thông tin nào về “yếu tố Trung Quốc can thiệp vào báo chí trong nước” và chúng tôi cũng không hiểu “can thiệp” ở đây là như thế nào”.
Theo dõi, kiểm soát mạng xã hội có yếu tố nước ngoài nhạy cảm
Vấn đề được mở rộng hơn với chuyện Zalo chỉ được cấp phép cung cấp dịch vụ OTT nhưng lại hoạt động như một mạng xã hội nên mới đây cơ quan chức năng đã yêu cầu thu hồi hai tên miền Zalo.vn và Zalo.me. Hiện Zalo có hơn 100 triệu tài khoản, nhiều tỉnh, thành còn đang sử dụng Zalo trong việc cung cấp dịch vụ hành chính công. Trong khi đó, nhiều nguồn tin cho rằng đơn vị sở hữu Zalo đang chịu ảnh hưởng của một nhà đầu tư Trung Quốc. Ý kiến của các cơ quan quản lý về vấn đề này?
Câu hỏi được chuyển tới Phó Cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình, Bộ TT-TT Lê Quang Tự Do. Phó Cục trưởng đáp, quan điểm chung của Bộ TT&TT là, các doanh nghiệp trong và ngoài nước khi hoạt động kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam phải tuân thủ theo quy định của pháp luật Việt Nam. Bộ TT-TT đang đấu tranh quyết liệt đối với các nền tảng cung cấp dịch vụ trên Internet xuyên biên giới khi vào Việt Nam. Việc này cũng phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam.
Ông Tự Do thông tin về trường hợp Zalo, ngay từ đầu khi phát triển, Zalo là một ứng dụng tin nhắn OTT, không cần phải cấp phép. Theo thời gian phát triển, Zalo phát triển thêm nhiều tính năng khác và trở thành một siêu ứng dụng, trong đó có tính năng mạng xã hội.
“Tính năng mạng xã hội này của Zalo mới đầu chỉ thử nghiệm và giới hạn trong phạm vi những người sử dụng Zalo. Thời gian gần đây, qua theo dõi, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng với Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM phát hiện Zalo đã cung cấp dịch vụ mở rộng và đúng nghĩa là một mạng xã hội. Chúng tôi đã lập biên bản, xử phạt hành chính và yêu cầu Zalo phải xin cấp phép” – ông Tự Do nói.
Phó Cục trưởng Cục Phát thanh – Truyền hình cũng nhấn mạnh, thực hiện việc xử phạt nghiêm minh nhưng cũng cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội để phát triển. Với sự cạnh tranh của doanh nghiệp công nghệ nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước đang gặp nhiều khó khăn. Bộ TT-TT đã để cho Zalo một khoảng thời gian doanh nghiệp hoàn tất các thủ tục nộp hồ sơ xin cấp phép. Hiện Zalo đã nộp hồ sơ xin cấp phép.
“Về vấn đề yếu tố Trung Quốc đứng đằng sau Zalo, theo báo cáo của đơn vị sở hữu Zalo, công ty này có cổ phần nước ngoài. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và doanh nghiệp đã công bố công khai trong báo cáo tài chính. Nếu sở hữu nước ngoài đó có yếu tố nhạy cảm, Bộ TT-TT luôn phối hợp cùng Bộ Công an để theo dõi, kiểm soát, nếu có vi phạm sẽ xử lý theo quy định của pháp luật” – Phó Cục trưởng Lê Quang Tự do khẳng định.
Cũng nêu ý kiến về vấn đề doanh nghiệp điều hành Zalo có cổ phần của nước ngoài, cụ thể là nhà đầu tư Trung Quốc, Chánh Văn phòng Bộ Công an nhấn mạnh, quan trọng là các doanh nghiệp này hoạt động trên đất nước Việt Nam phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam. Nếu có sai phạm thì công an sẽ xác minh, làm rõ và xử lý.
Trung tướng Lương Tam Quang cho biết: “Đến nay, qua theo dõi của chúng tôi thì chưa có tài liệu, chứng cứ chứng minh về ảnh hưởng của hoạt động này. Còn báo giới nếu có thông tin về sai phạm của những hoạt động này thì đề nghị cung cấp để chúng tôi xử lý theo quy định”.
theo Dân Trí